Hotline 24/7
08983-08983

Ngón tay cò súng, điều trị bằng phương pháp nào ít tái phát nhất?

Ngón tay cò súng hay còn gọi là ngón tay lò xo không chỉ khiến người bệnh hạn chế trong vận động mà còn gây đau, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Làm thế nào để điều trị hiệu quả tình trạng này? ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh đã đưa ra câu trả lời trong bài viết sau.

1. Ngón tay cò súng là gì?

Trong thời gian gần đây, AloBacsi nhận được thăc mắc của một số bạn về bệnh ngón tay cò súng. Bác sĩ có thể cho biết bệnh này là bệnh gì mà có tên “đặc biệt” như vậy ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đây là tình trạng viêm gân gấp của ngón tay, có thể xuất hiện ở bất kỳ ngón tay nào, một bên hoặc cả hai bên. Khi bị viêm gân gấp, đặc biệt ở giai đoạn trung bình và nặng sẽ dẫn đến khi co ngón tay vào không co duỗi ra được nữa, hình dạng ngón tay như đang bắn súng nên được gọi là ngón tay cò súng.

Hội chứng này thường gặp ở những người có đặc thù công việc hoặc sở thích liên quan đến hành động nắm chặt lặp đi lặp lại.

2. Nguyên nhân dẫn đến ngón tay cò súng và ai dễ mắc phải?

Như vậy nguyên nhân của bệnh này là gì ạ? Và những ai có thể mắc bệnh này, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu thực hiện nhưng cho đến nay vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra ngón tay cò súng. Tuy nhiên, người ta thấy rằng những người bị tiểu đường, viêm khớp thì tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Nhưng ngay cả những người bình thường, không mắc 2 căn bệnh này vẫn có khả năng bị ngón tay cò súng. Thậm chí, một số nghiên cứu chỉ ra, việc sử dụng ngón tay nhiều quá như người chơi piano, sử dụng máy tính gõ bàn phím liên tục cũng dẫn đến căn bệnh này.

Các nhà khoa học nhận thấy, tỷ lệ mắc ngón tay cò súng có liên quan đến tuổi. Thường những người trung niên (từ 40 - 50 tuổi), người lớn tuổi dễ gặp nhất, trẻ em hiếm khi gặp.

3. Triệu chứng nhận biết ngón tay cò súng?

Triệu chứng nhận biết ngón tay cò súng như thế nào? Đâu là dấu hiệu cảnh báo bệnh đã trở nặng?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Dấu hiệu sớm nhất đó là chúng ta khó co duỗi ngón tay vào buổi sáng. Nếu để càng lâu, tình trạng khó co duỗi càng mạnh và càng đau. Nặng hơn nữa là ngón tay co cứng lại, càng khó gập duỗi. Tình trạng này chủ yếu gây hạn chế vận động, cầm nắm, khó co duỗi và gây đau nên thường phải điều trị sớm.

Ngón tay cò súng hay hội chứng ngón tay bật là tình trạng ngón tay của bạn bị cong và gặp khó khăn trong việc duỗi thẳng

4. Các phương pháp điều trị ngón tay cò súng?

Hiện nay có những phương pháp nào điều trị ngón tay cò súng, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Ở giai đoạn đầu thường người bệnh sẽ được nẹp ngón tay trong tư thế hơi cong, không phải nẹp thẳng. Bởi vì nếu nẹp thẳng có thể làm căng cơ. Nẹp để gân không cử động nữa và làm giảm tình trạng viêm. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm các loại thuốc bôi, tại chỗ, kháng viêm đường uống. Nếu khám và điều trị sớm, tình trạng này sẽ đơn giản và mau hết.

Tuy nhiên, nếu để diễn tiến nặng, nhiều trường hợp hình thành cục xơ ngay tại vị trí viêm, có thể sờ thấy cục xơ di động. Khi đó, nẹp hoặc uống thuốc cũng không hiệu quả và cần phải phẫu thuật. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ và dùng kéo cắt dây chằng (dây chằng này có nhiệm vụ để khi co duỗi giữ cho gân không bị bung ra). Đây là phẫu thuật đơn giản, khoảng 15-30 phút bệnh nhân có thể ra về.

Vậy việc phẫu thuật có giúp điều trị dứt điểm ngón tay cò súng không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Các nghiên cứu cho thấy, phẫu thuật có thể điều trị dứt điểm ngón tay cò súng, tỷ lệ tái phát rất thấp, dưới 5%. Tuy nhiên, những người bị tiểu đường, người ta thấy rằng tỷ lệ tái phát có thể tăng lên, khoảng 13%.

6. Phục hồi chức năng sau điều trị ngón tay cò súng, cần lưu ý gì?

Phục hồi chức năng sau điều trị ngón tay cò súng như thế nào để đạt hiệu quả cao, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Sau khi phẫu thuật, thường người bệnh sẽ cần tập để gồng lại cơ. Nhưng cần lưu ý rằng, sau phẫu thuật cần phải nghỉ một giai đoạn để hết tình trạng viêm mới bắt đầu các bài tập tay, ví dụ như tập nắm bàn tay (bóp bàn tay) với bóng cao su và tập xòe bàn tay (bằng cách chụm các đầu ngón tay, dùng sợi dây thun cột lại và tập xòe các ngón tay ra). Động tác này sẽ giúp phục hồi lại các cơ ngón tay.

7. Làm sao phòng ngừa tái phát ngón tay cò súng?

Thưa BS, để phòng ngừa bệnh cũng như tránh tái phát, bệnh nhân cần làm gì?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Cho đến nay, nguyên nhân gây ngón tay cò súng vẫn chưa được biết rõ ràng. Vì vậy, việc phòng tránh cũng không phải dễ. Quan trọng nhất là phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm. Vì vậy, khi thấy tay bắt đầu co cứng vào buổi sáng, cần đến khám với bác sĩ để xác định và chẩn đoán bệnh. Đối với người bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp thì tuân thủ điều trị, kiểm soát bệnh tốt.

Khi đã bị ngón tay cò súng thì nên tuân thủ điều trị, cố gắng hạn chế cử động ngón tay mặc dù điều này rất khó. Ngoại trừ phẫu thuật tỷ lệ tái phát thấp, còn các phương pháp điều trị khác như dùng thuốc, ngay cả tiêm thuốc kháng viêm tỷ lệ tái phát cũng tương đối cao.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X