Hotline 24/7
08983-08983

Mỗi người dân sẽ có một mã QR cho mọi ứng dụng chống dịch, tích hợp thẻ xanh COVID-19

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 11/9, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với mã QR cá nhân trên nền tảng ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19. Cách thức cấp và sử dụng mã QR cá nhân đã được gửi đến các đơn vị liên quan trong việc xây dựng nền tảng, ứng dụng phòng chống dịch COVID-19. Mã QR mới là phiên bản 1.1.

Theo đó, mỗi cá nhân sử dụng các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 được cấp một mã QR cá nhân. Mã QR cá nhân có thể được sử dụng để cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đọc và truy vấn các dữ liệu liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Việc hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch COVID-19. Người dân có thể cài đặt, sử dụng nền tảng, ứng dụng có cung cấp mã QR cá nhân phù hợp với nhu cầu và không cần cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau.

Cũng theo đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT), về lâu dài, khi các nền tảng tích hợp thêm tính năng "thẻ xanh" COVID-19, cũng sử dụng chuẩn một mã QR để thuận lợi cho người dân.

Mỗi mã QR phiên bản 1.1 mới sẽ chứa chuỗi thông tin gồm số CMND/CCCD, họ tên, ngày sinh, mã người dùng trên nền tảng QR quốc gia, kiểu dữ liệu (tự khai hay khai hộ), cùng một số thông tin mở rộng như: giới tính, số điện thoại, mã số thẻ bảo hiểm...

Để được cấp mã QR này, người dân cần khai báo thông tin chính xác. Thông tin được khai báo từ các ứng dụng phòng chống dịch sẽ được gửi đến hệ thống QR quốc gia. Hệ thống này tiếp tục gửi đến hệ thống xác thực. Nếu thông tin chính xác, hệ thống sẽ trả về mã QR, nếu sai sẽ báo lỗi.

Hiện Bộ TT&TT đã hoàn thành xây dựng nền tảng mã QR quốc gia, dự kiến mất khoảng một tuần để các ứng dụng kết nối, đồng bộ dữ liệu. Các nền tảng, ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 đáp ứng yêu cầu kỹ thuật được công bố tại website: https://covid19.tech.gov.vn.

Trước đó, ngày 10/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Phó ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) cho rằng các bộ, ngành, doanh nghiệp đã phát triển nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng chống dịch nhưng thiếu sự kết nối, chia sẻ. Nhiều công cụ khi triển khai thực tế chưa tạo thuận lợi cho người dân sử dụng. Thực tế, nhiều người dân tỏ ra lúng túng khi phải sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ phòng chống dịch khác nhau.

Vì vậy, theo Phó thủ tướng, yêu cầu đặt ra là trong thời gian sớm nhất phải có ứng dụng duy nhất phục vụ phòng chống dịch, thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ nhiệm vụ này.

“Ứng dụng, giải pháp phải thuận tiện để người dân sử dụng và phục vụ thiết thực cho phòng chống dịch”, Phó thủ tướng nhấn mạnh. Ông giao Bộ TT&TT làm đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ quan liên quan khẩn trương phát triển ứng dụng mới, đồng thời hướng dẫn chi tiết, triển khai đồng loạt.

Hiện, Việt Nam đang sử dụng rất nhiều app (nền tảng) phòng, chống dịch COVID-19 khác nhau của các bộ như Bluezone, NCOVI, Vietnam Health, Sổ sức khỏe điện tử, Quản lý cách ly...; hay của từng địa phương như HCDC App, Y tế HCM, mới nhất là VNEID (do TPHCM và Bộ Công an phối hợp xây dựng)...

Ngoài ra, một số địa phương cũng tạo các ứng dụng riêng. Mỗi ứng dụng lại sinh ra một mã QR khác nhau sau khi người dùng khai báo, gây nên tình trạng người dùng khi di chuyển có thể phải cài hàng loạt ứng dụng khác nhau.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X