Hotline 24/7
08983-08983

Thoái hóa cột sống: Điều trị bằng phương pháp nào, làm sao giảm đau hiệu quả?

Những cơn đau do thoái hóa cột sống đôi khi rất dữ dội khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, giảm năng suất công việc. Phương pháp nào điều trị hiệu quả khi bị thoái hóa cột sống? ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh này.

1. Thoái hóa cột sống là gì?

Thưa BS, trước tiên xin BS nói cụ thể hơn về khái niệm thoái hóa cột sống để bạn đọc hiểu rõ hơn ạ!

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Thoái hóa cột sống là tình trạng suy giảm những thành phần trong cột sống. Cụ thể là suy giảm các thành phần như đĩa đệm, xương dưới sụn nằm trong cột sống dẫn đến tình trạng gây đau, giảm chức năng vận động của cột sống.

2. Triệu chứng nào cảnh báo thoái hóa cột sống?

Liệu thoái hóa cột sống có triệu chứng báo trước không ạ? Những dấu hiệu này có dễ nhầm lẫn với bệnh khác và làm sao để phân biệt?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Trong giai đoạn đầu, thoái hóa cột sống thường không có triệu chứng nhận biết. Khi chuyển sang giai đoạn trung bình hoặc giai đoạn sau thì tình trạng thường gặp nhất là đau lưng. Tuy nhiên, biểu hiện đau lưng lại không đặc hiệu và có thể nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác.

Chẳng hạn như đau lưng căng cơ do chúng ta ngồi lâu. Ngoài ra còn có các bệnh khác liên quan đến cột sống như trượt đốt sống, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, xẹp đốt sống do loãng xương cũng gây ra tình trạng đau lưng và biểu hiện này rất khó để phân biệt với thoái hóa cột sống.

3. Thoái hóa cột sống có mấy cấp độ?

Thưa BS, thoái hóa cột sống có những mức độ nào? Làm sao để người bệnh nhận biết được mình đang ở giai đoạn nào ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Thoái hóa cột sống được phân thành 4 cấp độ: độ 1, độ 2, độ 3 và độ 4, tùy vào tình trạng ghi nhận trên phim x-quang hoặc MRI.

Thoái hóa cột sống có tình trạng hiện diện trên hình ảnh học (MRI, X-quang) không tương quan với biểu hiện lâm sàng. Nghĩa là, nhiều trường hợp bị thoái hóa cột sống nặng nhưng thỉnh thoảng mới đau hoặc đau rất nhẹ. Ngược lại có những trường hợp thoái hóa cột sống nhẹ nhưng đau dữ dội, thậm chí đau đến mức không cử động được.

Vì vậy, việc phân loại chủ yếu trên hình ảnh học hơn là trên lâm sàng. Để phát hiện sớm, chủ yếu dựa vào dấu hiệu đau, khi thăm khám bác sĩ sẽ đề nghị những xét nghiệm, hình ảnh học.

4. Những ai dễ bị thoái hóa cột sống?

Thoái hóa cột sống thường liên quan đến lối sống. Vậy những công việc nào hay thói quen nào dễ gây ra tình trạng thoái hóa cột sống, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Thoái hóa cột sống do 2 nhóm nguyên nhân chính:

- Thứ nhất, do cột sống chịu lực quá lớn, kéo dài, thường gặp ở những người mang vác nặng, người thừa cân, béo phì.

- Thứ hai, do tư thế. Khi chúng ta ngồi có xu hướng hơi khom lưng, khiến áp lực lên phía trước cột sống nhiều hơn và dẫn đến tổn thương những cấu trúc phía trước cột sống, gây ra thoái hóa cột sống. Đó là cột sống thắt lưng.

Đối với cột sống cổ, các nghiên cứu chỉ ra, tình trạng này đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là từ khi xuất hiện laptop, smartphone. Trước đây, khi chỉ có PC, chúng ta còn ngồi thẳng lưng, song từ khi laptop, máy tính bảng xuất hiện phổ biến hơn thì càng xu hướng ngồi khom lưng nhiều hơn. Vì vậy, cổ sẽ bị cong, dẫn đến tình trạng thoái hóa cột sống cổ. Trước đây tình trạng thường xảy ra ở độ tuổi 40, nhưng hiện nay chỉ khoảng 30 đã có trường hợp mắc bệnh.

Giữa các khoảng thời gian làm việc, nên tập luyện nhẹ nhàng để ngăn ngừa thoái hóa cột sống (Ảnh minh họa)

5. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị thoái hóa cột sống

Chẩn đoán thoái hóa cốt sống như thế nào thưa BS? Căn bệnh này nên được điều trị ra sao?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Về chẩn đoán, ngoài việc thăm khám bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm hình ảnh học như x-quang. Trong một số trường hợp phức tạp, khó chẩn đoán, bệnh nhân có thể cần chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng (MRI). Hoặc một số trường hợp cần chụp CT-Scan cột sống thắt lưng.

Về điều trị, chủ yếu là bằng thuốc và thay đổi lối sống. Theo quan điểm của Hiệp hội Cột sống, việc điều trị bằng thuốc hiệu quả không cao, thường sử dụng trong giai đoạn cấp tính. Về lâu dài, chủ yếu là điều trị không bằng thuốc (thay đổi lối sống).

Trong đó, việc điều trị không bằng thuốc tập trung vào 2 vấn đề, thứ nhất là giảm cân đối với những người thừa cân, thứ hai là điều chỉnh tư thế. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần phải tập thể dục, đặc biệt là vùng lưng và cổ để cơ xung quanh cột sống khỏe lên. Nếu cơ khỏe sẽ giữ được tư thế lâu hơn, chẳng hạn như cơ lưng khỏe thì ngồi sẽ lâu mỏi hơn. Bộ môn yoga có rất nhiều bài tập cho cột sống, vì vậy tôi thường khuyến khích bệnh nhân tập yoga tại nhà hoặc đến trung tâm đều được.

Ngoài ra, khi chúng ta ngồi lâu, khoảng 1-2 tiếng thì nên tập nhẹ nhàng vùng lưng, ví dụ như xoay qua - xoay lại, nghiêng người để cơ lưng được thư giãn, giúp điều trị cũng như dự phòng thoái hóa cột sống.

6. Người bị thoái hóa cột sống, lạm dụng thuốc giảm đau, gây ra hậu quả gì?

Nhiều người vì không có thời gian tập thể dục, cải thiện lối sống, nhưng khi đau thì họ tự ý mua thuốc hoặc sử dụng lại toa thuốc cũ. Xin hỏi BS, những điều này gây ra hệ lụy thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Như tôi đã chia sẻ, việc điều trị chủ yếu là không dùng thuốc. Điều trị bằng thuốc chỉ dành cho giai đoạn cấp tính, giảm đau. Thuốc có nhiều tác dụng phụ, ví dụ như một số loại thuốc kháng viêm không steroid có thể làm gia tăng nguy cơ tim mạch, gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu não hoặc thậm chí gây suy thận.

Nếu chúng ta sử dụng không cẩn thận, đặc biệt là với những người đã có sẵn bệnh lý thận gây suy yếu thận, việc lạm dụng thuốc, không theo chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến hư thận. Hoặc một số nhà thuốc có thể kê corticoid, mặc dù có tác dụng giảm đau tốt nhưng gây ra nhiều tác dụng phụ, chẳng hạn như loãng xương, tăng đường huyết, tăng huyết áp.

Vì vậy, người bệnh nên đi khám với bác sĩ. Tùy cơ địa của mỗi người để kê toa thuốc, bên cạnh đó bác sĩ còn hướng dẫn các bài tập, tư thế sinh hoạt cho phù hợp. Như vậy mới điều trị tốt mà ít tác dụng phụ.

Việc phẫu thuật trong điều trị thoái hóa cột sống cũng rất hạn chế, không chỉ định rộng rãi.

7. Tập vật lý trị liệu mang lại lợi ích gì cho người bị thoái hóa cột sống

Tập vật lý trị liệu đóng vai trò như thế nào điều trị thoái hóa cột sống, thưa BS? Người đang bị đau có nên tập vật lý trị liệu?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tập vật lý trị liệu đối với thoái hóa cột sống là phương pháp khá hiệu quả. Tuy nhiên, vật lý trị liệu có nhiều liệu pháp khác nhau, có thể là tập cơ, chườm nóng, xung điện, sóng siêu âm… Ở các nước phát triển như châu Âu, châu Mỹ ngày nay họ cũng đưa vào châm cứu, bấm huyệt, massage… Trong đó, tập cơ là phương pháp tốt nhất. Những phương pháp còn lại giúp giảm đau, chứ không giúp giảm hoặc ngăn ngừa tình trạng thoái hóa khớp.

Khi bị đau sẽ rất khó để tập luyện, lúc đó người bệnh có thể massage, châm cứu, chườm nóng… để giảm đau trước và sau đó mới bắt đầu tập cơ. Bác sĩ chuyên về Vật lý trị liệu sẽ chỉ định cho từng giai đoạn, khi đã qua giai đoạn đau thì có thể tập tại nhà các bài tập vật lý trị liệu về cơ theo hướng dẫn.

8. Phòng ngừa thoái hóa cột sống như thế nào?

Cuối chương trình, nhờ BS đưa ra lời khuyên cho bạn đọc phòng ngừa thoái hóa cột sống hiệu quả nhất ạ!

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Để phòng ngừa thoái hóa cột sống chủ yếu là phải duy trì cân nặng ổn định. Cân nặng càng lớn thì thời điểm xuất hiện thoái hóa cột sống càng trẻ.

Bên cạnh đó, phải điều chỉnh tư thế. Mặc dù đây không phải là việc dễ thực hiện, nhưng tôi thường kê cho bệnh nhân các bài tập và khuyên người bệnh nên đặt đồng hồ 2 giờ một lần để đứng lên vận động, sau đó làm việc tiếp. Như vậy mới nhớ để tập luyện.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X