Hotline 24/7
08983-08983

Người đàn ông suýt phải cắt cụt chân vì suy giãn tĩnh mạch

Người đàn ông đau nhức nhiều, 2 chân tím đen, loét nhiều chỗ, đi lại rất khó khăn nên đã đến bệnh viện thăm khám. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ ông được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch, nếu tiếp tục không điều trị đúng phương pháp có thể phải cắt cụt chi.

Khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thông tin, vừa can thiệp cho ông P.Q.T 64 tuổi bị suy tĩnh mạch 2 chân dẫn đến viêm loét, hoại tử, có nguy cơ phải cắt bỏ.

Ông T. ở huyện Yên Lập, bị đau tức chân nhiều năm nay, đã đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không đỡ. Thời gian gần đây, bị đau nhức nhiều, 2 chân tím đen, loét nhiều chỗ, đi lại rất khó khăn nên đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám.

Người bệnh đến khám tại bệnh viện trong tình trạng đi lại khó khăn, phải có sự hỗ trợ; mặt ngoài cẳng chân phải có vết loét hoại tử mủ, kích thước khoảng 6x5cm; mặt trước cẳng chân trái có nhiều vết loét khô. Các vết loét tồn tại từ lâu không có dấu hiệu phục hồi mà có xu hướng ngày càng nặng lên.

Ông P.Q.T 64 tuổi bị suy tĩnh mạch 2 chân

Sau khi thăm khám kỹ lưỡng, bằng siêu âm doppler mạch máu, chụp dựng hình mạch máu, các bác sỹ của khoa Can thiệp Tim mạch đã chẩn đoán: Suy tĩnh mạch hiển lớn 2 bên chân giai đoạn C6, biến chứng loét hoại tử cẳng chân hai bên.

Tình trạng hoại tử cẳng chân hai bên sẽ không thể khỏi bằng các phương pháp điều trị thông thường. Qua hội chẩn liên chuyên khoa, phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh được đưa ra: Can thiệp điều trị suy tĩnh mạch bằng laser nội mạch.

Người bệnh cũng được phối hợp điều trị chăm sóc vết loét hằng ngày với khoa Chấn thương I. 10 ngày sau can thiệp và chăm sóc vết loét tích cực, người bệnh ổn định, vận động đi lại tốt, các vết loét dần hồi phục. Hiện tại, người bệnh khám lại sau 2 tháng, các vết loét đã hồi phục hoàn toàn.

Suy tĩnh mạch mạn tính chiếm 15 - 25% dân số

Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là bệnh phổ biến, chiếm từ 15-25% dân số người lớn nói chung và là một trong những nguyên nhân khám bệnh thường gặp nhất trên lâm sàng. Bệnh có thể gây ra các biến chứng như giãn tĩnh mạch nông, huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc động mạch phổi, loét chi,… làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nguyên nhân gây ra chứng suy giãn tĩnh mạch chi dưới rất đa dạng. Tuy nhiên, có một số tác động phổ biến như:

- Do tuổi tác: bệnh có thể tăng tỷ lệ mắc ở những người cao tuổi do quá trình thoái hóa.

- Do tư thế sinh hoạt: hoạt động trong tư thế ngồi hoặc đứng quá lâu, ít vận động hoặc phải mang vác vật nặng thường xuyên... sẽ làm tăng áp lực cho tĩnh mạch chân, từ đó gây ra các tổn thương tại đây, dẫn đến suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

- Một số yếu tố nguy cơ khác như chế độ ăn ít chất xơ và vitamin, môi trường làm việc ẩm thấp, thừa cân - béo phì...

Do đó, người bệnh khi thấy các biểu hiện như: Thường xuyên cảm thấy mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều, có cảm giác kim châm, dị cảm như kiến bò ở vùng cẳng chân vào ban đêm, thường bị chuột rút vào buổi tối… nên đến bệnh viện khám để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp điều trị hiệu quả.

>>> Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng keo sinh học có ưu điểm gì?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X