Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh COVID-19 bị sổ mũi, nghẹt mũi, nên xông hơi bao nhiêu lần một ngày?

BS Trương Hữu Khanh sẽ đưa ra bí quyết ứng phó với tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi, mất mùi, mất vị giác ở người mắc COVID-19 trong bài viết dưới đây. Mời bạn đọc theo dõi.

1. Nghẹt mũi, sổ mũi ở người mắc COVID-19 có gì khác biệt?

Tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi ở bệnh nhân COVID-19 có giống với các bệnh lý khác, chẳng hạn như cảm lạnh, viêm mũi dị ứng?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi ở người mắc COVID-19 tương tự như người bị cảm. Nhưng khi nhắc đến COVID-19 thì nhiều người thấy sợ hãi. Thậm chí, một số trường hợp khó thở vì nghẹt mũi nhưng lo sợ, tưởng khó thở là do phổi bị tổn thương. Vì vậy, chúng ta nên xem việc nghẹt mũi, sổ mũi ở người COVID-19 như bị cảm cúm, và thực tế thì rõ ràng là đúng như vậy.

2. Thuốc co mạch có giúp xoa dịu sổ mũi, nghẹt mũi cho người bệnh COVID-19?

Nhiều người khi bị nghẹt mũi, sổ mũi sẽ tìm mua các loại thuốc co mạch giúp thông mũi, điều này có nên không, thưa BS? Nếu được sử dụng thì cần lưu ý gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi bị nghẹt mũi, sổ mũi, trước tiên nên áp dụng các biện pháp thông thường. Ví dụ như ngửi tinh dầu (dầu xanh…) để làm ấm đường mũi. Sau đó, nhỏ nước muối sinh lý, rửa và hỉ mũi ra, nằm đầu cao.

Nếu áp dụng các biện pháp này thấy thuyên giảm thì không cần sử dụng thuốc co mạch. Ngược lại, nếu tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi không cải thiện, ảnh hưởng đến giấc ngủ, công việc và học tập thì có thể sử dụng thuốc co mạch. Trước kia, thuốc co mạch trất nguy hiểm cho trẻ dưới 12 tuổi, nhưng hiện nay thế hệ mới khá an toàn, dùng được cho cả trẻ em.

Sổ mũi, nghẹt mũi do COVID-19 thường kéo dài 5-7 ngày, khi nhỏ mũi cũng vừa với liều sử dụng của các loại thuốc co mạch.

Trong trường hợp nhỏ thuốc không cải thiện thì có rất nhiều loại thuốc uống như thuốc kháng dị ứng, Anti H2 (ức chế thụ thể Histamin H2) và nhiều thuốc thế hệ mới khác sau này có thể sử dụng.

3. Người bệnh COVID-19 bị sổ mũi, nghẹt mũi có nên xông hơi?

Đang sổ mũi, nghẹt mũi, có nên xông hơi không thưa BS? Nhiều người khi xông sẽ áp sát mặt vì tin rằng như vậy sẽ tốt hơn. Thực hư thông tin này như thế nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Xông mũi hay xông - hít bằng tinh dầu đều là những biện pháp nhằm làm ấm vùng mũi, giảm phù nề, sát khuẩn đường mũi, giúp bớt nghẹt mũi, sổ mũi. Tuy nhiên, nếu thực hiện quá nhiều hoặc xông quá nóng sẽ làm tổn thương niêm mạc. Khi đó lại càng bị nghẹt mũi hơn.

Một số trường hợp khác sử dụng dung dịch xịt mũi, xịt quá nhiều cũng tổn thương niêm mạc hoặc xịt quá mạnh gây trầy xước niêm mạc. Như vậy, tình trạng nghẹt mũi có thể nhiều hơn, thậm chí là chảy máu mũi. Vì vậy, tốt nhất là không nên lạm dụng hoặc dùng nước xông quá nóng.

4. Người bệnh COVID-19 nên xông hơi bao nhiêu lần một ngày?

Một ngày nên xông bao nhiêu lần và ai không nên xông, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đối với việc xoa dầu, ngửi dầu có thể làm bất kỳ lúc nào, nếu thấy nghẹt thì áp dụng. Tuy nhiên, nếu không đỡ thì phải nhỏ thuốc.

Đối với biện pháp xông thì một ngày nên 1-2 lần, không nên quá lạm dụng. Tối đa là 4 lần. Đặc biệt, với trẻ nhỏ, chưa ý thức được việc hỉ mũi khi khó chịu thì không nên xịt, xông mũi. Chỉ xoa dầu ở trẻ lớn.

5. Dịch mũi kèm máu ở người bệnh COVID-19, có nguy hiểm?

Nhiều người khi hỉ mũi kèm theo dịch và máu, nguyên nhân do đâu, thưa BS? Khắc phục tình trạng này ra sao ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu xịt quá nhiều lần và sau đó hỉ mũi kèm máu thì nên ngưng ngay biện pháp này lại, vì chúng ta đã bị sang chấn và trầy niêm mạc. Hoặc chúng ta có thể bị bệnh kèm theo gây chảy máu mũi như tăng huyết áp - trường hợp này phải đo huyết áp thường xuyên, hoặc thường bị chảy máu mũi thì phải uống đủ nước, ăn đủ rau, không móc - dụi mũi. Bản chất của COVID-19 không gây chảy máu ở mũi.

Người bệnh COVID-19 không nên lạm dụng việc xông mũi, tốt nhất có thể áp dụng là 1-2 lần và tối đa là 4 lần/ ngày. (Ảnh minh họa)

6. Thuốc trị cảm thông thường có hiệu quả với triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi?

Nghẹt mũi, sổ mũi kèm theo ớn lạnh và ho, uống thuốc cảm thông thường như Decolgen, Tiffy có hiệu quả?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Việc sử dụng các loại thuốc cảm thông thường cho COVID-19 không phải là quá chống chỉ định. Nếu chúng ta là người bình thường, khỏe mạnh, việc uống có thể giúp giảm sổ mũi, sốt, giảm rêm mình.

7. Mất mùi, mất vị xảy ra vào ngày nào trong giai đoạn bệnh COVID-19?

Mất mùi, mất vị giác là sắp hết bệnh phải không BS? Và tình trạng này thường xảy ra vào ngày thứ mấy trong giai đoạn bệnh?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, mất mùi, mất vị khiến người bệnh sợ hãi, nhưng thực sự đó không phải là dấu hiệu tiên lượng nặng. Trong đa số các trường hợp, đây là dấu hiệu nguôi bệnh. Nhưng khi mất mùi, mất vị thì chúng ta phải phân biệt với nghẹt mũi, nhạt miệng. “Mất” là mất mùi, mất vị hẳn, không ngửi và nếm được vị nào.

Mất mùi, mất vị không đáng ngại bằng loạn mùi. Một số trường hợp bị loạn mùi nên ngửi bất cứ thứ gì cũng đều thấy mùi hôi. Đa phần các trường hợp hai dấu hiệu này sẽ từ từ biến mất, ít khi tồn tại lâu.

Khi gặp tình trạng này cần bình tĩnh, vì bình thường đây là tiên lượng tốt của giai đoạn sau của bệnh. Thời gian xuất hiện thì tùy theo mỗi người, tình trạng tiêm ngừa, có người xảy ra từ ngày thứ 5, thứ 7 hoặc thứ 8. Để khắc phục mất mùi, mất vị, người bệnh nên cần tập ngửi tinh dầu có sẵn trong nhà (ví dụ tinh dầu tràm, vỏ chanh, vỏ quýt…). Nghiên cứu cho thấy, mỗi ngày tập từ 2-3 lần khả năng tạo lại khứu giác sẽ tốt hơn.

8. Triệu chứng khác biệt giữa người nhiễm chủng Delta và Omicron?

Giữa người nhiễm chủng Delta và Omicron triệu chứng có sự khác biệt ra sao? Thời gian xuất hiện các triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi, mất mùi, mất vị có khác nhau?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đến hiện tại, điều thú vị mà người ta phát hiện ra là Omicron giống như cảm lạnh, nghĩa là hắt xì, nhảy mũi nhiều hơn, sổ mũi, nghẹt mũi cũng có nhưng không nhiều. Đặc biệt, Omicron gần như không có triệu chứng mất mùi, mất vị.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X