Hotline 24/7
08983-08983

Mối liên hệ giữa suy giảm nhận thức và Alzheimer

Suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ và Alzheimer có mối liên hệ ra sao? Suy giảm nhận thức nếu không điều trị sớm, ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống người bệnh? Những thắc mắc này đã PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị - Trưởng bộ môn Thần kinh, ĐH Y Dược TPHCM; Chủ tịch Hội Thần kinh học TPHCM, PCT Hội Thần kinh Việt Nam giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Làm sao để phân biệt suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ và Alzheimer?

Thưa PGS Vũ Anh Nhị, hiện nay nhiều người nhầm lẫn giữa những khái niệm Suy giảm nhận thức, Sa sút trí tuệ và Alzheimer. Nhờ PGS giải thích rõ hơn cho khán thính giả hiểu về những khái niệm này ạ? Trong đó, suy giảm nhận thức và Alzheimer có mối liên hệ ra sao?

PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị trả lời: Suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ và Alzheimer đều có chung một đặc điểm quan trọng đó là gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ, song mỗi loại lại có một đặc điểm khác nhau.

Chẳng hạn, người lớn tuổi (từ 50 - 60 tuổi) thường có biểu hiện suy giảm nhận thức. Lúc này, triệu chứng quên sẽ thỉnh thoảng xảy ra, người bệnh có lúc quên hoàn toàn trong thời điểm nào đó nhưng sau đó lại sẽ phục hồi lại. Đặc biệt, người bị suy giảm nhận thức thường có triệu chứng quên ngữ cảnh, nơi chốn hoặc mất khả năng phân tích sâu sắc của một sự việc.

Sa sút trí tuệ là một tình trạng bệnh nhân suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến chức năng sống của người bệnh, trong đó có ngôn ngữ, khả năng viết, hành động... Bệnh có thể tiến đến bệnh Alzheimer nếu suy giảm nhận thức tiến triển dần đến mức gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.

Người ta thấy rằng, triệu chứng điển hình nhất của suy giảm nhận thức là quên. Nếu biểu hiện quên chỉ xảy ra ở người bình thường, người lớn tuổi hay những người có bệnh về thần kinh, (đột quỵ, động kinh hoặc tâm thần) thì đó có thể là suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, nếu tình trạng hay quên ảnh hưởng đến người bệnh, khiến họ dần mất chức năng như ngôn ngữ (sử dụng từ ngữ, diễn đạt câu) hoặc nhận thức trong quá trình học thì người ta gọi đó là sa sút trí tuệ tiến triển thành bệnh Alzheimer.

2. Suy giảm nhận thức và Alzheimer liên quan thế nào đến độ tuổi, giới tính, thói quen sinh hoạt?

Tình trạng suy giảm nhận thức và Alzheimer liên quan thế nào đến độ tuổi, giới tính, thói quen sinh hoạt?

PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị trả lời: Suy giảm nhận thức được chia làm 2 loại:

Thứ nhất là suy giảm nhận thức bình thường. Loại này thường liên quan đến yếu tố tuổi tác. Ví dụ, người từ 65 tuổi trở lên có thể hay quên, thu hẹp nhận thức của mình nhưng họ vẫn có thể học tập, đọc hiểu, hồi tưởng lại theo mạch logic.

Thứ hai là sa sút trí tuệ, người ta gọi là suy giảm nhận thức trí nhớ. Với những trường hợp này, bệnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh. Cụ thể, khi làm xong một việc gì đó, người bệnh có thể quên đi ngay sau đó, các trí nhớ hiện tại cứ giảm dần, đồng thời trí nhớ lâu dài cũng mất mát đi, người bệnh không thể nhớ logic mà cứ nhớ từng đoạn một và dần dần trí nhớ bị triệt tiêu hoàn toàn khiến cho bệnh nhân mất đi nhận thức. Ví dụ, nếu người bệnh là một nhà văn thì khi bị sa sút trí tuệ không thể viết được nữa bởi bệnh đã khiến khả năng ngôn ngữ của bệnh nhân giảm sút. Chính vì vậy, đối với sa sút trí tuệ, trong đó có Alzheimer là một bệnh nằm trong nhóm sa sút trí tuệ, bệnh sẽ ngày càng tiến triển gây ra sự mất mát, ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân.

Sa sút trí tuệ có 3 đặc điểm cơ bản gồm:

Thứ nhất là trí nhớ về quá khứ không logic. Cụ thể, khi một việc đang xảy ra, bệnh nhân nhớ rất lâu nhưng nếu có việc khác xen ngang thì họ không nhớ, không có logic. Đôi khi, trong một câu chuyện, người bệnh nói những thứ trong quá khứ và không liên quan đến nội dung hiện tại.

Thứ hai là mất đi trí nhớ ngữ nghĩa, tức là trong quá trình giao tiếp, người bệnh không hiểu được từ ngữ mà người khác đang đề cập đến có nghĩa là gì. Chẳng hạn như, khi nhắc đến từ “lao động”, chúng ta có thể hình dung được nghĩa của từ này đang diễn tả một tác động nào đó lên một vật thể hay đối tượng để tạo ra sản phẩm, nhưng người bệnh sa sút trí tuệ thì không thể hình dung ra được. Điều này cũng khiến cho khả năng sử dụng câu của người bệnh suy giảm, dần dẫn đến suy giảm khả năng giao tiếp.

Thứ ba là mất trí nhớ tiềm ẩn. Cụ thể, bệnh nhân không thể thực hiện một số hoạt động sống như tắm rửa, ăn uống, thay quần áo,…

3. Suy giảm nhận thức có phải là quá trình lão hóa tự nhiên?

Nhiều người cho rằng, suy giảm nhận thức chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, do lão hóa tự nhiên. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ đã gặp người bệnh suy giảm nhận thức trẻ nhất là ở độ tuổi nào và lớn nhất là bao nhiêu tuổi ạ?

PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị trả lời: Người ta thấy rằng tuổi 65 là độ tuổi xuất hiện suy giảm nhận thức Alzheimer nhiều nhất. Tuy nhiên, những người từ 40 - 60 tuổi vẫn có thể xuất hiện triệu chứng sa sút trí tuệ sớm.

Tính đến năm 2015, trên thế giới có khoảng 300 triệu người mắc sa sút trí tuệ Alzheimer, khoảng 6 -10% người trên 65 tuổi bị Alzheimer. Đặc biệt, người càng lớn tuổi thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao, thống kê cho thấy có khoảng 70% người từ 80-90 tuổi bị sa sút trí tuệ Alzheimer.

Theo nghiên cứu, có 70% người bệnh sa sút trí tuệ do di truyền. Người ta thấy rằng gen di truyền có 2 loại, gồm: theo hệ phả và đột biến gen.

Bên cạnh đó, các tác động của môi trường cũng có thể khiến người ta dễ bị sa sút trí tuệ. Cụ thể, nếu cơ thể bị oxy hoá và gốc tự do bị nhiễm độc thì có thể tác động và gây thoái hoá tế bào thần kinh, dẫn đến suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.

Mặt khác, việc sử dụng một số loại thuốc (chẳng hạn như thuốc điều trị cholesterol máu, huyết áp, đái tháo đường) cũng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sa sút trí tuệ.

Đặc biệt, người bệnh sa sút trí tuệ cũng có thể do tác động của stress, căng thẳng, áp lực. Cụ thể, mỗi tác động của con người có thể đáp ứng lại bằng một quá trình phản ứng, quá trình này tạo ra một năng lượng và việc đốt năng lượng này tạo ra rất nhiều gốc tự do. Thông thường, các tế bào liên kết với nhau, tuy nhiên các gốc tự do lại không liên kết với nhau nên sẽ tạo ra chuỗi phản ứng. Người ta thấy rằng, hiện tượng tạo ra nhiều gốc tự do làm phá vỡ hệ thống thần kinh gây nên hiện tượng oxy hoá, lão hoá hoặc sa sút trí tuệ.

4. Yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến suy giảm nhận thức là gì?

Đâu là những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến suy giảm nhận thức, thưa PGS?

PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị trả lời: Nguy cơ hàng đầu của suy giảm nhận thức đó là yếu tố tuổi tác, càng lớn tuổi thì khả năng mắc bệnh càng cao.

Thứ hai là yếu tố gen, tuy nhiên yếu tố này rất khó để xác định.

Thứ 3 là tác động của môi trường, bao gồm nhiều yếu tố về mặt tâm lý, xã hội, tiểu đường, cao huyết áp hoặc đột quỵ. Do đó, người ta thường khuyên rằng chúng ta nên ăn uống đủ chất, có chế độ sống lành mạnh, giảm bớt áp lực, stress để tránh bị trầm cảm, lo âu, mất ngủ bởi đó là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy sa sút trí tuệ tiến triển nhiều hơn.

5. Dấu hiệu nào cảnh báo sớm tình trạng suy giảm nhận thức?

Thưa PGS, đâu là những dấu hiệu cảnh báo sớm tình trạng suy giảm nhận thức?

PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị trả lời: Dấu hiệu sớm nhất của suy giảm nhận thức là suy giảm trí nhớ. Tình trạng suy giảm trí nhớ có thể xảy ra rất sớm. Trên thực tế, đã từng có bệnh nhân đã xuất hiện biểu hiện suy giảm trí nhớ 8 năm trước khi được chẩn đoán xác định Alzheimer.

Đặc tính của suy giảm trí nhớ đầu tiên là người bệnh quên những sự việc tức thì. Dần dần người bệnh sẽ quên từ ngữ, tên của những người không thường xuyên gặp gỡ, đó là những đặc điểm sớm gặp ở rất nhiều bệnh nhân. Chẳng hạn, trước khi mắc bệnh, một số bệnh nhân cất tiền ở một nơi nào đó để dành dụm, tuy nhiên khi bị bệnh thì họ không còn nhớ ra được chỗ đã cất giữ tiền của mình và nghĩ rằng có người khác lấy đi.

Như vậy, triệu chứng sớm đầu tiên đó là trí nhớ, trí nhớ ảnh hưởng đến hiện tại và dần dần ảnh hưởng đến trí nhớ lâu dài. Trên thực tế, khi con người hoạt động trí tuệ, họ cần phải có nền tảng trí nhớ trong quá khứ, đồng thời kết hợp với trí nhớ của hiện tại để tạo ra một hành động trí tuệ hay quyết định đúng đắn. Vì vậy, người trên 65 tuổi thường quyết định ít đúng đắn, không có tư duy sáng tạo, đó là do hiện tượng suy giảm nhận thức gây ảnh hưởng. Ví dụ, khi một người 40 tuổi đánh cờ với người 60 tuổi, chắc chắn người 60 tuổi sẽ dễ thua hơn bởi người 40 tuổi có tư duy, đường đi không đi theo lối cũ.

6. Làm sao để phân biệt dấu hiệu của suy giảm nhận thức và Alzheimer?

Với những triệu chứng rất dễ nhầm lẫn như hay quên, khó khăn khi diễn đạt bằng ngôn ngữ, thay đổi hành vi, tâm trạng, tính cách…, làm sao để phân biệt dấu hiệu của suy giảm nhận thức và Alzheimer?

PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị trả lời: Suy giảm nhận thức không phải là Alzheimer bởi nó có đặc điểm quên, thỉnh thoảng quên hoàn toàn, sau đó nhớ lại. Bên cạnh đó, mặc dù khả năng phân tích sự việc của người bệnh suy giảm nhận thức không còn sâu sắc, cặn kẽ nhưng họ vẫn có thể sử dụng ngôn ngữ bình thường.

Ngược lại, ở những người bị suy giảm nhận thức ở giai đoạn đầu Alzheimer, chỉ có người thân và bệnh nhân mới nhận ra được người bệnh đã có khiếm khuyết trong vấn đề suy giảm nhận thức. Theo đó, triệu chứng rõ ràng nhất là suy giảm khả năng sử dụng ngôn ngữ, giảm sút về nghề nghiệp, tâm trạng như mất ngủ, trạng thái trầm cảm hoặc lo âu.

Như vậy, rõ ràng người bị suy giảm nhận thức Alzheimer thường mức độ suy giảm trí nhớ trầm trọng hơn nhiều. Đặc biệt, tình trạng suy giảm trí nhớ cứ tăng dần làm cho mức độ suy giảm nhận thức nặng hơn. Trong khi đó, người lớn tuổi thì suy giảm nhận thức chỉ dừng lại ở những biểu hiện hay quên nhưng diễn tiến chậm, khoảng 5 - 10 năm. Riêng Alzheimer, diễn tiến bệnh có thể trong 6 tháng hoặc 1 năm, 2 năm thì mức độ suy giảm sẽ rõ dần.

7. Mất bao lâu thì suy giảm nhận thức tiến triển thành sa sút trí tuệ?

Mất bao lâu kể từ khi bị suy giảm nhận thức, người bệnh có thể tiến triển thành sa sút trí tuệ và tỷ lệ này có cao không, thưa PGS? Nếu bệnh tiến triển nặng trở thành sa sút trí tuệ thì đâu là triệu chứng cảnh báo?

PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị trả lời: Để có chẩn đoán bị Alzheimer, người ta có thể mất 8 năm bởi chỉ có người thân hoặc bệnh nhân mới nhận ra được. Triệu chứng cơ bản của Alzheimer cũng là suy giảm trí nhớ. Do đó, một khi tình trạng suy giảm trí nhớ tiến triển thì người bệnh nên đi khám sớm để bác sĩ chẩn đoán xem đó có phải là bệnh Alzheimer hay không.

Trong trường hợp người bệnh đã được chẩn đoán suy giảm nhận thức do tuổi già hay đột quỵ, nếu tình trạng suy giảm trí nhớ ngày càng nặng dần thì cũng cần phải đi khám và không nên chủ quan. Bởi chỉ có người thân và bệnh nhân mới là người hiểu rõ nhất về tình trạng suy giảm trí nhớ của người bệnh.

Hiện nay, người Việt Nam phát hiện bệnh rất muộn, đôi khi bệnh nhân đã bị suy giảm trí nhớ 4-5 năm nhưng đến khi bệnh nhân mất khả năng hoạt động trí nhớ mới đi khám. Một số biểu hiện sớm khác ở bệnh nhân Alzheimer như rối loạn tâm thần, không nghe người thân nói, ám ảnh tâm lý...

Nhìn chung, tiêu chí để phát hiện bệnh sớm nhất vẫn là trí nhớ. Ngay cả ở những người trẻ tuổi nếu xuất hiện tình trạng suy giảm trí nhớ cũng nên đi khám để xác định nguyên nhân. Trong trí nhớ có 3 triệu chứng, bao gồm: trí nhớ lâu dài, trí nhớ ngữ nghĩa và trí nhớ tiềm ẩn.

8. Tình trạng “nhớ nhớ quên quên” liệu có nguy hiểm?

Nhiều người cho rằng, bị suy giảm nhận thức là tình trạng lão hóa tự nhiên mà ai cũng phải trải qua. Thậm chí là xem nhẹ căn bệnh này, vì cho rằng cùng lắm là chỉ nhớ nhớ, quên quên một vài chuyện. Quan điểm này có đúng không, thưa PGS? Nếu suy giảm nhận thức không được phát hiện và điều trị từ giai đoạn nhẹ sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của người bệnh và gia đình?

PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị trả lời: Biểu hiện thường gặp nhất của suy giảm nhận thức là quên. Tuy nhiên, quên cũng là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác, chẳng hạn như động kinh.

Vì vậy, nếu trí nhớ của bạn không tốt, thường xuyên nhớ nhớ quên quên thì bạn cần tìm hiểu xem liệu có điều gì trong cuộc sống của mình gây ảnh hưởng hay không. Những người thường xuyên bị căng thẳng cũng có thể xuất hiện triệu chứng hay quên. Có nhiều cơ chế quên, chẳng hạn như quên khoả lấp (ví dụ một sự việc rất đau đớn và bạn cố gắng quên nó đi, kéo theo quên những thứ khác). Tuy nhiên, nếu hiện tượng “nhớ nhớ quên quên” cứ lặp đi lặp lại thì bạn cần phải đi khám để bác sĩ xác định được nguyên nhân.

Trong rất nhiều trường hợp, phụ nữ tầm 30-40 tuổi đã bắt đầu xuất hiện biểu hiện hay quên. Khi thăm khám, bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này là do bệnh nhân mất ngủ kéo dài, rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc stress.

Vì vậy, việc thăm khám sẽ giúp phân biệt được quên do suy giảm nhận thức nhẹ hay quên do một bệnh lý khác. Đa phần những bệnh nhân khó ngủ thường sẽ bị suy giảm trí nhớ nhưng sự quên này không thường xuyên, không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Với những bệnh nhân bị suy giảm nhận thức nhẹ, biểu hiện quên sẽ thường xuyên hơn và có mức độ trầm trọng hơn. Ngược lại, triệu chứng quên trong sa sút trí tuệ hoặc Alzheimer thường ở mức độ nặng nề hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X