Hotline 24/7
08983-08983

Ngộ độc chất cấm vì tin vào thuốc “gia truyền” trị tiểu đường

Tin lời người quen giới thiệu loại thuốc "gia truyền" giảm đường huyết, sau khi sử dụng bệnh nhân 63 tuổi nhiễm toan lactic nặng. 

Ngày 15/4, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An cho biết, bệnh nhân P.V.P. (63 tuổi, ngụ Long An) nhập viện do mệt nhiều, thở nhanh sau khi uống thuốc "gia truyền" trị tiểu đường.

Dựa vào kết quả xét nghiệm và triệu chứng lâm sàng, bác sĩ xác định bệnh nhân nhiễm toan lactic nặng (nồng độ axit lactic vượt mức bình thường), cần tiến hành lọc máu cấp cứu lấy chất độc. Sau 1 lần lọc máu và chăm sóc tích cực, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Theo người thân, bệnh nhân uống thuốc tiểu đường Tây y nhiều năm nay. Gần đây được người quen giới thiệu loại thuốc "gia truyền" giảm đường huyết nên đã mua về uống và xảy ra tình trạng trên.

ThS.BS Vũ Mạnh Nhân - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An cho biết, tiểu đường là bệnh lý mạn tính phổ biến. Chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý, kết hợp với việc dùng thuốc và theo dõi định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, ngăn ngừa biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống; giúp người bệnh sống vui khỏe, lạc quan cùng bệnh.

Người bệnh cần tiếp cận thông tin chính thống, khoa học, tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Người sử dụng chất cấm phenformin có thể mệt mỏi, ăn kém, yếu cơ, nặng sẽ có biểu hiện thở nhanh, tim đập nhanh, tụt huyết áp, rối loạn tri giác, suy hô hấp, dễ tử vong. Ở bệnh nhân suy thận, suy gan, nghiện rượu hoặc mắc bệnh lý mạn tính khác, nguy cơ cao biến chứng do phenformin, đe dọa tính mạng.

Phenformin được phát hiện vào năm 1957, ban đầu dùng để điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên trong quá trình theo dõi, người ta nhận thấy thuốc này gây ra tác dụng phụ cực kỳ nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng dẫn đến tử vong.

Do đó vào những năm 1970, phenformin dần bị hạn chế sử dụng và bị cấm lưu hành ở Mỹ cũng như các nước khác. Nhưng tại Việt Nam cũng như một vài nước châu Á khác, phenformin vẫn được sản xuất lén lút và lưu hành dưới dạng thuốc "gia truyền", thuốc tễ, tiểu đường hoàn, viên tiểu đường...

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X