Nghe các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm chống dịch COVID-19, xử lý sự cố y khoa
4 giờ đồng hồ, 300 học viên cùng các chuyên gia danh tiếng của ngành y đã tề tựu tại TPHCM cùng trao đổi về những chủ đề thời sự nhất hiện nay liên quan đến COVID-19, y đức và y nghiệp của người thầy thuốc và cách xử lý sự cố y khoa.
Sáng 25/7, hơn 300 hội viên là chủ tịch, phó chủ tịch các Hội Y học của thành phố, tỉnh trong khu vực Đông và Tây Nam Bộ, các phòng ban Sở Y tế TPHCM, lãnh đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập tại TPHCM… đã quy tụ về tham dự buổi tập huấn với chủ đề “Giáo dục y đức, y nghiệp và những kinh nghiệm trong phòng chống, điều trị COVID-19 tại Việt Nam”.
Buổi tập huấn là "cơ hội vàng" để các học viên được trao đổi, thảo luận trực tiếp với chủ tọa đoàn, các báo cáo viên đều là những tên tuổi của ngành Y học Việt Nam.
Buổi tập huấn vinh dự đón tiếp PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Hội Y học các nước Đông Nam Á, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội Y học TPHCM, GS.TS Phạm Thị Minh Đức - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Nguyên Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam; TS.BS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, BS.CK2 Huỳnh Anh Lan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Y học TPHCM.
Đây là chương trình do Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp với Hội Y học TPHCM và Sở Y tế TPHCM tổ chức. Buổi tập huấn chỉ diễn ra trong vòng 4 giờ nhưng đây là cơ hội có thể nói là hiếm có để các học viên được trao đổi, thảo luận trực tiếp với chủ tọa đoàn, các báo cáo viên đều là những tên tuổi của ngành Y học Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn để nâng cao y đức, y nghiệp và cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh: “Y đức là nền tảng cơ bản của ngành Y. Trong thời gian qua, bên cạnh những tấm gương, tập thể, cá nhân không quản ngại, gian nan hết lòng vì tính mạng người bệnh thì vẫn còn một số cán bộ y tế có thái độ không đúng đắn, thậm chí còn có hành vi tiêu cực, chưa tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn dẫn đến xảy ra các sự cố y khoa gây hậu quả hết sức nghiêm trọng đến người bệnh và làm ảnh hưởng đến hình ảnh người cán bộ y tế.
Vì vậy, việc nâng cao y đức, y nghiệp là trách nhiệm vô cùng quan trọng của Bộ Y tế, của Tổng Hội Y học Việt Nam, nhằm hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân”.
Trong xã hội, có thể nói hiếm có ngành nghề nào lại được toàn xã hội tôn vinh và trọng vọng như nghề thầy thuốc. Nhưng kéo theo đó là sự kỳ vọng rất cao không chỉ ở tay nghề, kỹ năng mà còn có yếu tố quan trọng khác mang tên “y đức”.
GS.TS Phạm Thị Minh Đức là người Thầy của rất nhiều thế hệ y bác sĩ Việt Nam, đồng thời bà còn là chủ biên của nhiều đầu sách về Y học
Mở đầu bài báo cáo với chủ đề “Y đức, y nghiệp, sự cần thiết, nội dung và thách thức”, GS.TS Phạm Thị Minh Đức - Nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam trải lòng, trong những năm qua dù đời sống còn gặp khó khăn nhưng đa số những người làm nghề y vẫn cần mẫn hàng ngày, hàng giờ chăm sóc phục vụ người bệnh, cho dù phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, rủi ro.
Điển hình như cuộc đại phẫu tách dính vừa diễn ra tại TPHCM với đội ngũ y bác sĩ lên đến 100 người làm việc liên tục 13 giờ để trả lại hình hài nguyên vẹn cho 2 bé song nhi. Để có kết quả bước đầu thành công như vậy là nhờ sự chuyên nghiệp trong các công tác chuyên môn và cái tâm của những người thầy thuốc.
Nhưng bên cạnh đó, cũng còn nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra như câu chuyện mổ nhầm chân, 8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo, thai phụ tử vong sau ca phẫu thuật nâng ngực... Sự cố y khoa là vấn đề có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ nhân viên y tế nào, dù điều kiện cơ sở vật chất tốt tại tuyến trên cho đến cơ sở y tế tuyến huyện.
Do đó, GS Minh Đức nhấn mạnh rằng, với những người đã dấn thân vào ngành y thì không chỉ cần y đức và phải có y nghiệp (tính chuyên nghiệp trong thực hành y khoa) song hành. Vì theo GS Minh Đức, nghề y không phải kiếm sống đơn thuần mà là một nghề nghiệp đặc biệt, mang sứ mệnh và sự ủy thác của xã hội.
Nghề y tác động đến tất cả mọi người, mọi giai đoạn trong một đời người, từ lúc sinh ra đến khi mất đi, có sự giao thoa giữa khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nghệ thuật, gánh trên vai áp lực nặng nề vì các quyết định liên quan đến tính mạng buộc phải chính xác, kịp thời.
Thực tế, thầy thuốc là người có nhiều quyền lực vì có khả năng nắm giữ sinh mạng, bí mật của người bệnh. Nếu không có đạo đức, sự chuyên nghiệp thì rất dễ sa vào sự lạm quyền, lợi dụng cơ hội cho người khác và chính mình.
Cho nên GS Minh Đức nhấn mạnh, để xây dựng tính chuyên nghiệp trong ngành y cần dựa vào 4 nguyên lý. Đó là có lòng vị tha, phải đặt lợi ích của người bệnh lên trên lợi ích của người thầy thuốc; duy trì năng lực chuyên môn bằng cách thường xuyên cập nhật kiến thức và kỹ năng; tự điều chỉnh để tự kiểm soát bản thân và kiểm soát đồng nghiệp, tránh sai sót; cuối cùng là có trách nhiệm với xã hội bằng cách tham gia các hoạt động vì lợi ích chung.
Tuy nhiên, thực tế phải nhìn nhìn nhận rằng về lý thuyết thì 4 nguyên lý này dễ được đồng tình nhưng còn rất khó thực hiện vì ẩn chứa nhiều thách thức mà ngành y phải đối mặt.
Trong đó, mặt trái của cơ chế thị trường tạo ra những mâu thuẫn, các xung đột lợi ích trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Ở thời kinh tế thị trường, người thầy thuốc phải đau đầu khi giải quyết quan hệ giữa đức hy sinh và lợi ích cá nhân, bởi vì lương và bồi dưỡng thủ thuật còn thấp ở các bệnh viện công, chưa có chế độ khuyến khích chính đáng cho cán bộ y tế.
Đó là chưa kể, ở các cơ sở tuyến dưới thiếu điều kiện làm việc, thiếu nhân lực lẫn tài lực làm sụt giảm niềm tin của người bệnh, dẫn đến việc chuyển tuyến, tạo sức ép lớn cho tuyến trên, bệnh viện chuyên khoa và hệ quả tất yếu là giảm tính chuyên nghiệp trong công tác chuyên môn.
Bên cạnh đó chúng ta còn vướng mắc ở nhiều yếu tố khác như: thầy thuốc thiếu thời gian, động lực học tập trong khi đó nhu cầu và sự hiểu biết của người dân về sức khỏe lại càng tăng cao do công nghệ thông tin ngày càng phát triển. Hơn nữa, hệ thống đào tạo mở rộng quá nhanh nhưng lại chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như chưa tận dụng được vai trò của hiệp hội trong đào tạo.
Một vấn đề khác cũng “nhức nhối” trong ngành y và gây ảnh hưởng đến nguyên lý thứ 3 của y nghiệp, đó là cho đến nay không có báo cáo, thống kê cụ thể về những sai sót trong y khoa nên người thầy thuốc khó có thể học tập, rút kinh nghiệm để tránh xảy ra sự cố tương tự.
GS Minh Đức nhìn nhận một cách khách quan, đối với Việt Nam, y nghiệp còn là một khái niệm còn mới, ngoài những thách thức tương tự như các nước khác thì còn có những khó khăn khác của một nước đang chuyển đổi nền kinh tế.
Vì thế, ngành y rất cần tăng cường tính chuyên nghiệp, đảm bảo hiệu quả chăm sóc sức khỏe và tăng cường niềm tin của xã hội với ngành y. Để làm được điều này, không chỉ là trách nhiệm riêng của cán bộ y tế, của ngành y tế mà còn của các ban ngành và cộng đồng trong nhà nước.
Trong đó, GS Minh Đức nhấn mạnh một số vai trò quan trọng của các cơ sở y tế, cần thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo liên tục, tập huấn cho cán bộ y tế để nâng nâng cao nhận thức về giá trị nghề nghiệp và cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Mặt khác, phải có kế hoạch giám sát việc thực hành chuyên môn theo quy trình chuẩn định kỳ thường xuyên và đột xuất.
Đồng thời, vị chuyên gia cũng kiến nghị, Hội Y học cần phối hợp với Sở Y tế TPHCM để thực hiện kế hoạch giám sát hội viên thực hành nghề nghiệp, vừa tăng cường tính chuyên nghiệp vừa giảm tải cho các bộ phận. Song song đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng hiểu về tính chất đặc biệt của ngành y, những thách thức phải đối mặt để có sự chia sẻ, hợp tác, đánh giá công bằng và khách quan khi có sự cố xảy ra, tránh ảnh hưởng đến tâm huyết của người thầy thuốc.
Cuối cùng là lãnh đạo ngành cần tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, qua đó tác động đến việc nâng cao chất lượng đào tạo thực hành. Đây là một yếu tố quan trọng trọng để tăng cường tính chuyên nghiệp trong thực hành chăm sóc sức khỏe.
GS.TS Nguyễn Văn Kính được mệnh danh là người xây thành lũy ngăn dịch bệnh bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam
Buổi tập huấn còn có 2 bài báo cáo mang đến nhiều thông tin thời sự, hữu ích. Chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ tiếp theo của chương trình tập huấn, GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã mang đến góc nhìn tổng quan về COVID-19 diễn ra 7 tháng qua. Đặc biệt, GS Kính cũng chia sẻ về kinh nghiệm điều trị căn bệnh mới này tại Nhiệt đới Trung ương.
“Giải quyết sự cố y khoa” là chủ đề cuối cùng nhưng không kém phần hấp dẫn của buổi tập huấn do TS.BS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam trình bày.
TS Hồng Sơn nhấn mạnh, khi sự cố y khoa xảy ra, để giải quyết thỏa đáng quyền lợi của các bên có liên quan, bên cạnh việc cần phải có hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng thì sự nhìn nhận khách quan của dư luận xã hội, sự cảm thông của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đối với nghề nghiệp có tính rủi ro cao của ngành y tế đóng vai trò rất quan trọng.
Phó Chủ tịch Tổng hội Y học TPHCM, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung cho hay: “Sau khi COVID-19 được kiểm soát tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên ngành y tế TPHCM và các tỉnh thành khu vực Đông Tây Nam Bộ có cơ hội để nghe các chuyên gia đầu ngành từ Tổng Hội Y học Việt Nam báo cáo về các chủ đề mà chúng ta vô cùng quan tâm.
Trong đó y đức, y nghiệp để giúp chúng ta vững niềm tin vượt qua mọi thử thách, xử lý sự cố và an toàn để giảm thiểu rủi ro trong khi hành nghề y tế, và đặc biệt là vấn đề mang tính thời sự nhất hiện nay, kinh nghiệm trong điều trị COVID-19 tại Việt Nam”.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học TPHCM, Chủ tịch Hội Y học TPHCM trao thư cảm ơn đến các báo cáo viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đã dành thời gian để tham gia buổi tập huấn tại TPHCM
Tổng Hội Y học Việt Nam, Hội Y học TPHCM chụp hình lưu niệm cùng các hội viên tham gia buổi tập huấn
Hơn 300 hội viên tham dự buổi tập huấn sẽ được cấp giấy chứng nhận đào tạo liên tục (CME) của Tổng Hội Y học Việt Nam.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình