Hotline 24/7
08983-08983

Ngày thế giới không thuốc lá: Luật chưa bảo vệ được người dân

Từ ngày 1/5/2013, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực. Tuy nhiên, một tháng trôi qua, chưa có “tín hiệu” nào cho thấy luật này đi vào cuộc sống.

Thậm chí cả ở những nơi được cho là dễ phát huy tác dụng của Luật như các cơ sở y tế, giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, người cao tuổi… mọi việc vẫn diễn ra vô tư như không hề có quy định cấm. Việc không được bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi cũng chỉ xem như có… cho vui.

Quan trọng là ý thức

Theo một nghiên cứu mới đây, tỉ lệ nam giới trên 18 tuổi hút thuốc lá ở Việt Nam là 44%, tỉ lệ này ở nữ giới là 4%. Hiện, Việt Nam xếp vào số nước có tỉ lệ người hút, người nghiện thuốc lá cao nhất thế giới. Do đó, tỉ lệ người mắc các bệnh vì khói thuốc do hút thuốc thụ động ngày một tăng cao khi mà tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng diễn ra phổ biến. Theo đó, mức độ ảnh hưởng ở nơi làm việc là 49%, tại nhà là 67,6%; tỉ lệ này đặc biệt cao ở những môi trường như quán cà phê, quán rượu, quán trà và nhà hàng, với lần lượt là 92,6% và 84,9%.

Đó là những quy định mang tính cảnh báo, răn đe, trông chờ vào ý thức là chính. Nhưng đến nay, đã có hẳn luật, vậy tình trạng này có thuyên giảm tới đây? E rằng khó, khi mà chế tài cụ thể và việc thực hiện lại rơi vào tình trạng, luật ban hành… cho có.

Suy luận trên không hẳn không có cơ sở. Bởi theo bác Nguyễn Thế Hoàng, ở phường Láng Hạ, quận Ba Đình, việc cấm hút thuốc lại có liên quan tới quyền con người nên không thể cấm hoàn toàn. Cho nên, bên cạnh việc cấm, cần đầu tư xây dựng nhiều địa điểm có nơi dành riêng cho người hút thuốc như khu vực cách ly của sân bay, khách sạn... "Nhưng thực tế, không phải ai cũng có ý thức về tác hại của thuốc lá đối với bản thân và những người xung quanh" - bác Hoàng băn khoăn.

Cùng băn khoăn này, ông Nguyễn Tuấn Khanh, phường Hàng Bột chia sẻ, là người nghiện thuốc lá hơn 20 năm nay nhưng chỉ từ khi bị bệnh vôi gai cột sống, đến BV được bác sỹ cảnh báo nguy cơ ung thư phổi, ông mới "dám" từ bỏ thuốc lá. "Thú thực là lúc đó cũng chỉ lơ mơ nghe lời. Nhưng đến hơn 1 tháng sau xem chương trình trên O2TV về tác hại thuốc lá, tôi mới quyết tâm cai. Quan trọng phải kết hợp xử phạt và tuyên truyền sao để người dân hiểu, tự giác" - ông Khanh, chia sẻ.

Là sinh viên, nhưng đã có "thâm niên" nghiện thuốc lá hơn 4 năm, em Trần Đức Tuân, 21 tuổi tâm sự: Nhiều sinh viên vẫn quan niệm, đàn ông không hút thuốc lá, bia rượu không phải đàn ông. Nhưng em Tuân cho rằng điều này là ngụy biện. "Thức đêm ôn thi, hút nhiều thuốc, sáng dậy người mệt lả, cổ khản đặc, em rất sợ nên sẽ cai. Nhiều bạn nữ bây giờ không muốn làm bạn với những sinh viên nam nghiện thuốc lá" - em Tuân kể.
Ngày thế giới không thuốc lá 31-5: Luật chưa bảo vệ được người dân trước sự
Tại Việt Nam có 4% nữ giới hút thuốc. Bức ảnh này được đăng tải trên trang mạng facebook ngày 4-5 và lan truyền nhanh chóng trên mạng internet
Vì sao luật khó thực thi?

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá gồm 5 chương, 35 Điều được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, đồng thời kiểm soát để hạn chế việc cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường trong nước, giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.

Theo quy định của Luật tại Điều 11 thì khuôn viên BV, nơi làm việc, địa điểm công cộng (nhà ga, bến xe, công viên)... là những địa điểm bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn, nếu hút sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người vẫn vô tư hút thuốc ngay cạnh những tấm biển "cấm hút thuốc", mà không sợ bị xử phạt vì chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể tổ chức, cá nhân nào được giao nhiệm vụ xử phạt người hút thuốc lá! Kể cả khi có nghị định hướng dẫn thì việc xử phạt cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nếu không "bắt tận tay, day tận trán" thì người hút thuốc sẽ "cãi" bay.

Điều 6 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá yêu cầu: Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ; gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá... Nhưng những quy định về cấm hút thuốc soạn ra "cho có" và hầu như chỉ nằm trên giấy nên hầu hết cán bộ, nhân viên, người lao động chẳng mấy quan tâm. Nhiều lãnh đạo có thói quen hút thuốc lá nên khó nói cấp dưới chấp hành.

Những quy định ngỡ là dễ thực hiện nhất, như việc đại lý bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép theo quy định của Chính phủ; phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; không được trưng bày quá 1 bao, hoặc 1 hộp của một nhãn hiệu thuốc lá; không cho phép bán thuốc lá trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên trường học, BV, trạm y tế... Song, trên thực tế, chẳng có lực lượng chức năng nào nhắc nhở, xử phạt.

WHO kêu gọi cấm quảng cáo thuốc lá trên toàn cầu


Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 29/5 đã kêu gọi các nước cấm mọi hình thức quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá để giảm thiểu số người hút, đặc biệt là để giúp giới trẻ tránh bị nghiện thuốc lá.

Theo Douglas Bettcher, GĐ bộ phận phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm của WHO, phần lớn những người hút thuốc lá bắt đầu bị nghiện thuốc trước tuổi 20. Cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá là một trong những biện pháp tốt nhất để tránh việc hút thuốc của thanh niên cũng như giảm bớt việc tiêu thụ thuốc lá trong dân chúng.

Nghiên cứu cho thấy khoảng 1/3 số thanh niên trên thế giới đã hút thuốc lá do việc quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá và 78% thanh niên trong độ tuổi từ 13 - 15 thường xuyên xem quảng cáo thuốc lá.


AloBacsi.vn
Theo Quang Minh - Pháp luật và xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X