Hotline 24/7
08983-08983

Rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ, phục hồi như thế nào?

Nếu không thể nói chuyện sau khi đột quỵ, bệnh nhân có thể đã bị suy giảm ngôn ngữ nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng này là phổ biến và người bệnh có thể phục hồi thông qua quá trình trị liệu.

I. Nguyên nhân gây suy giảm ngôn ngữ sau đột quỵ

Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não bị gián đoạn do động mạch bị hẹp tắc (đột quỵ nhồi máu não) hoặc động mạch bị vỡ (đột quỵ xuất huyết não).

Nếu bị thiếu máu giàu oxy, các tế bào não sẽ chết. Đó là lý do tại sao điều trị đột quỵ nhanh chóng là điều cần thiết để vừa cứu sống vừa bảo tồn mô não.

Khi một cơn đột quỵ xảy ra ở bán cầu não trái - trung tâm ngôn ngữ của não bộ, có thể dẫn đến suy giảm chức năng ngôn ngữ.

Nguyên nhân gây suy giảm ngôn ngữ sau đột quỵKhoảng 40% số trường hợp bệnh nhân sau đột quỵ bị suy giảm ngôn ngữ.

II. Suy giảm ngôn ngữ sau đột quỵ gồm những dạng nào?

Có nhiều dạng về giọng nói khác nhau xảy ra sau đột quỵ. Để có chẩn đoán tốt nhất, bệnh nhân nên khám bởi một chuyên gia trị liệu ngôn ngữ.

Chuyên gia này có thể đánh giá kỹ năng giao tiếp nhận thức, kỹ năng nói vận động và các lĩnh vực khác liên quan đến giao tiếp. Qua đó chẩn đoán người bệnh mắc dạng:

  • Mất ngôn ngữ: Bệnh nhân hiểu người khác nói nhưng không nói ra được, hoặc nói được vài từ;
  • Không hiểu ngôn ngữ: Bệnh nhân không hiểu những điều người khác nói với mình và thường nói những câu vô nghĩa;
  • Mất khả năng nói.

Bệnh nhân cũng có thể hỏi bác sĩ thần kinh về vị trí đột quỵ, vì điều đó có liên quan trực tiếp đến vấn đề về giọng nói.

Chứng suy giảm khả năng nói phổ biến nhất gây ra tình trạng không thể nói chuyện sau đột quỵ là chứng mất ngôn ngữ không lưu loát. Nghĩa là người bệnh biết họ muốn nói nhưng không thể truyền đạt điều đó cho người khác. Nếu nặng hơn có thể hạn chế hoàn toàn khả năng nói.

Tuy nhiên, chứng mất ngôn ngữ không lưu loát không áp dụng cho tất cả những người không thể nói chuyện sau đột quỵ. Đó là lý do tại sao tốt nhất người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp.

III. Sử dụng liệu pháp để giúp lấy lại ngôn ngữ

Để học lại cách nói chuyện trở lại sau đột quỵ, bệnh nhân cần thực hành các bài tập trị liệu ngôn ngữ với chuyên gia trị liệu ngôn ngữ ngay trong thời gian ở bệnh viện. Bắt đầu càng sớm thì khả năng hồi phục càng hiệu quả.

Thông thường, chuyên gia trị liệu sẽ đưa ra một số bài kiểm tra đơn giản, chẳng hạn như hỏi người bệnh những kiến thức cơ bản hoặc yêu cầu đọc một đoạn văn ngắn, sau đó sẽ lựa chọn phương án điều trị phù hợp nhất.

Sau khi kiểm tra, chuyên gia trị liệu yêu cầu bệnh nhân tham gia khóa học ngôn ngữ và trị liệu ngôn ngữ chuyên sâu, qua đó giúp người bệnh lấy lại khả năng ngôn ngữ nhanh hơn, nhưng điều này có thể gây mệt mỏi, đặc biệt là khi người bệnh vừa hồi phục sau khi bị đột quỵ.

Liệu pháp có thể bao gồm các buổi kiểm tra riêng lẻ với một nhà trị liệu hoặc theo nhóm. Đôi khi, công nghệ được sử dụng trong quá trình trị liệu, chẳng hạn như các ứng dụng điện tử.

Người bệnh được yêu cầu thực hiện đọc to các đoạn văn, đọc hiểu, hát theo nhạc, ghép từ với hình ảnh.

Trong chương trình trị liệu nhóm, người bệnh sẽ tham gia với một nhóm cũng đang trải qua liệu pháp ngôn ngữ. Những phát biểu của người bệnh trong nhóm giúp phục hồi sẽ dễ dàng hơn và họ có thể cảm thấy thoải mái khi được bao quanh bởi những người hiểu những gì bạn đang trải qua.

Người bệnh phải học lại điều đó mà họ đã biết đến gần như cả đời. Nhưng hãy kiên nhẫn với bản thân, vì bạn sẽ lấy lại những gì đã mất.

Vì có thể mất một chút thời gian để khôi phục giọng nói, người bệnh sẽ cần những cách khác để giao tiếp. Trong thời gian đang phục hồi, hãy sử dụng cử chỉ, chữ viết hoặc thậm chí là hình ảnh để cho người khác thấy những gì bạn cần thông qua gia đình hoặc người chăm sóc.

Sử dụng liệu pháp để giúp lấy lại ngôn ngữSử dụng những hình ảnh của người thân trong gia đình, hoặc danh lam thắng cảnh, người nổi tiếng... mà bệnh nhân yêu thích, sau đó yêu cầu họ phát âm.

IV. Thử các bài tập trị liệu ngôn ngữ tại nhà

Các nhà trị liệu thường sử dụng các bài tập đọc hiểu, trong đó bệnh nhân đọc một đoạn văn và sau đó cố gắng trả lời các câu hỏi liên quan. Bệnh nhân có thể thử phương pháp này ở nhà bằng cách mua sách đọc hiểu, sách dành cho trẻ em hoặc dành cho người lớn. Thực hiện bởi sự giám sát của người thân trong gia đình hoặc người chăm sóc.

Nếu gặp khó khăn khi đọc, sách dành cho độc giả nhỏ tuổi có thể là một phương án để bắt đầu lại vì xu hướng ghép vần trong sách dành cho trẻ em có thể giúp người bệnh chọn từ nhanh hơn, và hãy thử đọc thành tiếng, không đọc thầm.

Khi xem một chương trình hoặc nghe đài, hãy thử lặp lại những gì mọi người nói. Chỉ cần lặp đi lặp lại các từ nói có thể giúp tăng vốn từ vựng sau đột quỵ.

Một hình thức trị liệu ngôn ngữ đáng ngạc nhiên sau đột quỵ được gọi là liệu pháp âm nhạc có thể giúp những bệnh nhân không thể nói chuyện được. Âm nhạc liên quan đến nhạc và nhịp điệu - là những nhiệm vụ của bán cầu não phải. Vì vậy, ngay cả sau khi bị đột quỵ bán cầu trái làm suy giảm khả năng nói, bệnh nhân thường có thể ngân nga, lúc trước có thể không rõ lời, nhưng sẽ cải thiện theo thời gian.

Một số ứng dụng có thể cung cấp cho bệnh nhân liệu pháp điều trị có thể mang theo mọi lúc mọi nơi. Các ứng dụng này sẽ chạy một số bài tập để người bệnh thực hiện theo.

Gia đình và bạn bè có thể giúp bệnh nhân, vì vậy đừng ngại yêu cầu giúp đỡ. Họ có thể giúp và kiên nhẫn hướng dẫn người bệnh làm các bài tập.

Bạn có thể tham khảo bài: Tập ngôn ngữ cho bệnh nhân sau đột quỵ - dành cho người nhà bệnh nhân.

V. Kết hợp các liệu pháp ngôn ngữ vào cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân sau đột quỵ

- Chơi các trò chơi dựa trên từ ngữ, chẳng hạn như giải ô chữ, trò chơi xếp hình và bất kỳ trò chơi nào có thể giúp bệnh nhân học lại từ. Có thể chơi một mình hoặc chơi với bạn bè hay các thành viên trong gia đình.

- Hát theo những bài hát quen thuộc. Thông thường, bệnh nhân sẽ nhớ các từ của bài hát ngay cả khi gặp khó khăn khi nói. Dành thời gian hát theo những bài hát yêu thích có thể giúp kích hoạt trí nhớ, khuyến khích phục hồi ngôn ngữ.

- Đọc to mọi thứ. Cho dù đang đọc công thức nấu ăn hay nhìn các biển báo trên đường phố, bệnh nhân nên nói to mọi thứ. Hãy nói thường xuyên nhất có thể, vì điều đó sẽ giúp tiếp tục phát triển ngôn ngữ.

- Chơi các trò chơi và ứng dụng dành cho trẻ em. Các trò chơi được thiết kế cho trẻ em thường tập trung vào việc tiếp thu ngôn ngữ. Nếu bệnh nhân dành một ít thời gian để chơi những trò chơi này mỗi ngày, dù là trò chơi trên bàn cờ với người khác hay một ứng dụng, nó có thể giúp tăng kỹ năng ngôn ngữ.

Kết hợp các liệu pháp ngôn ngữ vào cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân sau đột quỵGiải ô chữ là trò chơi trí tuệ giúp người bệnh khôi phục ngôn ngữ sau đột quỵ.

VI. Hy vọng phục hồi ngôn ngữ

Nhìn chung, có hy vọng phục hồi giọng nói sau đột quỵ cho dù tình trạng suy giảm ngôn ngữ của bệnh nhân nghiêm trọng đến mức nào.

Ngay cả những bệnh nhân không thể nói chuyện sau đột quỵ cũng có thể bắt đầu tiếp cận phương pháp trị liệu ngôn ngữ bằng cách khai thác sức mạnh của bán cầu não phải thông qua liệu pháp âm nhạc. Sau đó, khi đã đạt được một số tiến bộ, bệnh nhân có thể tiếp tục tự trị liệu tại nhà.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X