Hotline 24/7
08983-08983

Thiếu máu nhưng bác sĩ dặn hạn chế thức ăn giàu sắt là tại sao vậy AloBacsi?

Nhiều câu hỏi gửi đến AloBacsi được ThS.BS Võ Thị Tố Uyên giải đáp: vì sao thiếu máu nhưng phải kiêng thức ăn giàu sắt, đốt sùi mào gà có gây ra xuất tinh sớm hay không, rút chỉ khâu tầng sinh môn, tiên lượng ung thư tuyến giáp tế bào hurthle…

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

NỘI DUNG TƯ VẤN

Vì sao thiếu máu nhưng phải kiêng thức ăn giàu sắt?

- Zalo Trinh Thao

Mẹ mình có đi khám bệnh thì được chẩn đoán thế này nhưng hôm đó không được gặp bác sĩ nên mình xin tư vấn về bệnh này. Mình không hiểu thiếu máu nhưng lại không được ăn thức ăn giàu sắt là tại sao? Và mình thấy ghi “xem xét tủy” thì có nguy hiểm không ạ?

Kết quả khám bệnh bạn đọc Trinh Thao gửi AloBacsi

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào bạn,

Theo kết quả xét nghiệm thì mẹ của bạn có tình trạng thiếu máu hồng cầu to, nguyên nhân thường gặp là do thiếu vitamin B12 hoặc axit folic.

Vì mẹ của bạn không thiếu sắt, thậm chí dự trữ sắt trong cơ thể còn dư thừa nên không cần phải bổ sung thêm sắt. Lượng sắt quá thừa thải thậm chí còn gây hại.

Tuy nhiên, chỉ thông qua toa thuốc thì bác sĩ chưa biết rõ mẹ của bạn thiếu máu thật sự do nguyên nhân gì, có lẽ cần phải bổ sung vitamin và tái khám lại theo yêu cầu của bác sĩ điều trị để khảo sát thêm, bạn nhé!

Khâu tầng sinh môn rút chỉ muộn có sao không?

- V. Thị Duyên - 1411v...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em đẻ xong phải khâu 3 mũi được hơn 20 ngày mà vẫn chưa đi rút chỉ được thì bây giờ đi rút có muộn quá không ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào bạn,

Thông thường, chỉ khâu tầng sinh môn ở phụ nữ sanh thường là chỉ tự tiêu, tức là không cần phải cắt chỉ. Nếu được dặn dò cắt chỉ, bạn nên quay lại bệnh viện nơi thực hiện khâu để hỏi lại bác sĩ và kiểm tra, nếu sử dụng chỉ không tự tiêu thì phải cắt, nếu không chỉ sẽ trở thành dị vật của cơ thể và gây ra một số triệu chứng khó chịu, bạn nhé!

 

Tiên lượng ung thư tuyến giáp tế bào hurthle?

- Lê Vân - thutri...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi,

Tiên lượng đối với bệnh nhân K tế bào hurthle và đánh giá giai đoạn bệnh như thế nào ạ (giai đoạn 1 và 2)? Đánh giá giai đoạn bệnh có giống thể biệt hóa gồm thể nhú và thể nang không ạ? Em cảm ơn nhiều ạ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào bạn,

Ung thư tế bào hurthle là một dạng ung thư hiếm gặp của tuyến giáp. So với các loại ung thư tuyến giáp biệt hóa khác, K tế bào hurthle thường xâm lấn hơn, dễ di căn và tỷ lệ sống còn thấp hơn. Điều trị với iod phóng xạ thường ít có hiệu quả, tốt nhất vẫn là cắt rộng, lấy hết tế bào u.

Tỷ lệ tử vong của dạng ung thư này rất thay đổi, do mỗi nghiên cứu sử dụng hệ thống phân giai đoạn khác nhau, phụ thuộc nhiều vào tuổi bệnh nhân, kích thước khối u, độ lan rộng ngoài tuyến giáp, phân loại giải phẫu bệnh (adenoma hay carcinoma) và liệu pháp điều trị. Tỷ lệ tử vong chung ở 5, 10 và 20 năm lần lượt là 8%, 18% và 33%. Khi đã có di căn xa (giai đoạn trễ), tỷ lệ tử vong lên tới 65% (5 năm).

Về phân độ TNM (T là kích thước và sự lan rộng của khối u nguyên phát (primary tumor), N là mức độ lan rộng của ung thư vào hạch khu vực (regional nodes), M là có hay không có di căn xa (metastases)), khối u nhỏ hơn 2cm, không lan tràn ra khỏi tuyến giáp, không di căn hạch và không di căn xa là giai đoạn I. Nếu khối u trên 2cm với các đặc điểm trên thì được xếp vào giai đoạn II. Đôi điều chia sẻ cùng bạn.

Thân mến!

- Zalo V. T. Ánh Mai

Em bị té chống tay 8 tháng rồi. Thời gian đầu nẹp 1 tháng nhưng rồi phù nề và tràn dịch hạn chế vận động cổ tay, sau đó điều trị vật lý trị liệu, điện trị liệu và điều trị vận động thì giảm sưng nhưng cổ tay bên trụ vẫn đau xé.

Em đi vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị 4 đợt, mỗi đợt uống thuốc 1 tháng nhưng vẫn không  giảm.

Hiện tại cổ tay bên trụ đau xé, đau hơn khi vận động cầm nắm nhẹ. Cổ tay bên trụ đau căng lên ngón tay út và đau dọc lên cẳng tay bên trụ và thỉnh thoảng kèm theo tê nóng, đỡ đau hơn khi về đêm.

Vì vậy em gởi thông tin này mong bác sĩ tư vấn giờ em phải làm sao?

Kết quả chụp MRI của bạn Ánh Mai

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào em,

Theo như kết quả xét nghiệm mà em cung cấp thì tổn thương ở tay của em không phải quá nặng, không có tổn thương thần kinh hay teo cơ đi kèm.

Thuốc giảm đau mà em được kê toa cũng ở liều khá cao, nếu thật sự không đáp ứng thì bác sĩ rất lấy làm lạ.

Trường hợp này cần phải thăm khám trực tiếp để xem nhóm gân cơ hoặc vùng chi phối thần kinh nào thật sự là nguyên nhân gây ra đau. Hoặc cũng có thể do em tập vật lý trị liệu không đúng cách, làm cho tổn thương tái phát nhiều lần.

Tốt nhất là em tái khám trực tiếp chuyên khoa Thần kinh, nếu đúng theo các triệu chứng em mô tả, để bác sĩ đánh giá và kê toa phù hợp, em nhé!

 

- Nguyễn Văn Hạnh - nguyenvan...@gmail.com

Bác sĩ cho em xin hỏi ba của em 74 tuổi giờ ruột thòng xuống bộ sinh dục có mổ được không và đi bệnh viện nào, chỉ dùm em với!

Thông tin thêm: Bác sĩ ở quê em nói bị đứt cái màng gì ở hậu môn nên ruột mới thòng xuống.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào bạn,

Y học ngày càng phát triển và khả năng phẫu thuật ở bệnh nhân lớn tuổi hiện nay không còn là vấn đề lớn. Nếu là phẫu thuật chương trình, bác sĩ cần đánh giá chức năng hô hấp, tim mạch của bệnh nhân có đáp ứng được với cuộc mổ hay không, kiểm soát các bệnh nền hiện tại và lựa chọn phương pháp vô cảm thích hợp.

Do đó, bạn nên đưa người nhà tới cơ sở y tế uy tín, để bác sĩ kiểm tra, đánh giá cẩn thận và tư vấn trực tiếp tuỳ tình hình hiện tại nhé!

 

Đốt sùi mào gà có gây ra xuất tinh sớm hay không?

- Lê Thành Ph. - Phat.la...@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Em mới 20 tuổi và năm ngoái có bị nhiễm trùng tiểu và bị sùi mào gà, sau khi đốt lành và bác sĩ cho uống thuốc thì em có quan hệ tình dục nhưng cảm thấy bị xuất tinh sớm ạ, cứ cho dương vật vào trong được 1 phút là kiềm không được nữa.

Bác sĩ cho em hỏi nguyên nhân do nhiễm khuẩn đường tiểu hay do đốt sùi mào gà nên da mỏng và nhạy cảm hơn ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào bạn,

Xuất tinh sớm do nhiều nguyên nhân gây ra, đa phần ở người trẻ liên quan tới tâm lý như: căng thẳng, lo lắng hoặc do những kích thích quá độ mà làm cho người nam không thể tự điều khiển cảm xúc của mình.

Nhiễm trùng tiểu mạn tính có thể ảnh hưởng tới hoạt động sinh lý nam giới, gây ra xuất tinh sớm. Bạn có thể tái khám lại chuyên khoa Thận nếu có bất thường khác về đường tiểu. Trong trường hợp kết quả xét nghiệm và thăm khám bình thường có thể nhờ tới bác sĩ chuyên khoa Nam học để tìm nguyên nhân và điều chỉnh.

 

- Phan Anh Kiệt - theligh...@gmail.com

Em bị thấp khớp, đang điều trị, cho em hỏi là em có thể làm công việc như bưng bê phục vụ không ạ, vì em đang khó khăn, với lại em làm cũng không thường xuyên, tầm 1-2 tuần mới làm một buổi. Mong bác sĩ trả lời ạ!

Với lại em nên ăn uống thế nào ạ, vì sinh viên nên việc ăn uống không lành mạnh là việc thường xuyên. Thông tin thêm: rf = 44, dùng vinsolon hơn 2 tháng

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào em,

Đối với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, các hoạt động thể lực luyện tập thường xuyên với cường độ thích hợp giúp cải thiện chất lượng sống cũng như chức năng cơ bắp của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

Tuy nhiên, trong giai đoạn viêm cấp, các khớp đang bị tổn thương chưa ổn định thì cần tránh các hoạt động thể lực nặng, các hoạt động gây áp lực mạnh lên các khớp, hoặc nâng các vật nặng.

Hiện nay viêm khớp dạng thấp có thuốc điều trị hiệu quả với nhiều cách tiếp cận khác nhau, giúp phòng tránh được di chứng, tàn phế do bệnh. Em nên chủ động tới khám ở bệnh viện có chuyên khoa cơ xương khớp, có thể sử dụng thẻ BHYT cho sinh viên để được điều trị đúng. Không nên tự ý dùng visolon (là methylprednisolon) kéo dài, dễ dẫn tới tác dụng phụ không mong muốn.

Bệnh mạn tính và dai dẳng nên cần tái khám và giảm liều đúng cách, nếu làm thêm thì nên ở cường độ vừa phải, em nhé!

 

Điều trị lao phổi hơn 20 ngày vẫn còn sốt nhẹ?

- Vàng Thị L. - vangthi...@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Em được chụp CT, nội soi phế quản và chẩn đoán là bị lao phổi AFB âm tính. Trước lúc điều trị và nay đã điều trị được 22 ngày mà vẫn cứ sốt nhẹ. Em thấy mọi người cùng điều trị với em còn có triệu chứng nặng hơn cả em nhưng đã hết sốt. Mong bác sĩ tư vấn cho em với ạ,cảm ơn bác sĩ!

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào em,

Lao phổi là một bệnh nhiễm trùng đặc biệt, đòi hỏi thời gian điều trị kéo dài và thời gian để cơ thể có cải thiện cũng chậm hơn so với các nhiễm trùng khác.

Thời điểm 22 ngày em vẫn còn sốt nhẹ không phải là bất thường ở người điều trị lao, em nên theo dõi nhiệt độ hằng ngày và báo lại với nơi điều trị để có hướng theo dõi và xử trí thích hợp.

Thông thường sau khoảng từ 1-2 tháng mới có cải thiện rõ rệt, bao gồm hết sốt, tăng cân, ăn uống được, người bệnh cảm giác khỏe hơn...

Cơ địa và đáp ứng với thuốc mỗi người mỗi khác, em không nên quá lo lắng mà cần tuân thủ điều trị. Mặc dù có khả năng sốt còn do lao kháng thuốc nhưng trường hợp của em chưa đủ tiêu chuẩn để kết luận như vậy, em cần theo dõi thêm nhé!

 

- Nguyen Nam Anh - lucky...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Cháu đang đi xuất khẩu lao động nên không đi khám ở viện được. Cháu có ra hiệu thuốc thì dược sĩ bảo cháu bị nấm miệng ở lưỡi và vòm họng có các mảng trắng. Cháu uống, ngậm viên Nystatin 500.000iu (ngày 3 lần, mỗi lần 2v) và metronidazole 500mg, ngày 2 lần mỗi lần 1 viên.

Sau 1 tuần cháu chụp ảnh bằng điện thoại thấy mảng trắng đã hết. Họ cho cháu uống thêm 1 tuần nữa.

Hiện nay là ngày thứ 11 dùng thuốc, cháu thấy ở bề mặt lưỡi mảng trắng có vẻ phát triển nhanh (trắng nhìu hơn) nhưng khi đi ngủ thì không bị khó chịu như lúc chưa uống thuốc.

Cháu đọc thấy nếu dùng lâu dài thì cần ý kiến bác sĩ nên lên đây hỏi, mong bác sĩ bớt chút thời gian tư vấn cho cháu ạ. Cháu cảm ơn nhiều!

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào em,

Nấm miệng là những mảng trắng bám trên niêm mạc, nếu cố gắng cạy màng trắng sẽ thấy niêm mạc đỏ có thể chảy ít máu, sau đó mảng trắng này lại tích tụ trở lại.

Nhiễm nấm candida tái phát ở niêm mạc miệng ở người lớn thường gặp ở một số cơ địa đặc biệt hoặc sử dụng một số loại thuốc, đặc biệt là cơ địa suy giảm miễn dịch như hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, đái tháo đường, bạch cầu cấp...

Thuốc em đang dùng là kháng sinh và kháng nấm, nếu tự ý dùng lâu dài sẽ có tác dụng phụ. Em nên tới bệnh viện để khám và đánh giá, nếu cần thiết sẽ làm thêm các xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân và điều trị nguyên nhân này, em nhé!

 

- H. Nhật Minh - lamsao...@yahoo.com

Cho cháu xin hỏi là đầu tháng 8 cháu bị sốt siêu vi đã hết mấy tuần sau cháu có biểu hiện khó ngủ hay giật mình tay chân và người hay giật bất thường, còn bị tê cứng tay. Cháu chưa đi khám và lên có lên mạng tìm hiểu là biểu hiện của thiếu máu lên não hay là triệu chứng Parkison ạ.

Mong các bác sĩ trả lời giúp cháu ạ, cháu xin cảm ơn!

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào em,

Không ít người thường bị giật mình khi bắt đầu lơ mơ ngủ. Đây là hiện tượng rất phổ biến khi con người rơi vào chuyển đổi giữa thức và ngủ, không phải là bệnh lý.

Tuy nhiên, nếu như hiện tượng này làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, gây mệt mỏi sau khi thức dậy thì đây là vấn đề của rối loạn giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ có thể do nhiều nguyên nhân, tuỳ theo từng lứa tuổi, cơ địa, thời gian diễn tiến của triệu chứng mà bác sĩ sẽ chẩn đoán và điều trị theo nguyên nhân, ví dụ như do bệnh lý nội khoa dai dẳng, do căng thẳng, lo lắng, stress tâm lý, do sử dụng chất kích thích...

Dù là nguyên nhân gì, nếu giật mình thường xuyên gây khó chịu, mệt mỏi thì em cũng cần khám chuyên khoa Thần kinh để chẩn đoán và điều trị, em nhé!

Thân chào!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X