Nhồi máu não: Dấu hiệu nhận biết, cách sơ cứu và điều trị
Đột quỵ do nhồi máu não rất nguy hiểm, chỉ đứng sau ung thư, tim mạch và tỷ lệ mắc ngày càng cao trong những năm gần đây. Với phương pháp tiêu sợi huyết đã cứu chữa thành công cho rất nhiều bệnh nhân đột quỵ não thoát khỏi “tử thần” mà không để lại bất kỳ di chứng nào.
Nhồi máu não là gì?
Nhồi máu não xảy ra khi một vùng não không được cấp máu, thường là do hẹp hoặc tắc một động mạch não. Nhồi máu não chiếm 80% các trường hợp tai biến mạch máu não (đột quỵ). Nó khác biệt với đột quỵ do xuất huyết não (bắt nguồn từ tình trạng chảy máu não).
Đột quỵ dù là nhồi máu não hay xuất huyết não đều gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng như: tàn phế, hôn mê sâu, sống thực vật, thậm chí là tử vong. Với bệnh lý đột quỵ mỗi phút trôi qua là gần 2 triệu tế bào não sẽ mất đi, do đó, người bệnh phải được cấp cứu, xử trí đúng cách.
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
1. Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi: Bao gồm tuổi tác, tuổi càng cao thì nguy cơ đột quỵ càng cao, giới tính (nam gặp nhiều hơn nữ), chủng tộc, di truyền...
2. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi:
- Tăng huyết áp: Nếu huyết áp tối đa (tâm thu)>=140 mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu >=90 mmHg. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ đột quỵ não hàng đầu, chiếm hơn 70% tổng số trường hợp đột quỵ. Huyết áp tăng cao gây tổn thương thành mạch máu, tạo các điểm yếu ở thành mạch. Các điểm yếu bị tổn thương tiến triển nặng dần theo thời gian và đến một lúc nào đó vỡ ra gây đột quỵ xuất huyết não.
- Đái tháo đường (ĐTĐ): Đây là nguyên nhân gián tiếp. ĐTĐ gây tổn thương toàn bộ hệ thống động mạch (kể cả động mạch não).
- Rối loạn lipid máu (RLLM): Khi hàm lượng lipid trong máu quá cao là điều kiện thuận lợi để lipid ngấm vào và lắng đọng ở thành mạch máu. Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành mảng vữa xơ động mạch.
- Xơ vữa động mạch: Mảng vữa xơ trong lòng động mạch sẽ làm chít hẹp dần lòng mạch, có thể gây tắc mạch. Nhiều trường hợp mảng vữa xơ bong ra, trôi theo dòng máu đến gây tắc ở vị trí mạch máu khác. Vì vậy cần điều trị ổn định mảng vữa.
- Béo phì: Béo phì là yếu tố thuận lợi gây tăng huyết áp, rối loạn lipid và tăng glucose máu. Tất cả yếu tố này kết hợp lại sẽ làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch.
- Hút thuốc lá: Gây tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim, đột quỵ.
- Uống rượu nhiều: Gây tăng huyết áp, xơ vữa động mạch. Ngoài ra, uống rượu nhiều trong một thời gian dài có thể gây tổn thương gan, suy gan gây rối loạn đông máu.
Thiếu máu não thoáng qua có phải nhồi máu não?
Khi cơn thiếu máu não cục bộ diễn ra và sau đó nhanh chóng phục hồi, hay nói cách khác là chúng ta bị đột quỵ tạm thời, thường được gọi là đột quỵ thể nhẹ. Đây được gọi là cơn thoáng thiếu máu não (TIA), vì sự thiếu máu chỉ thoáng qua và không kéo dài đủ lâu để gây nên những tổn thương lâu dài.
“Các triệu chứng của một cơn thiếu máu thoáng qua có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ, nhưng theo định nghĩa, chúng phải biến mất trong vòng 24 giờ.
Khi gặp phải các dấu hiệu: choáng váng đi kèm với yếu liệt một bên, rối loạn cảm giác, méo mặt, nói khó… dù chỉ thoáng qua thì không nên chủ quan bởi đến 30% số người có các triệu chứng trên có nguy cơ bị nhồi máu não do hẹp động mạch cảnh ở cổ. Lúc này, người bệnh cần được thăm khám và điều trị ngay lập tức” - TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM khuyến cáo.
Làm sao phân biệt đâu là nhồi máu não, khi nào cảm trúng gió?
Khi xuất hiện các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi... thì đa số mọi người sẽ nghĩ đến tình trạng trúng gió hơn là bệnh lý đột quỵ. Để nhận biết một bệnh nhân đột quỵ ta dùng các dấu hiệu khá đơn giản như sau: dùng khẩu hiệu FAST:
+F: Face khuôn mặt của người bệnh bị méo một bên, có thể nhìn rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng hoặc khi nói chuyện. Hãy bảo người đó cười nhe răng và quan sát khuôn mặt.
+A: Arm yếu tay chân. Đa số bệnh nhân đột quỵ sẽ có dấu hiệu yếu tay chân cùng bên (nửa bên trái hoặc nửa bên phải). Nếu có yếu liệt nửa bên cơ thể thì gần như chắc chắn bệnh nhân bị đột quỵ chứ không phải là trúng gió. Hãy bảo người đó đưa tay, chân lên và quan sát.
+S: Speech giọng nói. Người bị đột quỵ thường bị nói khó, nói không thành tiếng hay phát âm không rõ ràng. Nhất là khi nói các từ khó. Ví dụ như: tre, trung, trúc... thường là người bệnh sẽ không phát âm được. Trong trường hợp đột quỵ nặng, người bệnh không nói được và thậm chí hôn mê.
+T: Time thời gian. Nếu bệnh nhân có những dấu hiệu như trên thì thời gian là não (time is brain), hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến “trung tâm đột quỵ gần nhất”. Đây là khẩu hiệu chung cho các nước trong vấn đề chẩn đoán và điều trị đột quỵ.
Còn đối với trùng gió, trong y học hiện đại (Tây y) thường không sử dụng danh từ “bệnh trúng gió”. Tuy nhiên theo các dấu hiệu dân gian và giải thích cho dễ hiểu, bệnh nhân trúng gió thường không có các dấu hiệu thần kinh như trên.
Trúng gió thường liên quan đến thời tiết như nhiễm lạnh, say nắng… Bệnh nhân thường hay có sốt, mệt mỏi, đau nhức, đau họng liên quan đến các tác động môi trường. Người bệnh không có các dấu hiệu mặt méo, yếu tay chân và nói khó.
Bệnh nhân “trúng gió” thường tỉnh táo như bình thường. Do đó, nếu những trường hợp “trúng gió” có kèm theo các biểu hiện về thần kinh thì cần loại bỏ hai từ “trúng gió” mà thay ngay bằng đột quỵ và chuyển bệnh nhân đế cơ sở y tế.
Sơ cứu khi có người bị đột quỵ
Theo BS Cường, trong thời gian chờ xe cấp cứu, người nhà bệnh nhân có thể sơ cứu tại nhà theo trình tự A-B-C như sau:
A (Airway - Đường thở): Quan sát xem bệnh nhân có tỉnh táo hít thở bình thường hay không, nếu bệnh nhân khó thở do tắc nghẽn đường thở thì phải tìm cách khai thông (dị vật đường thở, răng giả). Người nhà nên nới lỏng quần áo và để người bệnh nằm ở trên mặt phẳng, đầu cao khoảng 30⁰ hoặc tư thé đầu nghiêng bên nếu bệnh nhân có buồn nôn và nôn để tránh nguy cơ bị sặc do các chất tiết ra từ miệng hít vào phổi. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống gì hoặc uống bất kỳ một loại thuốc nào khi nghi ngờ đột quỵ não.
B (Blood - Máu): Quan sát xung quanh bệnh nhân xem có bị chảy máu nơi nào hay không, các vùng xương lớn có bị biến dạng hay không (xương đùi, tay chân, vùng cổ, cột sống). Nếu có nơi chảy máu phải tiến hành băng ép tại chỗ cầm máu tạm thời. Nếu có xương gãy hãy cố định ngay, tránh di chuyển đột ngột dẫn đến bệnh nhân có thể tử vong hay nặng thêm do biến chứng sốc.
C (Circulation - Tuần hoàn): Sờ các mạch máu lớn xem có đập hay không: Mạch cảnh ở vùng cổ, mạch bẹn, mạch cổ tay… Nếu mạch đập bình thường thì di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng đến nơi thông thoáng, tránh bao quanh bệnh nhân quá nhiều người, nới lỏng quần áo giúp thở dễ hơn và gọi xe cứu thương.
Trong trường hợp bệnh nhân hôn mê, không còn mạch đập thường phải hồi sức tim phổi nhân tạo. Việc này phải được thực hiện bởi các nhân viên y tế được đào tạo, chúng ta không khuyến cáo trong cộng động thực hiện xoa bóp tim vì có thể gây những sự cố nguy hiểm cho người bệnh do thực hiện thao tác không đúng.
Điều trị đột quỵ
Mốc thời gian cấp cứu đột quỵ tốt nhất là trước 6 giờ. Tuy nhiên, một điều đáng buồn hiện nay là có đến 97% bệnh nhân đột quỵ chuyển đến bệnh viện muộn sau 6 giờ phát bệnh, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả điều trị, cho dù chúng ta có đủ trang thiết bị hiện đại.
Mục đích của điều trị đột quỵ não là giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế tối đa mức độ tàn phế. Để đạt được tiêu chí trên, cần tuân theo các nguyên tắc chung là: điều trị cấp cứu và tối ưu hoá tình trạng thần kinh, hạn chế lan rộng ổ tổn thương; bảo đảm tưới máu não; phòng ngừa biến chứng; phục hồi chức năng và phòng ngừa tái phát.
Điều trị đặc hiệu đột quỵ nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và điều trị dự phòng tái phát bằng các thuốc chống kết tập tiểu cầu. Các tác nhân này làm giảm kết tập tiểu cầu, làm giảm sự lan rộng của huyết khối động mạch, tiêu biểu là aspirin.
Đây là thuốc cơ bản để điều trị dự phòng và điều trị tắc mạch, nhưng có khả năng làm tăng nguy cơ chảy máu. Dùng thuốc chống đông làm giảm cục máu đông và dùng thuốc điều trị tiêu cục huyết khối.
Tuy nhiên việc sử dụng các loại thuốc này đòi hỏi bệnh nhân đến viện sớm trước 3 - 4,5 giờ đầu kể từ khi có triệu chứng đầu tiên của nhồi máu não và tuân theo những chỉ định rất chặt chẽ, được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên sâu có phương tiện theo dõi các xét nghiệm tin cậy và đội ngũ các chuyên gia về thần kinh mạch máu có kinh nghiệm như Bệnh viện 108, BV Bạch Mai, BV Thống Nhất, BV Nhân dân 115… để phòng tai biến chảy máu ồ ạt.
Khả năng phục hồi sao đột quỵ?
Việc phục hồi của bệnh nhân tùy thuộc vào việc phục hồi của hệ tuần hoàn vùng não bị đột quỵ. Nếu tái thông mạch máu tắc kịp thời bệnh nhân có thể giảm được tàn phế và giảm được tỷ lệ tử vong. Nếu mạch máu chảy có kích thước nhỏ tự cầm thì bệnh nhân có thể phục hồi trở lại khi lượng máu chảy ra ngoài lòng mạch tan đi. Nếu mạch máu chảy có kích thước lớn bệnh nhân có thể không qua khỏi hay đòi hỏi phải có những kĩ thuật cầm máu đặc biệt mới có thể cứu sống bệnh nhân. Việc phục hồi cho những bệnh nhân này còn tùy thuộc vào thương tổn thần kinh nhiều hay ít.
Vì vậy, sau đột quỵ, nên bắt đầu điều trị phục hồi các chức năng vận động tại thời điểm sớm nhất khi có thể. Mục tiêu của việc tập phục hồi chức năng với sự trợ giúp của kỹ thuật viên vật lý trị liệu, bao gồm: Phục hồi các chức năng vận động tại phần cơ thể bị liệt: tập ngồi, đứng, đi bộ... Phục hồi các chức năng khác: ăn uống (chức năng nuốt), ngôn ngữ giao tiếp, tự thay quần áo, tắm rửa...Cải thiện các rối loạn về mặt tâm thần, cảm xúc.
Trong giai đoạn phục hồi sau đột quỵ đôi khi bệnh nhân vẫn có thể bị đột quỵ lại nếu nguyên nhân đột quỵ lần trước chưa xử lý triệt để (huyết áp chưa kiểm soát tốt, đường huyết vẫn còn tăng cao, bệnh nhân vẫn hút thuốc lá, mạch máu dị dạng chưa được xử lý, mạch máu hẹp chưa được khai thông). Điều nhấn mạnh là đột quỵ có thể tái phát nhiều lần.
Nếu đột quỵ do nguyên nhân có thể chẩn đoán, điều trị tốt trong thời gian vàng, vị trí tổn thương não là vùng không quan trọng, bệnh nhân không có bệnh nền kèm theo (suy tim, suy hô hấp, suy gan thận) thì khả năng bệnh nhân phục hồi hoàn toàn là cao nhất. Có những trường hợp đột quỵ nặng do mạch máu lớn nhưng cứu chữa kịp thời, đúng phương pháp, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng.
Phòng ngừa nhồi máu não như thế nào?
Để phòng ngừa bệnh đột quỵ nói chung và nhồi máu não nói riêng, cần:
- Kiểm soát cholesterol trong máu: Những người trên 45 tuổi cần được kiểm tra lipid máu định kỳ 6-12 tháng/lần, bao gồm cholesterol toàn phần, LDL-C, triglycerid và HDL-C. Mục tiêu là LDL-C dưới 2,6 mmol/l (100mg/dl), triglycerid dưới 2,3 mmol/l (200 mg/dl) và HDL-C bằng hoặc trên 1,0mmol/l (40mg/dl).
- Người cao tuổi nên tăng cường vận động, tham gia các hoạt động thể dục, thể thao phù hợp, vừa sức như tập dưỡng sinh, yoga, đi bộ…
- Không lạm dụng các chất kích thích (thuốc lá, rượu bia...).
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị các bệnh lý đi kèm.
- Không ăn nhiều mỡ, chất ngọt, tinh bột; hạn chế muối; nên ăn nhiều rau, củ, quả, bổ sung vitamin… để kiểm soát tốt trị số huyết áp dưới 140/90mmHg.
- Cần kiểm soát cân nặng, đường huyết, tránh tăng cân, béo phì.
- Tránh stress, xúc động hay chấn thương tâm lý…
- Đi ngủ đúng giờ, tránh thức khuya quá, duy trì giấc ngủ 7 tiếng/ngày.
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn
Bắt đầu từ 1/6 đến hết tháng 12/2018, AloBacsi phối hợp với nhãn hàng NattoEnzym của Công ty Dược phẩm Hậu Giang mở chuyên đề “Không còn nỗi lo đột quỵ”
với tiêu chí: tư vấn - giải đáp câu hỏi hàng ngày, tổ chức các chương
trình truyền hình trực tuyến, livestreams trò chuyện với bác sĩ về các
vấn đề đột quỵ và tổ chức các sự kiện thực tế tại các TP lớn như TPHCM,
Hà Nội, Cần Thơ... Mời bạn đọc có các thắc mắc về bệnh tim mạch, nội thần kinh, đột quỵ, tai biến... gửi câu hỏi về email: tuvan@alobacsi.vn để được TS.BS Trần Chí Cường, TS.BS Lê Văn Tuấn và ThS.BS Bùi Diễm Khuê tư vấn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình