Một học sinh mất trí nhớ sau khi mất tích
Ông Nguyễn Hữu Thanh (cha Kiệt) cho biết ông vui mừng vì tìm được con, nhưng buồn vì Kiệt không còn nhớ gì và phải tạm nghỉ học.
Nguyễn Anh Kiệt, học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang), đột ngột mất tích và được tìm thấy ở BV Tâm thần Tiền Giang trong tình trạng gần như mất trí nhớ hoàn toàn.

Té sông, mất trí nhớ?
Ông Thanh kể khoảng 15g ngày 25/9 Kiệt xin phép cha mẹ đi đá bóng với bạn. Nhưng sau đó vợ chồng ông không biết con ở đâu, hỏi bạn bè, người quen cũng không ai biết. Đang lo lắng thì khoảng 19g cha mẹ của T. (bạn Kiệt) dẫn theo con gái đến nhà ông Thanh mắng vốn: “Kiệt đã đánh T. hồi chiều”.
Theo lời kể của T., Kiệt và T. đi dạo ở công viên dưới chân cầu Rạch Miễu. Một hồi nói chuyện qua lại xích mích, Kiệt dùng tay đánh vào sau cổ T. chảy máu. T. kêu cứu và được đưa vào Bệnh viện K.120 gần đó. Trong lúc T. đang chờ băng bó vết thương ở bệnh viện thì Kiệt vào, T. òa khóc. Thấy vậy nhiều người đuổi đánh Kiệt.
Đến đây hai gia đình nghĩ rằng Kiệt sợ cha mẹ la mắng nên bỏ nhà đi, chắc một hai hôm sẽ về. Tuy nhiên nhiều ngày trôi qua Kiệt vẫn bặt vô âm tín. Ngày ngày, vợ chồng ông Thanh túc trực ở cổng trường và rảo quanh các khu nhà trọ, đêm đến mở cửa chờ Kiệt nhưng không thấy bóng con.
Khoảng 6g30 ngày 6/10, vợ chồng ông Thanh nhận được điện thoại của T. thông báo: “Có thể Kiệt đang ở bệnh viện tâm thần vì có người thông báo như thế”. Vợ chồng ông Thanh lập tức đến Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang. Các bác sĩ bảo có một nam bệnh nhân trẻ vô danh vào viện từ ngày 27/9. Xuống phòng bệnh gặp con, vợ chồng ông gọi tên con khàn cả giọng nhưng Kiệt không nhận ra. “Tôi nắm tay gọi con, nói là cha nó, nó cũng không nhận ra” - ông Thanh kể.
Thiếu tá Lê Văn Thanh, đồn công an Khu công nghiệp Mỹ Tho, cho biết tối 25/9 có một tàu chở cá đến báo có cứu được một cậu bé giữa sông dưới chân cầu Rạch Miễu nhưng cậu bé này không nhớ gì. Do cậu này không nhớ gì, không biết mình tên gì nên công an đã đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Tiền Giang. Sau đó trung tâm này chuyển cậu đến BV Tâm thần Tiền Giang. Đến ngày 6/10 thì gia đình tìm được cậu.
Việc gia đình tìm ra Kiệt phần lớn nhờ vào sự nhiệt tình của các cô điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang. Kiệt kể: “Tối 5/10 con vào phòng các cô điều dưỡng trực và mượn máy tính nghe nhạc online”.
Tối 5/10, khi Kiệt vào trang cá nhân tên H.T. trên mạng Internet, điều dưỡng Đỗ Nguyệt Sang hỏi người này là ai, Kiệt bảo không biết, trước đó thường vào nên quen. Chị Sang thử chat với một người có nickname N.N. trên trang H.T. với nội dung: “Người sử dụng nick này đang ở bệnh viện tâm thần”. Tuy nhiên nick N.N. nói lại là “đồ khùng điên”. Chị Sang nhẫn nhịn xin số điện thoại của T. hay người nào đó trong nhóm T. chơi thân, chẳng hạn S.H. (vì nhìn ảnh thấy người này có nét giống Kiệt). N.N. cho số điện thoại của S.H..
23g, điều dưỡng Trần Thị Trúc Ly gọi điện cho S.H. hỏi “em có người anh nào mất tích không?”. S.H. trả lời không và tắt điện thoại. Chị Trúc Ly quyết định chụp hình Kiệt và đưa lên trang của H.T. kèm theo câu: “Tôi là ai? Tôi đang ở bệnh viện tâm thần”. Kết quả thông tin đó được bạn bè của Kiệt biết và thông báo cho cha mẹ em.
Có khả năng Kiệt bị rối loạn trầm cảm Theo BS Huỳnh Văn Trước - trưởng khoa điều trị BV Tâm thần Tiền Giang, người trực tiếp điều trị cho Kiệt suốt 10 ngày em ở bệnh viện, thời gian điều trị quá ngắn và chưa có nhiều thông tin từ phía gia đình nên chưa thể kết luận chính xác tình trạng bệnh của Kiệt.
Tuy nhiên, bước đầu bệnh viện chẩn đoán có khả năng Kiệt bị rối loạn trầm cảm và chắc chắn trước đó Kiệt đã bị stress kéo dài. Ngoài ra, cũng cần xác định xem khi Kiệt té sông (hay tự nhảy xuống sông từ nguyên nhân trầm cảm) em có bị đuối nước, chết một số tế bào não hay không. Gia đình cần đưa Kiệt đến bệnh viện tiếp tục khám và điều trị.
BS Trần Thị Thật, giám đốc BV Tâm thần Tiền Giang, nói hiện số bạn trẻ bị stress và trầm cảm đang tăng một cách báo động.
Trong trường học, các em bị áp lực học tập, ngoài đời và ở gia đình các em lại có một số áp lực khác nữa nên rất dễ stress. Nếu kéo dài sẽ bị trầm cảm, và khi bị trầm cảm các em có thể nghĩ đến chuyện tự tử.
V.TR. |
Theo Ngọc Hậu - Tuổi Trẻ
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình