Hotline 24/7
08983-08983

Suy giãn tĩnh mạch chân có chữa khỏi được không?

Suy giãn tĩnh mạch chân có thể điều trị được không, điều trị bằng những phương pháp nào? Thắc mắc sẽ được giải đáp bởi TS.BS Trần Thanh Vỹ - Trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

1. Tỷ lệ 60% những người trên 40 tuổi mắc suy giãn tĩnh mạch chân

Hiện nay, tại Việt Nam tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân phổ biến như thế nào, thưa BS?

TS.BS Trần Thanh Vỹ trả lời: Trước đây, mặc định suy giãn tĩnh mạch là bệnh của người da trắng. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu trên toàn quốc cho thấy, tỷ lệ bệnh suy giãn tĩnh mạch ở người Việt Nam ngày càng cao và ngang bằng thế giới, chiếm gần 60% ở lứa tuổi trên 40.

2. Tăng áp lực vùng bụng và thân trên gây suy giãn tĩnh mạch chân

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân xảy ra do những nguyên nhân nào? Suy giãn tĩnh mạch có di truyền hoặc có yếu tố gia đình không, thưa BS?

TS.BS Trần Thanh Vỹ trả lời: Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân có một tỷ lệ nhỏ mang yếu tố gia đình. Cụ thể, có trường hợp trong một gia đình, nhiều người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch, kể cả người trẻ.

Nhiều nguyên nhân gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch, trong đó, tất cả các nguyên nhân làm tăng áp lực ở vùng bụng và thân trên, cản trở sự lưu thông của mạch máu từ dưới chân về tim có thể gây ra suy giãn tĩnh mạch.

Ví dụ, mang thai nhiều lần, có khối u vùng chậu, táo bón kinh niên hoặc ngồi lâu, đứng lâu kéo dài,… có thể làm cho hệ thống tĩnh mạch bị quá tải và gây suy giãn tĩnh mạch.

3. Suy giãn tĩnh mạch chân chiếm tỷ lệ vượt trội so với vị trí khác

Thưa BS, suy giãn tĩnh mạch có thể xảy ra ở những vị trí nào trên cơ thể? Trong đó, vị trí nào thường gặp nhất?

TS.BS Trần Thanh Vỹ trả lời: Suy giãn tĩnh mạch có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể. Tuy nhiên, theo các bác sĩ lâm sàng, người bệnh thường bị giãn tĩnh mạch ở hai chân, chiếm tỷ lệ vượt trội so với các vị trí khác.

4. Bác sĩ phẫu thuật, may, dệt,… những công việc đứng lâu tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch

Vậy từ độ tuổi nào sẽ dễ mắc suy giãn tĩnh mạch? Những ngành nghề, công việc và thói quen nào cụ thể có thể ảnh hưởng đến căn bệnh này?

TS.BS Trần Thanh Vỹ trả lời: Ngoài nguyên nhân di truyền, độ tuổi càng lớn thì nguy cơ suy giãn tĩnh mạch càng cao, bởi sự thay đổi từ mô cơ thể, các cơ suy giảm khiến mô liên kết yếu đi. Từ đó, dẫn đến thành mạch yếu và gây ra suy giãn tĩnh mạch.

Đối với những công việc ngồi hoặc đứng lâu một chỗ như: may, công nhân dệt, các bác sĩ phẫu thuật viên,… đều thuộc nhóm nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chân.

5. 6 giai đoạn tiến triển suy giãn tĩnh mạch chân

Các giai đoạn tiến triển của suy giãn tĩnh mạch diễn ra như thế nào, thưa BS?

TS.BS Trần Thanh Vỹ trả lời:6 giai đoạn tiến triển khi mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch, diễn tiến theo từng mức độ khác nhau. Trong đó, giai đoạn C0 là khi chưa có biểu hiện lâm sàng nhưng đã mắc bệnh, chỉ phát hiện khi được thực hiện các cận lâm sàng.

Giai đoạn C1, các tĩnh mạch dưới da bắt đầu giãn ra, thường gọi là giãn tĩnh mạch lưới hay tĩnh mạch mạng nhện.

Giai đoạn C2 là các tĩnh mạch có thể nhìn thấy ở dưới da tạo thành búi lớn.

Giai đoạn C3, các chi của người bệnh có thể bị sưng phù.

Giai đoạn C4, biểu hiện rõ nhất ở vùng da mặt trong mắt cá, có hiện tượng thâm da. Nguyên nhân do ứ đọng các chất chuyển hóa, lưu thông tĩnh mạch không tốt.

Giai đoạn C5, vùng suy giãn tĩnh mạch bị loét nhưng có khả năng tự lành hoặc được điều trị lành.

Giai đoạn C6, xuất hiện diễn tiến loét, có nhiễm trùng, loét và mất mô,…

6. Suy giãn tĩnh mạch chân có thể gây thuyên tắc phổi nếu không điều trị phù hợp

Với từng mức độ diễn tiến của suy giãn tĩnh mạch, người bệnh không kịp thời phát hiện và không được điều trị sẽ gây ra những biến chứng nào, thưa BS?

TS.BS Trần Thanh Vỹ trả lời: Suy giãn tĩnh mạch nếu không được điều trị phù hợp, biến chứng sẽ xảy ra. Trong đó, biến chứng thường gặp và khó điều trị nhất là loét chân (giai đoạn C6) do mô bị ứ đọng, các vi mạch hoạt động không bình thường, gốc tự do sản sinh trong quá trình chuyển hóa của cơ thể gây loét và điều trị khó lành.

Bên cạnh đó, vấn đề tĩnh mạch giãn thành búi dẫn đến hiện tượng lưu thông mạch máu trong tĩnh mạch không tốt, có thể hình thành các cục huyết khối, di chuyển đi nhiều tĩnh mạch gây thuyên tắc tĩnh mạch.

Khi huyết khối di chuyển đến cách tĩnh mạch sau sẽ gây ra tình trạng thuyên tắc tĩnh mạch sâu, đây là tình trạng khá nặng. Các cục huyết khối có thể di chuyển về tim và phát tán ra động mạch phổi, gây thuyên tắc phổi là biến chứng nguy hiểm của suy giãn tĩnh mạch. Ngoài ra, suy giãn tĩnh mạch còn gây viêm và nhiễm trùng, đây là các biến chứng nhẹ.

7. Triệu chứng sớm của suy giãn tĩnh mạch khá mơ hồ và dễ bị bỏ qua

Đâu là những dấu hiệu cảnh báo suy giãn tĩnh mạch, trong đó, dấu hiệu nào xuất hiện sớm và điển hình nhất, thưa BS?

TS.BS Trần Thanh Vỹ trả lời: Bệnh suy giãn tĩnh mạch có rất nhiều triệu chứng, tuy nhiên, các triệu chứng khá mơ hồ và bị bỏ qua. Triệu chứng thường gặp nhất là bệnh nhân có cảm giác nặng chân, mỏi chân về chiều và đêm. Sau một đêm, máu lưu thông về tim nên sáng hôm sau triệu chứng không còn, người bệnh dễ dàng quên đi dấu hiệu đó.

Tuy nhiên, nếu không được điều trị, việc hoạt động về lâu dài dẫn đến ứ đọng, là triệu chứng thường gặp nhất. Nếu gặp được bác sĩ chuyên khoa, có thể phát hiện bệnh ngay khi biết triệu chứng.

Khi bệnh diễn tiến nặng hơn, các biểu hiện khác bắt đầu xuất hiện như chuột rút, dị cảm ở chân,… Tóm lại, triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch khá mơ hồ, nếu bệnh nhân nắm được các biểu hiện của bệnh sẽ kịp thời thăm khám và chẩn đoán bệnh.

8. Làm sao để phân biệt đường gân máu với suy giãn tĩnh mạch?

Đường gân máu ở trên da khiến nhiều người lầm tưởng đó là suy giãn tĩnh mạch. Vậy làm sao để nhận diện rõ đó là đường gân máu hay triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch, thưa BS?

TS.BS Trần Thanh Vỹ trả lời: Giữa suy giãn tĩnh mạch và giãn mao mạch có biểu hiện gần giống nhau. Trong đó, giãn mao mạch thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, từ tác động của nội tiết tố nữ làm mao mạch giãn ra.

Từ đó, tạo ra sự khác biệt rõ, cụ thể, giãn mao mạch do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ thường xảy ra ở vùng đùi, một số chị em phụ nữ có thể bị giãn mao mạch trên mặt. Còn đối với giãn tĩnh mạch chân thường xảy ra ở vùng thấp và mặt trong của các chân nhiều hơn vị trí vùng đùi.

Tuy nhiên, cần được chẩn đoán xác định bởi bác sĩ chuyên gia về mạch máu để có kết quả chính xác nhất. Trong trường hợp giãn mao mạch do nội tiết, ngoài việc ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tình trạng này không tác động đến sức khỏe. Còn suy giãn tĩnh mạch có thể gây ra biến chứng nếu không được điều trị.

9. Nghi ngờ suy giãn tĩnh mạch nên khám chuyên khoa nào?

Để chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chân, người bệnh khi đi khám sẽ được chỉ định các cận lâm sàng nào? Nên khám chuyên khoa nào khi nghi ngờ bản thân bị suy giãn tĩnh mạch chân, thưa BS?

TS.BS Trần Thanh Vỹ trả lời: Hiện nay, tất cả bệnh viện ở thành phố đều có phòng khám chuyên về tĩnh mạch, mạch máu. Do đó, nếu người bệnh có vấn đề lo lắng về tĩnh mạch, nên đến các phòng khám chuyên khoa tĩnh mạch, mạch máu để các bác sĩ xác định, chẩn đoán.

Thông thường, phương pháp cận lâm sàng siêu âm Doppler mạch máu là phương tiện để các bác sĩ sử dụng, chẩn đoán bệnh suy giãn tĩnh mạch.

10. Có những phương pháp nào điều trị suy giãn tĩnh mạch?

Suy giãn tĩnh mạch có thể điều trị khỏi hoàn toàn không? Hiện có những phương pháp nào để áp dụng cho từng giai đoạn của bệnh, thưa BS?

TS.BS Trần Thanh Vỹ trả lời: Việc loại trừ hoàn toàn phải phụ thuộc vào hệ thống tĩnh mạch nào gặp vấn đề. Phần chi của người bao gồm hệ thống tĩnh mạch nông và hệ thống tĩnh mạch sâu. Giữa hai hệ thống này có một hệ thống tĩnh mạch xuyên với chức năng giúp mạch máu lưu thông giữa hệ thống tĩnh mạch nông qua hệ thống tĩnh mạch sâu rồi về tim. Hoặc từ tĩnh mạch nông đi trực tiếp lên trên và đổ vào hệ thống tĩnh mạch sâu phía trên và về tim.

Nếu hệ thống tĩnh mạch hoạt động bình thường thì các van tĩnh mạch không gặp vấn đề, còn việc điều trị khỏi sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tĩnh mạch nào bị bệnh. Lúc đó mới có thể xác định phương án điều trị.

Ví dụ, cả 3 hệ thống tĩnh mạch đều bị suy giãn và giãn lớn, việc điều trị dứt điểm là không thể. Còn nếu chỉ gặp vấn đề ở hệ thống tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu vẫn hoạt động tốt, vấn đề này có thể điều trị dứt điểm.

Hiện tay, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và các bệnh viện trong thành phố có đầy đủ các phương pháp điều trị như dùng thuốc để tăng cường tĩnh mạch; có đội ngũ kỹ thuật viên và các bác sĩ về vật lý triệu liệu tĩnh mạch, làm giảm nguy cơ ứ đọng; có vớ y khoa để bệnh nhân mang, phương pháp này hiệu quả ngay tức khắc.

Sau khi được điều trị các phương pháp trên nhưng không có đáp ứng hiệu quả, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp “mạnh tay” hơn như laser, nhiệt hoặc sóng cao tần để điều trị. Gần đây có phương pháp sử dụng keo sinh học để dán các tĩnh mạch bị giãn. Như vậy, tại TPHCM hiện nay có đầy đủ các phương tiện và phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch cho tất cả các giai đoạn bệnh.

11. Nên làm gì khi bị suy giãn tĩnh mạch?

Đối với những bệnh nhân được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch, cần lưu ý những gì trong sinh hoạt, nên thay đổi thói quen nào để giảm cảm giác khó chịu cũng như ngăn chặn tiến triển của bệnh, thưa BS?

TS.BS Trần Thanh Vỹ trả lời: Cần xác định được nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch, trong đó, tất cả các nguyên nhân gây ứ đọng đều dẫn đến suy giãn tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ xem xét nguyên nhân, nếu xử trí được, bệnh nhân sẽ được điều trị ngay. Ví dụ như táo bón sẽ được điều trị ở các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa; vấn đề u vùng chậu cũng cần giải quyết nếu gặp tình trạng ngày.

Ngoài ra, những thói quen đứng hoặc ngồi lâu một chỗ như chơi game, xem tivi,… nên được thay đổi để hạn chế ứ đọng ở hai chân. Các bác sĩ khuyến cáo, khi nằm ngủ, nên kê chân cao hơn tim để máu lưu thông về tim dễ dàng. Đó là những vấn đề cần điều trị và thay đổi thói quen.

12. Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch bằng cách nào?

Để phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch, chúng ta có những phương pháp nào, thưa BS?

TS.BS Trần Thanh Vỹ trả lời: Đầu tiên, cần thay đổi lối sống và các thói quen sinh hoạt gây ứ đọng ở hai chân như ngồi hay đứng quá lâu một chỗ, nên tập thể dục thể thao. Cân bằng dinh dưỡng, không ăn các loại thực phẩm nhiều mỡ, giàu chất béo và đường quá nhiều. Đó là những lưu ý để phòng tránh bệnh suy giãn tĩnh mạch chân.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X