Hotline 24/7
08983-08983

Sẽ có nhiều bệnh viện với mô hình công – tư hợp tác

Nếu chủ trương này triển khai hiệu quả, bệnh viện ra đời nhiều hơn sẽ giải quyết bài toán quá tải, nâng cao chất lượng điều trị.

Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư vừa được Thủ tướng ban hành, bao gồm 9 lĩnh vực trong đó có bệnh viện. Mô hình này có hiệu lực từ 15/1/2011, nhằm thu hút nguồn vốn của khu vực tư nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để cung cấp dịch vụ công.

Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư là việc Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công, Nhà nước nhượng quyền cho nhà đầu tư được phép đầu tư, khai thác công trình, cung cấp dịch vụ công trong một thời gian nhất định. Phần tham gia của Nhà nước (vốn, ưu đãi đầu tư, các chính sách tài chính…) nhằm tăng tính khả thi của dự án, nhưng không phải là phần góp vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp dự án, không gắn với quyền được chia lợi nhuận từ nguồn thu của dự án.

Theo quy chế, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu hàng hóa để thực hiện dự án. Đặc biệt, doanh nghiệp dự án được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án.
 
Bệnh nhân ung thư xếp hàng chờ khám ở Bệnh viện K (Ảnh VTC)
 
Là một trong những người quan tâm đến việc mở bệnh viện tư giúp giảm tải cho bệnh viện công, TS.BS Nguyễn Ngọc Chiếu, nguyên giám đốc viện Tim, hiện là chủ tịch hội đồng quản trị bệnh viện tim Tâm Đức, nói ông rất ủng hộ chủ trương này vì đây có thể là chính sách mở đường, tạo thuận lợi cho ngành y tế phát triển mạnh và hiệu quả hơn.

Ông Chiếu nêu kinh nghiệm: năm 1999, dù viện Tim tại TP.HCM đã hoạt động với công suất mổ tối đa nhưng số chờ mổ vẫn trên 5.000 người. Mặc dù viện Tim cũng đã chủ động chuyển giao kỹ thuật mổ cho các nơi trên cả nước, đến nay có mười trung tâm phẫu thuật tim mạch ra đời, nhưng hầu hết nằm trong các bệnh viện đa khoa. Ý tưởng phải thành lập một bệnh viện tim lớn, kỹ thuật cao như viện Tim, có khả năng mổ trên 1.000 ca/năm, có đủ các chuyên khoa về tim như nội, ngoại khoa, thông tim can thiệp, điều trị loạn nhịp… đã được UBND TP.HCM đồng tình, hỗ trợ và các nhà đầu tư đã mở ra một bệnh viện dân lập có quy mô lớn.

Hiện bệnh viện Tâm Đức có 180 giường với trên 100 bác sĩ, đã chủ động hoàn toàn trong điều trị các chuyên khoa tim: thông tim, điều trị loạn nhịp và mổ tim. Thông tim trên 1.000 ca/năm và mổ tim hở trên 1.000 ca/năm với tỷ lệ thành công 97 – 98%.

Nguồn vốn có thể không thiếu, nhưng hiện tại muốn lập bệnh viện mới đều phải ra ngoại thành. Theo bác sĩ giải quyết về đất thế nào là tốt?

TS.BS Nguyễn Ngọc Chiếu: Hiện tại đất rộng trong nội thành không có, mở bệnh viện mà diện tích nhỏ quá thì không nên làm. Ở các vùng ven lân cận khu vực nội thành lập bệnh viện được nhưng giá đất hiện tại cũng rất cao nên khi lập bệnh viện, người bệnh sẽ không chịu đựng nổi vì phải chi trả viện phí cao. Chỉ khi nào chủ trương xã hội hóa y tế của Nhà nước cho thuê đất dài hạn 50 năm và ở nơi thuận tiện cho người bệnh đến được thì mới khả thi. Về mặt kinh tế, nếu nhà nước để nhà đầu tư tự tìm đất thì không hiệu quả, không thể phát triển được. Ví dụ, để xây một bệnh viện 300 giường cần phải có ít nhất 2ha đất. Nếu phải tự mua đất, vốn đầu tư sẽ rất cao. Ví dụ giá đất 10 triệu đồng/m2 thì riêng tiền đất 2ha đã lên đến 200 tỉ đồng.

Một vấn đề nan giải khác là thiếu bác sĩ. Vậy một bệnh viện tư ra đời thì làm thế nào để có một đội ngũ thầy thuốc theo yêu cầu?

Nhân sự là vấn đề quan trọng bậc nhất vì yêu cầu phải là những thầy thuốc giỏi, chữa được bệnh cứu người, đồng thời phải có y đức để đem lại sự thoải mái cho người bệnh. Muốn vậy họ phải được đào tạo bài bản, phải có chuyên môn cao, có đời sống ổn định, tâm lý thoải mái và có một hoạt động đồng đội chứ không cá nhân.

Có thể có ba cách để tạo lập đội ngũ thầy thuốc cho quá trình hình thành một bệnh viện: Một là mời các chuyên gia đã về hưu. Hai là thu hút nhân sự qua chế độ chi trả. Ba là tuyển dụng và đào tạo cả một đội ngũ ngay từ khi triển khai thành lập bệnh viện. Trong quá trình đào tạo đó, nhà đầu tư phải chi trả cho cơ sở đào tạo và chi trả phụ cấp cho các bác sĩ, y tá. Chi phí này không nhỏ, nhưng rất cần thiết. Bệnh viện tim Tâm Đức đã làm đúng theo cách thứ ba này.

Nếu chủ trương đầu tư theo hình thức công – tư được triển khai có hiệu quả, bệnh viện ra đời nhiều hơn sẽ giải quyết bài toán quá tải, nâng cao chất lượng điều trị, đào tạo chuyên khoa cho các bác sĩ…

 
Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X