Hotline 24/7
08983-08983

Quần áo mới nên giặt vài lần trước khi mặc

Phát hiện mới đây về dấu hiệu chất nonylphenol ethoxylates trong một số mẫu thử quần áo đã gây lo ngại trong dư luận.

Phát hiện mới đây về dấu hiệu chất nonylphenol ethoxylates trong một số mẫu thử quần áo của Tổ chức Hòa bình xanh Green Peace đã gây những lo ngại trong dư luận. 

Theo các chuyên gia, chất này đã bị cấm sử dụng vì độc tính cao, tuy nhiên sự có mặt của dư lượng chất này trong quần áo vải sợi cũng không thực sự đáng lo ngại quá mức nếu biết cách loại bỏ.

Cấm vẫn dùng

KS Trương Phi Nam, trưởng phòng nghiên cứu, Viện Dệt may Việt Nam cho biết, chất nonylphenol ethoxylates còn tồn dư trong quần áo là do quá trình sản xuất vải sợi có sử dụng nonylphenol ethoxylates làm chất trợ tẩy.
 
Hiện nay, chất tẩy chủ yếu sử dụng trong ngành dệt may là oxy già hoặc javen nhưng để các chất này được thẩm thấu và tác dụng nhanh, nhà sản xuất cho thêm chất trợ tẩy gốc phenol để đẩy nhanh quá trình.
 
Ngoài việc được dùng làm chất trợ tẩy như trên, chất có gốc phenol này cũng được sử dụng trong quá trình nhuộm quần áo, giúp giảm bớt nhiệt độ gia công. Tức là khi nhuộm sợi vải, nhiệt độ thông thường để làm sợi vải trương nở và ngấm thuốc là 130oC. Nhưng khi thêm chất có gốc phenol thì quy trình này có thể giảm nhiệt độ xuống còn 100 - 105°C là thuốc nhuộm đã có tác dụng.

Quá trình sản xuất vải sợi có sử dụng nonylphenol ethoxylates làm chất trợ tẩy

KS Trương phi Nam nhấn mạnh, tất cả các chất có gốc phenol đều có chứa chất độc hại cho môi trường, người sản xuất và người mặc quần áo. Đối với môi trường, chất này làm ô nhiễm nguồn nước khi nước xả đổ ra bên ngoài. Các loại tảo, cá nếu bị nhiễm sẽ chết dần, nước có màu và bốc mùi hôi.

Đối với người sản xuất, chất này gây ảnh hưởng bởi mùi độc hại, khó chịu, thường xuyên hít phải sẽ có nguy cơ gây hại đối với sức khoẻ. Ở mức độ nặng chất này có thể tích tụ lại trong cơ thể ảnh hưởng đến hệ thống sinh dục và tăng trưởng, gây rối loạn khả năng sinh sản.

Người sử dụng, khi mặc quần áo còn tồn dư chất có gốc phenol cũng gây tác động cụ thể đến sức khỏe. Ở mức thấp, chất này có thể gây dị ứng da như ngứa lở hoặc quần áo có mùi khó chịu.
 
"Chất này dù đã bị cấm nhưng một số nước vẫn sử dụng trong các loại vải xơ sợi tổng hợp. Ở nước ta khi nhập khẩu quần áo, vải vóc cũng chưa kiểm tra đến độc chất này", KS Nam nhấn mạnh. 

Giặt sạch nhiều hóa chất

Tuy nhiên, KS Trương Phi Nam cũng khẳng định, chất có gốc phenol tuy là độc hại đến người tiêu dùng và đã bị cấm sử dụng ở các nước trong quá trình dệt may.

Nhưng chất này chưa gây ra mức độ ung thư như nhiều thông tin đại chúng chỉ trích. Các chất gây ung thư đáng lo ngại được sử dụng trong ngành dệt may hiện nay là các chất có gốc amin.
 
Theo thống kê của Việt Nam, gốc amin này có trong 22 chất và đã bị cấm sử dụng. Bởi nếu còn tồn dư trong vải sợi, các amin có thể xâm nhập vào cơ thể và gây nguy cơ cao về ung thư da. 

Các chất có gốc phenol được sử dụng để giảm bớt hoặc tăng cường các công đoạn trong quá trình xử lý sợi vải, nhưng không thể loại bỏ hết được trong vải thành phẩm. Tuy nhiên, chúng có thể bị loại bỏ dần trong thời gian sử dụng, chẳng hạn qua cách giặt và xả lại sạch sẽ.

PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho rằng, để tránh ảnh hưởng các chất hóa học, trong đó có cả chất có gốc phenol này, quần áo khi mua về người dân  nên giặt vài lần trước khi mặc. Qua mỗi lần giặt, xả và phơi nắng hàm lượng các chất sẽ mất dần ít nhiều, từ đó giảm bớt ảnh hưởng đến người dùng.

- Green Peace đã kiểm tra mẫu quần áo của các nhãn hàng nổi tiếng như Adidas, Calvin Klein, Li Ning, Lacoste, Converse... ở 18 nước trên thế giới.
 
Các mẫu quần áo chủ yếu được làm ở Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Kết quả cho thấy, trong 2/3 số mẫu thử có hóa chất độc hại nonylphenol ethoxylates.

- Nonylphenol ethoxylates là hóa chất thường dùng làm chất tẩy trong sản xuất công nghiệp, sản xuất sợi tự nhiên và tổng hợp.
 
Khi thải ra môi trường, nonylphenol ethoxylates phân rã thành nonylphenol rất độc hại. Chất này có thể lây nhiễm dây chuyền thực phẩm và gây rối loạn khả năng sinh sản, tăng trưởng.
Theo Khánh Hiền - Khoa hoc và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X