Hotline 24/7
08983-08983

Nơi ánh sáng trở thành bất tử

Hiện nay, người mù do các bệnh lý về giác mạc ở Việt Nam có trên 300.000 người, mỗi năm lại tăng thêm khoảng 15.000 người.

Với trình độ y học hiện tại, việc chữa trị chỉ có thể thực hiện ghép giác mạc khi có giác mạc được hiến. Vận động người dân hiến giác mạc là việc mới và khó ở nước ta, nhưng ở xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình “ánh sáng” đã trở thành bất tử.

Ghép giác mạc được hiến tặng cho người mù


Những “ngọn nến” bất tử

Sáng ngày 10-2-2011, cả gia đình, con cháu nội ngoại tất bật tổ chức lễ mừng thượng thọ cho cụ Đỗ Thị Gấm. Khuôn mặt nhăn nheo của tuổi già toát lên niềm hạnh phúc khi cụ được sum vầy bên con cháu. Tuổi già như ngọn nến trước gió, sáng vẫn vui đùa cùng cháu chắt nhưng đến đêm cụ đã trút hơi thở cuối cùng.

Khi còn sống cụ luôn tâm niệm, cuộc đời mỗi người giống như ngọn nến bất tử, khi người ta biết sống vì cộng đồng. Với suy nghĩ đó, năm 2009, cụ đã đăng ký hiến tặng đôi giác mạc của mình cho Ngân hàng mắt - Viện mắt Trung ương. Cụ Đỗ Thị Gấm là người thứ 21 ở xã Văn Hải tiếp tục ghi tên vào danh sách những người giữ cho ngọn nến bất tử sáng mãi.

Dù mất đi một người thân trong gia đình nhưng các con cháu, người thân của cụ vô cùng tự hào trước nghĩa cử cao đẹp đó. Cả 6 người con cụ Gấm dù rất đau buồn, đôi mắt rướm lệ nhìn lên di ảnh của mẹ nhưng họ tự hào nói với chúng tôi:  Đây là việc làm rất có ích để tạo cơ hội cho những người chịu thiệt thòi vì mù loà có thể thấy được ánh sáng. Chúng tôi tự hào vì việc làm của mẹ mình. Theo gương mẹ, hiện nay cả 6 anh chị em chúng tôi cũng đã ghi tên vào danh sách hiến tặng giác mạc của xã Văn Hải.

Để gia đình cụ Đỗ Thị Gấm cũng như hơn 450 người đã đăng ký hiến giác mạc ở xã Văn Hải hiểu và đồng thuận, không phải việc làm một sớm một chiều. Công việc này đòi hỏi cả một quá trình vận động, tuyên truyền bền bỉ của đội ngũ tình nguyện viên, cán bộ Hội Chữ thập đỏ.

Và đặc biệt, đóng góp to lớn vào việc vận động nhân dân ở xã có 80% đồng bào theo đạo Công giáo này là những bài giảng của linh mục Đinh Công Dũng, cha xứ của giáo xứ Văn Hải.  Trong mỗi lần làm lễ, cha xứ đều vận động con chiên góp sức đem lại ánh sáng cho những người thiệt thòi. Điều này có sức lan toả lớn đến các giáo dân.

Lĩnh hội tinh thần của linh mục, những người có uy tín trong giáo xứ đã trở thành những cộng tác viên đắc lực cho phong trào vận động hiến tặng giác mạc của xã. Những ai từng chứng kiến công việc lặng thầm của các cộng tác viên chắc sẽ hiểu được tại sao Văn Hải lại thành công trong phong trào này.

Hàng ngày trên chiếc xe đạp cũ kỹ, ông Bùi Văn Bình, nguyên trùm chánh giáo họ Đông Hải, xã Văn Hải, đến từng nhà, trước là hỏi thăm, sau là truyền tải những câu chuyện về hiến giác mạc. Giọng nói nhỏ nhẹ và sự uyên thâm về kiến thức của người đàn ông 60 tuổi này đã lấy được lòng tin của giáo dân. Với sự ứng biến linh hoạt, mỗi hoàn cảnh ông lại có cách thuyết giảng khác nhau.

Ông Bình chia sẻ, nếu như sống chỉ biết mình thì không bao giờ làm được điều này. Khi tôi về giáo xứ này trong cộng đồng có nhóm lên một số tư tưởng là tội gì làm ma mù dưới âm phủ. Nhiều người chưa thấu hiểu hết rằng việc hiến giác mạc là tình người, sống với nhau có đạo đức, có tình làng nghĩa xóm, biết mình, biết người, đau khổ của mình như đau khổ của người khác. Qua vận động, nhiều người cũng hiểu ra và chấp thuận việc hiến tặng giác mạc vì theo quan niệm của người công giáo khi mình cho đi thì sẽ nhận được cái khác.

Ông Bình cho biết, mới đây các cộng tác viên ở xã Văn Hải đã vận động được một cụ 105 tuổi hiến tặng giác mạc. Vận động cũng khó lắm! Các con cháu cụ có đến 50-60 người. Chúng tôi phải diễn đạt làm sao để cho họ nghe, họ hiểu và họ tin theo. Tôi nói với họ rằng: Ông cụ sống lâu, Chúa để cho hưởng thọ trên 1 thế kỷ, đông con nhiều cháu để được chứng kiến việc ông cụ làm. Họ nghe thấy đó là công đức của ông cụ đã để lại cho con cháu nên chấp thuận theo nguyện vọng của cụ, ông Bình chia sẻ.

Một ca lấy giác mạc tại xã Văn Hải


Thắp ánh sáng của lòng nhân ái

Theo ông Phạm Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn, phong trào hiến tặng giác mạc đã được Hội triển khai phát động từ năm 2008, đến nay đã trở thành phong trào sâu rộng ở 27 xã, thị trấn của huyện. Năm 2010, trên địa bàn huyện Kim Sơn đã có 3.527 người đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời và có 72 người đã hiến tặng giác mạc thành công.

Tại xã Văn Hải, từ khi người hiến tặng giác mạc đầu tiên là chị Phạm Thị Chiên, 50 tuổi là người bị khuyết tật đến thời điểm này đã có 21 người hiến tặng giác mạc, số người đăng ký hiến tặng lên đến 1.700 người. Trong năm 2010, đã có 17 người dân Văn Hải hiến tặng giác mạc. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2011 đến nay, Văn Hải đã có 4 ca hiến tặng giác mạc thành công.

Tất cả những đôi giác mạc này đều được chuyển về Ngân hàng Mắt - Bệnh viện Mắt TƯ để thực hiện ghép giác mạc miễn phí cho người mù. Hiện tại xã Văn Hải có hơn chục trường hợp đang trong giai đoạn nguy kịch. Các cộng tác viên, cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Văn Hải thường xuyên túc trực tại những gia đình đó. Người thì trò chuyện với bệnh nhân, người nói chuyện để các thành viên trong gia đình hiểu hơn về việc hiến tặng giác mạc.

Anh Đoàn Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Văn Hải tâm sự với chúng tôi, việc bám sát, theo dõi sát sao tình hình là việc làm cần thiết vì chỉ cần lơ là đi một chút là việc sẽ không thành công, vì lấy giác mạc chỉ có ý nghĩa trong vòng 6 tiếng kể từ khi người hiến qua đời, còn sau thời gian đó, giác mạc không còn giá trị.

Anh Minh chia sẻ, có những ca các cộng tác viên phải đi tới gần tháng trời, từ khi người hiến giác mạc lâm bệnh nằm giường cho đến khi họ về với Chúa. Trong thời gian đó rất vất vả, mình phải theo dõi để thông tin trong ngày, trong giờ để khi người ta nằm xuống, Viện Mắt kịp thời về lấy giác mạc. Nếu quá thời gian thì cả tháng trời vận động sẽ trở thành con số không. Đáp lại sự nhiệt tình của ông Bình, anh Minh và rất nhiều những người tâm huyết trong xã gắn bó với phong trào này, đến nay, khoảng 80% bà con giáo dân ở xã Văn Hải đã đồng tình về việc hiến giác mạc sau khi qua đời.

“Chỉ một người hiến thành công, sẽ trở thành động lực, niềm tin, sự ngưỡng mộ đối với người còn sống. Sau này khi về với Chúa, tôi cũng xin hiến đôi giác mạc cho những người bị thiệt thòi không thấy ánh sáng” - đó cũng là ước nguyện của ông Bùi Văn Bình và cũng là mong muốn của hầu hết giao dân ở Văn Hải khi trò chuyện với chúng tôi. Họ chỉ mong muốn khi người mù được thay giác mạc sẽ tiếp tục giữ gìn và lại hiến tặng cho người khác khi qua đời. Cứ như thế sự sống sẽ tiếp nối sự sống, giác mạc sẽ trở thành “ngọn nến bất tử” và sáng mãi.

Theo VŨ MẠNH - Đại đoàn kết

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X