Hotline 24/7
08983-08983

Nhiều người Nhật tìm tới cái chết sau thảm họa

Nỗi giận dữ và lo sợ đang tăng tại Nhật, đặc biệt là ở khu vực Fukushima nơi hàng ngàn người đã phải bỏ nhà cửa để tới các trại tị nạn.


Khi nhìn thấy lò phản ứng hạt nhân nổ tung trên truyền hình, người nông dân Hisashi Tarukawa (Nhật) đã thốt lên một câu khiến cả nhà ông nhớ mãi: "Ôi, không. Thế là hết!"

Trong vòng vài ngày, những đám mây phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã buộc chính quyền phải ra lệnh cấm một số nông sản ở Fukushima, nơi người nông dân 64 tuổi đã trồng lúa và hoa màu suốt cuộc đời.

Sáng sớm hôm sau (24/3), con trai của Tarukawa, anh Kazuya đã tìm thấy cha mình đang treo lơ lửng trên một sợi dây thừng trong khu vườn nhà mình.

Tarukawa, cha của 3 người con, đã không để lại bất kỳ lá thư nào nào giải thích tại sao ông lại tự kết liễu đời mình. Tuy nhiên, gia quyến của ông lại không cần ông làm điều đó.

"Tôi tin quyết định tự vẫn của cha là một hành động để phản đối, kiểu như seppuku (mổ bụng tự sát)"- Kazuya nói và nhắc tới nghi thức tử tự của các hiệp sỹ samurai Nhật.

Gia đình Kazuya cũng cho biết ông Tarukawa thường xuyên nhắc tới nỗi sợ hãi về phóng xạ kể từ khi ông tham dự lễ kỷ niệm hàng năm tại Hiroshima 23 năm trước để tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công bom nguyên tử năm 1945 tại thành phố phía tây Nhật Bản.

"Tôi không muốn cái chết của ông ấy là vô nghĩa"- Kazuya nói. Anh tuyên bố sẽ khởi kiện Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã gây ra thiệt hại về vật chất và tinh thần cho gia đình mình.

Nỗi giận dữ và lo sợ đang tăng dần lên tại Nhật, đặc biệt là ở khu vực Fukushima nơi hàng ngàn người đã phải bỏ nhà cửa, trang trại, khách sạn của họ để di dời tới nơi khác.

Bà quả phụ Hisashi Mitsuyo nhớ lại người chồng quá cố của bà đã bị sốc thế nào khi trận động đất phá hủy nhà kho và chuồng trại của họ cũng như nỗi buồn vô tận của ông khi một thảm họa hạt nhân đang cận kề họ.

"Chồng tôi là một người đàn ông mạnh mẽ nhưng ông ấy đã không thể chống chọi được nỗi sợ hãi-bà quả phụ Hisashi Mitsuyo ngậm ngùi.

"Tôi rất buồn và tôi cảm thấy thương tiếc vô cùng nhưng ông ấy đã ở trên thiên đàng, tôi phải chấp nhận điều đó".

Bi kịch của gia đình ông Turakawa không phải là duy nhất. Chính phủ Nhật cho biết chỉ riêng tháng Sáu có ít nhất 16 người hầu hết là từ 50-60 tuổi đã tự tử vì tuyệt vọng trước thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân liên tiếp xảy ra.

Các con số này đã tăng thêm mối lo ngại về một vấn nạn xã hội đã tồn tại lâu ở một đất nước thường xuyên xảy ra thiên tai như Nhật Bản. Mỗi năm tại đất nước mặt trời mọc có hơn 30.000 người tự sát, tỷ lệ này chỉ thấp hơn so với Liên Xô cũ.

Các chuyên gia lo sợ rằng nỗi đau về thảm họa ngày 11/3 sẽ trở nên tồi tệ hơn khi sự tuyệt vọng của những người dân đang sống trong các trại tị nạn đông đúc hay các khu nhà tạm bợ đang tăng lên.

Văn phòng Nội các Nhật Bản cho hay gần nửa năm sau khi trận động đất xảy ra, số lượng người tị nạn đã vượt quá 87.000, hầu hết họ là những người sống trong khu vực trong bán kính 20 km quanh nhà máy Fukushima.

Các chuyên gia cho rằng nhiều người sống sót đã bị ám ảnh bởi tội lỗi còn sống sót trong khi những người khác đã chết hoặc vì họ không thể cứu những người thân của mình. Những cảm xúc phức tạp đó dễ đẩy họ vào tình trạng trầm cảm, u uất.

"Không nhiều người nghĩ tới cái chết sau khi thảm họa xảy ra nhưng họ cảm thấy có lỗi khi được sống sót"-Hisao Sato, người đứng đầu văn phòng tư vấn và ngăn ngừa tự tử Kumo No Ito.

"Nhưng thời gian trôi qua, họ bắt đầu nghĩ tới việc tự vẫn khi họ phải đối mặt với sự thực. Họ cảm thấy mất động lực, mệt mỏi và bị bỏ rơi trong khi mọi sự hỗ trợ từ bên ngoài cũng giảm xuống. Họ không thể sống bằng niềm hy vọng".

Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố sẽ cung cấp thuốc men cho các nạn nhân, những người đang sống trong các khu nhà đổ nát. Nhưng các bác sỹ tâm thần cảnh báo rằng chương trình đơn lẻ đó sẽ không hiệu quả trừ khi các nạn nhân được hỗ trợ toàn diện và thực tế, bao gồm cả hỗ trợ tài chính, giúp họ tìm công việc mới và xây dựng lại nhà cửa.

"Các vụ tự sát không giảm chỉ với hỗ trợ về sức khỏe"-Shinji Yukita, một bác sỹ tâm thần tại bắc Tokyo cho hay.

Tsukasa Kanno, 59 tuổi, một nạn nhân may mắn sống sót cho biết thảm họa đã khiến hơn 1.200 người tại Kmaishi, nơi anh sinh sống, bị chết hoặc mất tích. "Tôi mất nhà và cửa hàng nhưng tôi vẫn vui vẻ vì người thân của tôi vẫn sống sót". "Nhưng tôi dần dần nghĩ về những gì đã xảy ra với chúng tôi. Tôi sợ tôi sẽ phát điên, tôi không thể nhìn thấy tương lai".

Kanno cũng cho hay điều đáng lo ngại nhất là có một hố sâu thẳm ngăn cách giữa những người dân bị mất tất cả và những người sống sót mà không bị mất thứ gì. "Đó giống như là thiên đường và địa ngục tồn tại trong một cộng đồng".

Theo Sầm Hoa - VietNamNet/ Asiaone

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X