Hotline 24/7
08983-08983

Sống trăm tuổi nhờ chỉ... hôn có 1 người

Làm thế nào để duy trì sức khỏe và phong độ miễn chê? Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu các cụ trăm tuổi nhằm tìm ra bí mật trường thọ.

Rất có thể 3 anh em nhà Kahn người Mỹ (bộ ba này tròn 108, 104 và 100 tuổi vào thời điểm năm 2009, khi công trình nghiên cứu được tiến hành) đã sở hữu bí mật kỳ diệu đó.
 
Mê rượu mạnh, nghiện thuốc lá vẫn sống thọ

Cụ bà Helen (108 tuổi) không thích món sa lát, rau xanh; không ưa thức dậy sớm và lối sống lành mạnh nói chung. Thay vào đó, cụ đắm đuối với món bánh mỳ kẹp thịt (hamburger), socola, rượu mạnh và cuộc sống đêm của New York trong nhà hàng đặc sản, Broadway, rạp chiếu phim và Metropolitan Opera. Tại chính nhà hát này, năm 1918 lần đầu tiên cụ được chiêm ngưỡng vở nhạc kịch “Samson và Dalila”. Đó là quà tặng của người cha dành cho cụ nhân sinh nhật lần thứ 17.

Môi điểm son, má phớt phấn hồng. Làn da cụ vẫn mịn như nhung...

Cụ Helen cũng nghiện thuốc lá. “Tôi đã hút thuốc trên 80 năm, hút cả ngày, quả thật rất nhiều” – cụ thừa nhận. Mọi người đặt tên cụ là “Happy” (Hạnh phúc). Người cụ nhỏ bé, ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế salon. Cuối thu cụ mặc quần âu, áo len mỏng, đầu đội mũ nồi, cổ quàng khăn dạ và chiếc dây chuyền mặt ngọc. Mái tóc màu nâu cắt ngắn của cụ được chăm sóc hoàn hảo. Môi điểm son, má phớt phấn hồng. Làn da cụ vẫn mịn như nhung, gần như không có nếp nhăn. Đôi mắt nâu nhạt cười vui sau cặp kính lão.

Sau sự cố tai biến dăm năm trước, giọng cụ hơi bị méo, khó nghe một chút. Tuy  nhiên đầu óc vẫn minh mẫn, khát vọng khám phá thế giới vẫn không tắt, riêng trí nhớ thậm chí còn tốt hơn cô giúp việc 37 tuổi người Philipines. Hôm hẹn khách, không may cụ bị cảm và phải tiếp khách tại nhà riêng, đường Prak Avenue, thay vì ở quán ăn Ấn Độ ở góc phố - một trong những địa chỉ ưa thích của cụ. “Chúng ta hẹn tái ngộ vào bữa trưa ngày thứ bảy tại địa điểm đó cùng Irving, ông em trai tôi, được không?” - cụ Helen chân thành mời khách.

Cụ Helen Faith Keane Reichert, sinh ngày 11/11/1901 tại Lowe East Side ở Manhatta, là con gái gia đình nhập cư gốc Do Thái, Ba Lan. Cụ từng có bằng tiến sĩ tâm lý, từng làm chuyên gia thời trang, biên tập viên truyền hình và giáo sư chuyên ngành Tiếp thị Đại học New York. Cụ từng là vợ bác sĩ tim mạch.

Gia đình “siêu thọ” này đã hiến máu và tham gia chương trình thí nghiệm dưới sự chỉ đạo của các nhà khoa học Mỹ thuộc Đại học Boston và New York trong khuôn khổ dự án nghiên cứu các bệnh người cao tuổi nhằm mục đích tìm ra lời giải đáp cho những câu hỏi liên quan đến tình trạng lão hóa xã hội trong các nước công nghiệp phát triển. Bằng cách nào một số người vẫn duy trì được sức khỏe dồi dào cho đến 100 tuổi hoặc thậm chí cao hơn? Tại sao so với đồng loại các cụ trăm tuổi ít bị những bệnh của nền văn minh đe dọa?

Thọ trăm tuổi nhờ chỉ…  hôn một người?

Các chuyên gia dân số đã tính được rằng, trong 170 năm, tuổi thọ tại các nước công nghiệp phát triển kéo dài trung bình thêm 3 tháng. Đến năm 2009, tại Đức tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 82, nam giới 77. Xuất hiện câu hỏi, tại sao mọi nỗ lực kìm hãm sự phát triển xuất hiện những bệnh điển hình của người phụ nữ như: xơ vữa động mạch, tiểu đường, ung thư hoặc Alzheimer – đều vô hiệu? Liệu có thể tìm được trong lý lịch các cụ trăm tuổi đơn thuốc đẩy lùi các bệnh của người cao tuổi?

Người ta tính được, hiện tại ở Mỹ có khoảng 50 ngàn cụ trăm tuổi, tại Đức - khoảng 6 ngàn cụ. Trung bình cứ 1 triệu công dân có một cụ sống đến 110 tuổi hoặc cao hơn. Một thời gian dài giới khoa học trên toàn thế giới đã tìm kiếm các cụ “siêu thọ” để khám phá bí mật trường thọ trong gen di truyền, lý lịch và lịch sử bệnh của họ.

Bác sĩ người Israel Nir Barzilai thuộc Viện nghiên cứu Các bệnh Người Cao tuổi (Đại học Albert Einstein, New York) đã đặt cho các cụ trăm tuổi hàng trăm câu hỏi vể: lối sống, chế độ ăn uống, thói quen uống rượu, hút thuốc lá, hoạt động thể chất, chất lượng giấc ngủ, trình độ văn hóa, địa vị xã hội, đời sống tín ngưỡng… với hy vọng tìm ra mẫu số chung.

Kết quả khiến mọi người thất vọng. “Không có bất cứ mẫu số chung nào” – BS Barzilai than thở. Những lời khuyên truyền thống về lối sống lành mạnh, như tránh hút thuốc lá, uống rượu vừa phải, hoạt động thể thao, thực đơn cân bằng, không thừa cân… chứng tỏ chỉ thích hợp với số đông người bình thường, không phải thiểu số các cụ cực thọ. Các cụ trăm tuổi thuộc đẳng cấp riêng – nhà khoa học Israel khẳng định rồi rút tập tài liệu ra đọc to: “37% các cụ trăm tuổi đã được nghiên cứu ở tuổi 70 từng bị liệt vào loại “thừa cân”, 8% - béo phì, 37% -  nghiện thuốc lá trung bình suốt 31 năm, 44% duy trì chế độ vận động vừa phải, 20% - không thể tham gia hoạt động thể thao.

BS Barzilai nói: lối sống là nguyên nhân quyết định, cá thể sẽ qua đời vào tuổi 85 hay tuổi 75. Tuy nhiên, theo nhà khoa học Israel, để vượt qua ngưỡng 100 tuổi cần phải sở hữu những thiên hướng di truyền nhất định. Những đối tượng này già chậm hơn. Cho dù họ qua đời vì những bệnh y hệt chúng ta, song muộn hơn khoảng 30 năm và thường ra đi nhanh hơn, không có biến chứng phức tạp, kéo dài.

GS Stefan Schreiber (48 tuổi), phụ trách nhóm nghiên cứu “Sức khỏe tuổi già” Đại học Kilonia đã từng tiến hành các nghiên cứu về các cụ trăm tuổi bộc bạch: “Tôi cũng bị thừa cân một chút và không hề hoạt động thể thao. Nếu lối sống tạo nên sự khác biệt về tuổi thọ, tôi cũng sẵn sàng thay đổi lối sống của mình”.

Không ai nghi ngờ, béo phì, hút thuốc lá và lối sống lười vận động gây tổn hại sức khỏe. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa ai tìm ra đơn thuốc duy trì lâu dài phong độ. Không trường hợp nào trong các cụ trăm tuổi đã được nghiên cứu từng áp dụng thực đơn đặc biệt – GS Schreiber khẳng định. – Chỉ duy nhất một thực tế đập vào mắt tôi: đa số cụ ông trăm tuổi suốt đời chỉ hôn một cụ bà. Phải chăng đó là toàn bộ bí mật, nhờ nó các cụ sống lâu trăm tuổi? – nhà khoa học Đức khôi hài đặt câu hỏi.

Sống thọ nhờ làm việc không ngừng nghỉ

Em trai cụ bà Happy, cụ Irving (104 tuổi) chỉ có thể gặp vào quãng giữa 8h30 và 15h30 tại văn phòng cách ba ngã tư kể từ căn hộ của bà chị Happy. Văn phòng nằm trên tầng 22 cao ốc trên đường Adison Avenue. Doanh nghiệp có tên Kahn Brothers. Đó là hãng đầu tư do cụ Irving thành lập năm 1978 cùng hai con trai. Con trai cả của cụ, năm nay 72 tuổi, đã nghỉ hưu 5 năm trước.

Cụ Irving Kahn 104 tuổi vẫn say sưa làm việc mỗi ngày

Cụ Irving Kahn – người thấp, chắc nịch –ngồi trước màn hình phẳng. Trên bàn làm việc ngự đống giấy tờ, bên cạnh cái kính lúp to bự. Thậm chí cụ chưa hể nghĩ đến chuyện nghỉ hưu. “Tôi quan tâm nhiều ngành kinh doanh và công nghệ mới. Rất thích đọc sách. Vì thế làm nhà đầu tư là nghề lý tưởng đối với tôi” – cụ giải thích. Sau ngày cụ bà qua đời 14 năm trước, cụ làm việc thậm chí nhiều hơn. Lý giải lý do thích làm việc, cụ nói: “Đơn giản, tôi không tìm được ai thú vị như người phụ nữ tôi đã nằm cùng giường suốt 65 năm trời”.

Cụ Kahn đến với “Wall Street” năm 1928 sau những năm theo học đại học dang dở và kỳ thực tập dưới sự hướng dẫn của chuyên gia kinh tế thần thoại, GS Ben jamin Graham (Đại học Columbia). Cụ may mắn không lụn bại vì Đại khủng hoảng kinh tế nhưng thời đó tiền lương của cụ bị cắt xuống mức 60USD/tuần. “Tôi nhớ, có lần sếp ngạc nhiên hỏi tôi tại sao cái mặt vẫn còn hớn hở. Tôi thực thà đáp: vì sếp chưa sa thải” – cụ nhớ lại.

Đơn thuốc của người qua ngưỡng cửa trăm tuổi? Cụ Irving đáp: - Thứ nhất cần áp dụng chế độ ăn dinh dưỡng lành mạnh, ăn nhiều rau và salat. Thứ hai, cần phải nhiều thời gian ở ngoài trời. Thứ ba, không hút thuốc lá, không uống rượu. Tối đa tôi chi uống một ly rượu vang trong thời gian vài ba tháng. Thứ tư – liên tục hoạt động, sống cởi mở sẵn sàng giao tiếp với mọi người. Thứ năm – có nhiều sở thích và không ngừng học hỏi những kiến thức, những việc mới lạ - tất cả sẽ giúp trẻ lâu!

Cụ nghĩ gì về cụ Happy? Cụ Irving lắc đầu: Cụ ấy là nhân vật cá biệt trong gia đình chúng tôi. Cụ thích thú khi được lên hình trong tư thế: miệng hút thuốc lá, tay cầm ly rượu mạnh.

Bí quyết chung: cởi mở và lạc quan

Thông điệp thứ tư và thứ năm đã được khoa học chứng minh. GS Tom Peris (Đại học Boston), nhà khoa học phụ trách chương trình New England Centenarian Study – dự án nghiên cứu lớn nhất thế giới với sự tham gia của 2.600 cụ trăm tuổi, khẳng định: “Chúng ta đã phát hiện ra một số đặc tính - các cụ tham gia chương trình nhìn chung sống hướng ngoại và hòa đồng, nhiều mối quan hệ xã hội”.

Ngoài ra các cụ trăm tuổi đều điềm đạm, sống lạc quan, không ca thán sự trớ trêu của số phận. Nhà khoa học Đức, GS Stefan Schreiber cũng có những giả thiết tương tự: Trí tuệ minh mẫn, sự cởi mở - đó là những cá tính cần lưu ý, nhất là các cụ trăm tuổi này đều là những người không có cuộc sống dễ dàng, họ đã trải qua chiến tranh, nạn đói và nghèo túng.

Cụ Peter Keane (100 tuổi) 

Như vậy, liệu có thể kéo dài cuộc sống dựa vào niềm vui cuộc sống và sự lạc quan? Có phải tạo hóa trang bị cho cái nhìn lạc quan, nên các cụ trăm tuổi ít bị stress và bệnh tật đe dọa? “Yếu tố di truyền quy định bao nhiêu phần trăm, không ai biết. Song có điều chắc chắn: nên chui ra khỏi vỏ bọc của mình” – GS Peris nói thêm.

“Tôi không biết, tại sao chị em chúng tôi  có tuổi thọ cao như vậy” – cụ Peter (100 tuổi), em út nhà Kahn thực thà phát biểu. Giống bà chị, cụ bà Happy, cụ Peter cũng Mỹ hóa họ tên của mình. Trở thành Peter Keane, cụ đã lập nghiệp trong ngành công nghiệp giải trí – với tư cách nghệ sĩ nhiếp ảnh kiêm nhà quay phim. Cụ từng nhiều năm làm việc tại Hollywood, cuối những năm 30, khi đồng nghiệp quay bộ phim “Cuốn theo chiều gió” và nữ diễn viên trẻ đẹp Judy Garland thể hiện ca khúc “Ove the Rainbow”, cụ Peter làm ảnh cho bộ phim “Công chúa da đen ở Oz”.

Theo Tri thức trẻ/ PAP

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X