Hotline 24/7
08983-08983

BS Trần Văn Phúc: Sự ích kỷ và kiêu ngạo của con người khủng khiếp hơn cả virus SARS-CoV-2

BS Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) phân tích tác hại trong cách ứng xử ích kỷ và kiêu ngạo của những người trốn cách ly hay chê bai điều kiện cách ly, điều này khiến cho cuộc chiến chống dịch COVID-19 khó khăn hơn rất nhiều.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 khó khăn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng.

Dịch trong nước tưởng chừng đã ổn định với con số 16 bệnh nhân đã chữa khỏi, 22 ngày không xuất hiện thêm trường hợp nào, thì bỗng dưng bùng phát những chùm ca bệnh mới, chỉ trong 10 ngày đã nâng tổng số người nhiễm lên 61 và số người phải cách ly tới hàng chục ngàn.

Dịch lan ra khắp thế giới còn kinh khủng hơn.

Mỗi buổi sáng thức dậy, hơn 3000 ca bệnh được chẩn đoán ở Ý, Iran và Hàn Quốc đều là những tâm dịch, Mỹ cũng không ngoại lệ. Ở một số nơi, hệ thống y tế quá tải, thậm chí có dấu hiệu sụp đổ với số lượng bệnh nhân tử vong tăng lên chóng mặt. Chính phủ Anh với chủ trương “miễn dịch cộng đồng” phải chăng là sự đầu hàng vô điều kiện, bởi họ chẳng thể làm gì hơn để ngăn chặn và khống chế.

Thông tin báo chí sáng nay, tạp chí Guardian đã dẫn nguồn tin rò rỉ từ một cuộc họp bí mật của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), theo đó COVID-19 có thể khiến 7,9 triệu người Anh phải nhập viện.

Trong diễn biến khác, một nhà thờ ở Hàn Quốc phòng chống dịch bằng cách xịt nước muối vào miệng hơn 100 thành viên, bình xịt lại không được khử khuẩn khiến cho 46 người bị nhiễm SARS-CoV-2.

Còn ở Việt Nam, một người đàn ông 61 tuổi quê Ninh Thuận, ông đi dự lễ nhà thờ Hồi giáo có hơn 16 ngàn người cùng tham gia ở Malaysia, trở về nước ngay lập tức ông bị mắc căn bệnh lạ. Chính phủ Malaysia hôm qua đã tuyên bố đóng cửa quốc gia, dừng mọi hoạt động tôn giáo, thời gian đóng và dừng cho đến hết tháng Ba.

Khi một loại bệnh truyền nhiễm xảy ra thì tất cả chúng ta đều hoảng sợ.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều quốc gia theo đuổi quan điểm ‘không phát hiện’ và tuyên bố rằng chính phủ liên tục ‘cầu nguyện’ để không có dịch, người dân vẫn tiếp tục sống hạnh phúc.

Ấn Độ rất lạ: người dân rủ nhau tắm trong những bể phân bò…

Việt Nam luôn thực hiện phòng chống dịch khoa học và nghiêm túc. Chính phủ đã đưa ra những biện pháp hết sức quyết liệt, hành động với sự khôn ngoan và táo bạo, cố gắng ngăn chặn từng ca bệnh xâm nhập, kiềm chế sự khuếch tán của virus, không cho phép những ổ dịch nhỏ bùng phát, kéo dài thời gian cho phép chủ động ở giai đoạn phòng ngừa và kiểm soát.

Tất cả những nỗ lực to lớn với thế trận chiến tranh nhân dân ấy, nó đã thực sự phát huy hiệu quả, bằng chứng là chúng ta giảm thiểu tối đa bệnh dịch COVID-19, sau 3 tháng 10 ngày số người nhiễm vẫn chỉ dừng ở con số 61.

Thành công bước đầu, nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng, số phận con người rất mỏng manh trước dịch bệnh, rất yếu ớt trước thiên nhiên. Hôm nay, chúng ta đang có 2 bệnh nhân COVID-19 rất nặng phải thở máy, các chuyên gia hàng đầu của đất nước, những người giỏi nhất đang tập trung nhau lại hội chẩn để tìm cách chữa trị, vậy nhưng vẫn chưa biết điều gì sẽ xảy ra.

Là một công dân bình thường, chúng ta phòng chống dịch bằng cách cố gắng ngồi im một chỗ và hạn chế tối đa chạy lung tung bên ngoài, thực hành rửa tay chăm chỉ bằng xà phòng thường, đeo khẩu trang khi cần phải đến chỗ đông người, cố gắng giữ khoảng cách 2m, nếu thấy xuất hiện triệu chứng COVID-19 thì hãy gọi điện thoại theo số 1900 9095 (hoặc 1900 3228) để có người đến đón thay vì tự đi khám. Những người từ vùng dịch trở về hãy tự giác chấp hành cách ly. Đây là cách chúng ta đóng góp tốt nhất cho dịch bệnh.

Khi virus xuất hiện, chúng ta ai cũng hoảng sợ, nhưng hãy sử dụng kiến thức để vượt qua nguy hiểm, bảo vệ mình và bảo vệ người thân.

Sợ hãi là cảm xúc nguyên thủy nhất của con người, đối diện với sự đe dọa của dịch bệnh chúng ta có thể bi quan, đổ lỗi, tiêu cực và hoảng loạn, nên sẽ tìm mọi cách để thoát khỏi nó. Nhưng cần phải biết rằng, cách duy nhất để giải quyết khó khăn là đối mặt với khó khăn. Thật vậy, khi chúng ta không may rơi vào thảm họa, trước những khó khăn, nếu chúng ta luôn luôn có những suy nghĩ và hành động tích cực, điều đó sẽ giúp chúng ta dần vượt qua được khó khăn.

Dịch bệnh COVID-19 chỉ có trái tim của con người mới chữa lành.

Mọi thứ bắt đầu từ bản ngã, nhưng khi chúng ta hợp nhất nhau lại, bằng ý thức, trách nhiệm và tình cảm xuất phát từ con tim, chúng ta có thể phát huy sức mạnh lớn nhất của tập thể. Chính vì chúng ta biết đoàn kết, nên tại thời điểm này, Việt Nam là quốc gia tương đối an toàn, đó là lí do để hàng ngàn người Việt trên khắp thế giới tìm cách quay trở về.

Những người Việt có quyền làm như vậy, bởi trên tất cả, Tổ quốc cũng là nhà của họ. Những chuyến bay không bị tạm ngừng, cho dù đất nước phải đối mặt với đầu vào các trường hợp rủi ro, chúng ta phải chấp nhận, chấp nhận vì không được phép từ chối công dân Việt trở về Tổ quốc.

Nhưng,

Các bạn về nhà thì phải tuân thủ những quy tắc!

Mọi người ở nhà đang rất tử tế với các bạn, đa phần người trở về mà tôi thấy đặc biệt là các em du học sinh rất lễ phép và nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc, chỉ một số rất ít người thành đạt và giàu có thì lại bắt đầu trơ trẽn.

Ích kỷ, cay nghiệt, khiêu khích, kêu ngạo, tỏ vẻ ta đây, coi mình là thượng đẳng…

Tôi đã nhìn thấy một vài người như vậy trong những ngày qua, hiện tượng đó đang có xu hướng tăng lên ở sân ga Nội Bài, tôi vừa xem 1 clip mà thực sự giật mình về cách ứng xử của các bạn.

Hôm qua có người phụ nữ khăng khăng chê đồ ăn phát miễn phí ở sân bay làm con họ không nuốt nổi, hay trước đó có vài người còn quay cả clip đăng lên Facebook chê khu cách ly bẩn thỉu, phòng ốc ngột ngạt; tôi chỉ có thể nói với các bạn đây là kiểm dịch, không phải khách sạn hay địa điểm du lịch!

Nhiều người sợ hãi cách ly nên đã khai gian y tế và trốn tránh.

Hậu quả đã xảy ra, có người trở thành “siêu lây nhiễm” gây bệnh cho cả chục người, hệ thống y tế đã thất bại khi phải chạy theo sau để truy bắt từng con virus.

Điều đó làm cho tôi nhớ đến những câu chuyện tương tự đã xảy ra ở Trung Quốc, mà người đầu tiên tôi muốn nhắc đến, đó là trường hợp của anh Quách Mỗ Bằng ở Trịnh Châu.

Người đàn ông họ Quách có 8 ngày đi qua 4 quốc gia, thăm 9 thành phố, cưỡi 6 chuyến bay, 2 lần trèo lên đường sắt cao tốc, 8 tàu điện ngầm và 1 chuyến xe buýt, đi qua đi lại rất nhiều chốn công cộng, cuối cùng anh trở về Trung Quốc sau chuyến du lịch Ý.

Tuy nhiên, người đàn ông họ Quách đã giấu tất cả mọi chuyện, không khai báo y tế và kiểm dịch, anh thản nhiên đến công sở làm việc. Khi các triệu chứng COVID-19 xuất hiện, Quách lo ngại bị cách ly, đã uống vụng cả vốc thuốc hạ sốt. Cảnh sát đến cửa bắt giữ, đúng vào lúc Quách đang phải uống thuốc, nhưng anh ta vẫn phủ nhận mọi chuyện.

Bạn cần biết rằng SARS-CoV-2 cũng có thể lây truyền trong thời gian ủ bệnh. Ai mà biết được, liệu Quách Mỗ Bằng có lây bệnh cho ai hay không, nếu có thì anh ta đã lây cho bao nhiêu người trong quá trình di chuyển dày đặc rồi trở về làm việc bình thản như thế.

Và đây là một câu chuyện cố ý khác!

Vào ngày 4/3, Liệu Mỗ Quân và Liệu Mỗ Hải đi du lịch Ý trở về Trung Quốc, cả hai được phát hiện mắc bệnh COVID-19.

Hóa ra từ cuối tháng 2, họ đã xuất hiện các triệu chứng ho khan và sốt. Để lên máy bay, anh em nhà họ Liệu đã uống thuốc hạ sốt và không điền vào tời khai báo sức khỏe khi nhập cư.

Bạn cũng cần biết rằng, người mắc COVID-19 khi có triệu chứng sẽ lây truyền virus rất mạnh, giai đoạn toàn phát lượng virus nhiều nhất, vì vậy hai anh em họ Liệu có nguy cơ gieo rắc cho chính những hành khách cùng chung chuyến bay.

Đến đây, tôi lại kể thêm một câu chuyện khá nổi tiếng trên truyền thông quốc tế, xảy ra vào ngày 12/3, chiếc máy bay mang số hiệu CA988 của hãng hàng không Air China đã phải quay đầu trở lại Los Angeles. Trước lúc cất cánh, các tiếp viên đã đo thân nhiệt từng hành khách một, không thấy ai bất thường.

Khi máy bay rời phi trường khoảng 1 tiếng, có nữ hành khách đã tìm đến tiếp viên hàng không, cô nói rằng mình không được thoải mái, nhưng phủ nhận không đi đến vùng dịch và không phải dùng thuốc. Tiếp viên đưa người phụ nữ đến khu vực cabin để quan sát. Chuyến bay vẫn tiếp tục, cho đến 2 giờ trước khi hạ cánh, thì người phụ nữ nói rằng cô bị nhiễm trùng và sốt cao tới 39 độ C ở Mỹ.

Vào ngày 11/3, thời điểm trước khi lên máy bay 1 ngày, cô đến một bệnh viện ở Hoa Kỳ để khám, nhưng không được nhập viện. Sau 3 lần đề nghị được xét nghiệm acid nucleic nhưng đều bị từ chối, cô quyết định trở về Trung Quốc để bảo toàn tính mạng, trước khi lên máy bay cô đã uống thuốc hạ sốt, chồng và con cùng đi theo.

Người phụ nữ nổi tiếng theo cách tội nghiệp đó là Lý Mỗ.

Vào ngày 13/3, cô Lý được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19, chồng và con trai cô được chẩn đoán là trường hợp nghi ngờ. Những hành khách trên chuyến bay tự dưng trở thành người tiếp xúc gần có nguy cơ.

Tôi thông cảm cho những người lo sợ dịch bệnh.

Nhưng khi các bạn đã bị ốm, thì hãy ở lại điều trị tại nơi mình đang cư trú, nếu khó khăn cũng tìm cách thỏa hiệp với bệnh viện địa phương, thay vì các bạn dùng thuốc hạ sốt và khai gian y tế để được lên máy bay, các bạn hãy đặt mình vào vị trí của những người xung quanh và suy nghĩ về những hậu quả sẽ xảy ra.

Với những người như cô Lý, tôi hiểu, vì ai ở hoàn cảnh đó cũng đều sợ hãi, nên việc tìm mọi cách để trở về nước cũng là điều đương nhiên. Nhưng có một số người, họ thực sự ích kỷ, chỉ quan tâm đến bản thân, chẳng bao giờ nghĩ đến người khác, càng không nghĩ đến thảm họa mà họ sẽ gây ra với cộng đồng.

Các bạn có quyền trở về: nhưng tôi đề nghị các bạn đừng che giấu!

Mới hôm qua, chính quyền Trung Quốc đã phóng thích cô Huỳnh Mỗ Anh sau khi hết hạn tù vì gian dối và trốn tránh cách ly, trước khi thụ án cô đã được chữa khỏi COVID-19 nhưng sau khi phóng thích cô vẫn bị tiếp tục cách ly thêm 14 ngày nữa, theo quy định của chính quyền thành phố Vũ Hán.

Đừng để căn bệnh COVID-19 kết nối bạn với nhà tù.

Điều đó thực sự không đáng, bởi tôi biết các bạn đều sống, học tập và làm việc ở những nước văn minh, khoác trên mình những bộ quần áo rất đẹp và đắt tiền, các bạn không thể là người xấu. Chỉ cần các bạn gạt bỏ cái tôi, không kiêu ngạo, hãy nhìn ra xung quanh mình để thấy được rằng cuộc sống đang rất cần những cái nắm tay và sự sẻ chia.

Hãy xem cặp vợ chồng già nua người Anh cách ly ở Bệnh viện Đống Đa, hay khách du lịch trẻ người Anh chưa hưởng giờ phút du lịch nào ở Việt Nam đã phải cách ly trong doanh trại quân đội trên Sơn Tây, xem họ nói bệnh viện cũng như khách sạn 5 sao, doanh trại quân đội như một kì trải nghiệm không thể tuyệt vời hơn; từ đó các bạn sẽ rút ra được nhiều bài học về ứng xử.

[…] Đến đây, tôi muốn nói với các bạn rằng, trước bất kì một sự thay đổi nào đó, chúng ta hãy bình tĩnh, lùi lại, sống chậm để cảm nhận và suy nghĩ, thay vì phản ứng vội và tức thời.

Chính phủ, nhân viên y tế, nhân viên công lực, công an, bộ đội, các tình nguyện viên; tất cả đã phải rất nỗ lực vì các bạn. Hãy thử hình dung, 15 đội y tế làm việc liên tục 24/24 giờ ở sân bay Nội Bài, họ làm theo chế độ trực chiến cách nhật, gọi là trực giã giò và hầu hết trong số đó từ tết Nguyên Đán đến giờ chưa có một bữa cơm thực sự với gia đình.

Tôi chỉ cần các bạn mặc bộ quần áo chuyên dụng của họ rồi ngồi im trong 1 giờ đồng hồ thì các bạn sẽ thấy được sự khủng khiếp của nó như thế nào. Ngược lại, các bạn được hỗ trợ từ khuân vác hành lí cho đến di chuyển, được cách ly miễn phí, được phát đồ ăn miễn phí, thậm chí được phục vụ rất nhiều những thứ ngoài yêu cầu khác nữa.

Nhưng tôi vẫn nghe một số bạn chê trách nơi cách ly là nghèo nàn bẩn thỉu, là ngột ngạt khó thở, là đồ ăn dở; hôm qua tôi còn xem cả đoạn Clip dài 7 phút một số bạn phản ứng vì thời gian chờ đợi ở sân bay quá dài, người chờ đợi quá đông và các bạn đòi phải có một khu riêng.

Tôi rất lạ về những phản ứng như thế này!

Tôi đồng ý rằng các bạn đi cách ly sẽ không thể có đồ ăn theo mình muốn, không thể có không khí ngọt theo đúng sở thích của các bạn để thở, không được tiện nghi thoải mái như khi đang ở trong buồng ngủ của riêng mình; nhưng các bạn cần phải biết mình đang ở đâu.

Tôi hi vọng các bạn hiểu rằng, các bạn đang quay trở về với Tổ quốc trong một hoàn cảnh rất đặc biệt chứ không phải chuyến về thăm quê hay đi du lịch. Vậy các bạn hãy vui lòng tôn trọng những nhân viên công vụ, tôn trọng công an và quân đội, tôn trọng y bác sĩ, hãy gạt bỏ tư tưởng coi đó là dịch vụ để cho phép mình đòi hỏi quá đáng. Những người đang trực chiến ở tuyến đầu, họ chẳng cần bạn phải mỉm cười và nói lời cám ơn, họ chỉ cần bạn gật đầu trong im lặng và đi qua.

Cần phải biết rằng, nhân viên công vụ, bộ đội và công an, các y bác sĩ, họ làm công việc ấy hôm nay, không phải để phục vụ các bạn, mà làm để bảo vệ sự an nguy cho các bạn, bảo vệ sự sống cho cả dân tộc này.

Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, thậm chí là nhiều vấn đề tồi tệ so với thế giới, đó là li do để các bạn phải ra đi tìm một chân trời mới như một sự giải cứu. Nhưng khi bệnh dịch, các bạn phải đối diện với sự thay đổi mang tính sống còn, thì các bạn có quyền trở về với Tổ quốc, bởi đây là nhà của các bạn.

Trở về nhà, nhưng các bạn cần phải gạt bỏ những kiêu ngạo, có ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng, bằng cách tự mình điền vào những tờ khai báo thật trung thực, chấp nhận kiểm dịch, chấp nhận cách ly, chấp nhận chia ngọt sẻ bùi với những người xung quanh và với đồng bào của mình.

Hãy nhớ rằng: sự ích kỷ và kiêu ngạo của các bạn sẽ nguy hiểm hơn cả con virus!

FB Trần Văn Phúc

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X