Hotline 24/7
08983-08983

Sau phẫu thuật bong võng mạc, nên kiêng gì để bảo vệ mắt?

Phẫu thuật bong võng mạc bao lâu thì khỏi? Và làm thế nào để bảo vệ mắt sau phẫu thuật? ThS.BS Võ Thị Tố Uyên sẽ giải đáp cho quý bạn đọc ngay trong bài viết dưới đây.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Đoàn Mạnh - 09342...

Em thấy mắt phải có một đám mờ, đi kiểm tra bác sĩ cho uống thuốc. Sau đó, em thấy đám mờ càng to dần đến bác sĩ bảo là bị bong võng mạc có vết rách phải mổ. Bác sĩ cho em hỏi, sau khi mổ bong võng mạc em cần kiêng những gì và thời gian là bao lâu? Em cảm ơn ạ.

ThS.BS Võ Thị Tố UyênThS.BS Võ Thị Tố Uyên - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ điều trị tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Bong võng mạc có nhiều nguyên nhân, đặc biệt cận thị làm tăng nguy cơ bong võng mạc ở người trẻ. Sau phẫu thuật bong võng mạc, người bệnh thường được khuyên nên nằm sấp để giúp võng mạc kết dính tốt hơn, không nên đi máy bay và cần sử dụng kính chống bụi, không nên để nước hoặc xà phòng gội đầu rơi vào mắt, hạn chế ho, hắt hơi, khuân vác nặng. Đồng thời giữ vệ sinh mắt sạch sẽ và không để mắt điều tiết quá nhiều gây mỏi mệt.

Thời gian kiêng cữ còn tuỳ thuộc vào loại phẫu thuật, trung bình khoảng 3-4 tuần sau mổ hoặc cho tới khi bác sĩ tái khám đánh giá võng mạc đã lành. Bạn cần sử dụng đúng và đủ các thuốc sau mổ để ngăn ngừa phản ứng viêm và nhiễm trùng, tái khám đúng hẹn để bác sĩ kiểm tra và đánh giá các biến chứng có thể xảy ra sau mổ.

Hồi phục sau phẫu thuật bong võng mạc là quá trình diễn ra chậm trong thời gian dài, có thể từ vài tháng đến một năm sau phẫu thuật; do đó cần kiên nhẫn bạn nhé!

Đường huyết cao, làm sao để phẫu thuật vá nhĩ an toàn?

Trịnh Văn Thông - trinhvan...@gmail.com

Thưa BS, tôi bị thủng màng nhĩ, BS tại BV Ninh Thuận chỉ định vá nọi sôi, nhưng đo đường huyết cao 203mg, nên không mổ được. Vậy theo BS, có cách nào để mổ vá nhĩ cho trường hợp của tôi không? Xin cảm ơn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Đối với các bệnh nhân cần phẫu thuật, đái tháo đường là một yếu tố tiên lượng độc lập cho nguy cơ biến chứng trong và sau mổ. Để cuộc mổ có thể diễn ra, bác sĩ phẫu thuật cần hội chẩn với chuyên khoa nội tiết để lên kế hoạch kiểm soát tốt đường huyết trước mổ, đặc biệt là các phẫu thuật chương trình như phẫu thuật vá nhĩ nội soi thì điều chỉnh ổn định đường huyết là yêu cầu bắt buộc nhằm mục đích hạn chế các biến chứng xảy ra.

Như vậy, thời điểm hiện tại, có 2 hướng xử trí là hội chẩn giữa bác sĩ phẫu thuật với bác sĩ chuyên khoa nội tiết hoặc bạn sẽ được điều trị ngoại trú cho tới khi bác sĩ nội tiết xác định đường huyết ổn định mới tiến hành phẫu thuật, tuỳ theo mức độ khẩn cấp của phẫu thuật bạn nhé!

Dùng bàn chải đánh răng bị dính máu, có lây nhiễm HIV?

Dũng Bùi - Dungbui...@gmail.com

Chào bác sĩ! Xin bác sĩ vui lòng cho biết em trai của em có xài nhầm bàn chải đánh răng có vết máu tươi của người nhiễm bệnh HIV. Vậy em trai em bị nhiễm bệnh HIV không? Xin bác sĩ vui lòng cho biết, em cảm ơn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Hành vi dùng chung bàn chải đánh răng cũng có nguy cơ lây truyền HIV/AIDS mặc dù thấp hơn, do đó, nếu mới phát sinh, bạn có thể đưa em tới khám ở Trung tâm y tế dự phòng để xem xét dùng thuốc chống phơi nhiễm hoặc xét nghiệm kiểm tra bạn nhé!

Nôn ra dịch nhầy màu vàng, dấu hiệu bệnh gì?

Nguyễn Văn Hiệp - nguyenhie...@gmail.com

Xin chào bác sĩ, hôm nay em có buồn nôn và hơi tức ngực, sau đó nôn ra toàn dịch nhầy màu vàng. Như vậy là biểu hiện bệnh gì ạ? Em xin cảm ơn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Nôn ra dịch vàng hoặc xanh thường là dấu hiệu của trào ngược dịch mật, tình trạng nôn ra dịch vàng cũng thường gặp khi dạ dày không có thức ăn. Tình trạng này có thể thoáng qua do nhiễm siêu vi, lo lắng, căng thẳng, ngộ độc thực phẩm... nhưng cũng thường đi kèm với 1 số bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày... Nếu bạn thường xuyên gặp phải khó chịu này, bạn nên khám chuyên khoa Tiêu Hoá bạn nhé!

Vết thương sưng đỏ, kèm chảy nước vàng, xử lý sao?

An Vy - kieuduyen...@gmail.com

Bác sĩ ơi, chân em bị té xe cách đây 1 tuần, vết thương ngay mu bàn chân, bây giờ nó đóng mày khô lâu lâu chảy nước vàng kèm sưng đỏ. Xung quanh vết thương đau nhức, đi lại khó khăn thì phải xử lí như thế nào và khoảng bao nhiêu ngày sẽ lành ạ. Mong bác sĩ cho em lời khuyên.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Vết thương ở mu bàn chân thường chậm lành do lượng máu nuôi kém hơn các vị trí khác. Đối với các vết thương nhỏ, có thể chăm sóc bằng cách giữ sạch, rửa vết thương hàng ngày, băng gạc và kê cao chân để giảm sưng viêm, phù nề.

Thời gian để lành các vết thương này thường từ 1-2 tuần và hay để lại sẹo. Nếu vết thương rộng và sâu đôi khi phải ghép da mới có thể lành lại. Do đó bạn nên khám để bác sĩ đánh giá trực tiếp bạn nhé!

Thừa sắt trong máu cần tránh thực phẩm nào?

FB Thảo Trương

Chào bác sĩ! Cháu bị mệt mỏi, đi xét nghiệm máu có kết quả bị thừa sắt trong máu. Nhờ bác sĩ cho cháu lời khuyên về chế độ ăn uống giúp giảm chất sắt nhanh mà hiệu quả với ạ. Hiện tại cháu đang dùng thuốc được 2 ngày nhưng vẫn thấy rất mệt. Cháu xin cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Quá tải sắt trong cơ thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm các bệnh lý liên quan di truyền, bệnh thiếu máu di truyền như thalassemia, bệnh gan mạn, viêm gan do rượu, sau truyền máu, uống sắt quá liều, chạy thận nhân tạo...

Bác sĩ không rõ hiện tại em đang sử dụng thuốc gì vì không thấy đề cập tới, nếu để giảm lượng sắt trong máu thì vấn đề ăn uống cần tránh các thuốc chứa sắt, tránh bổ sung thêm vitamin C, hạn chế ăn cá sống và hải sản, thịt đỏ, đậu, tránh rượy bia và các thuốc độc gan em nhé!

Xét nghiệm RPR POS 15.53, POS R=1/2, em còn bị giang mai không BS?

Quyền - Kimhuy...@gmail.com

Chào bác sĩ! Cho em hỏi em vừa xét nghiệm giang mai định lượng kết quả RPR POS 15.53 và POS R=1/2 là em còn giang mai hay đã hết? Mong bác sĩ tư vấn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

RPR là xét nghiệm tầm soát ban đầu đối với giang mai, do đó trường hợp dương tính cần làm thêm xét nghiệm để chẩn đoán. Nếu đang điều trị giang mai thì sẽ dựa vào hiệu giá kháng thể giữa các lần xét nghiệm bạn nhé!

Sau mổ nối gân gót chân, bao lâu được tháo bột tập đi?

Anh Điền - Leminhdi...@gmail.com

Thưa bác sĩ, em mổ gân gót chân được 6 tuần ở bệnh viện tỉnh, giờ em lên Sài Gòn tái khám được không? Và khoảng bao lâu nữa em mới tháo bột tập đi ạ? Em cảm ơn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Sau phẫu thuật nối gân gót cần thời gian bất động khoảng 6 - 8 tuần, bạn có thể đi lại tỳ chân chịu lực tăng dần bắt đầu từ sau mổ 2 tuần, song song với tập vật lý trị liệu để tránh teo cơ. Trong 6 tuần này, bạn phải đến khám lại định kỳ mỗi hai tuần để bác sĩ hướng dẫn tập và kiểm tra chỗ nối gân. Hiện tại bạn nên tái khám sớm để bác sĩ đánh giá, nếu dịch bệnh phức tạp có thể tái khám ở tỉnh, chỗ bác sĩ phẫu thuật chứ không nhất thiết phải lên Sài Gòn bạn nhé!

Uống thuốc điều trị lao 5 tháng ngưng, liệu có ảnh hưởng?

Trương Thị Thu Hết - diep.ng...@gmail.com

Em muốn hỏi ba em bị bệnh lao, uống thuốc được 5 tháng rồi mà bây giờ ngưng thuốc không biết có sao không bác sĩ? Em chân thành cảm ơn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Phác đồ điều trị lao mới hiện nay kéo dài ít nhất 6 tháng, nếu ngưng thuốc sớm sẽ có nguy cơ cao tái phát hoặc phát sinh chủng vi khuẩn lao kháng thuốc, như vậy quá trình điều trị sắp tới sẽ khó khăn và nhiều tác dụng phụ hơn. Do đó, nếu không vì những chống chỉ định bắt buộc thì bạn nên động viên người bệnh tiếp tục dùng thuốc cho đủ thời gian bạn nhé!

Bàn chân vẫn sưng sau gần 1 tháng đóng đinh, phải làm sao?

Truong Quang Minh - Minhtb...@gmail.com

Em có phẫu thuật mổ và đóng đinh 3 ngón chân do tai nạn. Sau 20 ngày thì em cắt chỉ và uống thuốc kháng sinh thêm 10 ngày, nhưng cả bàn chân vẫn bị sưng như hiện tượng bị tụ máu (từ mắt cá chân đến mũi các ngón chân). Xin BS cho biết hiện tượng này là do nguyên nhân gì?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Hiện tượng sưng viêm vùng bàn chân nơi bị chấn thương trước đó có thể do nhiễm trùng tại chỗ hoặc do ứ trệ máu tĩnh mạch, căn nguyên là do các tĩnh mạch hồi lưu bị tổn thương và do tư thế bất động để chân ở vị trí thấp thường xuyên.

Bạn nên chú ý kê cao chân, chườm lạnh và nghỉ ngơi, tránh vận động va chạm để vùng bị thương sưng nề thêm. Nếu có sưng đỏ nhiều, chảy mủ vết thương hoặc sốt, mệt mỏi thì nên tái khám sớm để điều trị nhiễm trùng bạn nhé!

Nguyên nhân ngứa vùng kín ở nam giới?

FB Nguyễn Đức Thành

Xin chào bác sĩ, em là nam, khoảng 1 tháng nay em bị ngứa vùng kín, vùng bẹn, cụ thể là ngứa xong gãi là nó bị sưng và gãi mãi không hết ngứa, xin hỏi bác sĩ vậy là bị sao ạ? Em chưa dùng thuốc gì và chưa quan hệ bao giờ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Ngứa vùng kín ở nam giới có thể gặp trong nhiều bệnh lý như chàm, nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, bệnh rận mu, nấm... Các nguyên nhân này thường dai dẳng nếu không chăm sóc và xử trí đúng cách. Do đó, bạn nên khám trực tiếp bác sĩ Nam khoa để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị bạn nhé!

Dừng uống thuốc điều trị Hp 2 tuần, thả có thai được chưa BS?

FB Thúy Hạnh Trần

Bác sĩ cho cháu hỏi hôm trước cháu điều trị Hp dạ dày thì có uống 1 số loại thuốc như sau: Metronidazol 250g, Tetracycline 500mg, Goldesome 40mg và Tribismuth plus, cháu đã kết thúc liệu trình cách đây 2 tuần rồi, bây giờ cháu muốn thả bầu thì có ảnh hưởng gì không ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Các thuốc bạn đã sử dụng có thời gian bán thải ngắn nên sau khoảng thời gian 2 tuần hầu như thuốc đã được đào thải hết khỏi cơ thể, bạn có thể mang thai an toàn bạn nhé!

Vì sao bị đột quỵ lại không tầm soát tim?

Phạm Thị Thùy Vân - Andly2...@gmail.com

Chào bác sĩ! Em muốn tìm hiểu về nhồi máu cơ tim cấp, nguyên nhân triệu chứng bệnh. Sao bệnh nhân bị đột quỵ bệnh viện lại không tầm soát tim ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Nhồi máu cơ tim được định nghĩa là sự chết tế bào cơ tim do thiếu máu nuôi cục bộ. Hầu hết nhồi máu cơ tim xảy ra trên cơ địa có xơ vữa động mạch, tuy nhiên khoảng 90% là do cục máu đông hình thành cấp tính do sự nứt vỡ đột ngột của mảng xơ vửa trên thành mạch vành. Triệu chứng điển hình là đau ngực, kéo dài trên 30 phút ở ngực trái hoặc vùng giữa xương ức, có thể lan lên cổ, vai, hàm và cánh tay trái. Triệu chứng đi kèm là mệt, khó thở, vả mồ hôi hoặc rối loạn tri giác. Bệnh nhân đái tháo đường, dùng thuốc giảm đau, lớn tuổi có thể không cảm nhận được đau ngực cấp.

Bệnh nhân đột quỵ thường có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành nhưng chỉ định tầm soát còn phụ thuộc vào yếu tố nguy cơ, cơ địa bệnh nhân và phụ thuộc vào điều kiện sẵn có của từng bệnh viện.  Hầu hết bệnh nhân đột quỵ đều sẽ được siêu âm tim kiểm tra, nhưng các xét nghiệm chuyên sâu tầm soát mạch vành thì đòi hỏi nhiều yêu cầu hơn như bệnh nhân phải gắng sức được (ECG gắng sức) hoặc tình trạng huyết động đạt yêu cầu để chụp CT mạch vành. Người bệnh vừa đột quỵ thì rất khó để khảo sát mạch vành, có thể phải chờ đợi cho tới khi ổn định, khám chuyên khoa tim mạch và làm thêm xét nghiệm chuyên khoa (thường ở bệnh viện chuyên khoa tim) mới phát hiện được, còn lại những trường hợp mảng xơ vữa động mạch ít nhưng dễ nứt vỡ thì khó có thể phát hiện sớm được dù đã tầm soát trước.

Do đó, những trường hợp có yếu tố nguy cơ tim mạch cao như lớn tuổi, tiền căn gia đình, hút thuốc lá, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, bệnh thận mạn... thì cần thăm khám tim mạch sớm để tầm soát ngay từ khi bệnh nhân còn khoẻ mạnh và thực hiện được xét nghiệm gắng sức bạn nhé!

Sau gãy xương gót, bao lâu có thể đi lại bình thường?

Nguyễn Thái Phương - binguy...@gmail.com

Chào bác sĩ! Em bị gãy ngang củ xương gót được 4 tháng. Hiện vẫn đang trong quá trình tập đi nhưng mắt cá ngoài vẫn còn sưng và đau khi đi lại. Phim chụp gần nhất bác sĩ thông báo can xương nhiều rồi.

Vậy xin bác sĩ, sao em bị gãy củ xương gót mà lại đau dưới mắt cá ngoài khi đi ạ và em có nên tập đi hay phải hạn chế, thưa bác sĩ? Bao lâu em mới có thể đi như bình thường? Em cảm ơn bác sĩ đã tư vấn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Theo như bạn mô tả thì vị trí đau khá phù hợp với vùng gãy xương, khi xương vừa liền lại, nếu đột ngột chịu lực mạnh thì có thể tổn thương tái phát. Người bệnh cần kiên trì vận động phục hồi chức năng cho các khớp, tăng cường sức cơ, dây chằng trước tiên, rồi mới bắt đầu tập đi khi xương đã liền.

Ban đầu nên tập đi bặng nạng, chịu lực dần lên chân gãy và sau có thể dùng gậy để đi lại nếu xương đã có thể chịu lực 1 phần. Thông thường khoảng 3-6 tháng có thể trở về sinh hoạt bình thường tuỳ cơ địa người bệnh và tuỳ mức độ nặng của gãy xương bạn nhé!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X