Những người kết duyên với... hồn ma
"Anna, cô có đồng ý lấy Chiêu Quốc Hoa và yêu anh ấy trọn đời không?”. Cô dâu trả lời đồng ý, còn chủ rể lặng im nằm trong quan tài.
Khi tình yêu gần đến ngày “đơm hoa kết trái”, nỗi bất hạnh mang tên cái chết bỗng ập đến chia rẽ nhiều đôi uyên ương. Nhưng bất chấp âm dương cách trở, không ít chàng trai, cô gái vẫn quyết kết duyên.
Trần - âm nên duyên
"Anna, cô có đồng ý lấy anh Chiêu Quốc Hoa làm chồng và yêu anh ấy trọn đời không?”. “Tôi đồng ý!”, Anna nói. Chú rể nằm trong quan tài, không thể trả lời được người chủ trì hôn sự, vì anh ta từ trần cách đây 6 tháng.
Anna cho biết, cô tiến hành hôn lễ này để hoàn thành ý nguyện của người yêu trước khi mất, đồng thời cũng muốn dùng tư cách người vợ để tiễn Chiêu Quốc Hoa đến nơi an nghỉ cuối cùng. Cô định sẽ ở vậy suốt đời.
Trong suốt quá trình tiến hành hôn lễ và tang lễ, không thấy người nhà của hai nhân vật chính. Chỉ có tổng cộng 7 vị khách, 6 người bạn của cô dâu và một bạn thân của chú rể. Nhiều ý kiến cho rằng hành động của cô gái trẻ không đúng với đạo lý. Tuy nhiên, bạn bè cô lại cho rằng đó là minh chứng cho tình yêu đích thực. Sau khi hôn lễ kết thúc, cô dâu Anna mặc váy cưới trắng tiễn đưa chồng đến phòng hỏa táng.
Kết cục buồn này không chỉ của riêng Anna. Vào tháng 11/2008, cô Magali Jaskiewicz và anh Jonathan George dự định kết hôn. Ngày 25/11/2008, cả hai đến tòa thị chính để đề nghị kết hôn vào tháng 1/2009. Không may là 2 ngày sau đó, chú rể thiệt mạng vì một tai nạn ô tô.

Tuy nhiên, Magali vẫn quyết định tổ chức lễ cưới với Jonathan. Chiều 14/11/2009, tại tòa thị chính ở Dommary - Baroncourt, miền Đông nước Pháp, đám cưới của cặp đôi này được tổ chức với sự góp mặt của 30 người thân và bạn bè.
Luật pháp Pháp cho phép hôn nhân với người đã chết nếu tất cả các thủ tục cho đám cưới được hoàn tất trước khi một trong hai người qua đời. Cô Magali Jaskiewicz chứng minh cho các quan chức rằng, cô và George đã sống với nhau từ năm 2004 và họ dùng chung một tài khoản ngân hàng. Trong đám cưới, cô Magali đứng cạnh bức chân dung của người yêu quá cố. Cô đeo nhẫn cưới vào tay mình, còn chiếc nhẫn kia cô đeo vào sợi dây ở cổ chồng.
Thi hài kết đôi
Bên cạnh lễ vu quy của những người bị âm dương cách trở, nhiều đám cưới mà cả cô dâu chú rể đều đã khuất. Ở những “đám cưới linh hồn”, người tham dự khó có thể cầm lòng. Lễ cưới của nữ diễn viên quá cố Hàn Quốc Jung Da Bin cùng người đàn ông không hề quen biết đã qua đời trước cô 5 năm là một câu chuyện điển hình.
Nghi lễ được báo chí Hàn gọi là “đám cưới linh hồn” được thực hiện với sự tham gia của cả hai bên gia đình. Chú rể là Moon Jae Sung, sinh năm 1975, qua đời năm 2002, 5 năm trước khi xảy ra cái chết của nữ diễn viên.
Đám cưới này do mẹ của Jung Da Bin đề xuất tổ chức, với mong muốn linh hồn hai người quá cố được thanh thản. Mẹ Jung Da Bin cũng muốn bù đắp mất mát cho con gái, người ra đi khi còn quá trẻ và chưa kịp kết hôn.

“Con rể của tôi, Moon Jae Sung, là một chàng trai rất tử tế và quan tâm đến người khác. Dù hai đứa lúc còn sống không quen biết nhau nhưng người lớn trong hai gia đình đã gặp gỡ và thảo luận rất nhiều trước khi quyết định tác hợp cho hai đứa”, người mẹ xúc động chia sẻ.
Cũng mang nỗi niềm tương tự, gia đình của một cặp đôi tại Quảng Đông, Trung Quốc quyết định tổ chức hôn lễ đặc biệt cho hai người quá cố. Chú rể Zhao Shiliang, 26 tuổi, là giảng viên ở Quảng Đông. Cô dâu là Rao Liping, 22 tuổi, là sinh viên vừa tốt nghiệp ĐH. Cả hai người nằm trong quan tài có nắp kính trắng toát, được mặc comple, váy cưới và phủ xung quanh là những loài hoa mà họ yêu thích.
Đôi uyên ương xấu số này đã hy sinh bản thân, nhảy xuống hồ cứu một cậu bé suýt chết đuối. Cảm kích tấm lòng dũng cảm của hai người, ĐH Quảng Đông phối hợp gia đình hai bên tổ chức lễ cưới trước khi truy điệu cho họ. Trước đó vài tháng, thầy giáo Zhao hứa hẹn sẽ cưới Rao khi cô tốt nghiệp ĐH. Ước nguyện của họ được hoàn thành cho dù họ không còn được sống bên nhau.
Liên quan đến đám cưới người chết có một chuyện bi hài xảy ra ở huyện Tịnh Biên, Thiểm Tây, Trung Quốc. Ngày 17/8/2010, tờ Global Times đưa tin tòa án mới xét xử một vụ trộm cắp hy hữu. Vương Hoa và Bạch Mỹ bị truy tố trước vành móng ngựa vì tội trộm tử thi để đem về cho “kết hôn” với người vừa mới chết.
Tại tòa án, Vương Hoa khai nhận vào năm 1970, hắn đã cùng vợ đánh cắp thi hài của em dâu, người đã chết trong khi sinh con, rồi đem bán cho Bạch Mỹ để trừ món nợ 5.500 nhân dân tệ (812 USD). Còn Bạch Mỹ khai nhận mua thi hài em dâu ông Vương để chôn cùng với ông nội góa vợ vừa chết của cô với hy vọng ông sẽ có một đám cưới trước khi được chôn cất.
Sau khi có sự đồng thuận về việc trả nợ bằng xác chết, Vương Hoa và Bạch Mỹ cùng nhau tới huyệt mộ của em dâu ông Vương để đào thi hài. Mọi việc chỉ bị phát hiện khi em trai ông Vương đến thăm mộ vợ và thấy có nhiều dấu vết đào bới xung quanh. Nghi ngờ có chuyện chẳng lành xảy ra, ông cho người khai quật và ngỡ ngàng khi phát hiện xác vợ biến mất. Anh không ngờ chính anh trai đã đem thi hài vợ mình cho đi để kết duyên với một người đàn ông khác.
Theo Trà My - Báo Đất Việt
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình