Hotline 24/7
08983-08983

Suy giảm nhận thức và “sương mù não” hậu COVID-19, làm sao phân biệt?

Vượt ải COVID-19, không ít người bệnh tiếp tục đối diện tình trạng “nhớ nhớ, quên quên” mang tên “sương mù não”. Song, điều đáng lo ngại nhất là những dấu hiệu này dễ nhầm lẫn với chứng suy giảm nhận thức. Vậy suy giảm nhận thức là gì, làm sao phân biệt với “sương mù não” hậu COVID-19? Lời giải đáp từ BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống nhất TPHCM sẽ giúp bạn giải tỏa thắc mắc này.

1. Nguyên nhân nào gây suy giảm nhận thức là gì?

Khi nhắc đến suy giảm nhận thức, nhiều người thường mường tượng đến ngay tình trạng “nhớ nhớ, quên quên” nhưng chưa thực sự hiểu về căn bệnh này. Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn để quý bạn đọc hiểu rõ: thế nào là suy giảm nhận thức và đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Suy giảm nhận thức là một thuật ngữ để chỉ tình trạng người bệnh bị suy giảm trí nhớnhững chức năng về nhận thức khác như: chức năng ngôn ngữ, chức năng thực hiện những công việc hằng ngày, chức năng lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch, ra quyết định, chức năng về tri giác không gian (giúp nhận diện được môi trường xung quanh quen thuộc hay xa lạ). Ngoài ra, nhận thức còn biểu hiện ở tinh thần, ví dụ như người bệnh có vẻ thờ ơ hoặc có những bất thường về cảm xúc.

Suy giảm nhận thức là một thuật ngữ chung biểu hiện cho 2 giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn suy giảm nhận thức nhẹ và giai đoạn nặng hơn gọi là sa sút trí tuệ.

- Trong giai đoạn suy giảm nhận thức nhẹ, trí nhớ và chức năng nhận thức của người bệnh có thể bị suy giảm nhưng điều đó không ảnh hưởng đến hoạt động sống, công việc và mối quan hệ với những người xung quanh.

- Tuy nhiên, đối với sa sút trí tuệ, sự suy giảm về trí nhớ cũng như những chức năng về nhận thức sẽ ảnh hưởng đến công việc hằng ngày, ảnh hưởng đến mối quan hệ với những người thân.

Như vậy, suy giảm nhận thức là một giai đoạn nằm giữa tình trạng nhận thức bình thường và sa sút trí tuệ.

Suy giảm nhận thức nhẹ có thể tiến triển thành sa sút trí tuệ trong một số trường hợp. Tuy nhiên, suy giảm nhận thức có thể ổn định và trở về bình thường nếu chúng ta xác định được nguyên nhân và điều trị can thiệp sớm.

Nguyên nhân gây suy giảm nhận thức bao gồm: nguyên nhân về thần kinh và những nguyên nhân không liên quan đến thần kinh.

- Với nguyên nhân về thần kinh, chủ yếu là do tình trạng thoái hóa thần kinh ở những người lớn tuổi, chẳng hạn như bệnh Alzheimer (nguyên nhân gây sa sút trí tuệ hàng đầu do thoái hóa thần kinh) hay bệnh Parkinson. Nguyên nhân thứ hai là những bệnh lý về mạch máu não. Chẳng hạn như một người bị thiếu máu não, thiểu năng tuần hoàn não, sau một trường hợp bị đột quỵ hoặc sau nhiều lần đột quỵ, chấn thương sọ não hoặc u não, người bệnh có thể tiến triển thành suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ.

- Tuy nhiên, một số bệnh lý không liên quan đến thần kinh cũng có thể gây suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ. Điển hình đó là những trường hợp bệnh lý về nội tiết như suy giáp, rối loạn điện giải, trầm cảm, thiếu vitamin ở những người có cơ địa kém dinh dưỡng hoặc bị mất chất dinh dưỡng nào đó.

2. Suy giảm nhận thức chỉ xảy ra ở người già, có đúng không?

Nhiều người cho rằng suy giảm nhận thức chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, do lão hóa. Vậy thực tế ai có nguy cơ cao bị suy giảm nhận thức, thưa BS? Tình trạng này có liên quan đến giới tính, độ tuổi hoặc bệnh sử?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Tuổi tác là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây suy giảm nhận thức. Người ta thấy rằng, ở những người sau 60 tuổi, cứ tăng thêm 5 tuổi thì nguy cơ suy giảm nhận thức của họ sẽ tăng lên gấp đôi. Đặc biệt, ở những người từ 90 tuổi trở lên, cứ 2 người thì có 1 người bị suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ.

Tuy nhiên, tuổi tác không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất. Chúng ta thấy rằng, tai biến hoặc chấn thương sọ não có thể xảy ra ở người trẻ. Khi đó, người ta vẫn có thể bị suy giảm nhận thức mà điều này không có liên quan gì đến tuổi tác.

Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ khác có thể đề cập đến đó là yếu tố nguy cơ về mạch máu, ví dụ như cao huyết áp, đái tháo đường, lipid máu, hút thuốc phiện, hút thuốc lá. Những người có yếu tố nguy cơ này sẽ dễ bị đột quỵ hoặc các bệnh lý mạch máu não - yếu tố trung gian gây ra suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.

Những yếu tố nguy cơ khác như lối sống, chế độ ăn không hợp lý, kém hoạt động về tinh thần cũng như các hoạt động về thể lực cũng là những yếu tố nguy cơ của suy giảm về nhận thức. Những yếu tố nguy cơ này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Do đó, suy giảm nhận thức có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau chứ không chỉ ở người cao tuổi.

3. Điều gì sẽ xảy ra nếu suy giảm nhận thức không được phát hiện?

Theo BS, vì sao cho đến nay, nhiều người vẫn “xem nhẹ” tình trạng này? Điều gì sẽ xảy ra nếu suy giảm nhận thức không được phát hiện và can thiệp kịp thời, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Một số trường hợp suy giảm nhận thức có biểu hiện rất nhẹ, bệnh nhân chỉ than phiền là quên, giảm trí nhớ hoặc kém tập trung. Nếu việc suy giảm trí nhớ, kém tập trung xảy ra ở người cao tuổi thì người bệnh thường chủ quan. Đặc biệt, người thân của người bệnh thường có quan niệm sai lầm rằng lớn tuổi thì phải quên, nghĩa là người ta nghĩ đây chỉ là quá trình lão hóa là bình thường.

Tuy nhiên, một số trường hợp suy giảm về trí nhớ có thể tiến triển nặng dần thành sa sút trí tuệ. Như vậy, nếu phát hiện và phòng ngừa từ giai đoạn suy giảm nhận thức nhẹ thì mới giúp người bệnh không tiến triển thành bệnh sa sút trí tuệ.

Những biểu hiện bệnh nhẹ thường được mặc định là do tuổi tác. Do đó, chúng ta cần phải phân biệt được suy giảm nhận thức do yếu tố liên quan đến tuổi tác với trường hợp suy giảm nhận thức bệnh lý.

- Với trường hợp suy giảm nhận thức do yếu tố tuổi tác, người bệnh thường than phiền về trí nhớ nhưng vấn đề này không xảy ra thường xuyên. Bên cạnh đó, điều này không ảnh hưởng đến những sinh hoạt hằng ngày, cũng như những hoạt động nghề nghiệp của người đó. Đồng thời, suy giảm nhận thức do yếu tố tuổi tác cũng không ảnh hưởng đến mối hệ của người bệnh với những người xung quanh.

- Với những trường hợp suy giảm nhận thức bệnh lý, người bệnh sẽ than phiền vấn đề trí nhớ một cách thường xuyên, làm ảnh hưởng đến những hoạt động sống hằng ngày, cũng như các mối quan hệ giữa người bệnh với những người xung quanh. Khi đó, chúng ta phải nghĩ đến suy giảm nhận thức bệnh lý.

4. Dấu hiệu điển hình giúp nhận diện suy giảm nhận thức?

Để điều trị kịp thời, trước tiên cần nhận diện đúng triệu chứng. Xin hỏi BS, đâu là những dấu hiệu điển hình giúp người bệnh và thân nhận nhận biết tình trạng suy giảm nhận thức?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Những dấu hiệu điển hình của suy giảm nhận thức hay sa sút trí tuệ gồm:

- Bệnh nhân than phiền về tình trạng suy giảm trí nhớ, chủ yếu là trí nhớ gần (những việc xảy ra gần đây), giảm khả năng thu nhận những thông tin mới. Ví dụ, khi yêu cầu bệnh nhân kể lại nội dung chương trình hoặc một bộ phim mà họ đã xem trên TV tối qua thì họ sẽ không kể được. Hoặc nếu yêu cầu người đó kể lại bữa sáng đã ăn gì thì có thể họ sẽ không nhớ. Một số người thân của bệnh nhân sẽ than phiền rằng người bệnh quên uống thuốc, đôi khi đã ăn rồi nhưng lại bảo chưa ăn, lặp đi lặp lại cũng một câu hỏi, hoặc để quên đồ đạc mà không nhớ đã để ở đâu.

- Khi nói chuyện, người bệnh sẽ quên từ ngữ dùng để diễn đạt sự việc hoặc một đồ vật nào đó. Đồng thời, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi thực hiện những công việc hằng ngày, chẳng hạn như chuẩn bị một bữa ăn hoặc khó khăn trong việc lập kế hoạch.

Ví dụ, khi tổ chức một buổi cắm trại hoặc chuyến đi du lịch, người bị suy giảm nhận thức sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc lên kế hoạch đó, chẳng hạn như đặt khách sạn như thế nào, bao nhiêu người đi, chuẩn bị chi phí bao nhiêu,…

Đó là những biểu hiện mà chúng ta thấy ở những người suy giảm nhận thức, ngay cả ở những giai đoạn rất nhẹ.

Người bệnh suy giảm nhận thức thường có biểu hiện về trí nhớ, quên từ ngữ để diễn đạt một sự việc hoặc đồ vật... (Ảnh minh họa)

5. Làm sao phân biệt được suy giảm nhận thức với “sương mù não” hậu COVID-19?

Những triệu chứng BS vừa chia sẻ lại rất dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Đặc biệt, nhiều người dù khỏi COVID-19 vẫn bị tình trạng suy giảm trí nhớ, khó tập trung và các triệu chứng khác của “sương mù não”. Làm sao để phân biệt đây thực sự là suy giảm nhận thức hay suy giảm trí nhớ hậu COVID-19, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Một vấn đề đang được đề cập rất nhiều hiện nay đó là biểu hiện bất thường ở những người sau khi khỏi COVID-19, hay còn gọi là hội chứng hậu COVID-19. Trong đó, một trong những biểu hiện bất thường phổ biến là biểu hiện thần kinh. Có thể thấy, tình trạng “sương mù não” là một vấn đề được đề cập nhiều hiện nay. Song, chúng ta cần phải phân biệt được “sương mù não” với những tình trạng suy giảm về nhận thức đơn thuần.

- Với suy giảm nhận thức, người bệnh sẽ có những biểu hiện về suy giảm trí nhớ và các chức năng nhận thức, ví dụ như suy giảm về khả năng ngôn ngữ, lên kế hoạch, chức năng thị giác không gian (nhận biết môi trường xung quanh).

- Với “sương mù não”, đây là tình trạng xảy ra sau khi một trường hợp bị nhiễm virus hoặc do một biến cố nào đó làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Người ta thấy rằng tình trạng “sương mù não” không chỉ xảy ra ở người bệnh COVID-19 mà trước đây người ta đã đề cập đến tình trạng “sương mù não” ở những bệnh lý khác như nhiễm trùng nặng hoặc nhiễm siêu vi nặng, viêm não, chấn thương sọ não…

Biểu hiện của "sương mù não" rất đa dạng chứ không chỉ riêng chức năng nhận thức. Ở một người bị “sương mù não”, người bệnh không chỉ suy giảm trí nhớ mà những hoạt động mà suy nghĩ của họ cũng rất chậm chạp, thờ ơ, giảm khả năng ngôn ngữ, khả năng lên kế hoạch cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, những bị “sương mù não” còn có những biểu hiện khác như cảm thấy mệt mỏi về mặt tinh thần, chóng mặt, choáng váng, hoặc mất ngủ, buồn chán. Như vậy, biểu hiện của “sương mù não” rất đa dạng. Người ta mô tả rằng tình trạng “sương mù não” giống như chúng ta đang đi trong sương mù hoặc đang làm việc giữa ban đêm.

“Sương mù não” không phải một bệnh lý mà là một tình trạng bao gồm nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó bao gồm sự suy giảm về nhận thức, giảm tập trung, kém chú ý, quên những chuyện xảy ra gần đây, khó tìm từ, khó lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Mặc dù những biểu hiện này khá giống với tình trạng suy giảm nhận thức ở bệnh nhân sa sút trí tuệ nhưng “sương mù não” sẽ có những biểu hiện khác như bệnh nhân thờ ơ, mệt mỏi về mặt tinh thần, có thể kèm theo đau nhức cơ, rối loạn giấc ngủ, cảm thấy choáng váng, chóng mặt.

Như vậy, biểu hiện của “sương mù não” rất đa dạng và không chỉ biểu hiện ở suy giảm nhận thức mà nó còn biểu hiện ở những triệu chứng khác về cảm xúc và cơ thể.

6. Khỏi COVID-19, ai dễ bị "sương mù não"?

Sau khi trải qua quá trình chống chọi với COVID-19, liệu người bệnh có tiến triển đến suy giảm nhận thức thực sự?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Việc bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 có mắc tình trạng rối loạn suy giảm nhận thức hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như bệnh nhân mắc COVID-19 có nặng hay không. Theo thống kê, ở những bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện hoặc nằm ICU, tỷ lệ mắc “sương mù não” chiếm khoảng 80%, trong khi ở những bệnh nhân bị COVID-19 nhẹ thì tỷ lệ này chiếm khoảng 30%.

Với đối tượng người lớn tuổi có bệnh lý nền, đặc biệt là những bệnh nhân đã có tình trạng suy giảm nhận thức từ trước thì sau khi mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ bị “sương mù não” cao hơn người không có bệnh lý về thần kinh hay bệnh lý trầm cảm, lo âu trước.

Do đó, việc một người có mắc tình trạng “sương mù não” hay không tùy thuộc rất nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng bệnh lý và cơ địa của người bệnh.

7. Suy giảm nhận thức, Alzheimer và sa sút trí tuệ có mối quan hệ như thế nào?

Nhiều người khác lại gặp khó khăn trong việc phân biệt suy giảm nhận thức, Alzheimer và sa sút trí tuệ. Xin hỏi BS, 3 căn bệnh này có mối liên quan như thế nào? Liệu có cách nào nhận diện rõ ràng giữa suy giảm nhận thức, Alzheimer và sa sút trí tuệ không thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Việc nhận diện giữa suy giảm nhận thức, Alzheimer và sa sút trí tuệ chỉ thực chất chỉ là vấn đề thuật ngữ.

Suy giảm nhận thức là một thuật ngữ chung để chỉ 2 tình trạng là suy giảm nhận thức nhẹ và sa sút trí tuệ. Có thể nói, sa sút trí tuệ chỉ là một hậu quả của biểu hiện suy giảm nhận thức trước đó. Như vậy, suy giảm nhận thức nhẹ có thể là một biểu hiện trung gian giữa một hoạt động nhận thức bình thường và tình trạng sa sút trí tuệ.

Sa sút trí tuệ do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có bệnh lý thoái hóa thần kinh. Trong khi đó, bệnh Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu của bệnh lý thoái hóa thần kinh. Như vậy, Alzheimer gây ra suy giảm về nhận thức, sa sút trí tuệ.

Ngoài ra, sa sút trí tuệ có thể do nhiều nguyên nhân khác ngoài bệnh Alzheimer, ví dụ như do bệnh lý mạch máu não, sau cơn đột quỵ hoặc bệnh parkinson. Do đó, bệnh Alzheimer chỉ là một phần của sa sút trí tuệ mà thôi.

9. Bị suy giảm nhận thức thì nên khám ở đâu?

Khi có những dấu hiệu nghi ngờ suy giảm nhận thức, người bệnh nên khám chuyên khoa nào? Quá trình thăm khám, đánh giá của bác sĩ thường sẽ gồm những gì và cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Đầu tiên, chúng ta cần phải phân biệt được tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ và sa sút trí tuệ.

Đối với suy giảm nhận thức nhẹ, biểu hiện quan trọng nhất để phân biệt đối với sa sút trí tuệ đó là mức độ ảnh hưởng đến hoạt động sống hoặc giao tiếp hằng ngày. Ở những người bị suy giảm nhận thức nhẹ, hầu như rất ít ảnh hưởng đến sinh hoạt, những hoạt động nghề nghiệp hoặc hoạt động sống hằng ngày. Còn với những người bị sa sút trí tuệ, điểm quan trọng để giúp chúng ta chẩn đoán đó là người bệnh bị ảnh hưởng đến hoạt động sống và hoạt động nghề nghiệp.

Như vậy, để xác định được bệnh lý ở những người có biểu hiện về suy giảm trí nhớ, chức năng nhận thức, cần có sự tham vấn của chuyên gia.

Hiện, TPHCM cũng có nhiều phòng khám về thần kinh, trung tâm chuyên về trí nhớ và sa sút trí tuệ, chẳng hạn như Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, Bệnh viện 30/4, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM là những bệnh viện lớn chuyên về trí nhớ và sa sút trí tuệ. Nếu không có điều kiện, chúng ta có thể tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

Cm ơn Nhãn hàng Tanakan đã đồng hành cùng chương trình!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X