Hotline 24/7
08983-08983

Ứng dụng và tối ưu hóa công nghệ AI trong chẩn đoán hình ảnh và điều trị đột quỵ

Vấn đề ứng dụng công nghệ vào chẩn đoán hình ảnh và điều trị đột quỵ được các chuyên gia đề cập tại các phiên báo cáo ngày thứ hai của Hội thảo Y tế công nghệ cao & số hóa “Cập nhật chẩn đoán & điều trị bệnh động mạch vành phức tạp - tối ưu hóa kỹ thuật hình ảnh trong điều trị đột quỵ cấp”. Thông qua những bài báo cáo, các chuyên gia muốn nhấn mạnh giải pháp tối ưu hóa trong ứng dụng các kỹ thuật công nghệ chẩn đoán hình ảnh điều trị đột quỵ, mang lại hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân.

Nhiều phương pháp, công nghệ và dụng cụ y tế hiện đại ra đời hỗ trợ bác sĩ và kỹ thuật viên can thiệp đột quỵ

Mở đầu phiên 2 của hội thảo, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ mang đến các thông tin tổng quan và chỉ định xử trí đối với đột quỵ nhồi máu não và xuất huyết não - “Chỉ định các phương pháp can thiệp nội mạch trong điều trị nhồi máu não, xuất huyết não”, ông cho biết, trên thế giới có 15 triệu người đột quỵ hàng năm, 700.000 ca đột quỵ năm tại Mỹ, mỗi 45 giây có 1 người bị đột quỵ và mỗi 3 phút có 1 người tử vong do bệnh lý này. Đột quỵ còn là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trên toàn cầu, là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và nguy cơ đột quỵ có thể chiếm đến 20% dân số.

TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tự hào hành trình 5 năm xây dựng bệnh viện và đạt chứng nhận Kim cương của Hội Đột quỵ Thế giới

Giám đốc Bệnh viện S.I.S Cần Thơ cho biết thêm, hiện nay, đã có nhiều phương pháp, công nghệ và dụng cụ y tế hiện đại và đang được áp dụng chỉ định cho việc cấp cứu can thiệp nội mạch cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não.

Thứ nhất, trong xử trí nhồi máu não, chuyên gia chia sẻ, thời gian gần đây đã có rất nhiều kỹ thuật được phát triển. Tuy nhiên, các bác sĩ cần có một cái nhìn toàn cảnh, không nên chỉ tập trung can thiệp vào một chuỗi tác hại của nhồi máu não mà còn phải áp dụng vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và chăm sóc người bệnh một cách hợp lý.

Bên cạnh đó, tinh thần làm việc đội nhóm cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, các chuyên khoa cùng phối hợp, hỗ trợ để đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Đối với, phác đồ xử trí đột quỵ nhồi máu não cấp có rất nhiều phương pháp, các bác sĩ có thể áp dụng can thiệp nội mạch bằng lA tPA, hút huyết khối, lấy huyết khối bằng stent,... cho bệnh nhân trong thời gian sớm nhất. Trong chẩn đoán hình ảnh hiện tại đã có các máy móc công nghệ hiện đại như: MRI 3 tesla, ứng dụng trí tuệ nhân tạo Rapid,... Ngoài ra, việc can thiệp nội mạch cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não hiện tại cũng đã có rất nhiều trang thiết bị, dụng cụ như: ống hút, stent kéo, ống nong,... vấn đề quan trọng nhất là bệnh nhân phải đến đúng trong thời gian vàng.

Thứ hai, can thiệp nội mạch điều trị xuất huyết não, TS.BS Trần Chí Cường cho biết, có các phương pháp can thiệp khi gặp trường hợp bệnh nhân xuất huyết não đến cấp cứu bao gồm: chụp CT sọ não, chụp DSA, can thiệp nội mạch bằng phương pháp đặt coils cầm máu, điều trị trường hợp mạch máu dị dạng bằng AVM-AVF,... Đồng thời, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cũng hỗ trợ cấp cứu đột quỵ bằng các phương tiện như: xe cấp cứu, cano qua đường sông,… nhằm đưa bệnh nhân đến cấp cứu kịp thời.

Ứng dụng công nghệ Rapid AI trong chẩn đoán hình ảnh có thể cho ra kết quả âm tính giả và dương tính giả

Trong bài báo cáo “Ứng dụng công nghệ Rapid trong MRI đột quỵ não cấp”, CN Đặng Hoàng Tuyến - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, Rapid AI là một phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hình ảnh y khoa, cung cấp xem, xử lý và phân tích hình ảnh não.

Những bệnh nhân được chỉ định chụp kiểm tra não bằng phần mềm Rapid, cần thực hiện bảng kiểm trước khi chụp cộng hưởng từ, bệnh nhân được đặt kim luồn 18G hoặc 20G. Đối với những bệnh nhân không hợp tác cần được tiêm an thần hoặc tiền mê.

CN Đặng Hoàng Tuyến - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ mang đến 2 bài báo cáo về “Ứng dụng Rapid AI trong MRI đột quỵ não cấp” và “Kỹ thuật chụp CTA trên máy CT Photon”

Khi áp dụng phần mềm Rapid để hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh đột quỵ não cấp, sẽ giúp các bác sĩ đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác về chẩn đoán, quyết định can thiệp điều trị nhồi máu não cấp và tăng cửa sổ điều trị lên 24 giờ. Bên cạnh đó, Rapid còn là một ứng dụng nhanh, dễ sử dụng và kết quả có thể được xem dễ dàng trên máy tính, hay điện thoại.

Cùng bàn về vấn đề ứng dụng phần mềm Rapid vào chẩn đoán hình ảnh cho bệnh nhân đột quỵ não cấp. CN Trần Đình Tuấn - Bệnh viện Nhân dân 115 đưa ra vấn đề đặc biệt cần lưu ý về việc “Ứng dụng Rapid vào CTA đột quỵ não cấp”. Ông nhấn mạnh, một vấn đề được rất nhiều ghi nhận trong quá trình ứng dụng phần mềm Rapid đó là cho ra kết quả âm tính giả. Điều này xảy ra do bệnh nhân chuyển động trong lúc chụp, trường cắt không đủ và nhỏ. Trong thời gian chụp, bệnh nhân bị tưới máu xa xỉ; kết hợp một cơn động kinh và đột quỵ kèm theo cũng có thể dẫn đến trường hợp cho ra kết quả âm tính giả. Ngoài ra, việc biến thể vận tốc dòng máu đến, giữa các cơn co giật của bệnh nhân và hẹp động mạch vùng cổ cũng có thể cho ra kết quả dương tính giả. Chính vì vậy, các bác sĩ, kỹ thuật viên lâm sàng và can thiệp cần đặc biệt lưu ý để tránh xảy ra trường hợp này.

CN Trần Đình Tuấn - Bệnh viện Nhân dân 115 cùng đề cập về phần mềm Rapid AI và nhấn mạnh vấn đề kết quả âm tính giả, dương tính giả khi sử dụng kỹ thuật này

Đánh giá mạch máu sau đặt stent là thách thức với kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh

Trong phiên 3 - Hội thảo Y tế công nghệ cao & số hóa “Cập nhật chẩn đoán & điều trị bệnh động mạch vành phức tạp - tối ưu hóa kỹ thuật hình ảnh trong điều trị đột quỵ cấp”, CN Nguyễn Quang Trung - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đem đến bài báo cáo “Tối ưu hóa kỹ thuật giảm xảo ảnh trong chụp CTA-MRA trên bệnh nhân đặt stent”. Ông nhấn mạnh, đánh giá mạch máu sau đặt stent vẫn là thách thức lớn đối với kỹ thuật viên. Do đó, với từng phương pháp phải sử dụng tối ưu để bộc lộ được hình ảnh tốt nhất về kỹ thuật cũng như ứng dụng của máy.

Đối với phương pháp chụp cắt lớp vi tính, CN Nguyễn Quang Trung nhận định, đây là phương pháp vô cùng hữu ích trong việc đánh giá sau can thiệp về tình trạng tái hẹp và mảng bám sau đặt stent. Tuy nhiên, ảnh giả trong stent là một vấn đề phổ biến trong việc đánh giá hình ảnh CTA. Đồng thời, mức độ phụ thuộc vào các đặc điểm như cấu trúc stent, chất liệu stent. Giải pháp cho kỹ thuật này là tối ưu HU trong lòng stent để đánh giá mức độ hẹp, mảng xơ vữa, tái hẹp; Tái tạo cửa sổ ảnh tương thích bổ xung thông tin; Xử lý ảnh sau chụp hạn chế nhiễu ảnh sau can thiệp phình ĐM thông trước (MAR); Sử dụng KV cao giảm hiệu ứng thiếu hụt proton để tăng tương phản;  Tối ưu các phần mềm giảm nhiễu của các hãng máy và nên ưu tiên sử dụng các dòng máy thế hệ mới.

Xem thêm: Người phụ nữ 3 lần bị đột quỵ may mắn được cứu sống

CN Nguyễn Quang Trung - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Về phương pháp cộng hưởng từ, đây là kỹ thuật không sử dụng tia xạ và có độ phân giải cao; có thể đánh giá mức độ hẹp cao hơn so với thực tế; là phương pháp đánh giá các stent đảo hướng dòng chảy nội sọ, nút coil. Tuy nhiên, có một số Artifact xuất hiện khi thăm khám MRI. Để xử trí cho vấn đề kỹ thuật của phương pháp này, nên sử dụng các chuỗi xung thăm khám thường quy hoặc 3D TOF và CE-MRA. Trong đó, 3D TOF để đánh giá tổn thương các mạch não có đường kính dưới 3mm. Tuy nhiên rất khó để giải quyết tình trạng trong lòng của mạch được đặt stent. Còn CE-MRA là kỹ thuật chụp mạch MRI tăng cường độ tương phản thường được sử dụng để cung cấp tín hiệu lưu lượng máu bằng cách sử dụng chất tương phản gadolinium. Nó có thể xác định dòng chảy chậm của chứng phình động mạch tái phát sau can thiệp stent. CE-MRA còn có thể cải thiện độ nhạy phát hiện của dòng chảy tái thông và giảm các xảo ảnh kim loại liên quan đến stent động mạch ở một mức độ nhất định.

Qua trình bày, CN Nguyễn Quang Trung cho rằng, việc lựa chọn phương pháp tối ưu cho từng loại vật liệu sau can thiệp là điều hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa bác sĩ và kỹ thuật viên để thực hiện kỹ thuật, lựa chọn phương pháp phù hợp và cho ra kết quả chính xác nhất.

BS Nguyễn Dương Quốc Anh mang đến bài báo cáo “Chẩn đoán hình ảnh trong đột quỵ não cấp” tại phiên 3 của hội thảo
Bài báo cáo “Kỹ thuật cộng hưởng từ tưới máu não kỹ thuật và ứng dụng lâm sàng” được CN lê Thanh Phong - Bệnh viện Chợ Rẫy trình bày tại phiên 3
Bài báo cáo tại phiên 3 - “An toàn bức xạ trong can thiệp nội mạch”, KTV Trần Bá Khoa - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM
CN Nguyễn văn Anh - Siemens Healthineers Việt nam với bài báo cáo “Những bước tiến công nghệ trong hình ảnh đột quỵ”

Hội thảo Y tế công nghệ cao & số hóa “Cập nhật chẩn đoán & điều trị bệnh động mạch vành phức tạp - tối ưu hóa kỹ thuật hình ảnh trong điều trị đột quỵ cấp” diễn ra trong hai ngày 15 và 16/12/2023.

Hội thảo quy tụ các chuyên gia can thiệp tim mạch, chẩn đoán hình ảnh và cấp cứu đột quỵ trong nước và quốc tế về tham dự. Thu hút hơn 250 người theo dõi trực tiếp và trực tuyến.

Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ phối hợp với Liên Chi hội Kỹ Thuật hình ảnh Y học TPHCM tổ chức hội thảo chuyên môn tại Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X