Hotline 24/7
08983-08983

Ngày 18/3, gần 200.000 ca nhiễm mới, Việt Nam được quyền sản xuất thuốc uống điều trị COVID-19 của Pfizer

Đây là những thông tin chính có trong bản tin tối ngày 18/3/2022 trên AloBacsi.

Công bố 197.467 ca COVID-19 mới, giảm hơn 10.000 ca so với hôm qua

Tính từ 16g ngày 17/3 đến 16g ngày 18/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 163.174 ca mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 163.165 ca ghi nhận trong nước (giảm 10.157 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 109.601 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 3.000 ca nhiễm, bao gồm: Hà Nội (23.578), Nghệ An (9.968), Phú Thọ (8.042), Bắc Ninh (6.488), Lạng Sơn (5.011), Lào Cai (4.671), Đắk Lắk (4.460), Hải Dương (4.407), Tuyên Quang (4.389), Sơn La (4.198), Vĩnh Phúc (3.995), Hòa Bình (3.960), Hưng Yên (3.849), Quảng Bình (3.590), Cà Mau (3.160), Điện Biên (3.097), Thái Bình (3.074), Yên Bái (3.062), Bình Dương (3.060).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm, bao gồm: Bình Định (2.965), Thái Nguyên (2.899), Quảng Ninh (2.889), Lâm Đồng (2.729), Bắc Giang (2.723), Lai Châu (2.658), Cao Bằng (2.656), Bến Tre (2.572), Quảng Trị (2.285), TPHCM (2.246), Hà Nam (2.105), Hà Giang (2.068), Nam Định (1.998), Bình Phước (1.951), Tây Ninh (1.843), Vĩnh Long (1.781), Ninh Bình (1.721), Bắc Kạn (1.696), Trà Vinh (1.603), Hải Phòng (1.243), Phú Yên (1.235), Khánh Hòa (1.192), Thanh Hóa (1.099), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.000).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận dưới 1.000 ca nhiễm, bao gồm: Kon Tum (987), Đắk Nông (986), Đà Nẵng (956), Hà Tĩnh (944), Quảng Ngãi (899), Bình Thuận (767), Thừa Thiên Huế (547), Quảng Nam (341), Long An (312), Bạc Liêu (305), Đồng Nai (191), An Giang (160), Kiên Giang (156), Cần Thơ (129), Đồng Tháp (90), Ninh Thuận (62), Sóc Trăng (57), Hậu Giang (54), Tiền Giang (6).

Hôm nay, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 34.302 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Như vậy, hôm nay công bố 197.467 ca nhiễm. Bộ Y tế hôm nay đính chính Lào Cai có 4.787 ca nhiễm mới vào ngày 17/3. Như vậy, tổng số ca nhiễm mới vào ngày 17/3 là 173.322.

Đồ thị số F0 nhiễm mới tại Việt Nam tiếp tục trên đà tăng mạnh, vượt ngưỡng 7 triệu ca. Trong đó, Hà Nội và Nghệ An có tổng số ca mắc mới cao nhất cả nước. Hà Nội có 23.578 ca, giảm 1.733 F0 so với hôm qua. Nghệ An cũng giảm nhẹ số F0 xuống 9.968 sau 10 ngày liên tiếp có số ca nhiễm mới trên 10.000 (chưa kể số ca bổ sung). Số ca nhiễm mới trung bình ghi nhận 7 ngày qua là 170.600 ca/ngày, tăng 38% so trung bình 7 ngày trước đó.

Hôm nay, cả nước ghi nhận 57 ca tử vong Quảng Ninh (6), Hà Nội (5), Bến Tre (4), Đồng Nai (3), Kiên Giang (3), Nghệ An (3), Phú Thọ (3), Cà Mau (2), Cao Bằng (2), Đà Nẵng (2), Gia Lai (2), Hà Nam (2), Khánh Hòa (2), Lạng Sơn (2), Quảng Trị (2), An Giang (1), Bạc Liêu (1), Bình Định (1), Bình Dương (1), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Đồng Tháp (1), Hà Giang (1), Hà Tĩnh (1), Lâm Đồng (1), Lào Cai (1), Nam Định (1), Thái Nguyên (1), TPHCM (1).

Số tử vong trung bình ghi nhận trong 7 ngày qua là 73 ca/ngày, giảm 12% so trung bình 7 ngày trước đó. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 41.740 ca, chiếm tỷ lệ 0,6% trên tổng số ca nhiễm.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.144 ca, tăng 2% so trung bình 7 ngày trước. Trong đó, thở oxy qua mặt nạ hơn 3.290 ca, thở oxy dòng cao HFNC 422 ca, thở máy không xâm lấn 111 ca, thở máy xâm lấn hơn 300 ca và ECMO 5 ca.

Ngày thứ 7 liên tiếp có số ca mắc COVID-19 giảm, Hà Nội đã kiểm soát được dịch

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết từ 18g ngày 17/3 đến 18g ngày 18/3, TP Hà Nội ghi nhận 23.578 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 7.616 ca cộng đồng, 15.962 ca đã cách ly. Các bệnh nhân phân bố tại 382 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Đây là ngày thứ 7 liên tiếp TP Hà Nội có số ca mắc COVID-19 giảm so với ngày trước đó. Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết những ngày qua số ca mắc Covid-19 vẫn còn cao nhưng đã có xu hướng giảm, tỷ lệ bệnh nhân F0 nhập viện thấp, số ca tử vong giảm. Điều đó cho thấy TP đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

TP đã rà soát, kiện toàn, bổ sung lại các tổ theo dõi, hỗ trợ người mắc COVID-19 tại nhà và tổ COVID-19 cộng đồng với gần 120 ngàn người tham gia. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 941.208 ca.

Việt Nam được quyền sản xuất thuốc viên trị COVID-19 của Pfizer

Vừa qua, công ty Stellapharm được Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc (MPP) nhượng quyền sản xuất thuốc điều trị COVID-19 chứa hoạt chất nirmatrelvir của Pfizer.

Đáng chú ý, Stellapharm là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam, một trong 35 công ty tại 12 nước được MPP nhượng quyền sản xuất và cung cấp thuốc này.  Hồi tháng 1, Stellapharm cũng là công ty dược duy nhất tại Việt Nam được MPP nhượng quyền sản xuất thuốc molnupiravir của Tập đoàn dược phẩm MSD, cung cấp 105 quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

12 quốc gia được MPP thỏa thuận nhượng quyền thuốc đợt này gồm: Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Cộng hòa Dominica, Jordan, Ấn Độ, Israel, Mexico, Pakistan, Serbia, Hàn Quốc và Việt Nam. Riêng Ukraine do điều kiện đặc biệt sẽ được xem xét cấp bổ sung sau.

Đây là thuốc đầu tiên trên thế giới chứa hoạt chất kháng virus nirmatrelvir dùng kết hợp thuốc kháng HIV ritonavir. Trong đó, nirmatrelvir tác dụng điều trị COVID-19, còn ritonavir giúp thuốc tồn tại trong cơ thể lâu hơn, theo nhà sản xuất.

Thuốc của Pfizer tên thương mại Paxlovid, được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào tháng 12/2021, sau đó cả Canada, Anh và Ủy ban Dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) cũng cho phép điều trị tại nhà với bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên, người dễ chuyển nặng do yếu tố tuổi tác hoặc bệnh nền như béo phì, tiểu đường.

Một liệu trình điều trị đầy đủ là 30 viên, bao gồm 20 viên nirmatrelvir và 10 viên ritonavir, dùng trong 5 ngày. Liều dùng một lần là hai viên nirmatrelvir và một viên ritonavir liều thấp.

Theo thử nghiệm lâm sàng do nhà sản xuất công bố, Paxlovid hiệu quả nhất nếu dùng ngay sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Thuốc làm giảm 88% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong cho các tình nguyện viên chưa tiêm phòng nếu được sử dụng trong 5 ngày kể từ khi họ có triệu chứng. Dưới 1% bệnh nhân dùng thuốc phải nhập viện, không có trường hợp nào tử vong.

Trong khi đó, 6,5% bệnh nhân dùng giả dược đã nhập viện, 9 người tử vong. Phân tích cuối cùng thực hiện khi biến chủng Delta lưu hành mạnh mẽ, cho thấy thuốc đủ hiệu quả chống biến chủng Omicron.

Pfizer không nhận tiền bản quyền từ việc nhượng quyền nirmatrelvir, trong bối cảnh COVID-19 vẫn được Tổ chức Y tế Thế giới đưa vào nhóm Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm. Dự kiến sau thời kỳ đại dịch, các nước thu nhập thấp vẫn sẽ được miễn phí, các nước thu nhập trung bình có thể phải chịu 5-10% tiền phí bản quyền.

Bộ Y tế khẳng định thuốc Evusheld không phải “siêu vắc xin”

Chiều 18/3, Bộ Y tế cho biết, để đa dạng nguồn cung thuốc phòng và điều trị COVID-19, Bộ đã căn cứ các quy định hiện hành để cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc Evusheld đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh. Bộ Y tế khẳng định Evusheld là thuốc, không phải là “siêu vắc xin”, không được phép sử dụng thuốc này để dự phòng COVID-19 cho các đối tượng có thể tiêm vắc xin.

Cho đến nay, Evusheld đã được cấp phép lưu hành trong tình trạng khẩn cấp tại một số quốc gia như: Mỹ, Pháp, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain... Đây là liệu pháp có công dụng dự phòng mắc COVID-19 trong ít nhất 6 tháng, gồm một liều kháng thể đơn dòng cilgavimab. Nhóm sử dụng là người lớn và trẻ em từ 12 tuổi nặng trên 40 kg, không nhiễm SARS-CoV-2, không tiếp xúc nguồn lây song bị suy giảm miễn dịch ở mức độ vừa và nặng, đang sử dụng thuốc hoặc phác đồ điều trị ức chế miễn dịch, không đáp ứng miễn dịch khi tiêm vắc xin COVID-19.

Cục Quản lý Dược hướng dẫn các trường hợp này bao gồm: Người đang điều trị khối u, bệnh huyết học ác tính, ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu, bị suy giảm miễn dịch nguyên phát, mắc HIV chưa được điều trị hoặc bệnh đang tiến triển, điều trị tích cực bằng thuốc kháng viêm corticosteroid liều cao. Những người không thể tiêm vắc xin COVID-19 vì dị ứng với thành phần vắc xin cũng có thể dùng Evusheld.

Việc sử dụng thuốc cần phải được bác sĩ đánh giá thỏa đáng và sàng lọc chặt chẽ trước khi được xác định là đối tượng sử dụng phù hợp. Hiện nay, Evusheld chưa được cấp phép sử dụng ở đối tượng đang điều trị COVID-19, hoặc dự phòng sau phơi nhiễm COVID-19 ở những người đã tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2.

Tại Việt Nam, Evusheld được cấp giấy phép nhập khẩu để sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh. Người bệnh phải được cơ sở khám chữa bệnh thông tin về tình trạng hồ sơ cấp phép của thuốc và cơ sở chỉ được sử dụng thuốc khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà của bệnh nhân.

Cà Mau chính thức cho phép F0 không triệu chứng đi làm

Ngày 18/3, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh này, vừa ký ban hành quyết định cho phép F0 không triệu chứng và F1 có nguy cơ cao đi làm. Theo đó, đối với các trường hợp F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 có nguy cơ, nguy cơ cao là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở sản xuất kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... tạm thời được phép tham gia một số hoạt động có điều kiện. Những trường hợp này được sắp xếp làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp.

Trường hợp làm việc trực tiếp phải trên tinh thần tự nguyện, thỏa thuận, không được ép buộc; phòng, khu vực làm việc phải được cách ly; không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân, đi thẳng từ nhà, nơi cách ly đến nơi làm việc được bố trí sẵn và ngược lại; trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm quy định 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Bị ho khi mắc COVID-19, có cần kiêng tôm, cá?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện An Việt cho hay, ho cũng là một triệu chứng thường gặp khi mắc COVID-19. Các nhà khoa học ghi nhận phần lớn những người mắc bệnh có triệu chứng ho khan khá phổ biến, triệu chứng ho đờm cũng có thể xảy ra.

Vị chuyên gia cho rằng ho là phản ứng bình thường của cơ thể để đẩy các vật lạ ra khỏi phổi hoặc cổ họng. Tuy nhiên, nếu trường hợp ho kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, sức khoẻ cho cơ thể như gây đau rát họng, đau đầu, viêm tai giữa, mất ngủ.

Quan điểm kiêng tôm, cá, cua khi bị ho, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài An cho rằng từ xa xưa dân gian vẫn kiêng tôm, cá là có cơ sở vì tôm cua gây ho do phần vỏ và càng của tôm, vảy cá có thể gây ho do kích ứng niêm mạc đường hô hấp và khả năng dễ bị mắc, dính ở cổ họng, gây ngứa, ho.

Với các loại tôm nhỏ không thể bỏ vỏ thì khi ăn vào có thể gây ho làm cơn ho dữ dội hơn. Tuy nhiên, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài An cho biết F0 không cần kiêng tanh hoàn toàn vẫn có thể ăn thịt của tôm, thịt cá… Bởi vì, chất tanh không phải là nguyên nhân gây các cơn ho hoặc khiến cơn ho nặng thêm. Người mắc COVID-19 bị ho không nên quá lo lắng kiêng hoàn toàn chất tanh.

Ca COVID-19 ở tầng 3 tại TPHCM vượt giai đoạn tháng 12/2021, Bệnh viện Hồi sức ngưng nhận bệnh

Ngày 18/3, Sở Y tế TPHCM báo cáo về tình hình dịch COVID-19 và công tác phòng, chống dịch tại TP, hiện số F0 điều trị tại 3 tầng đã vượt thời điểm tháng 12/2021, tuy nhiên số ca thở máy xâm lấn và tử vong vẫn ở mức thấp.

Trong ngày 17/3 có 100.172 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 94.288 ca cách ly tại nhà, 588 ca cách ly tại các cơ sở cách ly. Tại bệnh viện tầng 2 có 4.823 bệnh nhân (chiếm 4,8%), còn tại bệnh viện tầng 3 là 503 ca (chiếm 0,5%), trong đó có 97 ca thở máy xâm lấn.

Về ca nặng tập trung vào nhóm trên 65 tuổi có nhiều bệnh nền. Hiện TP đang điều trị 63 ca thở máy xâm lấn, trong đó có 60/63 ca có bệnh nền (chiếm 95%). Tuy nhiên có đến 42/63 ca không báo y tế địa phương khi biết mình nhiễm bệnh và không điều trị Molnupiravir trước khi nhập viện (chiếm 66,6%).

Về kết quả triển khai bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao, tính đến chiều 16/3 có 213.777 người trên 65 tuổi kèm bệnh nền. Trong đó có 102.153 người được xét nghiệm tầm soát, 21.311 người được tiêm vắc xin COVID-19, 1.253 người mắc COVID-19.

Cũng trong báo cáo này, Sở Y tế cho hay Bệnh viện Hồi sức COVID-19, đóng tại Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) sẽ ngưng nhận bệnh từ hôm nay 18/3. Đây là bệnh viện hồi sức đầu tiên và có số giường bệnh lớn nhất tại TPHCM với quy mô 1.000 giường.

Hiện TP vẫn tiếp tục duy trì các bệnh viện dã chiến và các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của quận, huyện và TP Thủ Đức với quy mô khoảng 8.000 giường, 65 cơ sở tiếp nhận điều trị COVID-19 với quy mô khoảng 9.000 giường để tiếp nhận, chăm sóc và điều trị người bệnh mắc COVID-19 trên địa bàn.

Bên cạnh đó tiếp tục duy trì hoạt động Bệnh viện dã chiến số 13, 14, và 16. Hai bệnh viện dã chiến số 14, 16, đa tầng Tân Bình, Bệnh viện 175, Bệnh nhiệt đới và Chợ Rẫy tiếp tục duy trì giường hồi sức để điều trị người bệnh mắc COVID-19 nặng.

Biến thể lai giữa Omicron và Omicron BA.2 có thể xuất phát từ bên trong Israel

Ông Nachman Ash, Tổng giám đốc phụ trách chuyên môn thuộc Bộ Y tế Israel, nhận định với đài phát thanh 103FM hôm 16/3 rằng biến thể “lai” giữa Omicron và Omicron BA.2 có thể đã xuất phát từ bên trong Israel.

Theo thông tin ban đầu, hai người Israel trở về nước sau chuyến du lịch nước ngoài vừa được phát hiện nhiễm biến thể Omicron và Omicron "tàng hình" BA.2. Đáng chú ý, Bộ Y tế Israel thông báo: Đây là một đột biến COVID-19 "chưa được thế giới biết đến".

Theo báo Haaretz của Israel, 2 bệnh nhân COVID-19 này có các triệu chứng nhẹ, gồm sốt, đau đầu và đau cơ, nhưng không đến mức phải chăm sóc y tế chuyên khoa.

Phát biểu trên Đài phát thanh Quân đội, tiến sĩ Salman Zarka, người đứng đầu chương trình phòng chống COVID-19 của Israel, không đề cập 2 bệnh nhân đã đi du lịch trở về từ đâu, nhưng tiết lộ rằng họ là một cặp đôi khoảng 30 tuổi đã nhiễm vi rút từ đứa con trai sơ sinh của họ.

Tiến sĩ Salman Zarka cho biết thêm, 2 chủng COVID-19 kết hợp thành một biến thể mới là một hiện tượng phổ biến, khi có 2 loại virus trong cùng một tế bào và nhân lên, chúng sẽ trao đổi vật chất di truyền và tạo ra một loại virus mới.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X