Hotline 24/7
08983-08983

Nam thanh niên tử vong do cúm A/H5N1, Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng chống 

Thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng chống theo khuyến cáo.

Bộ Y tế vừa thông tin về một nam bệnh nhân (21 tuổi) mắc cúm A/H5N1 tử vong tại Khánh Hòa. Đây là trường hợp mắc cúm A/H5N1 thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận ca mắc bệnh trên người tại Việt Nam.

Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.

Cúm A/H5N1 dễ nhầm lẫn với cúm thông thường

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước.

Bên cạnh đó, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Bộ Y tế nhận định, thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người. Tuy nhiên virus A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao khoảng 50%. Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có nhiều nguyên nhân nhiễm cúm A/H5N1 như sinh sống gần các trang trại gia cầm và lợn là điều kiện thuận lợi làm tăng tính đột biến kháng nguyên virus, làm virus dễ lây nhiễm. Một số chợ trời, nơi bán gia cầm, trứng nhưng điều kiện vệ sinh không đảm bảo; ăn thịt gia cầm và trứng chưa được nấu chín...

Virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A (họ Orthomyxoviridae). Người bệnh nhiễm cúm A/H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường, dễ bị nhầm lẫn và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Mùa Đông, Xuân thời tiết trở lạnh là dịp cao điểm dễ bùng phát thành dịch.

Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm thường bắt đầu trong vòng 2 - 5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng như sốt cao đột ngột (trên 38˚C), đau ngực, khó thở, mệt mỏi, cảm thấy rét run, choáng váng đầu óc; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm...

Những đợt dịch cúm A/H5N1 trước đây lây truyền sang người khiến nhiều người bệnh gặp biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng, phải thở máy… thậm chí là tử vong.

5 biện pháp phòng chống cúm A/H5N1

Dịch cúm A/H5N1 có thể lan truyền thành dịch trong cộng đồng. Vì vậy, mỗi người cần chủ động ngăn ngừa nguy cơ mắc phải bệnh lý này. Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

5. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X