Ngáy và ngưng thở khi ngủ điều trị bằng cách nào?
Bệnh lý ngáy và ngưng thở khi ngủ gây gián đoạn giấc ngủ, tình trạng kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, người bệnh cần được điều trị sớm để tránh các biến chứng của do ngáy và ngưng thở khi ngủ gây ra. Các phương pháp điều trị sẽ được ThS.BS.CK2 Nguyễn Trương Khương - Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn thông tin trong bài viết dưới đây.
1. 3 phương pháp điều trị ngáy và ngưng thở khi ngủ
Khi bệnh nhân đã được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ngáy và ngưng thở khi ngủ, hướng điều trị hiện nay có những phương pháp nào ạ?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Trương Khương trả lời: Có 3 phương pháp điều trị bệnh lý ngáy và ngưng thở khi ngủ. Bác sĩ có thể áp dụng tách rời hoặc kết hợp để tạo ra phác đồ điều trị tối ưu nhất cho người bệnh.
Thứ nhất bệnh nhân nên giảm cân, do bệnh lý ngáy và ngưng thở khi ngủ thường xảy ra ở những người béo phì. Vì vậy, giảm cân là bước điều trị đầu tiên đối với những người mắc bệnh lý ngáy và ngưng thở khi ngủ mức độ nhẹ và trung bình.
Thứ hai, thở CPAP (máy thở áp lực dương liên tục), đây là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị ngáy và ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có thể sử dụng máy CPAP dễ dàng và thành công.
Những người sử dụng máy CPAP thất bại hoặc không sử dụng được máy CPAP bởi nhiều lý do thì có thể chuyển qua phương pháp thứ ba là phẫu thuật.
Trên thực tế việc giảm cân, thở CPAP và phẫu thuật có thể kết hợp, thực hiện cùng lúc để tối ưu hóa điều trị cho người bệnh.
2. Máy thở CPAP và BiPAP, phương pháp nào tốt hơn?
Thưa BS, ngoài máy CPAP thì trên thị trường còn có máy BiPAP, vậy hai loại máy này khác nhau như thế nào ạ?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Trương Khương trả lời: CPAP là máy thở áp lực dương liên tục, chạy bằng pin và tạo ra dòng khí. Dòng khí này chạy ra liên tục, có áp lực cao hơn sức thở của người, tạo thành một nẹp khí ở đường hô hấp trên, nhờ đó có thể chống đỡ mô mềm, tránh việc mô mềm sụp xuống, không gây hẹp đường hô hấp trên. Áp lực này được tính bằng cmH2O và có sẵn chế độ dao động từ 4 - 20 cmH2O trên máy thở CPAP.
Tuy nhiên, đối với những người thở dưới áp lực dương lớn. Ví dụ, cần áp lực dương trên 15 cmH2O sẽ khiến bệnh nhân khó chịu vì máy CPAP cho ra áp lực liên tục 2 chiều hít vào và thở ra.
Sau đó, máy BiPAP ra đời, loại máy này có hai mức áp lực khác nhau, khi bệnh nhân hít vào, áp lực sẽ cao hơn nhằm chống tắc đường thở và khi bệnh nhân thở ra, có áp lực thấp hơn.
Máy BiPAP thường được áp dụng cho những người thở với áp lực dương cao và sử dụng máy CPAP thất bại. Tuy nhiên, máy BiPAP có khuyết điểm là giá thành khá cao.
3. Có cần gắn máy thở CPAP suốt đời để điều trị ngưng thở khi ngủ?
Với phương pháp điều trị ngưng thở khi ngủ, liệu bệnh nhân có phải gắn máy thở suốt đời và phương pháp này sẽ có ưu và khuyết điểm như thế nào?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Trương Khương trả lời: Ưu điểm lớn nhất của CPAP là không xâm lấn, không gây tai biến hay biến chứng cho người bệnh.
Máy CPAP có thời gian sử dụng rất lâu, có thể suốt đời. Tuy nhiên, theo khuyến cáo sau 6 tháng - 1 năm, người sử dụng máy CPAP có thể đo lại đa ký giấc ngủ, để xem xét việc tập luyện, kiêng cữ có làm giảm bệnh lý ngáy và ngưng thở khi ngủ không. Nếu tình trạng bệnh giảm sẽ điều chỉnh áp lực của máy giảm lại cho tới thời điểm không cần sử dụng máy CPAP.
4. Phẫu thuật điều trị ngưng thở khi ngủ được chỉ định cho ai?
Phương pháp phẫu thuật điều trị ngưng thở khi ngủ sẽ được áp dụng cho trường hợp nào, hiệu quả ra sao, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Trương Khương trả lời: Phẫu thuật cho bệnh lý ngáy và ngưng thở khi ngủ được áp dụng khi người bệnh không thể sử dụng máy CPAP với nhiều lý do như sử dụng máy CPAP thất bại hoặc không muốn sử dụng máy CPAP.
Bởi vì việc sử dụng CPAP dễ gây khó chịu cho người bệnh, do đó khi bệnh nhân cần sử dụng máy CPAP, bác sĩ phải tư vấn, động viện bệnh nhân về các vấn đề khi sử dụng máy.
Bên cạnh đó, bệnh nhân chỉ đồng ý sử dụng máy lâu dài khi có hiệu quả, nhiều trường hợp không chịu được sự khó chịu khi dùng máy. Một số trường hợp gặp tác dụng phụ khi sử dụng máy CPAP như khô đường hô hấp, chảy máu mũi, có cảm giác ngộp, giấc ngủ không ngon. Những trường hợp này có thể xét đến phương pháp phẫu thuật.
Có thể phẫu thuật tại các vị trí khác nhau dựa vào chẩn đoán của bác sĩ. Trong đó, tiến hành phẫu thuật khung xương đối với người bệnh có bất thường về bộ phận này; các bất thường về mô mềm như hẹp van mũi, polyp mũi, cuốn mũi phì đại, lưỡi gà dài, amidan to, đáy lưỡi phì đại,… có thể phẫu thuật tùy từng vị trí để đạt hiệu quả tối đa trong việc điều trị bệnh lý ngáy và ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
5. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật điều trị ngáy và ngưng thở khi ngủ đạt 80%
Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh có thuyên giảm và nguy cơ tái phát có cao không, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Trương Khương trả lời: Nếu phẫu thuật đúng nguyên nhân, đúng vị trí do tắc nghẽn, cuộc phẫu thuật sẽ thành công. Theo thống kê qua các nghiên cứu lớn trên thế giới, tỷ lệ thành công của một ca phẫu thuật ngáy và ngưng thở khi ngủ đạt khoảng 80%.
Bởi vì người bình thường vẫn có tình trạng ngáy khi ngủ do trương lực cơ thời điểm ngày không còn. Tuy nhiên, khi thực hiện điều trị ngưng thở khi ngủ bằng phẫu thuật có thể giảm đến 80% hoặc hơn.
Có nhiều nguyên nhân gây ra ngáy và ngưng thở khi ngủ, trong đó có béo phì. Việc phẫu thuật chỉ giải quyết vấn đề tắc nghẽn và đưa người bệnh trở lại bình thường nhưng nếu người bệnh không tập luyện đều đặn, để cơ thể tiếp tục tăng cân khiến mỡ trong đường hô hấp tích tụ, dần làm hẹp đường hô hấp, bệnh lý sẽ tái phát lại.
6. Chảy máu, nhiễm trùng là hai biến chứng sau phẫu thuật điều trị ngáy và ngưng thở khi ngủ
Đối với phương pháp phẫu thuật này thì bệnh nhân có thể gặp những tai biến, biến chứng nào thưa BS?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Trương Khương trả lời: Có 2 biến chứng thường gặp: chảy máu và nhiễm trùng.
Trong đó, phẫu thuật điều trị bệnh lý ngáy và ngưng thở khi ngủ do can thiệp trên đường hô hấp nên nếu gặp biến chứng chảy máu sau phẫu thuật là vấn đề nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Ngoài ra, khi can thiệp trên những vị trí đặc biệt như đáy lưỡi, có thể làm rối loạn vị giác, biến chứng này có thể kéo dài 6 tháng - 1 năm, rất ít trường hợp kéo dài vĩnh viễn. Khi phẫu thuật trên màng hầu lưỡi gà, có thể gây ra các triệu chứng về ăn uống như sặc, kéo dài từ 1 - 2 tuần.
7. Có nên tin các phương pháp quảng cáo trên mạng xã hội?
Hiện trên các trang mạng xã hội quảng cáo về một số miếng nhét mũi chống ngáy, các phương pháp chiếu laser vào họng để điều trị ngáy và ngưng thở khi ngủ,… liệu có hiệu quả?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Trương Khương trả lời: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý ngáy và ngưng thở khi ngủ như: nguyên nhân ở mũi, ở họng, đáy lưỡi,… Tuy nhiên, việc sử dụng nút nhét vào mũi làm rộng van mũi như quảng cáo, có thể điều trị khỏi bệnh ngáy và ngưng thở khi ngủ là không phù hợp. Phương pháp điều trị phải phù hợp với nguyên nhân của bệnh mới mang lại hiệu quả.
Ngoài ra, việc điều trị ở một vị trí sẽ không đảm bảo chữa khỏi cho người bệnh. Ví dụ, nguyên nhân bắt nguồn từ họng nhưng điều trị ở mũi, hoặc điều trị ở họng nhưng nguyên nhân ở đáy lưỡi hay hạ họng thì kết quả điều trị không có tác dụng cho người bệnh.
Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân có vấn đề về khung xương nhưng điều trị bằng cách đốt mô mềm cũng không mang lại tác dụng chữa bệnh.
8. Giảm cân để phòng ngừa bệnh ngáy và ngưng thở khi ngủ
Có những cách nào giúp phòng ngừa bệnh ngáy và ngưng thở khi ngủ, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Trương Khương trả lời: Để phòng ngừa bệnh ngáy và ngưng thở khi ngủ, người bệnh nên giữ cân nặng lý tưởng (BMI khoảng từ 22 - 25) để đảm bảo đường hô hấp rộng, không xuất hiện mô mỡ, mô thừa, không gây tắc nghẽn đường thở.
Cần có chế độ sinh hoạt tốt, không dùng thuốc lá, rượu bia,.. Bởi vì các chất này có thể gây nhão cơ đường hô hấp, giảm trương lực cơ trong khi ngủ khiến đường hô hấp hẹp lại, dẫn đến tình trạng ngáy và ngưng thở khi ngủ.
Người bệnh nên nằm nghiêng để khắc phục tình trạng ngáy khi ngủ, hạn chế nằm ngửa vì có thể gây hẹp đường hô hấp từ trước ra sau.
Đặc biệt, nên tập thể dục, thể thao để cơ thể luôn khỏe, tăng cường sức mạnh trương lực cơ trong đường hô hấp trên, từ đó tình huống xẹp đường hô hấp khó có cơ hội diễn ra.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình