Người đàn ông tê bì tứ chi, có dấu hiệu tổn thương cơ tim sau khi dùng củ ấu tàu chữa bệnh xương khớp
Ngày 19/11/2024, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đã tiếp nhận trường hợp một người đàn ông to khoẻ rơi vào tình trạng tê bì chân tay, ngất, mất kiểm soát đại tiểu tiện sau khi dùng củ ấu tàu để tăng cường sức khoẻ, chữa bệnh xương khớp.
Nam bệnh nhân (ở Nam Định) cho biết, đây không phải lần đầu tiên ông sử dụng củ ấu tàu để tăng cường sức khoẻ, chữa bệnh xương khớp. Từ ngày còn trẻ, ông đã thường xuyên ăn và uống nước củ ấu tàu để tăng sức khoẻ, sức chịu đòn, tránh đau khi tập võ cũng như lúc thực hiện nhiệm vụ công việc. Đây là bài thuốc được bạn bè truyền tai cho nhau và rất khó để mua được.
Người bệnh cũng chia sẻ cách sử dụng, mỗi lần chỉ dùng một lượng nhỏ, luộc kỹ, ăn củ và uống cả nước. Khi ăn, nếu có hiện tượng tê bì thì chạy hoặc nhờ người tác động lực vào mình để toát mồ hôi sẽ khỏi.
Tuy nhiên, lần này có hiện tượng tê bì, bệnh nhân đã chạy nhiều vòng và nhờ người hỗ trợ tác động vật lý, cũng như chủ động tạo nôn để đẩy phần đã sử dụng ra ngoài, nhưng không thấy đỡ. Hiện tượng tê bì ngày càng nặng lên, thậm chí người cảm thấy choáng váng, ngất và có tình trạng vệ sinh tại chỗ. Bệnh nhân được xử trí truyền dịch tại tuyến huyện và chuyển thẳng vào Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây, bệnh nhân được kiểm tra, xét nghiệm nước tiểu tìm thấy chất độc aconitin, đây cũng là chất độc có trong củ ấu tàu. Bên cạnh đó chỉ số Troponin T của bệnh nhân cũng khá cao: 31,74 ng/L gấp gần 3 lần bình thường cho thấy có dấu hiệu bị tổn thương cơ tim.
May mắn được đưa đến Trung tâm Chống độc kịp thời, hiện sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định, phục hồi tốt.
Củ ấu tàu được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, chỉ với một hàm lượng nhỏ có thể gây tử vong
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, củ ấu tàu là rễ củ của cây ô đầu, tên khoa học là Aconitum fortunei. Cây thường mọc hoang ở vùng núi phía Bắc nước ta như: Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang…
Đây là loài thực vật chứa độc tính rất mạnh, độc tính aconitin được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, chỉ với một hàm lượng nhỏ có thể gây tử vong, liều chỉ 1mg có thể gây ngộ độc nặng, 2 - 3mg đủ để gây tử vong một người trưởng thành.
Aconitin gây độc trên tim, thần kinh và tiêu hóa. Ngộ độc aconitin xuất hiện rất nhanh, các triệu chứng có thể xuất hiện ngay hoặc sau vài phút/vài giờ sau khi uống dịch chiết hoặc ăn củ, rễ, lá cây ấu tàu.
Củ ấu tàu thường được dùng trong Đông y, dùng làm rượu thuốc để xoa bóp, chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi xương khớp. Nhiều trường hợp, người dân đi du lịch, thăm quan,...được giới thiệu củ ấu tàu làm đặc sản, thuốc chữa bách bệnh, mang về nhà dùng, thậm chí nấu cháo ăn thì bị ngộ độc.
Có một dạng của ấu tàu đã qua bào chế với mục đích giảm độc gọi là phụ tử chế. Tuy nhiên, Trung tâm Chống độc đã cấp cứu nhiều bệnh nhân ngộ độc củ ấu tàu kể cả ở dạng phụ tử chế.
Ở Việt Nam, củ ấu tàu cho tới nay chỉ ở dạng thô, nghĩa là dạng củ còn nguyên dạng, hoặc dạng thái lát còn dễ nhận dạng. Nhưng Trung tâm đã có các bệnh nhân sử dụng thuốc y học cổ truyền dạng viên của Trung Quốc, sau khi sử dụng bệnh nhân bị ngộ độc, xét nghiệm mẫu thuốc và nước tiểu thấy độc tố aconitin.
Điều này cho thấy quy trình bào chế củ ấu tàu của y học cổ truyền hiện nay còn chưa được đảm bảo an toàn, đồng thời cũng không thể xác định được hàm lượng độc tố aconitin bên trong sản phẩm tạo ra, hoặc hàm lượng độc tố cũng không ổn định, lúc cao, lúc thấp.
Trong khi đó, với một chất có độc tính cao thì bắt buộc phải kiểm soát chặt chẽ khâu nguyên liệu, bào chế, đóng gói sản xuất, chỉ định, kê đơn.
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Chiến - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, biểu hiện ngộ độc khá đặc trưng là cảm giác tê bì môi, lưỡi, chân, tay, thậm chí toàn thân, đau bụng, nôn, tiêu chảy.
Biểu hiện nguy hiểm nhất của ngộ độc aconitin là loạn nhịp tim, ngoại tâm thu thất, trường hợp nặng là ngoại tâm thu thất đa ổ, nhịp nhanh thất, xoắn đỉnh, rung thất và tử vong. Loạn nhịp tim là nguyên nhân chính gây tử vong và nguy cơ tử vong luôn thường trực một khi ngộ độc đã xảy ra.
BS Nguyễn Văn Chiến cho biết thêm, bệnh viện đã từng có các bệnh nhân ngộ độc rất nặng, ngay tại Trung tâm sau khi đã được cấp cứu, hồi sức rồi, nhưng tim vẫn bị loạn nhịp và ngừng đập nhiều lần, phải sốc điện chữa loạn nhịp ngừng tuần hoàn tới hàng chục lần, cuối cùng may mắn bệnh nhân mới qua khỏi.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình