Người suy thận uống bao nhiêu nước là đủ?
Người bị bệnh thận sẽ khiến thận không thể thải chất lỏng ra ngoài như bình thường, do đó uống quá nhiều hay quá ít nước đều gây hại cho sức khỏe. TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo - Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, với người bị suy thận, lượng nước nạp vào hoàn toàn khác với người bình thường, tùy mức độ bệnh mà bổ sung lượng nước phù hợp, cân bằng lượng nước nạp vào và lượng nước thải ra.
Nắng nóng ảnh hưởng thế nào đến bệnh nhân thận mạn?
Xin BS cho biết, nắng nóng gay gắt có tác động ra sao đến bệnh lý thận mạn?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Thận có chức năng điều hòa lượng nước trong cơ thể sao cho vừa đủ, ví dụ hôm nào uống nước ít sẽ thấy đi tiểu ít và nước tiểu sậm màu, cô đặc lại để giữ lượng nước cân bằng trong cơ thể.
Tuy nhiên, những người suy thận không thể làm được việc này. Nắng nóng gây mất nước nhưng lượng nước tiểu của bệnh nhân vẫn không thay đổi khiến cơ thể bị thiếu nước, tình trạng suy thận nặng nề hơn.
Ngược lại, người bị suy thận uống nước quá nhiều, lượng nước tiểu không thay đổi sẽ khiến bệnh nhân bị tích nước, cơ thể bị phù.
Nắng nóng tạo điều kiện cho vi sinh vật, vi khuẩn, virus, vi nấm,... phát triển khiến nhiều người bị nhiễm trùng, nhiễm virus, nhiễm nấm, nhiễm siêu vi. Sức đề kháng của những người bệnh thận rất yếu, càng dễ mắc các bệnh viêm phổi nặng,...
Khi thời tiết nóng, mọi người có khuynh hướng ngủ hoặc làm việc trong phòng máy lạnh. Người bệnh thận khó thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ từ phòng máy lạnh ra môi trường bên ngoài hơn người bình thường, dẫn đến bệnh nhiều hơn.
Thức ăn dễ ôi thiu hơn trong những ngày nắng nóng. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm của người bệnh thận khi ăn phải thức ăn ôi thiu nhiều hơn bình thường. Khi bị ngộ độc thực phẩm, mức độ suy thận của họ sẽ nặng hơn.
Bù đủ nước và tránh ánh nắng gay gắt để bảo vệ sức khỏe
Người bệnh thận mạn cần chú ý những gì khi sinh hoạt, làm việc khi trời nắng gay gắt, nhất là những công việc đặc thù cần phải làm việc ngoài trời, thưa BS?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Để bảo vệ sức khỏe của những người bệnh thận, cần lưu ý:
- Khi ra đường lúc nắng nóng, cần có những phương tiện bảo hộ như mũ rộng vành, áo dài tay,... để tránh tiếp xúc với tia cực tím. Những người bị lupus ban đỏ càng phải tránh ánh nắng mặt trời để bệnh không bộc phát nặng hơn.
- Bù đủ nước: Người suy thận không có khả năng điều hòa lượng nước, do đó cần phải có cách chủ động để cơ thể có đủ nước. Nhất là những người làm việc tay chân, đổ mồ hôi nhiều cần phải uống nước nhiều hơn.
Những người tham gia chạy bộ, tập thể thao, tập gym cũng cần chú ý bù đủ nước.
Cách tính lượng nước uống cho người suy thận
Nhờ BS chia sẻ, công thức tính lượng nước cho người suy thận, trên cả người lọc máu và chưa lọc máu?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Theo khuyến cáo, người bình thường không bị suy thận cần phải uống nhiều nước. Một trong 8 nguyên tắc vàng để bảo vệ thận là uống đủ nước, ít nhất 8 ly nước (tương đương 1.600ml nước)/ngày.
Người suy thận không có khả năng điều hòa lượng nước trong cơ thể. Nếu uống nhiều nước, cơ thể sẽ bị phù, nhưng uống ít nước lại khiến tình trạng suy thận nặng thêm. Đối với những người lọc máu, chức năng thận gần như bằng 0, không có nước tiểu, cần phải giảm bớt lượng nước uống.
Sự tăng cân giữa hai lần lọc máu không vượt quá 2kg. Do đó, lượng nước uống mỗi ngày của người lọc máu, bao gồm cả canh, không quá 500ml.
Với những người suy thận chưa lọc máu, lượng nước nạp vào bằng tổng lượng nước xuất + 500ml. 500ml này là lượng nước mất qua mồ hôi và lượng nước mất không nhận biết. Lượng nước xuất là nước tiểu, tiêu chảy, nôn ói,...
Nếu người đó đang bị phù, phải uống ít đi 500ml. Ví dụ, lượng nước nạp vào để cân bằng là 1.500ml nhưng bệnh nhân bị phù, lượng nước nạp vào phải giảm đi, chỉ còn 1.000ml.
Nếu đang mất nước, ví dụ người bệnh suy thận đang bị tiêu chảy, lượng nước mất đi là 1.000ml. Thay vì uống 1.500ml là đủ cân bằng, người bệnh phải uống 2.500ml.
Khi thời tiết nắng nóng, tình trạng mất nước nhiều hơn. Bệnh nhân suy thận lọc máu và chưa lọc máu có thể tăng lượng nước uống vào hay không? Nếu cần tăng thì sẽ dựa trên những nguyên tắc nào?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Như đã nói, người bệnh suy thận không tự điều tiết được lượng nước trong cơ thể nên phải tính toán cụ thể. Lượng nước mất không nhận biết thường rơi vào khoảng 500ml.
Hạn chế ăn muối để giảm cảm giác khát nước
Theo BS, người bệnh suy thận lọc máu và chưa lọc máu nên uống nước thế nào để không gặp tình huống khô họng, dẫn đến khả năng uống nước vượt mức cho phép?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Với những người lọc máu, việc kiểm soát lượng nước là rất quan trọng. Uống nước nhiều quá sẽ bị phù, đặc biệt là phù phổi, bệnh nhân cần phải nhập viện.
Uống nước nhiều dẫn đến tăng cân, khi chạy thận sẽ phải rút nước nhiều gây tụt huyết áp, có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Việc kiểm soát lượng nước đối với những người phải chạy thận nhân tạo và không có nước tiểu cực kỳ quan trọng. Để khắc phục tình trạng khô họng, khuyến cáo là không nên ăn nhiều muối để hạn chế cảm giác khát nước. Bệnh nhân cũng có thể ngậm đá lạnh để giảm cảm giác khát mà không phải nạp lượng nước quá nhiều.
Những người bị bệnh thận nhưng chưa suy thận hoặc không bị phù có thể uống nước thoải mái, uống nước theo nhu cầu.
Người bệnh thận nặng tốt nhất nên uống nước lọc
Giải khát là nhu cầu thiết yếu, đặc biệt là khi trời nắng nóng. Ngoài nước lọc, bệnh nhân suy thận có thể uống những loại nước nào khác?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Đối với những người chưa bị suy thận, thận vẫn còn chức năng kiểm soát. Ví dụ, nếu uống nhiều kali, thận có thể thải ra nhiều hơn. Người này có thể uống các loại nước giải khát theo sở thích, theo nhu cầu.
Người suy thận, đặc biệt là người chạy thận nhân tạo, vấn đề tăng kali máu cần được chú trọng. Nước ép trái cây, rau quả sẽ làm tăng kali máu, gây nguy hiểm. Những người suy thận nặng có thể ăn trái cây, rau quả để tăng cường chất xơ, lượng kali ít hơn trong nước ép.
Gần đây, trên mạng lan truyền nhiều thông tin rằng người suy thận nên uống nước đậu đen, mã đề, râu bắp,... Những loại cây cỏ này có tính chất lợi tiểu, làm cho bệnh nhân đi tiểu nhiều hơn. Với nhiều bệnh lý, việc đi tiểu nhiều là một hình thức làm mất nước và làm suy thận nhiều hơn.
Những người bệnh thận nặng tốt nhất nên uống nước lọc, những loại nước khác nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Phù là dấu hiệu người suy thận bị tích nước
Làm sao để người bệnh suy thận biết mình đang uống đủ nước hay dư nước, thiếu nước, thưa BS?
TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Người uống đủ nước sẽ đi tiểu nhiều, nước tiểu trắng. Khi uống ít nước, lượng nước tiểu ít đi, vàng sậm. Những người suy thận uống nhiều nước mà không thải ra được sẽ dẫn đến tình trạng phù.
Tình trạng phù tinh tế ban đầu có thể là phù mi mắt hoặc phù mắt cá, tăng cân,... là dấu hiệu cho thấy người bệnh bị dư nước, cần giảm lượng nước.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình