Hotline 24/7
08983-08983

Sau gãy xương, nên làm gì để hạn chế di chứng?

Trong bài viết dưới đây, ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã chia sẻ về những di chứng có thể gặp phải sau gãy xương cũng như cách để hạn chế, các chất dinh dưỡng cần bổ sung.

1. Những nguyên nhân nào gây gãy xương?

Mở đầu chương trình, xin được hỏi BS là những nguyên nhân nào dễ dẫn đến tình trạng gãy xương ạ?

Gãy xương có hai vấn đề:

- Thứ nhất, sức mạnh của xương tốt hay không. Đối với người lớn tuổi, một số bệnh lý có thể làm suy giảm sức mạnh của xương, khiến xương dễ hay hơn.

- Thứ hai, tác động lực lên xương làm xương bị gãy. Thường có thể do té ngã, chấn thương. Tuy nhiên, có một số vấn đề sức khỏe khiến xương yếu đến mức chỉ cần bệnh nhân xoay trở cũng gây gãy.

Thực tế, BS đã gặp một số trường hợp người lớn tuổi (70, 80 tuổi) khi thức giấc buổi sáng chuyển tư thế đột ngột (đang nằm bỗng nhiên ngồi dậy) bị đau lưng, phải nằm một chỗ, vào bệnh viện phát hiện xẹp đốt sống.

2. Những di chứng nào có thể xảy ra sau gãy xương?

Thưa BS, sau gãy xương, người bệnh có thể đối mặt với những di chứng nào ạ. Nhờ BS có thể điểm qua?

Nhiều di chứng có thể gặp phải sau khi gãy xương. Di chứng thường gặp là những trường hợp bị yếu cơ, teo cơ do bất động. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị loét do ngồi hoặc nằm một chỗ.

Hoặc những biến chứng nặng hơn, ví dụ như bị xuất huyết do mảnh xương tổn thương mạch máu (những mảnh xương có thể gây đứt thần kinh, tổn thương thần kinh), nhồi máu do mỡ (khi xương bị gãy, tủy xương bị thoát ra ngoài. Trong đó thành phần của xương đa số là mỡ. Tủy xương đi vào trong lòng mạch, di chuyển lên phổi gây thuyên tắc phổi).

Bên cạnh đó, nếu vết thương hở do chấn thương hoặc xương đâm ra ngoài làm hở vết thương có thể gây nhiễm trùng (nhiễm trùng mô mềm, hoặc viêm xương).

Trong những di chứng BS vừa liệt kê thì di chứng nào dễ mắc phải nhất ạ?

Di chứng thường gặp nhất là tình trạng teo cơ sau gãy xương. Lý do là bởi vì sau khi gãy xương, chúng ta phải cố định dẫn đến không vận động làm teo cơ. Bên cạnh đó còn có viêm, nhiễm trùng, loét.

3. Vì sao sau gãy xương, bệnh nhân dễ gặp di chứng?

Vậy nguyên nhân do đâu mà người bị gãy xương dễ gặp phải những di chứng này thưa BS?

Nguyên nhân chủ yếu nhất là do hai cơ chế:

- Thứ nhất là tình trạng bất động sau gãy xương.

- Thứ hai là do tình trạng di lệch xương, hai đầu xương không liền nhau. Khi bị gãy, xương thường sắc bén, khi di lệch có thể làm tổn thương mạch máu, thần kinh và tổn thương gân cơ xung quang.

Gãy xương chưa hồi phục, lại mắc thêm những di chứng này, thì người bệnh phải đối mặt với những nguy cơ nào tại xương của mình ạ?

3 tình trạng lo ngại nhất là viêm xương (nhiễm trùng), tình trạng chậm lành xương và tạo khớp giả (xương không nối khít, di lệch, khi nắn chỉnh không chuẩn có thể tạo khớp giả). Đó là những biến chứng liên quan đến xương có thể gặp phải.

4. Sau gãy xương, nên làm gì để hạn chế di chứng?

Vậy sau gãy xương, người bệnh nên làm gì để hạn chế mắc phải những biến chứng ạ?

Có những tình trạng người bệnh có thể phòng ngừa được, nhưng cũng có tình trạng không phòng ngừa được. Ví dụ như xuất huyết, tổn thương dây thần kinh rất khó để phòng ngừa. Chủ yếu phòng ngừa những biến chứng như teo cơ, viêm loét bằng cách tập vật lý trị liệu càng sớm càng tốt sau gãy xương. Ngoài ra có thể tập vận động đối với những gân cơ phía trước và phía dưới vị trí gãy xương, đồng thời phải xoay trở và có chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Tuy nhiên người bệnh cũng cần lưu ý tình trạng bất động không đủ, nghĩa là vận động quá nhiều dẫn đến di lệch xương, khó lành.

Gặp biến chứng thì vấn đề hồi phục xương sẽ như thế nào thưa BS? Liệu có ảnh hưởng đến thời gian lành xương?

Vấn đề này sẽ tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh. Đa số các trường hợp gãy xương gặp thêm biến chứng thì thời gian hồi phục sẽ kéo dài lâu hơn. Tùy theo biến chứng nặng hay nhẹ mà quyết định điều trị ở nhà hay bệnh viện.

Ví dụ bệnh nhân bị viêm xương, bắt buộc phải nhập viện để truyền kháng sinh. Hoặc những trường hợp có huyết khối lớn hoặc có tổn thương nhồi máu phổi bắt buộc phải nhập viện. Đây là những biến chứng gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác.

Ngoài ra, với trường hợp teo cơ, loét nhẹ có thể điều trị tại nhà, phục hồi bằng cách tập luyện. Tình trạng này không làm giảm đi quá trình lành xương, chỉ đơn giản là phục hồi chức năng sau khi lành xương sẽ yếu hơn so với trước khi bị gãy xương.

5. Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt sau gãy xương

Ngoài ra, chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng người bệnh cần lưu ý những gì để giúp xương nhanh hồi phục ạ?

Khi bị gãy xương, cần ăn uống đầy đủ bao gồm đủ năng lượng, protein và canxi. Muốn lành xương không chỉ cần canxi, mà đòi hỏi năng lượng để tế bào hoạt động. Trong thành phần xương, ngoài canxi, chất khoáng thì cần có những chất nền như protein. Vì vậy bắt buộc phải bổ sung đầy đủ các thành phần dinh dưỡng này.

Ngoài ra, nên bổ sung thêm vitamin D. Đây là loại vitamin đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nồng độ canxi trong máu và giúp đưa canxi từ trong máu vào xương.

Về luyện tập, thứ nhất cần đảm bảo vị trí gãy được cố định tốt. Như vậy, tốt nhất, người bệnh nên để vị trí gãy bất động, không vận động trong 3-4 tuần, sau đó có thể vận động nhẹ nhàng. Tuy nhiên, ngoài vị trí bị gãy xương cố định tốt, những cơ xung quanh đó phải được tập luyện. Ví dụ như bệnh nhân bị gãy ở xương cẳng tay thì bàn tay, ngón tay và khớp vai cũng cần phải tập luyện để các cơ ở phía trên và phía dưới không bị teo.

Như vậy, trong giai đoạn đầu, người bệnh cần có sự hỗ trợ của bác sĩ vật lý trị liệu, hướng dẫn các động tác có thể thực hiện và không nên thực hiện.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X