Hotline 24/7
08983-08983

Thạc sĩ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan - Người nối những niềm vui kỳ diệu

“Em là bác sĩ Ngọc Lan đây, em đã học về rồi…” - “Cảm ơn em, nhưng anh chị ly dị rồi. Còn làm gì được nữa…”.

Trong mắt hàng ngàn bệnh nhân hiếm muộn đã tìm đến chị, hình ảnh bác sĩ Ngọc Lan thật dịu dàng, gần gũi và đầy cảm thông.
 
Khi đến trò chuyện với bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, tôi có ý định vẽ lại chân dung của một bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm, một bác sĩ còn trẻ mà đã được mang danh chuyên gia đầu ngành. Thế mà rồi, câu chuyện của chúng tôi lại nối tiếp và nối tiếp về bệnh nhân, về những người mẹ vui, những người mẹ buồn.

 

Hình như cuộc đời chị, niềm vui của chị, nỗi buồn của chị đều gắn với từng khuôn mặt, từng con người, và từng số phận ấy, chứ không còn là của riêng chị, là thành công hay điều gì khác nữa. Thế cho nên, để vẽ chân dung chị, tốt nhất là tôi hãy kể những điều mà chị cứ ghi nhớ, cứ khắc dấu vào trong tim.
 

Sao có thể… chỉ vì thiếu một đứa trẻ?

 

10 năm trước, khi những ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên thành công, cô gái Ngọc Lan hăm hở đến với công việc chỉ với một mục đích duy nhất: làm sao cho những bệnh nhân hiếm muộn của mình có thể mang bầu mà thôi. Tình cờ “rơi” vào ê kíp nghiên cứu thụ tinh trong ống nghiệm, rồi được chọn sang Singapore học, trong đầu cô lúc ấy cũng đầy sự háo hức rất trẻ con: Vì sao người ta làm được mà mình lại không làm được?

 


Chân dung BS Ngọc Lan

Trước chuyến đi, Lan có lời hẹn với một bệnh nhân không có trứng để thụ tinh, phải đi xin: “Để em đi học về…”. Trong mắt Lan, hình ảnh đôi vợ chồng trẻ, trí thức, đẹp đôi và thật lãng mạn. “Lần nào họ tới bệnh viện cũng nắm tay nhau, em nghĩ họ yêu nhau lắm”. Thế nhưng ở Việt Nam lúc ấy chưa có kỹ thuật để làm việc này, nên sang Singapore, Lan quyết tâm học.
 
Ban ngày học, chiều xuống, Lan hấp tấp chạy đến một bệnh viện khác mượn hồ sơ bệnh nhân để nghiên cứu, ghi chép. Người bác sĩ trưởng ở đây lần đầu gặp mặt đã rất bất ngờ với một cô bé Việt Nam loắt choắt mà đầy dũng khí và sự quyết tâm, vì thế bà đã nhiệt tình giúp đỡ cô

 

Đợt nghỉ phép đầu tiên, về đến nhà Lan chạy thẳng đến bệnh viện, lục hồ sơ rồi tự tay ngồi ấn từng phím điện thoại để gặp người bệnh nhân kia. Cô hồ hởi reo vui: “Em là bác sĩ Ngọc Lan đây, em đã học về rồi…” Người phụ nữ lặng lẽ nghe Lan nói hết rồi mới từ tốn nói: “Cảm ơn em, nhưng anh chị ly dị rồi. Còn làm gì được nữa…”. Câu nói của người phụ nữ làm Lan bàng hoàng, nó như cú giáng đầu tiên vào người bác sĩ trẻ: Sao có thể như thế? Sao có thể… chỉ vì thiếu một đứa trẻ?

 

Và cô đã dấn thân vào con đường ấy bằng tất cả sức lực của mình với tâm niệm phải làm tất cả để mang đến hạnh phúc làm mẹ cho những người phụ nữ hiếm muộn.

 

Những nỗi buồn không thể bù đắp

 

Quả thật với 10 năm gắn bó với công việc, trong trái tim người nữ bác sĩ này không còn đơn giản chỉ là một công việc hay những thành công nữa, mà nó đã trở thành những tâm trạng máu thịt, những khắc khoải máu thịt. Chính vì vậy mà trong khi nói chuyện với tôi, có đến ba lần chị nói: “Lúc nào cũng phải vui vẻ, phải động viên, phải dịu dàng với người bệnh, bởi họ đến với mình là những người mẹ chưa được làm mẹ. Thế nhưng giá được thả lỏng tâm trạng ra, không phải cứng cỏi giữ cho mình là chỗ dựa của mọi người nữa thì chắc là chỉ có… khóc”.

 

“Mỗi ngày bệnh nhân đều đến với mình. Tỷ lệ thành công cao nhất là 40%, có nghĩa là cứ 10 phụ nữ đang cố gắng hết mình, 10 gia đình đang hy vọng vào mình thì có đến 6 người mình phải báo nỗi buồn, báo sự thất bại. Thế thì làm sao có thể vui được. Thậm chí có những ngày 10 người nhận kết quả thì 8 người thành công, nhưng mình vẫn không thể vui được với con số đó, vì dù là một hay hai, dù nhiều hay ít thì đó cũng là một nỗi buồn không thể bù đắp”.
 
Tận tụy với bệnh nhân, nghiêm túc và cần mẫn trong nghiên cứu khoa học là những đức tính nổi trội của nữ bác sĩ trẻ này.

 

Và câu chuyện của chị lại quay về một bệnh nhân khác: “Chị ấy là một người phụ nữ không còn trẻ nhưng rất xinh đẹp. Lúc nào chị ấy đến bệnh viện cũng với khuôn mặt trang điểm kỹ càng, ăn mặc đẹp và nụ cười thì luôn hạnh phúc. Chị ấy bị tử cung dị dạng, đã làm thụ tinh nhân tạo đến mấy lần rồi mà vẫn thất bại; nhưng khi chính tụi em đã bắt đầu nản chí thì chị ấy lại không nản, chị ấy cứ động viên tụi em cố lên.

 

Cho đến một lần, tụi em buộc phải nói với chị: “Đừng cố nữa chị”, thì lần đầu tiên chị ấy bật khóc, chị tâm sự: “Chấp nhận sự thật này có nghĩa là gia đình chị cũng chấm dứt luôn”.

 

Họ cưới nhau khi còn nghèo khổ, làm lụng quần quật quanh năm suốt tháng cho đến khi nhà lầu xe hơi, cái gì cũng có duy chỉ một đứa con thì mãi không có. Mẹ chồng chị ấy cứ bắt anh ấy cưới vợ bé, nên mỗi lần chị ấy đến bệnh viện là mỗi lần cả hai vợ chồng đều hy vọng. Chị ấy bảo: “Bây giờ ly dị, anh ấy sẽ chia cho chị một nửa tài sản, nhưng giờ chị làm gì đây với đống tài sản ấy?”

 

Ngọc Lan hỏi tôi: “Chứng kiến những nỗi buồn đến như thế, liệu chị có coi ngày ấy là ngày vui nữa hay không dù chị có thể thành công bao nhiêu chăng nữa?”. Hình như câu hỏi ấy là nỗi đau được trải nghiệm qua 10 năm, dai dẳng và ngấu nghiến, nó không chỉ còn là một câu hỏi nữa mà đã trở thành một nỗi niềm hút hết toàn bộ suy nghĩ, toàn bộ cuộc sống của chị.

 

Và những niềm vui kỳ diệu
 
Niềm hạnh phúc sáng ngời trên gương mặt của nữ bác sĩ trẻ khi bế trên tay đứa trẻ được sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo - bé Arno (người Bỉ) - đem lại niềm vui lớn cho một cặp vợ chồng hiếm muộn.

 

Tôi ghé thăm bác sĩ Ngọc Lan vào ngày 18 tháng 9, trong phòng khách của căn nhà nhỏ trên đường Trần Đinh Xu, vẫn còn hai bình hoa lớn, chị giải thích nhẹ nhàng: “Hoa sinh nhật em đó mà”. Tôi tò mò hỏi chị: “Hoa nào của mẹ tặng? Hoa nào của Tường tặng?” (bác sĩ Hồ Mạnh Tường - chồng chị), Ngọc Lan lắc đầu: “Không chị ạ, toàn là hoa của bệnh nhân”, rồi chị cho tôi xem bức thư của chủ nhân một trong số những bình hoa sinh nhật ấy.

 

Người mẹ trong bức thư nhắc đến nụ cười của chị, lời nói của chị đã giúp cô vượt qua cơn đẻ khó. Bức thư tràn ngập một tình cảm dịu dàng và biết ơn sâu sắc. Người mẹ ấy xin lỗi vì đã không thể quay lại thăm chị sớm hơn, mà phải đến bây giờ, khi đứa trẻ của cô đã tròn 14 tháng. 14 tháng trôi qua, thế mà Ngọc Lan vẫn nhớ vanh vách trường hợp của người phụ nữ ấy, chừng như tiếng khóc và nỗi đau của cô vẫn còn in sâu trong tâm trí của chị, như hàng ngàn khuôn mặt khác; và chừng như hạnh phúc của người mẹ ấy vẫn còn tỏa sáng trong chị.
 
Hơn ai hết chị Ngọc Lan hiểu được hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ chính là được tự tay chăm sóc dưỡng dục con khôn lớn, được nghe tiếng cười rộn ràng của con.

 

Nói về những đứa trẻ mình đã đưa ra cuộc đời này, Lan chợt rất hồn nhiên: “Kỳ diệu lắm chị à, em càng làm càng suy nghĩ mãi mà không hiểu: cơ thể con người không dễ tiếp nhận những vật lạ, thế mà nó lại không thải ghép với một em bé. Em càng nghĩ càng thấy đó là những điều thật kỳ diệu, không thể giải thích nổi, cho nên em mới tin rằng con trẻ chính là một tặng vật quý giá mà thiên nhiên trao tặng con người”.

 

Có lẽ chính điều kỳ diệu ấy đã giúp chị vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách của cả công việc lẫn ngoài công việc, vượt qua để được tiếp tục làm công việc mình say mê, dù ở bất cứ cương vị nào, chỗ đứng nào.
 
Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan - Thạc sĩ Phôi học lâm sàng ĐH Quốc gia Singapore, Thạc sĩ Sản phụ khoa ĐH Y Dược TPHCM - xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống theo nghề y với mẹ là bác sĩ sản khoa nổi tiếng: GS.BS Nguyễn Ngọc Phượng. Năm 1999, chị kết hôn với bác sĩ Hồ Mạnh Tường và đến nay anh chị đã có hai bé gái.

 

Gia đình nhỏ của bác sĩ Ngọc Lan
 

Hiện tại, bác sĩ Ngọc Lan đang công tác tại ĐH Y Dược TPHCM và tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học y dược trong khu vực.

 

Với sự nghiệp khoa học của mình, bác sĩ Ngọc Lan là một gương mặt trẻ xuất sắc với những thành tựu mà không phải bác sĩ nào ở tuổi chị cũng có thể đạt được:

 

- Bằng khen của Bộ Y tế cho tập thể y bác sĩ chương trình thụ tinh ống nghiệm năm 1998.

- Giải thưởng Kovalepskaia cho tập thể nữ lao động sáng tạo năm 1998.

- Giải nhất hội thi khoa học tuổi trẻ của ĐH Y dược TPHCM

- Tham gia nhóm nghiên cứu thực hiện thụ tinh ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam; thành viên chính nhóm nghiên cứu cải tiến phác đồ thụ tinh ống nghiệm.

 

Theo Khánh Chi - Webtretho

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X