Nặng ngực, khó thở, coi chừng phình động mạch chủ
Khi động mạch chủ bị phình, bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu khó thở, đau ngực..., có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng do mất máu.
Động mạch chủ là đường dẫn máu lớn nhất của cơ thể, xuất phát từ tim và chia nhánh đem máu giàu oxy đến các cơ quan. Phình động mạch chủ là sự suy yếu một đoạn thành động mạch chủ dẫn đến giãn bất thường với đường kính > 50% đường kính bình thường.
Một ca phẫu thuật phình động mạch chủ tại BV ĐH Y dược TP HCM. Ảnh: T.A. |
Dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ phình động mạch chủ
Túi phình động mạch chủ thường phát triển chậm và không có triệu chứng nên khó phát hiện sớm. Khi túi phình đủ lớn, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu và triệu chứng sau:
Đối với phình động mạch chủ ngực, các dấu hiệu nổi bật là:
- Nặng ngực hoặc đau ngực.
- Đau lưng.
- Khàn tiếng kéo dài.
- Khó nuốt.
- Khó thở.
- Ho ra máu.
Đối với phình động mạch chủ bụng, đau bụng âm ỉ là triệu chứng chủ yếu. Nguy cơ lớn nhất của phình động mạch chủ là vỡ túi phình, đây là biến chứng rất nặng có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng do mất máu. Các dấu hiệu gợi ý vỡ phình động mạch chủ ngực bao gồm:
- Đau ngực dữ dội xuất hiện đột ngột, cơn đau lan ra sau lưng đối với phình động mạch chủ ngực; đau bụng dữ dội đối với phình động mạch chủ bụng.
- Khó thở nhiều.
- Da xanh nhợt.
- Ngất.
- Tụt huyết áp.
Khi có những dấu hiệu trên cần đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất để có những xử trí thích hợp.
Bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ sau có thể mắc bệnh:
- Tuổi: Phình động mạch chủ thường xảy ra ở bệnh nhân > 65 tuổi.
- Hút thuốc lá: Thuốc lá là yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh phình động mạch chủ, thời gian hút càng lâu và số lượng hút càng lớn thì nguy cơ càng cao.
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp làm tăng áp lực lên thành động mạch chủ, làm tăng nguy cơ xuất hiện túi phình.
- Rối loạn lipid máu: Tăng lipid máu sẽ dẫn đến hình thành các mảng xơ vữa trong thành động mạch chủ và gây suy yếu thành mạch.
- Gia đình có người bị bệnh phình động mạch chủ.
Phình động mạch chủ thường được phát hiện thông qua các xét nghiệm thường quy hoặc tình cờ phát hiện khi chẩn đoán một bệnh khác. Các xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán phình động mạch chủ ngực là Xquang tim phổi, siêu âm tim, CT Scan ngực có sử dụng thuốc cản quang.
Mục tiêu của điều trị bệnh phình động mạch chủ là ngăn ngừa biến chứng vỡ túi phình. Tùy thuộc vào kích thước, hình dạng và tốc độ phát triển của túi phình mà bác sĩ quyết định phương pháp điều trị từ theo dõi và uống thuốc đến phẫu thuật cấp cứu. Các bác sĩ sẽ lựa chọn điều trị nội khoa (uống thuốc và theo dõi) hoặc điều trị phẫu thuật.
Nếu túi phình động mạch chủ ngực có kích thước nhỏ, bác sĩ sẽ đề nghị tiếp tục theo dõi và uống thuốc cũng như điều chỉnh lối sống để điều trị các yếu tố nguy cơ của bệnh. Thông thường, bệnh nhân sẽ được kiểm tra định kỳ kích thước túi phình mỗi 6 tháng để đánh giá sự tăng trưởng và nguy cơ vỡ.
Nếu kích thước túi phình động mạch chủ > 5,5 cm trên CT Scan, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị phẫu thuật để ngăn ngừa nguy cơ vỡ túi phình. Dựa trên tình trạng của người bệnh, bác sĩ có thể chọn lựa một trong hai phương pháp sau:
- Phẫu thuật mở: Bệnh nhân được mổ hở để thay đoạn phình động mạch chủ bằng một ống nhân tạo. Đây là một phẫu thuật phức tạp, cần sử dụng máy tim phổi ngoài cơ thể trong một số trường hợp. Bệnh nhân cần thời gian dài khoảng trên 1 tháng để hồi phục hoàn toàn.
- Đặt giá đỡ (stent graft) động mạch chủ: Đây là loại phẫu thuật mới, ít xâm lấn và thời gian phẫu thuật ngắn hơn. Bác sĩ sẽ mổ một đường nhỏ ở đùi, từ đó đưa dụng cụ lên qua mạch máu để đến vị trí túi phình, sau đó sẽ bung giá đỡ để máu không còn lưu thông vào túi phình nữa, từ đó loại bỏ nguy cơ vỡ. Phương pháp này ít đau, ít biến chứng và thời gian hồi phục ngắn hơn so với phẫu thuật mở, với khoảng 2 tuần.
Lời khuyên sau khi được chẩn đoán phình động mạch chủ:
Nếu được chẩn đoán phình động mạch chủ và được bác sĩ quyết định tiếp tục theo dõi, bệnh nhân cần tránh các hoạt động sau:
- Nâng nhấc các vật nặng hoặc hoạt động thể thao đòi hỏi gắng sức nhiều.
- Tránh stress về tinh thần vì stress có thể làm tăng huyết áp.
- Ngưng hút thuốc lá.
- Tập thể dục nhẹ đều đặn.
- Tuân thủ điều trị tăng huyết áp (thay đổi sinh hoạt và sử dụng thuốc) để giữ huyết áp ở mức bình thường.
- Tuân thủ điều trị rối loạn mỡ trong máu.
Theo TS.BS Nguyễn Hoàng Định - VnExpress
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình