Nỗi khổ chàng trai cứ há miệng là có tiếng lạo xạo
Mới bước qua tuổi 35 nhưng anh Minh đã có tiền sử đau vùng khớp thái dương hàm suốt 15 năm. Thậm chí, anh không thể ăn được cơm mà chỉ húp cháo, súp.
Mới đầu khi há miệng anh cảm thấy vướng, có tiếng kêu lạo xạo nhưng nghĩ bình thường nên không điều trị gì cả. Thế nhưng sau đó tiếng kêu càng ngày càng to hơn, các cơn đau bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều, há miệng thì lệch hẳn sang một bên.
Đến lúc này anh mới đi khám và được chẩn đoán bị bệnh viêm khớp thái dương hàm. Thế nhưng dù đã đi khám nhiều nơi, uống rất nhiều loại thuốc giảm đau, phục hồi chức năng, thậm chí có bác sĩ tiêm trực tiếp rất nhiều loại thuốc vào trong khớp nhưng tình trạng vẫn không mấy cải thiện. Lần nào nhiều lắm thì đỡ được 1-2 tuần, sau đó thì tái phát dữ dội, đau suốt ngày đêm. Anh không há được miệng, không nói được to, suốt 10 năm sau đó cũng không ăn được cơm mà chỉ húp cháo, súp.
Tình cờ một lần anh đến BV Việt Đức (Hà Nội) khám và được chỉ định chụp CT vùng thái dương hàm.
Một ca mổ khớp thái dương hàm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
BS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt, BV Việt Đức cho biết, bệnh nhân đã có hiện tượng tiêu toàn bộ chỏm lồi cầu xương hàm dưới bên phải, chỏm lồi cầu trở nên mấp mô, như hình răng cưa không còn tròn bóng. Vì thế khi vận động (há miệng), chỏm lồi cầu cọ vào khớp phát ra tiếng kêu, khiến bệnh nhân đau đớn suốt cả ngày.
Bệnh nhân được mổ cắt toàn bộ lồi cầu, khối u sụn, tổ chức mủn nát, sau đó được ghép mỡ tự thân lấy từ vùng bụng khâu tạo bộ khớp. Ngay sau mổ bệnh nhân đã hết đau. Đến giờ thì bệnh nhân gần như có thể ăn uống như bình thường.
Thực chất bệnh nhân bị u sụn ở khớp thái dương hàm chứ không đơn thuần là bị viêm. Chính vì chẩn đoán sai nên mới dẫn đến việc tiêm thuốc đến mức tiêu cả xương. "Nếu được chẩn đoán đúng ngay từ đầu, bệnh nhân chỉ cần mổ lấy khối u sụn thì có lẽ sẽ giảm đi rất nhiều đau đớn cũng như biến chứng trong suốt hơn 10 năm qua", bác sĩ Hà nói.
Cũng theo bác sĩ những trường hợp mắc bệnh lý đau khớp thái dương hàm như trên không phải hiếm gặp. Nếu không được thăm khám chụp chiếu cẩn thận, sẽ có trường hợp bị chẩn đoán không chính xác như bệnh nhân trên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, có thể là thoái hóa khớp thông thường, do khối u như u sụn, xương hoặc di chứng sau chấn thương. “Nếu chẩn đoán không đúng mà cứ tùy tiện tiêm các thuốc, nhất là thuốc cortioid vào khớp thì có thể dẫn đến nhiễm trùng, mủ hoặc hoại tử tổ chức khớp”, bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Có trường hợp bệnh nhân năm 15 tuổi bị ngã xe máy, cằm đập xuống đất, thấy không bị đau nên không nghĩ có vấn đề gì. Nhưng đến năm 18 tuổi thì mặt phát triển lệch đi. Cú ngã cách 3 năm không làm vỡ vùng cằm nhưng lại thúc lên trên, gây hiện tượng vỡ ở vùng lồi cầu- vị trí khớp thái dương. Hậu quả là khi trẻ lớn lên, sụn phát triển quá phát khiến cằm dài ra, vẹo sang một bên, hai hàm răng không còn khít nhau, khiến bệnh nhân rất khó khăn trong ăn nhai.
Trong trường hợp này, các bác sĩ có thể phải can thiệp vào ổ khớp hoặc tiến hành cắt bỏ một phần xương góc của xương hàm dưới, nắn chỉnh lại khớp cắn, trả lại cho bệnh nhân chức năng ăn nhai và vẻ thẩm mỹ của khuôn mặt.
Bác sĩ khuyến cáo khi có biểu hiện đau vùng xương hàm thái dương, há miệng thấy có tiếng kêu lạo xạo, dần dần khó há miệng thì đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chỉ định điều trị phù hợp. Tùy từng trường hợp bệnh nhân có thể chữa bằng nội khoa hay ngoại khoa. Những trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật lấy bỏ tổ chức viêm, hoại tử, thay thế lồi cầu bằng các chất liệu tự thân hoặc nhân tạo như sụn sườn, ghép mỡ tự thân, cân cơ thái dương, các loại khớp thái dương hàm nhân tạo.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình