Hotline 24/7
08983-08983

Tắm sau khi tan học, nữ sinh 18 tuổi đột ngột co giật, hôn mê do đột quỵ

Ngay sau khi đi học về, nữ sinh lớp 12 ở Long An vào phòng tắm và thay quần áo. Ngay sau đó, em đột ngột bất tỉnh, lên cơn co giật mạnh, hôn mê, được đưa đi cấp cứu và chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não.

Ngày 9/4, tin từ Bệnh viện Xuyên Á TPHCM, cho biết cơ sở y tế này vừa tiếp nhận nữ sinh B.K. (18 tuổi, ngụ Long An) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, liệt nửa người bên trái, phản xạ ánh sáng yếu, phải thở máy qua nội khí quản.

Theo lời kể của người nhà, sau khi đi học về, em K. có vào phòng tắm và thay quần áo. Khi K. vừa ra ngoài thì đột ngột bất tỉnh, lên cơn co giật mạnh, hôn mê. Gia đình vô cùng hoảng hốt khi thấy con gái không có phản ứng gì.

Ngay lập tức, em K. được đưa tới Bệnh viện Xuyên Á cấp cứu. Kết quả chụp CT não cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết não đồi thị bên phải, xuất huyết não thất lượng nhiều kèm dãn não thất cấp.

Các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu đặt dẫn lưu não thất (EVD). Sau khi chụp CT lần nữa xác định nguyên nhân xuất huyết, loại trừ các nguyên nhân dị dạng mạch máu não, các bác sĩ đưa thuốc tiêu sợi huyết (rtPA) vào não thất bệnh nhân.

Sau phẫu thuật bệnh nhân được theo dõi sát, kết quả chụp CT Scanner kiểm tra mỗi 24 giờ thấy khối máu trong não thất tan nhiều và lưu thông dịch não tủy trở lại ổn định. Từ hôn mê sâu, suy hô hấp phải thở máy, bệnh nhân đã có thể tự thở được. Hiện tại, bệnh nhân có thể vận động các tay, chân, tỉnh táo, nói tốt, sức cơ bên trái cải thiện.

Theo bác sĩ Trương Thái Dương, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Xuyên Á, so với các trường hợp đột quỵ, bệnh nhân này khá trẻ, trước đó rất khỏe mạnh, không có bệnh lý nền. Hiện chưa rõ nguyên nhân nữ sinh bị đột quỵ.

Nữ sinh lớp 12 được cứu sống kịp thời nhờ nhập viện trong thời gian vàng điều trị đột quỵ

Đột quỵ “tấn công” người trẻ ngày càng dữ dội

Đáng lưu ý, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. 1/3 số trường hợp mắc "căn bệnh của người già" này lại nằm ở những người trẻ từ 40 tuổi trở xuống. Tình trạng trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ đang gây ra những hệ lụy trước mắt và lâu dài, tác động lớn đến một lực lượng lao động chính của xã hội.

Nguyên nhân hàng đầu gây nên đột quỵ não ở người trẻ tuổi là bệnh lý bẩm sinh như phình mạch não, dị dạng mạch máu não. Khi mạch máu não phát triển bất thường có thể gây nên những túi phình - với tthành mạch máu mỏng, là nguyên nhân có thể gây xuất huyết não. Hoặc mạch máu có thể bị bóc tách gây hẹp, tắc mạch - nhồi máu não.

Mặt khác, ngày nay bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường - những nguyên nhân quan trọng dẫn đến đột quỵ não cũng có xu hướng trẻ hóa. Theo các thống kê, ở bệnh nhân trẻ bị đột quỵ, căn bệnh đái tháo đường hiện diện đến 30% các trường hợp và tăng huyết áp là khoảng 10%. Đặc biệt với khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não trẻ tuổi có đái tháo đường lên tới 54,8%.

Bên cạnh đó, do đời sống của người dân ngày càng được nâng cao nên việc sử dụng rượu, bia ở giới trẻ ngày một nhiều, ăn nhậu ngày càng phổ biến. Ăn nhậu ngoài quá chén rượu, bia, các món nhậu có nguy cơ làm gia tăng mỡ máu (phủ tạng động vật, lòng động vật, da gà vịt…) cũng song hành. Mỡ máu tăng lâu dần sẽ có nguy cơ xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.

Trong khi đó, áp lực công việc của giới trẻ gia tăng, thời gian để vận động cơ thể thiếu hoặc không có hoặc lười vận động dễ gây béo phì, thừa cân… Cộng thêm thói quen hút thuốc lá của người trẻ mà không biết rằng mỗi điếu thuốc sẽ đưa 7.000 chất độc hóa học như carbon monoxide, formaldehyde, arsenic và cyanide vào cơ thể gây thúc đẩy xơ vữa động mạch, làm mạch máu bị hẹp, dễ bị hư hại và tắc nghẽn gây nên đột quỵ thiếu máu não.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật THCM, khoảng 90% gánh nặng đột quỵ là do các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được, với khoảng 75% là do các yếu tố hành vi như: Hút thuốc lá, chế độ ăn uống kém và ít hoạt động thể chất. Kiểm soát được các yếu tố nguy cơ chuyển hóa và hành vi có thể ngăn chặn hơn 3/4 gánh nặng đột quỵ toàn cầu.

Trong đó, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất, dựa trên dữ liệu từ 30 nghiên cứu và đã được báo cáo có khoảng 64% bệnh nhân tăng huyết áp bị đột quỵ. Do đó, việc kiểm soát huyết áp là cần thiết để giảm nguy cơ đột quỵ và dự phòng đột quỵ tái phát.

Khi thấy có các dấu hiệu đau đầu dữ dội, đau đầu kéo dài, giảm tri giác, bất tỉnh, hôn mê sâu, méo miệng, nói khó, yếu liệt một bên tay chân cần cảnh giác với đột quỵ. Nên gọi cấp cứu để được đưa đến các cơ sở y tế có cấp cứu, can thiệp đột quỵ trong thời gian vàng để gia tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X