Tăng mỡ máu, cần làm gì để "chặn đứng" nguy cơ đột quỵ?
Tăng mỡ máu thường diễn tiến âm thầm mà không có dấu hiệu cảnh báo. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ có thể gây ra đột quỵ. Vậy người bị tăng mỡ máu cần làm gì để phòng ngừa đột quỵ? GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam đã giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây. Mời bạn đọc đón xem.
Tăng mỡ máu là một loại bệnh không gây tử vong ngay trong thời gian ngắn, tuy nhiên, những biến chứng của nó rất nguy hiểm. Nếu không điều trị, về lâu dài có thể gây ra 7 nguy cơ, đó là viêm tụy, tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, đau và tê chân, bệnh gan, đặc biệt là đột quỵ.
Vậy làm thế nào để kiểm soát mỡ máu hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ?
Thắc mắc này đã được Thầy thuốc Nhân dân.GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Nguyên Giám đốc Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giải đáp trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "Kiểm soát mỡ máu, chặn đứng nguy cơ đột quỵ".
1. Nguyên nhân gây tăng mỡ máu
Thưa giáo sư, nhiều người bước vào tuổi trung niên, đi khám bệnh BS thông báo họ có mỡ máu. Mỡ máu được hiểu nôm na là một bệnh đến cùng tuổi tác, tương tự như tăng huyết áp, đái tháo đường. Nhân dịp này, nhờ GS cho biết nguyên nhân cụ thể gây ra mỡ máu là gì ạ?
TTND GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Nguyên nhân của tăng mỡ máu (hay còn gọi là rối loạn chuyển hóa lipid máu) là khi những thành phần mỡ trong cơ thể, một số cholesterol xấu tăng lên, một số cholesterol tốt giảm đi.
Có 4 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tăng mỡ máu, đó là:
- Chế độ ăn: ăn nhiều đồ ăn nhanh; chiên, xào bằng mỡ động vật, lòng, tim, gan; uống nhiều nước ngọt có gas; ít ăn rau xanh, hoa quả (trong rau, hoa quả có nhiều chất xơ giúp hấp thu những cholesterol tự do xấu trong cơ thể thải ra ngoài). Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tăng mỡ máu.
- Chế độ làm việc ngồi lâu, ít thay đổi tư thế. Khi ngồi cơ thể không đòi hỏi năng lượng do đó, nếu năng lượng bạn nạp vào bị dư thừa nhiều mỡ, càng ngày tích lũy càng lớn.
- Ít tập luyện: khi bạn đưa thức ăn vào cơ thể nhưng không tập luyện không vận động cũng dẫn đến sự tích lũy thành mỡ.
- Do yếu tố di truyền: Mặc rất ít gặp nhưng điều này vẫn có thể xảy ra.
Ngoài những yếu tố trên thì căng thẳng, stress, hút thuốc lá kéo dài,… cũng là những nguyên nhân gây tăng mỡ máu.
2. Triệu chứng nhận biết tăng mỡ máu
Tăng mỡ máu có gây triệu chứng gì không ạ, hay chỉ được phát hiện qua xét nghiệm?
TTND GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Mọi người ít quan tâm đến việc tăng mỡ máu vì dấu hiệu thầm lặng, rất khó để nhận biết. Thường chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe và xét nghiệm thấy mỡ máu cao.
Tuy nhiên bệnh sẽ có một số triệu chứng “đồng hành” như tăng huyết áp, đau đầu, đau mơ hồ, cơn bốc hỏa trên đầu. Khi mỡ máu tính lũy lại trong thành mạch, trong thành mạch làm hẹp lòng động mạch dẫn đến máu lên não và các cơ quan không đủ khiến chúng ta mệt mỏi, căng thẳng.
Khi thấy những triệu chứng này, chúng ta hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết để kịp thời phát hiện cũng như điều trị bệnh.
3. Vì sao tăng mỡ máu gây đột quỵ?
Khi xét nghiệm thấy mỡ máu tăng cao, mọi người thường lo lắng về một trong những hậu quả của bệnh này, đó là đột quỵ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa rõ bằng cách nào mà mỡ máu có thể dẫn tới đột quỵ, mong GS giải đáp?
TTND GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Có nhiều yếu tố nguy cơ gây nên đột quỵ như tuổi cao, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, một số các bệnh tim mạch khác…
Như vậy, rối loạn chuyển hóa lipid máu là một trong những nguy cơ gây ra đột quỵ. Thường tăng huyết áp sẽ song hành với rối loạn chuyển hóa lipid. Bởi khi chúng ta ăn vào cơ thể những loại mỡ (chất béo) xấu dễ dàng lắng đọng trong thành mạch. Khi bệnh nhân tăng huyết áp thì thành mạch sẽ bị tổn thương, lúc này mỡ máu sẽ bám vào đó làm hẹp lòng động mạch. Khi hẹp lòng động mạch sẽ dẫn đến cung lượng máu lên não không đủ, từ đó xảy ra tình trạng thiếu máu não và rất có thể sẽ dẫn đến một cơn đột quỵ thiếu máu não.
Khi lòng mạch hẹp sẽ có những cơn tăng huyết áp, lúc này mỡ máu sẽ bám vào dẫn đến thành mạch bị xơ cứng không bền không còn dãn được nữa, một cơn tăng huyết áp cũng sẽ dẫn đến đột quỵ.
4. Tăng mỡ máu khi nào cần điều trị?
Xin GS cho biết mỡ máu tăng ở mức nào cần điều trị, và điều trị bằng phương pháp nào hiệu quả ạ?
TTND GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:
Lượng Cholesterol toàn phần trong máu trong phạm vi bình thường phải là 5,2 mmol/L. Nếu cao hơn chỉ số này là bất ổn.
Lượng LDL-Cholesterol, một loại Cholesterol “xấu” nếu càng tăng thì nguy cơ bị đột quỵ sẽ càng cao. Vì vậy, ở những người có nguy cơ rất cao bị tim mạch thì cần hạ chỉ số này xuống <1,8 mmol/L. Những người có nguy cơ cao phải hạ xuống 2,5 mmol/L. Những người có nguy cơ tim mạch trung bình là dưới 3 mmol/L.
Lượng HDL-Cholesterol, loại Cholesterol “tốt” bình thường phải trên 1 mmol/L, nếu giảm dưới con số này là thấp.
Như vậy, nếu ai là những người trung niên cao tuổi, người có tiền sử cao huyết áp, đái tháo đường thì dù là có sự thay đổi của 1, 2 hay 3 thành phần (Cholesterol toàn phần trong máu, LDL-Cholesterol, HDL-Cholesterol) chúng ta vẫn cần điều chỉnh bằng thuốc hạ mỡ máu. Tuy nhiên trước đó bạn nên điều chỉnh bằng chế độ ăn, hoạt động, chế độ làm việc, chỉ khi nào không hiệu quả mới cần đến thuốc.
Nếu kiểm soát tốt mỡ máu, chúng ta có thể giảm được bao nhiêu % nguy cơ đột quỵ ạ?
TTND GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Thực tế là chưa có một tỉ lệ tính toán nào. Bởi các mỡ máu là yếu tố đóng vai trò cần thiết nhưng không phải là yếu tố trực tiếp vì thế không có một mốc đánh giá nào. Tuy nhiên theo thống kê của Mỹ cho thấy rằng: trên tất cả những người tử vong thì có 17-18% người có tăng mỡ máu; như vậy tỉ lệ gặp phải mỡ máu là tương đối cao.
5. Tăng mỡ máu chưa cần điều trị, làm cách nào để ngăn chặn bệnh tiến triển?
Trong năm nay, cộng đồng được làm quen với khái niệm “tiền đái tháo đường” và tình trạng này được công nhận là một bệnh lý (có mã bệnh) và khuyến cáo điều trị. Theo GS, có khái niệm “tiền mỡ máu” hay không, và giai đoạn này có cần uống thuốc điều trị không ạ? Nếu chưa cần uống thuốc, chúng ta cần làm gì để ngăn chặn việc thật sự bị bệnh mỡ máu cao? (dùng TPCN có được không ạ)
TTND GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Khái niệm “tiền mỡ máu” chỉ là suy diễn. Tuy nhiên với khái niệm “tiền đái tháo đường” thì trong vài năm gần đây người ta đã xác định là có. Mặc dù chưa phải là đái tháo đường nhưng có tăng khả năng dung nạp đường. Những ai tăng khả năng dung nạp đường thì rất dễ bị đái tháo đường.
Với mỡ máu là cả một quá trình, người bệnh sẽ khó nhận ra, đôi khi không biết bản thân mình gặp tình trạng này từ lúc nào, chỉ đến khi xét nghiệm mới phát hiện ra. Lúc này, người bệnh mới nhận thấy mình bị tăng mỡ máu, chứ không có khái niệm “tiền mỡ máu”.
Vì không có khái niệm “tiền mỡ máu” thế nên chúng ta rất khó để đề phòng. Tuy nhiên với những người béo phì, chẳng hạn như có chỉ số BMI vượt quá ngưỡng hoặc xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, tăng nhịp tim khi làm việc,… thì cần xét nghiệm. Trong trường hợp mỡ máu tăng cao thì nên theo dõi, đến thầy thuốc khám để có những chỉ định dành cho bạn.
Trong những nguyên nhân gây tăng mỡ máu mà GS đã nêu ở đầu chương trình, nguyên nhân nào chúng ta có thể kiểm soát, điều chỉnh được ạ?
TTND GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời: Những người trung niên và cao tuổi cần quan tâm và thường xuyên, kiểm tra xem xét những vấn đề sau: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid… Đây là những yếu tố có thể kiểm soát, điều chỉnh được.
6. Làm sao để tăng chỉ số cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu?
Thưa GS, trong xét nghiệm mỡ máu, có chỉ số cholesterol tốt và cholesterol xấu, chúng ta có cách nào để tăng lượng cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu không?
TTND GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:
LDL-C là một loại cholesterol “xấu”, cholesterol tự do thường xuyên xuất hiện và dễ dàng bám vào thành mạch, tích lũy trong cơ thể dần dà sẽ dẫn đến tăng mỡ máu.
HDL-C là loại Cholesterol “tốt” mang cholesterol tự do ra ngoài để đào thải và phân hủy đi.
Câu hỏi đặt ra là làm sao để tăng cường cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu?
Có rất nhiều biện pháp, nếu để dự phòng thì chúng ta có thể thay đổi chế độ ăn giúp giảm tất cả cholesterol xấu đi, không cho hấp thu/ nạp vào trong cơ thể thì mỡ máu sẽ giảm được. Có thể thấy chế độ ăn là rất quan trọng, chế độ tập luyện, sinh hoạt cũng tương tự như vậy; vì tất cả những điều này đều làm giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt.
Hoặc có thể sử dụng thực phẩm chức năng ví dụ như: NattoEnzym Red rice (men gạo đỏ). Qua nhiều nghiên cứu người ta nhận thấy men gạo đỏ có khả năng làm tăng hàm lượng cholesterol tốt và giảm đi hàm lượng cholesterol xấu.
Chế độ dinh dưỡng ở bệnh nhân máu nhiễm mỡ rất quan trọng
>>> Công thức tính các thành phần mỡ trong máu
Cũng có khá nhiều người khi xét nghiệm thấy mỡ máu tăng và bác sĩ dặn về giảm ăn chất béo thì đã kiêng khem đến mức không ăn chút dầu mỡ nào, điều này có giúp nhanh chóng giảm mỡ máu không, thưa GS?
TTND GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:
Trước một thông tin được truyền tai nhau, chúng ta cần phải cân nhắc xem xét kỹ lưỡng. Bản thân cholesterol hay còn gọi là mỡ động vật không phải là yếu tố gây xấu cho cơ thể, nó chỉ xấu khi chúng ta dung nạp quá giới hạn cho phép. Bình thường, đây là một trong những nguyên liệu tốt cho cơ thể, giúp cơ thể hoạt động tạo năng lượng; tạo ra men, hormon sinh trưởng.
Các loại mỡ thực vật tuy tốt cho sức khỏe, nhưng không có nghĩa là bạn chỉ ăn mỡ thực vật và bỏ qua mỡ động vật, như vậy sẽ làm mất đi sự cân bằng của cơ thể, và thực tế bản thân nó cũng tạo ra các loại vitamin E, K rất cần thiết cho cơ thể.
Nếu bạn dùng 1 gram dầu thực vật và 1 gram mỡ động vật thì 2 cái đều sản sinh ra 9 kalo như nhau. Vì thế, điều quan trọng nhất vẫn là điều chỉnh chế độ ăn uống cân bằng giữa dầu thực vật, mỡ động vật. Ăn sao cho hợp lý và đầy đủ, nếu bạn kiêng hoàn toàn cơ thể sẽ không đảm bảo được nhu cầu cần thiết.
Dầu thực vật khi được đun nóng lên sẽ tăng cường chuyển hóa, chuyển hóa thành andehit (đây là một chất cho cơ thể). Nhưng chúng ta thường có thói quen cất giữ lượng dầu đã qua sử dụng để dùng cho lần kế tiếp, qua nhiều lần như vậy lâu dần sẽ có hại cho sức khỏe, hại gan, thận, thậm chí qua quá trình chuyển hóa lâu dài thậm chí có thể gây nên ung thư.
7. Tăng mỡ máu, cần kiêng tuyệt đối mỡ động vật?
Liên quan đến vấn đề tăng mỡ máu do chế độ dinh dưỡng, một thời gian dài mọi người không dám ăn mỡ heo vì sợ cholesterol xấu, ngược lại dầu dừa được tin là dầu thực vật thì sẽ cung cấp cholesterol tốt. Nhưng vừa qua lại có thông tin trái chiều về 2 món ăn này. Xin được nghe ý kiến của GS, chúng ta nên sử dụng mỡ heo và dầu dừa sao cho đúng ạ?
TTND GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:
Những người lao động chân tay hay lao động trí óc đều có nhu cầu về năng lượng khác nhau. Đối với trẻ em đang phát triển có một điều cần nhớ đó là cần ăn tăng cường mỡ động vật, không thể ăn dầu thực vật được.
Đến tuổi trung niên, cao tuổi thì chúng ta biết rằng sẽ có rất nhiều bệnh mãn tính đến: tăng huyết áp, đái tháo đường, một số bệnh mạn tính liên quan đến gan, thận,…. Rõ ràng ở mỗi giai đoạn nhu cầu nạp năng lượng của cơ thể đều thay đổi.
Chúng ta không thể đơn thuần ăn dầu thực vật không và cũng không thể chỉ ăn mỡ động vật thôi. Để giảm mỡ máu, điều cần nhớ là sau khi ăn xong thì không nên đi nằm ngay mà cần hoạt động như đi bộ, làm việc nhẹ nhàng. Vì nếu bạn nằm ngay sau khi ăn chắc chắn là đang tích lũy mỡ, kể cả trong bữa ăn đó bạn ăn ít.
Mỡ máu còn phụ thuộc vào chế độ làm việc, chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, bạn cần hiểu và điều chỉnh đúng mới có thể hạn chế được mỡ máu, chứ không phải kiêng hoàn toàn mỡ động vật thì sẽ giúp giảm mỡ máu. Bản thân dầu thực vật rất tốt nhưng không phải tốt cho tất cả mọi người, mỡ động vật cũng tương tự. Tùy theo nhu cầu năng lượng, sức khỏe,… của bạn để lựa chọn một chế độ ăn cho tốt.
Các thực phẩm khác, ngay cả tinh bột nếu bạn ăn vào mà không hoạt động không lao động thì vẫn có nguy cơ chuyển hóa thành mỡ. Vì thế, hãy ăn uống hài hòa, cân bằng, đủ chất, cố gắng ăn thêm rau xanh, hoa quả vì nó có nhiều chất xơ. Nếu trong bữa ăn bạn có lỡ ăn nhiều mỡ hơn một chút thì bữa sau có thể ăn ít đi hoặc ăn thêm nhiều rau xanh để đưa được lượng mỡ tự do ra ngoài.
Bản thân cholesterol hay còn gọi là mỡ động vật không phải là yếu tố gây xấu cho cơ thể, nó chỉ xấu khi chúng ta dung nạp quá giới hạn cho phép
8. Tăng mỡ máu nên tập thể dục thế nào?
Về việc việc vận động thể lực, có ý kiến rằng những môn thể dục, thể thao có kháng lực mới giúp giảm cân, giảm mỡ máu được, điều này có đúng không ạ? Theo GS, người có mỡ máu cao nên tập những môn thể dục nào?
TTND GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:
Về việc luyện tập: không phải bạn cứ tập hết sức, cật lực thì mỡ máu sẽ giảm hoàn toàn, không phải như vậy. Nếu bạn tập với cường độ nhẹ, đều đều, hít thở sâu thì sẽ rất tốt; bởi khi có oxy vào kết hợp với tập luyện mới tiêu hủy được mỡ trong cơ thể.
Người ta đã thống kê khi bạn tập với cường độ nhẹ, liên tục mỗi ngày độ khoảng 30 0 40 phút hoặc 45 phút, nếu hít thở sâu thì chúng ta có thể giảm được tới 80% mỡ máu tự do. Nếu bạn tập với cường độ trung bình mà không hít thở thì chỉ giảm được khoảng 50%. Còn nếu bạn tập cường độ mạnh dù mất năng lượng nhưng chưa chắc đã tiêu mỡ và lúc này người ta xác định chỉ giảm được khoảng 15-20%.
Nếu không đau, sưng khớp thì bạn có thể chạy bộ, đi bộ nhanh hoặc những môn bơi lội, đạp xe, yoga,… bên cạnh chế độ ăn thì tất cả những bộ môn thể thao này đều có thể giúp bạn hạ mỡ máu.
Song song với việc kiểm soát mỡ máu, chúng ta cần quan tâm những vấn đề gì để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ khi bước vào tuổi trung niên, thưa GS?
TTND GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên đột quỵ, nhưng trong đó có 2 nhóm nguyên nhân cơ bản. Một là những nguyên nhân không thể thay đổi, chúng ta phải chấp nhận đó là tuổi tác, nam bị đột quỵ nhiều hơn nữ giới, người da trắng bị đột quỵ hơn người da màu.
Song chúng ta vẫn có những nguyên nhân có thể thay đổi để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, đó là cao huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, rối loạn chuyển hóa lipid, chế độ làm việc, sinh hoạt, ăn uống, tập luyện thể dục thể thao.
Nắm được những nguyên nhân này, người trung niên có thể đưa ra những phương án kịp thời điều chỉnh để ngăn ngừa đột quỵ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình