Hotline 24/7
08983-08983

Ngoáy tai bằng cồn: Đã ngứa nhưng dễ bệnh

Ngoáy tai quá sâu, dụng cụ không vệ sinh, lấy ráy tai không khéo... dễ dẫn tới tình trài ù tai, nấm tai, có cả trường hợp bị điếc.

Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM tiếp nhận khoảng trên 100 trường hợp bị điếc, đau đầu, ù tai, chóng mặt, nấm tai, trầy và chảy máu niêm mạc ống tai ngoài… do ngoáy tai quá sâu, gặp phải thợ hớt tóc không biết cách lấy ráy tai, dùng chung dụng cụ với nhiều người.


 
Mới đây, chuyên trang Khoẻ & Vui cũng có nhận được thắc mắc của một bạn đọc: “Tôi đi hớt tóc hay được các tiệm họ ráy tai bằng cồn. Chấm một ít cồn bằng bông gòn rồi ráy, sau đó lau khô cồn. Thấy cũng đã ngứa vô cùng nhưng tôi vẫn lo không biết cồn có làm ảnh hưởng đến chức năng nghe của tai"?
 
Lợi bất cập hại
 
Trả lời thắc mắc trên, PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên chính Bộ môn Dược, Đại học Y dược TPHCM, cho biết để lấy ráy tai cần có dụng cụ thích hợp cũng như có sự hiểu biết về cấu trúc tai để không gây tổn thương tai. Tai người gồm ba phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong; riêng tai ngoài gồm loa tai, ống tai ngoài và màng nhĩ. Lấy ráy tai, thường bằng những dụng cụ sắc nhọn, nếu không khéo sẽ chọc vào màng nhĩ làm màng nhĩ bị thủng.
 
Đối với thợ hớt tóc cũng khó lòng đòi hỏi sự khéo tay hoàn toàn để không gây thương tổn. Đó là chưa kể dụng cụ lấy ráy tai không vô trùng sẽ gây nhiễm trùng tai, làm lây nhiễm bệnh từ tai người này sang người khác. Vì vậy, nếu tai không việc gì thì không nên lấy ráy tại tiệm hớt tóc. Càng không nên để thợ hớt tóc ráy tai cho đã ngứa.
 
“Trường hợp ráy tai bằng cồn như bạn đọc mô tả có thể có lợi, giúp cho việc sát trùng. Nhưng lợi vừa kể vẫn “bất cập hại”, tức vẫn không ngăn được nguy cơ bị tổn thương ống tai hoặc rất nặng là thủng màng nhĩ nếu thợ hớt tóc có một chút lơ đễnh. Tóm lại, đừng vì để “đã ngứa vô cùng” mà lại chịu làm một việc rất dễ tổn hại đến chức năng nghe của tai”, DS Đức nói.
 
Hạn chế lấy ráy tai thường xuyên
 
Theo ThS.BS Võ Quang Phúc, Phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM, ráy tai hình thành do chất nhờn trong tai trộn lẫn các tế bào chết. Chúng có vai trò ngăn chặn côn trùng, bụi bặm… xâm nhập đe dọa thính giác. Bình thường lỗ tai có cơ chế tự làm sạch ráy tai mà không cần can thiệp bằng cách ngoáy tai. Do đó, ngoáy tai thường xuyên sẽ vô tình đẩy cục ráy càng lúc càng sâu hơn, gây tích tụ nhiều, tạo nên nút ráy tai.
 
Ở những người có cấu tạo ống tai ngoài hẹp, ráy tai tích tụ quá nhiều sẽ làm bít ống tai, dẫn đến hạn chế khả năng nghe. Thêm vào đó môi trường ô nhiễm cũng dễ gây rối loạn các tuyến ống tai, khiến ráy bài tiết nhiều hơn. Mức độ đau tai nặng hay nhẹ, khả năng nghe giảm nhiều hay ít phụ thuộc vào mật độ ráy tai.
 
Với trẻ, nếu bị nút ráy tai sẽ nghe kém, đau một bên tai. Với người lớn, có thể ngứa. Nếu cơ chế tự làm sạch ráy của ống tai trục trặc, gây tích tụ nhiều ráy tai, cần đến bệnh viện khám. Dựa vào cấu tạo ống tai ngoài và mức độ khô cứng của nút ráy tai, bác sĩ sẽ có những cách điều trị khác nhau. Có những trường hợp cục ráy rắn lại, phải nhỏ thuốc làm mềm, sau vài ngày mới hút ra được.
 
 “Lấy ráy tai đúng cách là phải dùng thuốc nhỏ vào tai cho tan ráy rồi dùng một cái máy hút với một áp lực vừa phải. Trường hợp nặng phải tiêm thuốc gây mê, dùng kính hiển vi để lấy. Do đó, muốn tránh ráy tai tồn ứ nên vệ sinh rửa tai hàng ngày. Nếu có nhu cầu ngoáy tai, nên sắm riêng một bộ dụng cụ. Dùng xong ngâm vào dung dịch cồn y tế để sát trùng. Lưu ý, không nên lấy ráy thường xuyên, ngay cả ngoáy tai với cồn vì mục đích giải khuây cho đã ngứa”, BS Phúc nói.
Theo SGTT

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X