Hotline 24/7
08983-08983

Nấm âm đạo, dấu hiệu nào cảnh báo và bệnh có điều trị khỏi hoàn toàn?

Một thống kê cho thấy có đến 75% phụ nữ bị nấm âm đạo. Điều này nghĩa là cứ trong 4 người phụ nữ thì có 3 người bị nhiễm nấm 1 lần trong đời. Vậy làm sao để nhận diện triệu chứng nhiễm nấm âm đạo? Bệnh lý này có điều trị khỏi hoàn toàn? BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Bệnh viện Từ Dũ đã giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

1. Nấm âm đạo là gì? Ai dễ bị nấm âm đạo?

Thưa BS, một thống kê cho thấy có đến 75% phụ nữ bị nấm âm đạo. Xin hỏi BS, nấm âm đạo là gì, vì sao tình trạng này lại phổ biến như vậy?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Cứ 4 người phụ nữ sẽ có 3 người có thể nhiễm nấm 1 lần trong đời. Đây là bệnh lý khá thường gặp nhưng không nguy hiểm, có thể điều trị được.

Nấm ở “vùng kín” khiến các chị em lo lắng. Cơ quan sinh dục của phụ nữ có ống âm đạo và sự cân bằng hệ vi sinh. Thông thường, hệ vi sinh của âm đạo vẫn có nấm, tuy nhiên điều quan trọng là ở trong chế độ cân bằng, nấm không phát triển quá mức, không bùng phát. Khi có sự cân bằng vi sinh tốt, hiểu nôm na là có độ ẩm tốt, độ chua vừa phải giúp bảo vệ, nên dù có nấm, vi khuẩn nhưng không phát triển thành bệnh.

Song, có những trường hợp, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, khi qua giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh bị sụt giảm nội tiết tố, phá vỡ sự cân cân bằng pH âm đạo. Đây là điều kiện thuận lợi để nấm phát triển. Ngoài ra, phụ nữ mang thai (giai đoạn có sự thay đổi nội tiết rõ ràng), hay người bệnh đái tháo đường, đường huyết không ổn định cũng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, dễ bị nấm âm đạo hơn.

Bên cạnh đó, những người bị suy giảm miễn dịch, ví dụ như bệnh lý tự miễn, phải điều trị bằng corticoid kéo dài, người bệnh HIV cũng dễ bị nhiễm nấm, đặc biệt là tình trạng nấm tái phát.

2. Triệu chứng cảnh báo nhiễm nấm âm đạo?

Vậy đâu là những triệu chứng cảnh báo cho các chị em phụ nữ biết mình có khả năng nhiễm nấm âm đạo ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Triệu chứng thường gặp là ra nhiều khí hư, có màu đặc như sữa chua, có thể kèm theo ngứa rát nhiều. Ngoài ra còn một số khó chịu khác như đau bụng, ngứa và mùi hôi. Những dấu hiệu này không chỉ cảnh báo riêng tình trạng nấm âm đạo mà còn là viêm âm đạo nói chung, các chị em cần quan tâm để đi khám sớm. So với các tình trạng viêm khác, nấm âm đạo sẽ thường có khí hư đặc như màu sữa chua.

Để chẩn đoán chính xác tình trạng nấm âm đạo, khi khám, bác sĩ sẽ sử dụng mỏ vịt nhỏ, quan sát ống âm đạo để kiểm tra tính chất khí hư, đồng thời quan sát để phát hiện bất thường ở cổ tử cung. Khi thăm khám, thao tác này hoàn toàn không đau, rất nhẹ nhàng và rất nhanh. Thời gian thăm khám trực tiếp của bác sĩ chỉ khoảng 5-10 phút, nên các chị em đừng quá lo lắng.

Qua thăm khám, bác sĩ cũng nhìn khí hư của người phụ nữ để ước lượng, chẩn đoán viêm nhiễm âm đạo cho tác nhân gì. Nếu có nấm sẽ điều trị nấm. Một số trường hợp khác, bác sĩ sẽ thử chính xác dịch âm đạo (hay còn gọi là xét nghiệm soi nhuộm) dưới kính hiển vi để kiểm tra có tế bào nấm hay không.

Khi chẩn đoán chính xác được nấm thì việc điều trị không quá khó khăn. Thông thường, chúng ta chỉ điều trị thuốc uống hoặc thuốc đặt trong 1 đợt điều trị khoảng 7 ngày. Sau khi điều trị đợt đầu tiên, nếu còn triệu chứng thì cần quay lại tái khám. Khi đó, bác sĩ sẽ đánh giá xem người bệnh có bị nấm tái phát không, để từ đó tăng phác đồ điều trị dành cho những trường hợp nấm tái phát.

Vì vậy, khi có triệu chứng, các chị em nên đi khám phụ khoa để được chỉ định điều trị phù hợp, không nên vì ngứa rát, khó chịu mà tự ý mua thuốc. Bởi nếu đặt kháng sinh liều cao kéo dài ở âm đạo không đúng có thể gây loạn khuẩn âm đạo, khiến cho bệnh thường xuyên tái phát.

Nếu phát hiện nấm âm đạo các chị em cũng đừng quá lo lắng, vì đây là bệnh lý thường gặp và khi được theo dõi, điều trị tốt thì bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn, giảm thiểu nguy cơ tái phát.

3. Lưu ý gì khi điều trị nấm âm đạo?

Khi điều trị nấm âm đạo, các chị em cần lưu ý gì để hiệu quả, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Nấm âm đạo là bệnh lý thường gặp. Tuy nhiên, có những trường hợp đến khám bác sĩ đã bị nấm quá nặng, viêm nhiễm toàn bộ âm hộ, âm đạo, thậm chí là gây những triệu chứng kích ứng kéo dài. Hoặc trước đó chị em đặt thuốc quá nhiều dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

Đây là những trường hợp mà bác sĩ cần thời gian để tư vấn rõ ràng, giúp bệnh nhân yên tâm và theo điều trị. Điều này rất quan trọng, bởi một lộ trình điều trị 7 ngày, nhưng cũng có chị em sau 3 ngày không thấy đỡ nên ngưng thuốc, thói quen này không đúng.

Vì vậy, khi điều trị nấm âm đạo, các chị em cần lưu ý:

- Thứ nhất, điều trị hết phác đồ.

- Thứ hai, nên trao đổi với bác sĩ về những vấn đề gặp phải trong quá trình điều trị. Ví dụ như có chị em dùng thuốc bị kích ứng, khó chịu thì cũng nên nói với bác sĩ điều trị. Tùy thuộc vào tình trạng đánh giá ban đầu để cân nhắc đổi thuốc hoặc tư vấn hướng điều trị tốt nhất cho các chị em.

4. Dùng kháng sinh dài ngày khiến các chị em dễ bị nấm âm đạo?

Nhiều chị em có thắc mắc là, việc dùng kháng sinh nhiều ngày có dẫn đến nấm âm đạo? Nhờ BS giải thích cụ thể hơn về những trường hợp này ạ.

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Hệ khuẩn âm đạo của các chị em phụ nữ là hệ cân bằng vi sinh, bao gồm cả vi khuẩn có lợi và có hại. Chúng ta hay nghe nói đến Lactobacilli - đây là trực khuẩn ở âm đạo giúp tạo độ chua ở âm đạo. Hay nói cách khác, trực khuẩn này tồn tại trong hệ khuẩn âm đạo để bảo vệ không có tác nhân gây bệnh nào có thể bùng phát, phát triển được.

Nếu chúng ta sử dụng kháng sinh liều cao kéo dài, dù là đường uống hay đặt âm đạo thì đều ảnh hưởng đến hệ vi sinh này, làm cho độ pH trong âm đạo mất đi tính cân bằng, dẫn đến dễ bị các bệnh viêm nhiễm ở nhiều mức độ khác nhau, và bệnh dễ tái phát.

Do đó, về mặt y khoa, bác sĩ không khuyên sử dụng kháng sinh kéo dài, trừ trường hợp có chỉ định. Đặc biệt, khi sử dụng kháng sinh phải dùng đúng loại và đúng liệu trình. Hiện tại, ở Việt Nam, bệnh nhân rất dễ để mua kháng sinh tại nhà thuốc để tự điều trị, đây là mối nguy hại. Vì khi sử dụng kháng sinh không đúng sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Sau này khi chúng ta mắc bệnh cần sử dụng kháng sinh thì có thể thuốc không còn đáp ứng nữa.

Hơn nữa, kháng sinh có thể tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi, tạo điều kiện cho những vi khuẩn có hại phát triển, thậm chí nấm cũng có thể bùng phát gây triệu chứng viêm nhiễm. Vì vậy, việc điều trị bằng kháng sinh nên được cân nhắc bởi bác sĩ.

4. Các phương pháp điều trị nấm âm đạo

Hiện nay nấm âm đạo được điều trị bằng những phương pháp nào, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Thông thường, điều trị nấm âm đạo rất đơn giản. Chúng ta chỉ phải điều trị bằng cách thuốc kháng nấm đặc hiệu. Đa số các chị em có thể dễ dàng tiếp cận những loại thuốc kháng nấm sau khi được bác sĩ thăm khám, kê toa thuốc.

Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc kháng nấm có một số cân nhắc, đó là không nên dùng trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Vì vậy, khi khám, các chị em nên thông báo cho bác sĩ biết có đang trong thai kỳ không. Tùy thuộc vào giai đoạn mang thai mà bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các loại thuốc cho mỗi giai đoạn. Đó là lý do vì sao khi đi khám phụ khoa, bác sĩ sẽ hỏi về kỳ kinh, nếu trễ kinh sẽ được kiểm tra xem có thai không, để cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

5. Cần làm gì để phòng ngừa nấm âm đạo?

Phòng ngừa nấm âm đạo như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Trước tiên, các chị em phụ nữ cần giữ một cơ thể khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ, tập thể dục để nâng cao sức đề kháng. Đây là yếu tố quan trọng để phòng ngừa mọi bệnh tật, không riêng gì viêm nhiễm phụ khoa.

Ngoài ra, cần có chế độ vệ sinh “vùng kín” phù hợp. Nhiều chị em có thói quen thụt rửa âm đạo (dùng vòi nước xịt thẳng vào âm đạo, hoặc sử dụng nước rửa phụ khoa bơm thẳng vào âm đạo) nhưng điều này có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh âm đạo và thực tế điều này cũng không cần thiết. Chưa kể một số người còn đưa tay vào âm đạo để kiểm tra bên trong, thói quen này cũng không tốt. Vì trên móng tay của chúng ta có thể không sạch, sẽ góp phần đưa vi khuẩn từ bên ngoài vào âm đạo. Do đó, cần lưu ý loại bỏ các thói quen không tốt khi vệ sinh “vùng kín”.

Điều quan trọng là khi có triệu chứng bất thường thì nên đi khám sớm, để được điều trị đúng và đủ, bệnh có thể khỏi hoàn toàn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X