Hotline 24/7
08983-08983

Phân biệt bệnh bướu cổ và bệnh basedow

Bệnh basedow và bệnh bướu cổ đều có chung biểu hiện là bướu giáp phình to. Tuy nhiên, chúng khác nhau ở bản chất bệnh, do đó mức độ nguy hiểm và cả phương pháp điều trị cũng khác nhau.

I. Tìm hiểu về bệnh bướu cổ và bệnh basedow

1. Bệnh bướu cổ là gì? 

Do một nguyên nhân nào đó làm cho tuyến giáp gia tăng kích thước gây ra một cục bướu to nổi gồ lên bề mặt da, nhưng chức năng tuyến giáp vẫn bình thường. Hiện tượng này gọi là bướu cổ.

Bướu cổ có 3 dạng chính:

- Bướu cổ đơn thuần.

- Bướu cổ do cường giáp.

- Ung thư giáp.

Trong bài viết này chúng ta chủ yếu đề cập chính đến bệnh bướu cổ đơn thuần. Đây là dạng phổ biến nhất (chiếm khoảng 80%).

2. Bệnh basedow là gì?   

Basedow là một trong những bệnh lý cường giáp thường gặp trên lâm sàng với các biểu hiện chính: Nhiễm độc giáp kèm bướu giáp lớn lan tỏa, lồi mắt và tổn thương ở ngoại biên.

Bệnh Basedow có nhiều tên gọi khác nhau bệnh Graves, bệnh Parry, bướu giáp độc lan tỏa, bệnh cường giáp tự miễn. Nhờ sự tiến bộ của miễn dịch học, ngày càng nhiều kháng thể hiện diện trong huyết tương người bệnh được phát hiện, vì thế hiện nay bệnh được xếp vào nhóm bệnh liên quan tự miễn.

II. Phân biệt bệnh bướu cổ và bệnh basedow qua nguyên nhân và triệu chứng và mức độ nguy hiểm của bệnh

Những nguyên nhân và triệu chứng của bướu cổ và basedow khác nhau. Đây cũng là dấu hiệu nhận biết và phân biệt 2 căn bệnh này.

1. Nguyên nhân

Bướu cổ đơn thuần hình thành chủ yếu do cơ thể không được cung cấp hay hấp thụ đủ lượng iod cần thiết dẫn đến tình trạng tuyến giáp phình to. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể dẫn đến nguy cơ bướu cổ là: 

- Một số loại thuốc điều trị thấp khớp hay kháng giáp tổng hợp, thuốc cản quang,... 

- Một số thực phẩm có chứa chất kháng giáp ức chế sự tổng hợp của hormone tuyến giáp. 

- Rối loạn nội tiết nữ xảy ra ở thiếu nữ tuổi dậy thì, phụ nữ có thai, phụ nữ tiền mãn kinh. 

Basedow là bệnh tự miễn do có liên quan đến yếu tố di truyền. Ngoài ra, yếu tố tuổi tác, môi trường, thực phẩm, giới tính,... cũng có thể góp phần gây ra bệnh basedow.

2. Triệu chứng 

Có thể phân biệt bệnh bướu cổ và bệnh basedow thông qua các triệu chứng đặc trưng. Biểu hiện rõ ràng, có thể sờ nắn thấy có một khối u ở giữa cổ, ranh giới rõ, không dính vào da, không đau, mềm hay chắc, di động theo nhịp nuốt lên xuống, khi bướu to có thể gây chèn ép các cơ quan xung quanh gây gây khó nói, nói khàn, nói hai giọng, khó thở,... 

Bệnh basedow gây ra những triệu chứng tại tuyến giáp và cả những cơ quan khác. Người bệnh xuất hiện bướu giáp lan tỏa kích thước và tương đối đều tại tuyến giáp. Ngoài ra, khi các cơ quan khác bị ảnh hưởng sẽ gây ra các biểu hiện đặc trưng: 

- Cơ - Hệ thần kinh: Khó khăn khi vận động theo mong muốn các chi, thay đổi tính khí, mất ngủ, không tập trung,... 

- Tim mạch: Rối loạn nhịp tim có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào, hồi hộp, đau tức ngực,... 

- Tiêu hóa: Người gầy gò trong khi người bệnh ăn vẫn nhiều, đau bụng, tiêu chảy thường xuyên, buồn nôn, nôn,... 

- Rối loạn chuyển hóa dẫn đến thân nhiệt cao, thường thấy bức bối, nóng nực, uống nước liên tục,... 

- Sinh lý: Rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục.  

- Mắt lồi là triệu chứng điển hình của bệnh và phụ thuộc vào mức độ nhiễm độc. 

- Móng tay chân tiêu biến, biến dạng các đầu chi trên và dưới. 

Ngoài ra, những người bị bệnh basedow còn có thể xuất hiện các triệu chứng như tóc khô, thay đổi sắc tố da, ngứa ngáy, rụng tóc, phù cẳng chân hoặc vùng dưới gối,...

Xem thêm: Các địa chỉ bệnh viện điều trị bệnh basedow tại TPHCM

3. Mức độ nguy hiểm

Về mức độ nguy hiểm của bệnh, basedow nguy hiểm hơn bướu cổ đơn thuần rất nhiều.

Basedow là bệnh gây nguy hiểm cho hệ tim mạch, nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, bệnh nhân sẽ tử vong trong tình trạng suy tim, suy kiệt và đặc biệt là trong tình trạng cơn bão giáp - một biến chứng rất nặng của bệnh. Khi bị cơn bão giáp, bệnh nhân sẽ sốt cao 40 - 41˚C, tinh thần hoảng loạn, lo lắng hoặc kích thích dữ dội, tim đập rất nhanh… 

Tuy nhiên, ngay cả việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn vì cơ chế bệnh sinh vẫn còn đang được nghiên cứu. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà khả năng đáp ứng điều trị và hồi phục khác nhau. Mặc dù vậy, các bệnh nhân basedow hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Người bệnh cần kiên trì thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Trong khi đó, bướu cổ đơn thuần không quá nguy hiểm như basedow. Tuy nhiên, bệnh cũng gây ra nhiều khó khăn bệnh nhân. Bướu giáp to có thể gây chèn ép, khó thở, bướu lớn nhanh, bướu xuất huyết trong lòng bướu,… 

III. Biện pháp phòng bệnh bướu cổ và basedow

Tùy vào từng trường hợp mà bướu cổ và basedow có thể gây ra những tác động khác nhau đến cơ thể. Tuy nhiên, việc phòng tránh những căn bệnh này là cần thiết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Một số biện pháp đơn giản để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh bướu cổ và basedow mà bạn có thể tham khảo là: 

- Cung cấp đủ lượng iot cần thiết cho cơ thể theo từng giai đoạn phát triển khác nhau. Muối tinh iot, nước mắm hay cá biển đều là nguồn iod mà bạn có thể bổ sung trong khẩu phần ăn hàng ngày. 

- Hạn chế các loại thực phẩm làm ảnh hưởng hoạt động của tuyến giáp như các rau thuộc họ cải, khoai mì, măng,... 

- Hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại làm thay đổi nội tiết tố. 

- Hình thành thói quen ăn uống khoa học, tăng cường các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, giàu chất chống oxy hóa. Đồng thời tránh xá các chất có hại như rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá, chất kích thích,... 

- Rèn luyện thân thể mỗi ngày, tránh những căng thẳng, áp lực, xây dựng chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để giúp bản thân tránh nguy cơ trở thành “nạn nhân” của các bệnh lý tuyến giáp. 

IV. Phương pháp điều trị bệnh bướu cổ và basedow

1. Bướu cổ đơn thuần

Bướu cổ đơn thuần giai đoạn sớm có thể không cần phải điều trị mà chỉ cần theo dõi định kì. Đa số các trường hợp sẽ điều trị bằng thuốc hormone tuyến giáp. 

Trong một số trường hợp bướu giáp ổn định trong nhiều năm và có thể tự khỏi. Trường hợp bị bướu cổ đơn thuần có nhân, nếu người bệnh điều trị thuốc 6 tháng không hiệu quả mới cần mổ. 

Tuy vậy, nếu bướu để lâu thì sẽ xơ hóa không đáp ứng thuốc và sẽ phải can thiệp bằng phương pháp mổ. Ngoài ra, nếu bướu cổ có nhân, có thể điều trị bằng các phương pháp can thiệp ít xâm lấn, không cần phẫu thuật như đốt sóng cao tần RFA, sử dụng laser. Tỷ lệ điều trị thành công rất cao vì bệnh không quá nguy hiểm.

2. Basedow

Hiện nay có 3 biện pháp được áp dụng trong điều trị bệnh bao gồm: sử dụng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, dùng iod phóng xạ và phẫu thuật tuyến giáp.

Basedow gây ra nhiều biến chứng cho các cơ quan khác do đó ngoài thuốc kháng giáp trạng tổng hợp cần dùng thêm các thuốc điều trị biến chứng. Mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp nào, cần có sự giải đáp của bác sĩ chuyên khoa dựa và tùy thuộc vào tình hình bệnh tật, điều kiện xã hội, hoàn cảnh cụ thể của mỗi bệnh nhân.

Điều trị basedow bằng thuốc rất cần sự kiên nhẫn do phải điều trị trong thời gian lâu dài, thường từ 6 - 18 tháng và thời gian điều trị càng lâu thì tỉ lệ tái phát lại càng thấp.

Xem thêm: Các địa chỉ bệnh viện điều trị bệnh basedow tại Hà Nội

V. Các địa chỉ điều trị bệnh bướu cổ và bệnh basedow

Trong trường hợp có bất kỳ biểu hiện nào nghi ngờ cơ thể mắc bướu cổ hoặc basedow, tốt nhất người bệnh nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Tiểu đường để được thăm khám và điều trị.

- Tại TPHCM, người bệnh có thể liên hệ các bệnh viện như: Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115,…

- Tại Hà Nội, người có thể đến khám ở các bệnh viện như: Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thanh Nhàn,…

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X