Hotline 24/7
08983-08983

Mong được nghe bệnh nhân... phàn nàn

Dù gia cảnh khó khăn nhưng chị luôn chăm sóc bệnh nhân thật chu đáo trong một môi trường nguy hại, lây nhiễm cao.

“Khoa Hồi sức chống độc của BV Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) là nơi chăm sóc những người mắc bệnh lao nặng, hôn mê sâu, trong đó không ít bệnh nhân kháng cả thuốc, nhiễm HIV... Do vậy, công tác tại khoa này đồng nghĩa với việc dấn thân vào môi trường cực kỳ độc hại, có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh rất cao” - BS Nguyễn Đình Duy, Phó Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch, nhận định. Và hộ lý Lê Ngọc Hạnh đã dấn thân trong môi trường cực kỳ nguy hại ấy suốt 14 năm qua.

Quần quật với bệnh nhân

Khu bệnh chị Hạnh phụ trách lúc nào cũng có trên dưới 15 bệnh nhân nặng. Có người nằm một chỗ, không thể đi đứng, chẳng tự vệ sinh. Cũng có bệnh nhân không họ hàng, chẳng người thân thích. Chị Hạnh quần quật với hết người bệnh này đến bệnh nhân khác: khi thì lau mình, cho uống thuốc; lúc đi đổ bô, thay tấm trải…

Thậm chí đôi lúc chị còn giúp điều dưỡng tiêm thuốc, truyền dịch cho bệnh nhân. Không ít bệnh nhân do nằm một chỗ khá lâu hoặc nhiễm HIV nên người lở loét khiến người thân cũng ngại đến gần. Thế nhưng chị Hạnh vẫn luôn cần mẫn lau rửa, chăm sóc tỉ mỉ từng vết lở.


Chị Hạnh đang chăm sóc một bệnh nhân nặng bị hôn mê sâu. Ảnh: Trần Ngọc

Hỏi chị thường xuyên tiếp xúc với những người bệnh nặng có sợ lây nhiễm không, chị Hạnh thật lòng: “Nói không là tự dối mình. Do làm việc trong môi trường dễ lây nhiễm nên tôi phải vừa tự bảo vệ mình, vừa cố gắng chăm sóc bệnh nhân chu đáo…”.

Nếu như không một hộ lý nào muốn nghe bệnh nhân rầy rà, cằn nhằn thì chị Hạnh lại rất muốn được người bệnh phàn nàn, càng nhiều càng tốt.

“Người mắc bệnh lao nặng, hôn mê sâu… mới phải vào khoa Hồi sức chống độc, do vậy rất khó hồi phục. Nhiều người từ lúc vào đến khi gia đình mang về lo hậu sự chẳng nói một lời. Cũng không ít người chẳng thể phản ứng khi mình mạnh tay. Chỉ những bệnh nhân sức khỏe được cải thiện, tỉnh táo mới nhận biết những điều chung quanh, mới lên tiếng phàn nàn khi mình chăm sóc chưa tốt. Bệnh nhân khỏe là tôi vui rồi, dù có bị kêu ca” - chị Hạnh trải lòng.

Nhường cơm sẻ áo

Nhiều bệnh nhân ở khoa Hồi sức chống độc thuộc diện nghèo khó, không có tiền. Ngày đầu nhập viện, do bệnh viện chưa chuẩn bị phần ăn nên người bệnh phải tự túc. Những lúc như thế, chị Hạnh lại trích lương của mình mua cơm, cháo, kể cả những vật dụng linh tinh khác cho người bệnh.

“Mình chẳng dư dả nhưng nhiều bệnh nhân còn khổ hơn mình nên giúp được gì thì giúp, chỉ mong người bệnh mau khỏi” - chị Hạnh bộc bạch.

Quả thật, cuộc sống chị Hạnh còn không ít chật vật. Ngoài việc quần quật với bệnh nhân, về đến nhà chị lại phải chăm sóc mẹ già bị tiểu đường và em gái mắc bệnh tim nặng, mất sức lao động. “Mỗi tháng, tiền thuốc cho mẹ và em gái không nhỏ, bởi vậy tằn tiện lắm tôi mới đủ sống. Do hoàn cảnh nên tôi chẳng dám nghĩ đến chuyện lập gia đình” - chị Hạnh thổ lộ.

Hỏi có bao giờ được người bệnh tặng hoa, tặng quà nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam chưa, chị Hạnh lắc đầu, cười xòa: “Tôi toàn chăm sóc bệnh nhân nặng nên họ đâu đủ sức lội bộ mua hoa, mua quà. Với lại đa số họ là bệnh nhân nghèo, không mua nổi chai nước, cuộn giấy vệ sinh thì sao mua được bó hồng, xấp vải để tặng tôi”.

Chị Hạnh tiếp tục trải lòng: “Không ít lần đang cặm cụi lau rửa, chăm sóc bệnh nhân thì họ nắm tay tôi mỉm cười và nói lời cảm ơn. Đối với tôi, tiếng cảm ơn của người bệnh hơn hẳn những lẵng hoa hoặc gói quà đắt tiền”.

Ngày 22-2, Sở Y tế TP.HCM tổ chức giao lưu với bốn thầy thuốc tiêu biểu của TP.HCM nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2): BS Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc BV Nhi đồng 2; BS Nguyễn Thị Hằng, Trưởng Trạm Y tế phường 7 (quận 6); nữ hộ sinh Nguyễn Thị Kiều Oanh, BV Từ Dũ và hộ lý Lê Ngọc Hạnh, BV Phạm Ngọc Thạch.


Theo Pháp luật TP.HCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X