Hotline 24/7
08983-08983

Nhức mỏi chân, phù chân trong thai kỳ và sau sinh bao lâu sẽ khỏi?

Nhức mỏi chân, phù chân trong thai kỳ và sau sinh kéo dài bao lâu? Làm sao để giảm đau tạm thời trong những tình huống này? ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã giải đáp các thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

1. Nhức mỏi chân trong thai kỳ và sau khi sinh có liên quan với nhau?

Thưa bác sĩ, nhiều chị em phụ nữ than phiền là họ bị đau chân khi mang thai, một số trường hợp lại bị sau sanh. Theo BS thì có mối liên quan giữa tình trạng này với thai kỳ không ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đau chân trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh là tình trạng rất thường gặp. Tuy nhiên, tình trạng đau trong thai kỳ khác so với sau sinh. Trong trường hợp đau tay sau sinh thường liên quan đến các hoạt động chăm sóc em bé là chủ yếu.

Trong khi đó, đau chân thường gặp ở giai đoạn cuối của thai kỳ và một số trường hợp kéo dài sau khi sinh, cơ chế chủ yếu là sự thay đổi hormone sinh dục ảnh hưởng đến cấu trúc cơ xương khớp và do trọng lượng cơ thể tăng khi mang thai cũng làm gia tăng áp lực lên cấu trúc vùng chân. Vì vậy, người phụ nữ thường bị đau chân vào 3 tháng cuối thai kỳ, kéo dài đến sau khi sinh.

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh cùng MC Thanh Ráp trong chương trình tư vấn trên AloBacsi với chủ đề "Nhức mỏi chân trong thai kỳ và sau sinh"

2. Những nguyên nhân nào gây ra nhức mỏi chân trong thai kỳ và sau khi sinh?

Vậy đâu là những nguyên nhân khiến các bà mẹ bị nhức mỏi chân trong thai kỳ và sau sinh, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tình trạng nhức mỏi thường chia theo vùng, ví dụ như đau vùng đùi, vùng háng, vùng gối và vùng chân. Nguyên nhân chủ yếu là sự gia tăng trọng lượng cơ thể khi mang thai. Thứ hai là sự thay đổi trọng tâm, thường 3 tháng cuối thai kỳ, người mẹ phải mang trọng lượng lớn phía trước, dẫn đến trọng tâm có xu hướng lệch về phía trước. Do đó, tạo nên áp lực và thay đổi trọng tâm lên các vùng cơ, vùng chân.

Ngoài ra, nguyên nhân còn tùy thuộc theo từng vùng. Ví dụ, đau vùng háng, vùng đùi có thể là bệnh đau đùi dị cảm, tình trạng này là do chèn ép dây thần kinh, hoặc là đau thần kinh tọa, xuất phát từ lưng đi xuống dưới chân. Hay đau vùng gối cũng do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như viêm gân bánh chè…

Bên cạnh đó còn có một tình trạng thường gặp khác là phù chân khi mang thai, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ. Bởi khi mang thai, thai nhi sẽ chèn vào các mạch máu, cụ thể là tĩnh mạch ở vùng chân, dẫn đến máu ứ đọng và gây ra tình trạng phù chân. Một số trường hợp còn hình thành cục huyết khối do máu ứ đọng gây tắc nghẽn ở vùng chân.

Đây là những nguyên nhân gây tình trạng đau chân trong 3 tháng cuối thai kỳ và kéo dài sau sinh.

3. Nhức mỏi chân sinh, trường hợp nào cần điều trị?

Nhức mỏi chân sau sinh có nguy hiểm không? Trường hợp nào cần phải được can thiệp sớm để tránh ảnh hưởng về sau ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đa số những nguyên nhân gây đau trong giai đoạn cuối thai kỳ và kéo dài sau sinh đều lành tính. Tình trạng này thường sẽ cải thiện 3-4 tháng sau sinh.

Tuy nhiên, chỉ riêng tình trạng đau và kèm theo phù chân, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ do thai nhi chèn ép tĩnh mạch nên bị ứ máu, bác sĩ Sản phụ khoa sẽ cho sản phụ siêu âm mạch máu, đánh giá nguy cơ huyết khối. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể kê thêm các thuốc kháng đông để dự phòng thuyên tắc phổi sau sinh.

4. Các phương pháp nào giúp giảm đau chân sau khi sinh?

Nếu chị em chưa có điều kiện để đi khám như: con còn quá nhỏ, nhà xa bệnh viện… thì họ có thể dùng tạm những biện pháp nào để bớt đau không?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tình trạng đau này thường được giải quyết từ từ sau sinh. Do đó, điều trị thông thường nhất là giảm cân, đặc biệt là giai đoạn sau sinh. Tuy nhiên, việc giảm cân này cần thận trọng, bởi nhiều người mẹ muốn thúc đẩy quá trình nên lựa chọn phương pháp kiêng ăn, điều này không tốt khi người mẹ cần cung cấp dưỡng chất cho con. Tốt nhất vẫn là ăn uống đầy đủ.

Ngoài ra, để giảm cân, người mẹ cần tập thể dục, đặc biệt là ở vùng lưng, vùng chân để phục hồi sức cơ và làm săn chắc lại những cấu trúc bị “lỏng lẻo” trong giai đoạn mang thai do hormone estrogen sụt giảm. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp có thể mang nẹp vùng gối.

Trong trường hợp người mẹ chưa thể đi khám do nhiều nguyên nhân thì có thể tìm kiếm những kênh tư vấn từ xa để được hỗ trợ, tư vấn kịp thời. Riêng tình trạng phù chân trong thai kỳ và sau khi sinh thì tốt nhất vẫn là nên đi khám, qua đó bác sĩ sẽ cần siêu âm, đánh giá để cân nhắc sử dụng thuốc kháng đông.

Những câu trả lời gãy gọn, đúng trọng tâm của ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh làm cho các vấn đề dưới góc nhìn khoa học nhưng dễ tiếp cận, dễ nhớ

5. Hay bị chuột rút sau khi sinh, làm sao khắc phục?

Massage hiệu quả như thế nào đối với các trường hợp nhức mỏi này của thai phụ, sản phụ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tình trạng đau nhức mỏi có thể cải thiện vài tháng sau sinh khi giảm cân tốt. Vì vậy, trong giai đoạn này, massage, châm cứu, bấm huyệt cũng là nhữnggiải pháp giúp giảm đau tạm thời. Ngoài ra, người mẹ có thể chườm nóng.

Bên cạnh đó, người mẹ còn có khả năng bị chuột rút, đây là tình trạng rất thường gặp trong giai đoạn thai kỳ và sau khi sinh. Để cải thiện tình trạng này, người mẹ có thể bổ sung thêm các vitamin, tập các bài tập làm căng cơ. Bài tập cơ bản nhất là: người mẹ đứng trên bục cầu thang bằng nửa bàn chân, điều này cũng giúp căng cơ vùng bắp chân. Mặt khác, có thể massage vùng cổ chân, bắp chân, giúp gia tăng sự lưu thông của các tĩnh mạch bị ứ đọng do mang thai, điều này cũng giúp giảm nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch.

6. Đau nhức chân sau sinh, bao lâu sẽ khỏi?

Những trường đau nhức chân này thường điều trị như thế nào và khoảng bao lâu thì khỏi?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Ngoài các phương pháp không dùng thuốc đã nói ở trên, trong một số trường hợp tình trạng đau không cải thiện, tăng nặng thì bác sĩ có thể kê nẹp gối hoặc một số loại thuốc, ví dụ như thuốc để giảm chèn ép thần kinh ở vùng đùi hoặc vùng lưng, thuốc giảm đau bôi tại chỗ.

Thực tế, việc uống thuốc cũng rất hạn chế, đặc biệt là với các người mẹ đang cho con bú, đa số sẽ sử dụng thuốc bôi để giảm đau tại chỗ. Trong trường hợp người mẹ không cho con bú có thể cân nhắc sử dụng thuốc, một số trường hợp nặng còn có khả năng dùng thuốc chích, tuy nhiên tỷ lệ này không cao, bởi đa phần tình trạng đau sẽ cải thiện sau 3-4 tháng sau khi sinh.

7. Phòng ngừa nhức mỏi chân sau sinh như thế nào?

Thưa BS, các chị em cần làm gì để hạn chế cũng như phòng ngừa tình trạng đau nhức mỏi chân sau sinh ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Để phòng ngừa nhức mỏi chân sau sinh, trước tiên chúng ta cần tập thể dục trong khi mang thai (động tác nhẹ nhàng), đặc biệt là bài tập làm tăng sức cơ vùng đầu gối, vùng chân, những bài tập làm giãn vùng bắp chân.

Ngoài ra, nên lựa chọn những đôi giày mềm, hạn chế giày cao gót, bởi khi mang thai đã có sự thay đổi trọng tâm, gia tăng áp lực, nếu đi giày cao gót sẽ làm tăng áp lực lên vùng cổ chân, gót chân, ngón chân, ảnh hưởng đến gân, dây chằng và đặc biệt là khớp.

Bên cạnh đó cần hạn chế tăng cân, tuy nhiên điều này cũng không dễ dàng. Thường, tình trạng tăng cân nhiều sẽ liên quan đến tăng đường huyết khi mang thai. Vì vậy, khi khám thai định kỳ, các bác sĩ Sản phụ khoa cũng sẽ cho thử đường huyết để có hướng xử trí kịp thời nhằm ổn định đường huyết, giữ cân nặng trong giới hạn cho phép, tốt cho thai nhi và người mẹ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X