Hotline 24/7
08983-08983

Sẽ thành lập 2 chốt cấp cứu ở Thủ Đức và Củ Chi

TP.HCM sẽ thành lập 2 chốt cấp cứu thí điểm ở quận Thủ Đức và huyện Củ Chi. Đến 2015 hoàn thành được 5 chốt cấp cứu tại TP.HCM.

 
Một ca cấp cứu 115 tại TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Nhiều người dân hiến kế 115 muốn cấp cứu nhanh phải chia nhỏ thành nhóm cấp cứu, rải đều ở địa bàn TP.HCM, đồng thời tăng cường xe cấp cứu để đến nhanh với người dân hơn.

Với góp ý này, TS.BS Đỗ Quốc Huy - PGĐ BV cấp cứu Trưng Vương - cho biết bệnh viện đã có kế hoạch thành lập thêm các chốt cấp cứu trong TP để dịch vụ 115 đến với người dân nhanh hơn.

Cụ thể, trong năm 2011 BV cấp cứu Trưng Vương sẽ thành lập 2 chốt cấp cứu thí điểm ở quận Thủ Đức và huyện Củ Chi. Dự kiến, đến 2015 hoàn thành được 5 chốt cấp cứu tại TP.HCM. Ở mỗi chốt này sẽ có năm xe cấp cứu sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào.

Hiện nay, tại BV cấp cứu Trưng Vương xe cấp cứu vẫn làm việc chưa hết năng suất nên chỉ bổ sung xe cấp cứu khi các chốt cấp cứu hoàn thành. Theo bác sĩ Huy, hiện xe cấp cứu của BV cấp cứu Trưng Vương đến với những người dân sống ở các quận cạnh quận 10 tối đa chỉ mất 10 phút, những vùng xa hơn mất khoảng 28 phút.

Có bạn đọc phản ảnh cách đây 1 tháng đã gọi điện đến tổng đài 115 khi nhà có người bệnh nhưng không ai bắt máy! TS.BS Đỗ Quốc Huy khẳng định chuyện người dân gọi đến dịch vụ 115 nhưng không có ai nghe máy là hiện tượng có thật.
Không chỉ người dân phản ảnh mà một số người quen với bác sĩ trong bệnh viện cũng phản ảnh điều này.

Mỗi khi nhận được phản ảnh của người dân hoặc người quen, bệnh viện kiểm tra lại những số đã gọi đến 115 thì không hề thấy những số máy phản ảnh này. Do vậy, lỗi này có lẽ là của dịch vụ bưu chính viễn thông chứ không phải lỗi của dịch vụ cấp cứu ngoại viện 115. Tại khoa cấp cứu ngoại viện BV cấp cứu Trưng Vương luôn có nhân viên trực tổng đài 24/24 giờ.

Có bạn đọc thắc mắc sao phải chia thành nhiều số 113 (cảnh sát), 114 (cứu hỏa), 115 cho khó nhớ, nên dùng chung một số có phải dễ hơn không? TS.BS Đỗ Quốc Huy cho rằng nhớ được những số này không phải là điều khó. Tuy nhiên cần có cơ chế liên thông giữa những lực lượng này.

Bác sĩ Hà Thanh Hà, phó khoa cấp cứu ngoại viện  BV cấp cứu Trưng Vương, cho rằng hiện nay mối liên hệ những trung tâm 113, 114, 115 vẫn rời rạc. Một người dân gọi cấp cứu thay vì phải gọi 115 lại gọi nhầm đến 113 hoặc 114. Trong những trường hợp như vậy nên có quy định để những dịch vụ này có trách nhiệm chuyển lại thông tin đến đúng nơi cho người dân, chứ như hiện nay người dân phải gọi lại mà không được hỗ trợ.

Theo Thùy Dương - Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X