Hotline 24/7
08983-08983

Những người chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân ung thư

Người đàn ông nhìn bác sĩ, nhìn người nhà lần cuối rồi khép mắt. Ông đã ra đi rất nhẹ nhàng.

Một người đàn ông đang trong cơn hấp hối. Người vợ nắm chặt tay chồng, nước mắt lăn dài. Xung quanh giường, bác sĩ Quách Thanh Khánh, Phó trưởng khoa chăm sóc giảm nhẹ và vài điều dưỡng cũng có mặt để tiễn ông ra đi.
 
Người đàn ông nhìn bác sĩ và thều thào: “Tôi không muốn thở máy, không muốn bị sốc điện. Để tôi đi!” Bác sĩ Khánh nắm tay bệnh nhân thật chặt và nói: “Chú yên tâm, chú rất an toàn khi ở đây”. Người đàn ông nhìn bác sĩ, nhìn người nhà lần cuối rồi khép mắt. Ít phút sau ông ra đi, gương mặt giãn ra thanh thản. Ông đã ra đi rất nhẹ nhàng.
 
Sau khi động viên người nhà và dặn dò các bước để đưa người bệnh về nhà, bác sĩ Khánh quay về phòng. Anh ngồi lặng trước bàn. Cái chết được báo trước mà sao anh vẫn cảm thấy buồn trước quy luật nghiệt ngã của cuộc đời.
 
Bác sĩ Khánh cùng điều dưỡng thăm hỏi tình hình bệnh nhân.
 
Khoa chăm sóc giảm nhẹ của Bệnh viện Ung bướu TPHCM là nơi quy tụ những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Vào đây, số ngày sống của họ chỉ còn tính bằng ngày bằng tháng. Nhiệm vụ của các y, bác sĩ ở khoa này không chỉ điều trị bệnh, mà còn nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân và cả người nhà bệnh nhân.

Ước nguyện trước khi lìa đời

Bác sĩ Khánh chia sẻ, người đàn ông đó là một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Khi được đưa vào khoa thì thời gian sống của ông chỉ còn tính bằng tháng, bằng ngày. Điều trị cho ông, anh thấy ông hay nằm thẫn thờ, ánh mắt buồn rầu như có điều gì khó nói. Biết ông có tâm sự nên những lúc cơn đau không hành hạ, anh lại tới giường hỏi han, tâm sự.
 
Anh cho biết thời gian sống của ông không còn nhiều, nói ông nên chuẩn bị tinh thần và nếu còn điều gì muốn làm thì hãy làm trước khi ra đi. Nếu khó nói với gia đình thì hãy nói với anh, anh sẽ tìm cách giúp đỡ. Và người đàn ông đó tâm sự mình là bộ đội vào Nam tập kết và chục năm rồi không về Bắc. Ông vốn là trưởng tộc nên nguyện vọng cuối cùng là được trở về thăm quê và sửa lại từ đường của dòng họ.
 
Nghe ông tâm sự, anh đã động viên gia đình giúp ông thực hiện ước nguyện. Trước chuyến đi, anh cùng đồng nghiệp đã chuẩn bị thuốc men cho ông rất chu đáo và hướng dẫn tỉ mỉ người nhà cách chăm sóc cho người bệnh khi ra Bắc. Thỉnh thoảng anh lại gọi điện hỏi thăm tình hình. Mười ngày sau, người đàn ông đó trở lại, tâm sự với bác sĩ đã mãn nguyện và sẵn sàng đón nhận cái chết.
 
Anh Khánh cho biết, nhiệm vụ hàng ngày của anh và đồng nghiệp, ngoài việc chăm sóc sức khoẻ thì quan trọng hơn là phải chăm sóc tinh thần cho người bệnh. Đó mới là mục tiêu chính của khoa chăm sóc giảm nhẹ.
 
Theo anh thì người bệnh đến khoa này đều đã trải qua tất cả các bước điều trị đặc biệt dành cho bệnh nhân ung thư như hoá trị, xạ trị mà không có hy vọng gì nữa. Họ chỉ còn chờ ngày ra đi nên giai đoạn này điều trị bằng thuốc chỉ 20% còn 80% là làm sao để người bệnh cảm thấy thoải mái, không đau đớn về thể xác, không phải dằn vặt về tinh thần và ra đi một cách thanh thản. Chính vì thế, phương pháp chăm sóc chính của y, bác sĩ ở đây là thường xuyên tâm sự, lắng nghe để hiểu tâm tư nguyện vọng của người bệnh.
 
Mọi người ở đây luôn tâm niệm: không bệnh nhân nào phải sống trong nỗi đau và không bệnh nhân nào phải chết trong cô đơn. Và nếu một người bệnh ra đi mà phải đau đớn, chưa yên lòng nhắm mắt vì còn có điều gì đó chưa được cởi bỏ, thì đó chính là niềm day dứt của tất cả mọi người trong khoa.

Quá tải tình thương

Theo bác sĩ Quách Thanh Khánh, để về khoa này, từ bác sĩ hay điều dưỡng, thậm chí là một nhân viên hành chính đều cần phải có một trái tim nhân hậu và lòng nhiệt tình, vì ở đây, phương pháp điều trị chính là giao tiếp thật nhiều với bệnh nhân.
 
Chị Bùi Thị Hoàng Yến tâm sự, trước mình là điều dưỡng khoa xạ nên nhiệm vụ hàng ngày của chị chỉ là hướng dẫn và giúp bệnh nhân khi họ vào xạ trị, nhưng khi chuyển về khoa chăm sóc giảm nhẹ thì hàng ngày, ngoài công việc của một điều dưỡng bình thường, chị còn phải dành nhiều thời gian để trò chuyện với họ, lúc họ lên cơn đau phải động viên, vỗ về, và quan trọng giúp họ gỡ những vướng bận trong lòng trước khi ra đi.
 
Nhưng để bệnh nhân tin tưởng nói với điều dưỡng mọi điều không phải chuyện dễ. Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga tâm sự, có nhiều người khó tính, hay cáu kỉnh, thậm chí mắng mỏ điều dưỡng khi tới chăm sóc. Những lúc thế này đòi hỏi người y tá phải hết sức nhẹ nhàng và kiên nhẫn thuyết phục.
 
Chị còn nhớ có một bệnh nhân khi vào đây không thèm nói chuyện ai, kể cả người nhà. Chị hỏi gì bà cũng không nói. Chị gặp người nhà tìm hiểu thì được biết bà muốn về nhà nhưng vì nhà con cái ở chung cư, đi lại khó khăn nên muốn để bà ở lại bệnh viện. Hiểu được vấn đề, chị thường xuyên ghé thăm, hỏi han rồi động viên từ từ thu xếp cho bà về thăm nhà.
 
Chị cùng bác sĩ đã đề nghị người nhà cứ cho bà về ăn tết vài ngày rồi trở lại. Khi quay lại, tinh thần bà rất thoải mái. Bà thường xuyên trò chuyện, tâm sự với chị chứ không xa cách như trước. Bà đã ra đi rất nhẹ nhàng cách đây ít ngày. Bà mất, chị có cảm giác hụt hẫng như vừa mất đi một người bạn, vì chị thấy giữa mình và bà đã có sự gắn bó, tin tưởng nhau. Có mặt bên bà những giây phút cuối cùng, chị đã rơi nước mắt.
 
Bác sĩ Khánh nói, y, bác sĩ ở khoa này phải có tình cảm với người bệnh thì mới có thể chăm sóc tốt được. Nhưng chính điều đó cũng là một khó khăn rất lớn. Chứng kiến cái chết hàng ngày, những y, bác sĩ ở đây rất dễ bị stress. Hiện tượng này người ta gọi là sự “quá tải tình thương”.
 
Bác sĩ Khánh cho biết, những người gặp phải sẽ chia thành hai nhóm, một là bỏ mặc, không quan tâm nữa, luyện trái tim mình dần chai sạn thì sẽ sống sót, còn nếu không chịu nổi họ sẽ ngã gục hoặc bỏ nghề.
 
Để tránh tình trạng này, anh và mọi người trong khoa thường xuyên tâm sự, chia sẻ với nhau, cười đùa thật nhiều và tạo không khí trong khoa giống như một gia đình để giảm căng thẳng và stress, khi chứng kiến quá nhiều cái chết hàng ngày.
 
Theo Hà Dịu
Sài Gòn Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X