Hotline 24/7
08983-08983

Sau 30 tuổi kiểm tra huyết áp thường xuyên là tự bảo vệ mình

Theo TS.BS Lê Thị Thu Thủy - Chuyên gia Tim mạch Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, hiện nay bệnh lý tăng huyết áp ở nước ta ngày càng trẻ hoá, do đó mỗi người nên tự bảo vệ mình bằng cách tự kiểm tra huyết áp thường xuyên sau 30 tuổi.

1. Cách lựa chọn máy đo huyết áp tại nhà

Đo huyết áp tại nhà, chúng ta nên lựa chọn loại máy nào để dễ sử dụng, dễ theo dõi huyết áp nhất, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Thu Thủy trả lời: Có 3 loại máy đo huyết áp gồm máy đo huyết áp thủy ngân, máy đo huyết áp đồng hồ, máy đo huyết áp tự động (còn gọi là máy đo huyết áp điện tử).

Khi đo huyết áp bằng 2 loại máy thủy ngân và đồng hồ cần có người biết cách sử dụng ống nghe nên 2 loại máy này không thích hợp cho những người muốn tự theo dõi huyết áp.

Hiện nay, máy đo huyết áp tự động phù hợp cho tất cả mọi người và đã được ngành y tế công nhận được sử dụng tại nhà và cả trong các cơ sở y tế. Máy gọn nhẹ, dễ sử dụng, các kết quả mạch, huyết áp sẽ được hiển thị trên màn hình, thậm chí được lưu lại trong bộ nhớ.

Một số máy còn có bộ phận báo kết quả bằng giọng nói cho người cần đo nhất là bệnh nhân lớn tuổi hoặc thị lực kém. Do đó, máy đo huyết áp tự động rất thuận tiện cho bệnh nhân và người khỏe mạnh muốn tự theo dõi sức khỏe của mình.

2. Độ tuổi nào bắt đầu cần đo và theo dõi huyết áp tại nhà?

Từ độ tuổi nào chúng ta sẽ bắt đầu cần đo và theo dõi huyết áp tại nhà ạ? Vì sao việc theo dõi huyết áp lại quan trọng như vậy, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Thu Thủy trả lời: Không phải tự nhiên mà y học thế giới đã cảnh báo rằng tăng huyết áp là “sát thủ thầm lặng”. Bệnh thường diễn tiến âm thầm nhưng có thể gây những biến chứng nguy hiểm làm bệnh nhân tàn phế hay tử vong rất đáng tiếc.

Người bệnh tăng huyết áp hay có biểu hiện như nhức đầu, nặng đầu, mỏi gáy, chóng mặt, nóng phừng mặt… Tuy nhiên, có khoảng 1/3 trường hợp người bệnh không có triệu chứng gì gợi ý tăng huyết áp để phải đi khám.

Đặc biệt đến 70% (tức 2/3) người trẻ chỉ phát hiện bệnh khi đo huyết áp tình cờ hay khám sức khỏe tổng quát hoặc đáng buồn hơn khi đã có biến chứng nặng nề như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim cấp, suy tim cấp, hay suy thận mạn giai đoạn cuối.

Đối với người trẻ tuổi chưa bị tăng huyết áp thì nên đo huyết áp 1 năm vài lần. Nếu bình thường thì có thể yên tâm. Nếu ở mức bình thuờng cao hay là tiền tăng huyết áp thì phải theo dõi thường xuyên hơn nhằm tầm soát tăng huyết áp để điều trị kịp thời.

Và hiện nay bệnh lý tăng huyết áp ở nước ta ngày càng trẻ hoá, do đó mỗi người nên tự bảo vệ mình là tự kiểm tra huyết áp thường xuyên sau 30 tuổi.

Các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp là thừa cân, béo phì, căng thẳng, stress, ít vận động, ăn nhiều muối, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia…và 1 yếu tố rất quan trọng là lão hóa. Vì huyết áp có xu hướng tăng dần theo tuổi nên các chuyên gia khuyến cáo người lớn từ 50 tuổi trở lên cần khám tổng quát và kiểm tra huyết áp định kỳ.

3. Thế nào là đo huyết áp tại nhà đúng cách?

Nhờ BS chia sẻ các bước đo huyết áp đúng cách tại nhà cần thực hiện như thế nào? Những điều cần lưu ý trước - trong và sau khi đo huyết áp là gì?

TS.BS Lê Thị Thu Thủy trả lời: Để chẩn đoán tăng huyết áp thì cần đo huyết áp đúng cách. Chúng ta cần lưu ý những điểm sau đây:

- Ngồi nghỉ 15 - 20 phút trước khi đo.

- Không hút thuốc lá, uống cà phê, bia rượu 2 giờ trước khi đo.

- Tư thế đo: ngồi dựa lưng vào ghế, hai chân chạm sàn nhà, không bắt chéo chân, cánh tay duỗi thẳng, nếp khuỷu tay đặt ngang tim, giữ im lặng và không cử động trong lúc đo.

- Lần đầu tiên đo huyết áp cả hai tay, tay có mức huyết áp cao hơn được chọn để đo và theo dõi huyết áp những lần sau. Mỗi lần đo 2 lượt, cùng một tay, mỗi lượt đo cách nhau 2 phút. Nếu huyết áp tâm thu ở 2 lần đo khác biệt > 10 mmHg, đo thêm lần thứ 3 sau 2 phút nữa. Lấy huyết áp trung bình của 2 lần đo gần nhất.

- Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp khi thức dậy và trước bữa sáng. Người bệnh có thể đo huyết áp buổi sáng hoặc buổi chiều, hoặc khi có những triệu chứng gợi ý tăng huyết áp kể trên.

- Dùng máy đo tự động, loại có băng quấn cánh tay có kích thước phù hợp. Quấn băng vào cánh tay cách khuỷu tay 2 - 3 cm và bên trên động mạch cánh tay. Nhấn nút ON/OFF hoặc START để khởi động máy, sau đó, băng sẽ tự động được bơm hơi, áp lực sẽ tăng tới mức cần thiết để đo rồi sẽ giảm dần. Khi áp lực đã giảm hết, máy ngừng hoạt động thì kết quả được hiển thị trên màn hình.

4. Hướng dẫn đọc các chỉ số huyết áp trên máy đo huyết áp đúng cách

Nhờ BS chia sẻ cách đọc các chỉ số huyết áp trên máy đo huyết áp? Chúng ta cần lưu ý đến các chỉ số nào trên máy ạ?

TS.BS Lê Thị Thu Thủy trả lời: Sau khi đo huyết áp, trên màn hình máy sẽ hiện 3 chỉ số. Chỉ số huyết áp tâm thu (được gọi 1 cách thông thường là huyết áp số trên) được ghi ở dòng trên cùng, ký hiệu SYS (systole). Chỉ số huyết áp tâm trương (huyết áp số dưới) ghi ở dòng thứ hai, ký hiệu DIA (diastole). Cuối cùng ở dòng thứ 3 là chỉ số nhịp tim, ký hiệu PULSE.

Chúng ta phải lưu ý cả 3 trị số này. Có bệnh nhân tăng cả 2 trị số huyết áp, có bệnh nhân chỉ tăng huyết áp tâm thu. Trị số mạch cũng rất quan trọng, quá chậm hay quá nhanh đều là bất thường.

5. Thế nào là chỉ số huyết áp đạt chuẩn và bao lâu cần đo lại huyết áp?

Người có sức khỏe bình thường, chỉ số huyết áp đạt chuẩn sẽ nằm trong giới hạn nào, thưa BS? Chỉ số huyết áp bình thường có khác nhau giữa các độ tuổi? Nếu huyết áp ổn định, bao lâu sẽ cần đo lại huyết áp ạ?

TS.BS Lê Thị Thu Thủy trả lời: Chỉ số huyết áp thay đổi theo độ tuổi từ trẻ em đến người lớn. Tuy nhiên, không có một chỉ số huyết áp cụ thể cho từng độ tuổi mà thay vào đó, các chuyên gia sẽ sử dụng phạm vi giá trị huyết áp được coi là bình thường cho từng nhóm tuổi.

Dưới đây là bảng đo huyết áp chuẩn tính theo từng độ tuổi. Những người tuổi càng cao thì huyết áp càng tăng. Tuy nhiên, ở đội tuổi nào thì chỉ số huyết áp cũng chỉ có ngưỡng nhất định gọi là ngưỡng an toàn.

- Người từ 20 - 24 tuổi: huyết áp bình thường đạt chỉ số 108/75 mmHg đến 120/79 mmHg và không quá 132/83 mmHg.

- Người từ 25 - 29 tuổi: mức an toàn từ 109/76 mmHg đến 121/80 mmHg và không quá 133/84 mmHg.

- Người từ 30 - 34 tuổi: mức an toàn từ 110/77mmHg đến 134/85 mmHg.

- Người từ 35 - 39 tuổi: bình thường ở mức 111/78 - 135/86 mmHg.

- Người từ 40 - 44 tuổi: mức bình thường là 125/83 mmHg.

- Người từ 45 - 49 tuổi: trung bình là 115/80 mmHg và tối đa 139/88 mmHg.

- Người từ 50 -5 4: mức an toàn là 116/81 - 142/89 mmHg.

- Người từ 55 - 59: Mức an toàn là 118/82 - 144/90 mmHg.

- Người trên 60 tuổi: chỉ số huyết áp trung bình là 134/87 mmHg.

6. Chỉ số bao nhiêu được coi là tiền tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp?

Chỉ số huyết áp trong ngưỡng nào là tiền tăng huyết áp và tăng huyết áp, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Thu Thủy trả lời: Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch học Quốc gia về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp thì:

- Huyết áp bình thường khi < 120/80 mmHg.

- Tiền tăng huyết áp khi nằm trong khoảng 120 - 139/80 - 89 mmHg.

- Tăng huyết áp được xác định khi huyết áp đo tại phòng khám ≥ 140/90 mmHg

Theo dõi huyết áp tại nhà thì tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥ 135 và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 85mmHg. Đây là con số mà chúng ta cần ghi nhớ khi tự theo dõi huyết áp tại nhà để đi khám kịp thời.

7. Yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến kết quả đo huyết áp?

Những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến kết quả đo huyết áp ạ? Như vậy, chúng ta nên đo huyết áp bao nhiêu lần/cách nhau bao xa, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Thu Thủy trả lời: Thời điểm đo huyết áp chuẩn nhất là vào buổi sáng vừa mới thức dậy và trước khi ăn sáng. Chúng ta cũng có thể đo huyết áp vào buổi tối trước khi đi ngủ. Và cố gắng đo huyết áp vào những thời điểm giống nhau trong ngày.

Huyết áp thường có sự thay đổi trong ngày, cao nhất vào buổi sáng và thấp nhất vào buổi tối. Huyết áp cao vào buổi sáng là do cơ thể chuẩn bị để hoạt động trong ngày, mức độ cortisol trong cơ thể tăng lên. Buổi tối cơ thể đã hoạt động suốt cả ngày và sẽ nghỉ ngơi trong giấc ngủ nên huyết áp sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong ngày.

Vận động mạnh như tập thể dục hoặc các trạng thái tâm lý như căng thẳng, lo lắng hoặc tức giận thường làm huyết áp tăng cao, thậm chí có thể tăng cao hơn mức bình thường dễ làm chẩn đoán nhầm là tăng huyết áp. Do đó cần nghỉ ngơi, thư dãn 15 – 20 phút trước khi đo.

Về tư thế, huyết áp thường cao hơn khi chúng ta ở tư thế ngồi hoặc đứng so với tư thế nằm. Do đó khi đo chúng ta nên ngồi trên ghế thoải mái, lưng thẳng, chân để vuông góc trên nền nhà, cơ thể thư dãn và tư thể ổn định hơn thì đo huyết áp chính xác hơn.

Thức ăn: huyết áp thường tăng cao sau khi ăn, vì vậy tránh đo ngay sau khi ăn. Nếu cần đo huyết áp thì nên chờ ít nhất 30 phút sau khi ăn.

Dùng các chất kích thích như thuốc lá, cà phê, rượu bia…có thể gây tăng huyết áp thoáng qua cho nên tránh đo huyết áp ngay sau khi dùng những chất này.

Thuốc: một số thuốc ảnh hưởng đến huyết áp. Vì vậy nếu bạn đang dùng thuốc thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ về thời điểm đo huyết áp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X