Hotline 24/7
08983-08983

Phá thai nhầm vì rubella: ngành y không có lỗi?

Sáu tháng đầu năm 2011, tại BV Phụ sản Trung ương, hơn 2.000 sản phụ có xét nghiệm rubella dương tính và đến một nửa trong số này chấp nhận phá thai.

Nghĩa là trên 1.000 trẻ không có cơ may chào đời. Con số quá lớn!

Đứa trẻ ra đời là niềm vui khó tả của những người làm cha, làm mẹ. Ảnh: Trần Việt Đức
 
Tháng 7/2011, một nghiên cứu được thực hiện tại bệnh viện với kết quả xét nghiệm sinh hóa máu cuống rốn sau đó cho thấy: chỉ 17 trẻ mang virút rubella khi chào đời/103 trường hợp đã phá thai vì rubella!
 
Như vậy, chỉ 16,5% trường hợp bỏ thai tại đây là chính xác (trẻ ra đời có khả năng mắc hội chứng rubella), còn lại, 83,5% là phòng xa!

Do gia đình quyết định!

Có thầy thuốc lý giải rằng, do thiếu thiết bị, do việc chẩn đoán xác định gặp nhiều khó khăn… Việc tư vấn đình chỉ đôi khi là “bất đắc dĩ” vì không có cách nào biết được chính xác đứa bé sinh ra có dị tật hay không.
 
Nếu thai ở tuần thứ 12 trở lại thì chắc chắn phải bỏ, thai từ tuần 13 -18, đa số được tư vấn đình chỉ dù tỷ lệ mắc thực sự trong giai đoạn này 50/50, và đây chính là lý do khiến số phá thai nhầm lên cao đến mức kỷ lục. Phá thai nhầm dẫn đến con số quá lớn thai nhi lành lặn phải chịu chung số phận oan nghiệt: bị huỷ từ khi còn trong bụng mẹ.
 
Trong điều trị, chuyện sai sót đáng tiếc cũng đã từng xảy ra ở một vài cơ sở điều trị như: đau chân phải chữa chân trái, nhổ răng lành thay vì răng sâu, cắt nhầm buồng trứng… nhưng với thai phụ thì không thể chỉ dựa vào “năm ăn - năm thua” mà tư vấn, hướng cho họ bỏ thai theo kiểu “thà hủy nhầm còn hơn để sót”.
 
Theo TS Trần Danh Cường, phó giám đốc trung tâm Chẩn đoán trước sinh (BV Phụ sản Trung ương) cho biết, dị tật thai nhi do virút rubella gây ra khó phát hiện khi siêu âm.
 
Tất cả chỉ dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ khai thác trên tiền sử bệnh nhân, và điều quan trọng nhất là mắc vào giai đoạn nào của chu kỳ thai. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào nguồn lây bệnh, dấu hiệu lâm sàng như sốt, phát ban, thời gian mắc bệnh… và xét nghiệm sinh hoá miễn dịch.
 
Cũng theo TS Cường, thai phụ mang thai dưới 18 tuần tiếp xúc với người mới mắc bệnh rất dễ bị lây. Nếu mắc bệnh khi mang thai dưới 12 tuần nên bỏ. Trong vòng 12 - 18 tuần, các bà mẹ sẽ được tư vấn bỏ hay giữ theo tuổi thai và tần suất xuất hiện của bệnh.
 
Nếu thai đã quá 18 tuần thì cần theo dõi tránh nhiễm trùng thai nhi. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp mắc rubella đều được tư vấn kỹ càng, còn việc bỏ thai hay không là quyết định của gia đình!
 
TS Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng bộ Y tế, giám đốc BV Phụ sản Trung ương cũng khẳng định: quyết định bỏ thai khi bác sĩ nghi ngờ thai phụ nhiễm rubella trong thời gian nguy hiểm là của gia đình chứ không bắt buộc. Bác sĩ chỉ có nhiệm vụ khám, tư vấn cho người bệnh.

Chưa có hy vọng

TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện nay bệnh viện Phụ sản Trung ương đang thử nghiệm một phương pháp giúp chẩn đoán thai nhi có bị nhiễm rubella hay không, từ đó giúp bác sĩ đưa ra chỉ định chuẩn xác nhất nên giữ hay đình chỉ thai.
 
Phương pháp này sử dụng kit thử và máy Real-time PCR. Các bác sĩ sẽ tiến hành chọc ối lấy khoảng 1ml nước, sau đó đưa qua máy ly tâm tế bào chiết tách ARN rồi chạy máy Real-time PCR. Máy sẽ cho kết quả trẻ nhiễm rubella hay không. Tuy nhiên, đây vẫn trong giai đoạn thử nghiệm.
 
Khi đã kết luận ban đầu dựa trên những bằng chứng lâm sàng một cách khoa học và chính xác tại bệnh viện, phương pháp này sẽ được áp dụng đại trà cho thai phụ nhiễm rubella.
 
Cũng theo TS Nguyễn Viết Tiến, thời điểm này, khi phương pháp chọc ối đang ở giai đoạn thử nghiệm thì vẫn cần áp dụng cả khám, tư vấn kết hợp với chọc ối. Chọc ối là kỹ thuật khá phức tạp.
 
Thai phụ được chẩn đoán nhiễm rubella nhưng khi chọc ối thì ối chưa nhiễm cho kết quả âm tính (không mắc rubella) nhưng một thời gian sau, khi chọc ối lại cho kết quả dương tính thì thai đã quá to. Do đó, việc chẩn đoán, tư vấn thai phụ bỏ thai phải rất cẩn thận và cần thiết.
 
Mẹ nào chẳng sợ!
 
Hiện nay, tại nhiều bệnh viện đã triển khai việc sàng lọc để phát hiện xem thai phụ có bị nhiễm rubella sớm trong thai kỳ và tư vấn về nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi dựa theo các nghiên cứu của thế giới, và để bà mẹ tự quyết định bỏ hay giữ thai.
 
Hầu như các thai phụ đều tin và thực hiện theo khuyến cáo của thầy thuốc. Tuy nhiên, khi chúng tôi thử đối chiếu phát biểu, tư vấn của các bác sĩ chuyên ngành về vấn đề này thì thấy rằng việc dẫn tỷ lệ dị tật/từng tuổi thai có sự chênh nhau.
 
Có bác sĩ nói mẹ nhiễm rubella khi mang thai dưới 12 tuần tuổi thì tỷ lệ dị tật đến 90%, từ 13 – 14 tuần tỷ lệ dị tật 30 – 40%, từ 15 – 16 tuần khoảng 20% và từ 16 – 20 tuần là 10%, rất hiếm thai nhi bị dị tật khi mẹ nhiễm lúc mang thai trên 20 tuần tuổi (dưới 1%).
 
Có bác sĩ lại nói: Mẹ nhiễm rubella trong ba tháng đầu thì 70 – 100% trẻ đẻ ra bị rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não. Mẹ nhiễm khi thai từ 13 – 16 tuần: trẻ bị rubella bẩm sinh với tỷ lệ 17%, khi thai từ 17 – 20 tuần thì tỷ lệ dị tật 5%. Và khi thai hơn 20 tuần thì tỷ lệ này chỉ 0%...
 
Điều nguy hiểm ở đây là một khi bác sĩ tư vấn nếu bị nhiễm rubella trong ba tháng đầu thì dễ bị sẩy thai hoặc thai chết lưu; trẻ sinh ra bị thiếu cân, chậm lớn, có thể bị câm, điếc, chậm phát triển trí tuệ, đục nhân mắt, đục giác mạc, tim còn ống động mạch, hẹp eo động mạch phổi… thì bà mẹ nào mà chẳng lo sợ?! Và kết quả tất yếu là...
 
Có người cho rằng, mục đích cao quý và tối hậu của y khoa là chữa lành chứ không phải huỷ diệt, vì vậy cả ngàn ca phá thai nhầm vì xét nghiệm dương tính với rubella là quá lớn.
 
Đã là mẹ, ai cũng đau đớn khi phải bỏ đi đứa con bệnh hoạn đang hình thành trong mình. Đối với những gia đình hiếm muộn, có được cái thai, tất cả là hy vọng, là hạnh phúc vô bờ… Nếu phá thai nhầm sẽ là nỗi đau khổ, ân hận và ray rứt suốt đời.

Theo Kim Sơn, Lệ Hà - Sài Gòn Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X