Những món quà thấm đẫm yêu thương từ Bắc Trung Nam đến với làng phong Quỳnh Lập
Sáng 13/8, AloBacsi mang thật nhiều quà, nào là tivi, quạt, máy sưởi mùa đông, sữa, bánh, mì gói… trao tặng làng phong Quỳnh Lập (Nghệ An). Đây là những món quà thấm đẫm yêu thương từ 3 miền Bắc Trung Nam, được các bác sĩ và bạn bè của AloBacsi gửi tặng.
“Nhiều, nhiều quá!” - tiếng xuýt xoa vui mừng của các bệnh nhân phong râm ran trên 2 dãy ghế khi những thùng quà lần lượt được xách, bưng, khênh vào hội trường Bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quỳnh Lập.
Thật ra, hội trường của bệnh viện ở nơi khác nhưng khoảng sân lợp mái tôn giữa hai dãy “nhà bệnh nhân chăm sóc toàn diện” lại thuận tiện cho việc di chuyển của bà con trên những đôi chân không lành lặn.
20 năm nay, khi sự kỳ thị giảm bớt, thỉnh thoảng có các đoàn từ thiện đến nhưng chuyến thăm của Kênh truyền thông AloBacsi, Hội đồng hương Y dược Quỳnh Lưu - Hoàng Mai tại Hà Nội và Công ty Daisy Media để lại rất nhiều ấn tượng. Không chỉ số lượng quà, mà đây còn là tấm lòng của các bác sĩ ở 3 miền Bắc Trung Nam thương gửi người bệnh phong.
Nhưng thật lúng túng khi những bàn tay cụt lủn không còn khả năng cầm nắm chìa ra khiến người trao tặng ngỡ ngàng, xót xa…
Buổi trao quà có thật nhiều tiếng vỗ tay, nhiều khác thường. Đó là những bệnh nhân chưa rụng tay, vỗ rất nhiệt thành.
Ai trong chúng ta từng than thân trách phận, hãy một lần đến đây.
Buổi sáng ở bệnh viện, cô điều dưỡng đi lần lượt từng phòng chăm sóc lau rửa các vết lở loét trên các thân thể cụt lủn tứ chi. Từng mảng thịt rời ra… người bệnh vẫn nằm yên. Họ đã quen với dao, kéo, thuốc sát trùng, hay do phần cơ thể đó đã không còn cảm giác.
Nếu mất đi một phần chi thể do tai nạn, họ trở thành khuyết tật. Nhiều người khuyết tật vẫn có thể lao động kiếm sống, chăm sóc bản thân.
Còn mất đi chi thể do bệnh phong thì là người tàn phế. Bởi khi cả thần kinh cảm giác, thần kinh vận động và thần kinh thực vật đều bị tổn hại, họ không thể tự lo liệu cho mình, dù đó là nhu cầu cơ bản nhất.
Bạn tri kỷ suốt mấy mươi năm nay của họ chính là nỗi đau ngấm vào da thịt, vào tâm hồn. Từng đốt tay, từng lóng chân lìa khỏi cơ thể, bất lực không bút nào tả xiết. Ai trong họ cũng hàng ngàn lần muốn trốn chạy để đừng phải nhìn thấy tương lai của chính mình qua những bạn cùng phòng: người rụng cả mười ngón tay, người bị vi khuẩn phong ăn quá đầu gối, lại có người mắt còn mắt mất…
Như bản án đến chậm, đằng đẵng mấy mươi năm cuộc đời của người bị phong gói trong hai chữ: chờ đợi. Chờ đợi từng phần của cơ thể lìa bỏ mình.
Nhưng nỗi đau lớn nhất, nỗi buồn sâu sắc nhất chính là phải rời khỏi gia đình, xa cách với xã hội. Họ phải sống biệt lập để bảo vệ cộng đồng.
Đáp lại ánh mắt ái ngại của đoàn khi đến thăm, cụ Trương Nhật Viện, 91 tuổi “có thâm niên 60 năm” gắn bó với bệnh viện phong, giơ 2 bàn tay trống trơ không còn ngón, ráng đứng vững trên đôi chân giả, móm mém:
“Ông yêu màu xanh lắm. Ngày nào ông cũng ra chăm giàn mướp, cảm ơn vì ông trời để lại cho ông đôi mắt. Ông biết ơn vì còn đôi mắt để được ngắm nhìn màu xanh của lá, của cây”…
Lời của ông làm mọi người như bừng tỉnh.
Phải, khi thân thể đang lành lặn, chúng ta phải cảm ơn cuộc đời.
Ảnh: Thanh Thùy, Hồng Nhung
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình