Hotline 24/7
08983-08983

"Suy thận không khó nhận biết nhưng thường phát hiện trễ do diễn tiến âm thầm"

Đó là nhận định của BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) trước câu hỏi vì sao số lượng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối ngày càng nhiều. Theo đó, bệnh lý suy thận thường được phát hiện muộn do những tổn thương tiến triển âm thầm, hầu hết người bệnh không tự phát hiện được khi suy thận ở mức độ nhẹ.

1. 10% dân số nước ta mắc bệnh suy thận

Xin hỏi BS, vì sao số bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối ngày càng nhiều?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Hiện tại, tình trạng suy thận quá nhiều và đáp ứng của ngành y gặp một số hạn chế.

Tình trạng suy thận bùng phát rất cao. Theo thống kê, có đến 10% dân số nước ta mắc bệnh suy thận. Tuổi thọ cao hơn, bệnh lý tiểu đường gia tăng, sử dụng thuốc, thực phẩm bừa bãi khiến suy thận phát triển. Môi trường ô nhiễm cũng khiến các bệnh lý miễn dịch phát triển và bệnh thận bùng phát.

2. Suy thận diễn tiến âm thầm

Thưa BS, vì sao nhiều người không hề biết mình mắc bệnh suy thận ở giai đoạn đầu mà chỉ nhận biết khi bệnh đã tiến triển?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Bệnh thận có khả năng bù trừ rất lớn, vì vậy triệu chứng hầu như chỉ xuất hiện ở giai đoạn trễ.

Ở giai đoạn 1 và 2, bệnh chỉ có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm. Từ giai đoạn 3B trở đi, bệnh nhân mới bắt đầu có triệu chứng nên khi phát hiện thì đã muộn.

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM)

3. Những nguyên nhân gây suy thận

Nhờ BS chỉ ra, hiện tại có những nhóm nguyên nhân nào dẫn đến căn bệnh suy thận?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Những nguyên nhân chính gây suy thận là:

- Tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh gout;

- Tình trạng sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thực phẩm chức năng bừa bãi;

- Các bệnh lý bẩm sinh như cầu thận IgA, bênh thận đa nang...

4. Suy thận ở người trẻ thường diễn tiến nhanh hơn

Nguyên nhân suy thận ở người già và người trẻ có sự khác biệt như thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Nguyên nhân suy thận ở người già và người trẻ rất khác nhau. Ở người già, suy thận thường do những bệnh lý chuyển hóa như tăng huyết áp, tiểu đường, gout và sử dụng thuốc giảm đau. Chúng ta có thể phòng ngừa được những yếu tố này và diễn tiến của bệnh có phần chậm.

Nguyên nhân gây suy thận ở người trẻ thường là lupus ban đỏ, bệnh cầu thận IgA, bệnh lý bẩm sinh. Do đó, việc phòng ngừa suy thận ở người trẻ sẽ khó hơn và bệnh diễn tiến nhanh hơn.

5. Người thận độc nhất có nguy cơ suy thận cao hơn

Người bẩm sinh có một quả thận hoặc vì lý do nào đó mà chỉ còn một quả thận, có phải sẽ có nguy cơ suy thận cao hơn?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Điều này hoàn toàn đúng. Người thận độc nhất sẽ xuất hiện suy thận ở độ tuổi 40-50, đến 60 tuổi sẽ rơi vào suy thận giai đoạn cuối.

Nguyên nhân được cho là áp lực lên cầu thận còn lại bị tăng lên khi một bên thận bị mất. Tình huống của những người ghép thận cũng tương tự như thế. Vì vậy, chúng ta cần ưu tiên bảo vệ quả thận cho người ghép. Tuổi của người cho thận không được quá trẻ và chức năng quả thận còn lại của người cho vẫn phải đảm bảo.

Người cho thận phải có chế độ ăn giảm đạm, ít muối, không để xảy ra nhiễm trùng hoặc tạo sỏi ở thận và thường xuyên kiểm tra sức khỏe.

6. Suy thận có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi

Người khỏe mạnh, không có yếu tố nguy cơ nên chú ý đến sức khỏe khi bước vào độ tuổi nào?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Như đã trình bày, bất kỳ độ tuổi nào cũng có nguy cơ mắc suy thận. Gần đây, số lượng người trẻ bị suy thận đã tăng lên rất nhiều so với trước.

Vì vậy, chúng ta cần phải cảnh giác và phòng ngừa ở mọi lứa tuổi.

7. Sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng bừa bãi sẽ gây hại cho thận

Trên mạng Internet có rất nhiều quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, sữa có tác dụng chữa bệnh thận hoặc tốt cho thận, tránh suy thận. Dưới góc độ y khoa, ý kiến của BS về vấn đề này như thế nào?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Đây cũng là một vấn đề nhức nhối với các bác sĩ thận. Tại các khoa thận, đặc biệt là khoa nội thận, có rất nhiều bệnh nhân phải chịu tai biến từ việc sử dụng thuốc bừa bãi, không đúng chỉ định.

Như đã trình bày ở trên, có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh suy thận. Với mỗi nguyên nhân, phương pháp điều trị cũng không giống nhau.

Các loại thuốc Đông y, sữa, thực phẩm chức năng trôi nổi trên thị trường không thể điều trị đúng nguyên nhân và để lại những hậu quả khó lường, dẫn đến bệnh giai đoạn cuối và khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn.

8. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe đối với nhóm nguy cơ cao

Thưa BS, việc nhận biết bệnh suy thận có khó không? Cần phải làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Phát hiện suy thận không khó. Chúng ta có thể thực hiện các xét nghiệm máu, ure, creatinin, tổng phân tích nước tiểu, đạm trong nước tiểu hoặc siêu âm thận để phát hiện bệnh.

Tuy nhiên, những xét nghiệm vừa nêu hầu hết cũng chỉ được thực hiện ở giai đoạn trễ. Để phát hiện sớm hơn, chúng ta nên thường xuyên kiểm tra đối với nhóm người có nguy cơ cao như cao huyết áp, tiểu đường, gout, bệnh nhân thường xuyên dùng thuốc,... để có thể can thiệp kịp thời.

9. Cẩn trọng khi sử dụng thuốc để không gây hại cho thận

Nhờ BS đúc kết lại những điểm cần lưu ý để phát hiện sớm tình trạng suy thận nhằm có hương điều trị tốt nhất.

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Để phát hiện sớm suy thận, chúng ta cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ở nhóm nguy cơ cao, việc kiểm tra sức khỏe phải được thực hiện thường xuyên hơn, đồng thời cẩn thận trong việc sử dụng thuốc như thuốc giảm đau, thực phẩm chức năng, thuốc Đông y...

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X