Hotline 24/7
08983-08983

Mẹ thiên nhiên ơi, đừng khắc nghiệt với miền Trung nữa!

Mỗi khi “mẹ thiên nhiên” lên cơn thịnh nộ thì cuộc sống của người dân nơi đây lại ngập chìm trong tang tóc từ thiệt hại về tính mạng, tài sản…

Năm nào cũng vậy, người dân miền Trung phải đón nhận nhiều cơn bão có cường độ mạnh càn quét qua. Sau đó là ngập lũ kinh hoàng khiến cuộc sống vô cùng khốn đốn. Từ lâu, người dân sống ở khúc ruột miền Trung đã xác định phải "làm bạn" với bão lũ.


Hình ảnh khủng khiếp do cơn bão số 3 gây ra tại Đà Nẵng ngày hôm qua. Ảnh: FB

Tối ngày 14/9, bão số 3 đã đổ bộ vào các địa phận Quảng Nam - Quảng Ngãi gây ra mưa to, gió lớn gần 1 giờ đồng hồ liền và nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Tuy vậy, cơn bão cũng làm nhiều cây xanh, bảng hiệu quảng cáo ngã đổ, cũng như đánh chìm hàng loạt tàu cá của ngư dân.

Đặc biệt, hiện nay nguy cơ lũ lụt sau bão có thể xảy ra và nhấn chìm nhà cửa, làng mạc của người dân. Những người con của mảnh đất nghèo miền Trung lại tất bật, gồng mình chuẩn bị mọi thứ để đối phó lũ lụt tràn về.

Ảnh: FB

Cây cối ngã đổ la liệt trên đường. Ảnh: FB

Nước ngập trên các tuyến đường. Ảnh: FB

Còn những người con xa xứ mỗi ngày đều nóng lòng ngóng trông, theo dõi tin tức từng giây, từng phút về tình hình quê nhà. Những cuộc điện thoại gọi về trong đêm để hỏi thăm gia đình đang phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề của mưa lũ gây ra.

Thùy Trang (SV của một trường đại học tại TPHCM) đứng ngồi không yên trong căn phòng trọ nhỏ giữa trung tâm Sài Gòn, khi nghe tin bão đổ bộ vào Quảng Nam quê mình. 

“Miền Trung quê mình nghèo lắm! Nắng thì hạn hán, thiếu nước triền miên, vật nuôi, cây cối chết hết, không còn gì để bán, cộng thêm cát, gió Lào thổi khiến cuộc sống của bà con rất khốn khổ.

Vậy mà năm nào, quê mình cũng phải hứng chịu vài cơn bão to thì làm sao cuộc sống của người dân khá lên được chứ. Giờ nghe tin bão vào, nước sông dâng cao có thể ngập lụt, mình thực sự rất lo lắng cho gia đình. Ước gì mình không phải đi học xa nhà để có thể phụ giúp họ", Thùy Trang bùi ngùi tâm sự.

Nước các sông ở miền Trung đang lên nhanh và có thể gây ngập lụt nhà cửa, làng mạc của người dân. Ảnh: MH

Còn cô Hoa rời mảnh đất quê nghèo Quảng Ngãi vào Sài Gòn lập nghiệp hơn 10 năm. Mấy ngày qua báo chí đưa tin bão đổ bộ vào miền Trung, cô thường xuyên xem ti vi để cập nhật tình hình. Chốc chốc, cô lại lấy chiếc điện thoại “cùi bắp” gọi về hỏi thăm chồng và mấy đứa con tại quê.

Thở một hơi dài ngao ngán, cô Hoa cho biết: “Năm nào cũng vậy, miền Trung đều có bão to đổ bộ vào, dù lớn hay nhỏ nhưng nó cũng để lại những hậu quả và thiệt hại cho người dân nghèo. Mấy ngày này, không biết cha con ông ấy ở ngoài đó sống sao nữa? Nghĩ tới mà lòng đau quặn thắt. Nghe đài báo mưa to, gió lớn mà run quá trời. Cầu mong cho tất cả được bình yên”.

Mỗi khi bão lũ về là để lại nhiều đau thương và mất mát. Ảnh: MH

Một số người nói, bão lũ đã rèn ý chí, sự kiên cường và tình đoàn kết, gắn bó của đồng bào thêm thắm thiết, ân tình. Tất cả chỉ dùng hành động thay cho lời nói.

Trước khi bão đổ bộ, mọi người giúp nhau gia cố lại nhà cửa, liên tục chia sẻ thông tin, gọi điện giục người thân về nơi trú ẩn an toàn. Khi bão về, người dân và cán bộ địa phương luôn sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ nhau từ miếng cơm, chai nước, gói mì…

Sau bão, mọi người lại cùng nhau khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Cứ vậy mà mảnh đất nghèo miền Trung gồng mình hứng chịu, trải qua sự tàn phá khốc liệt của thiên tai rồi lại đứng lên vững vàng. 

Người miền Trung đã khổ và đau thương nhiều lắm rồi, nên "mẹ thiên nhiên" đừng khó tính với nơi đây nữa. Ảnh: MH

Bên cạnh đó, đồng bào cả nước năm nào cũng vậy, nghe tin nơi đâu người dân đang sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” do bão lũ gây ra lại đồng lòng hướng về giúp đỡ. Những chuyến đi thiện nguyện tìm về với dân nghèo, công cuộc vận động ủng hộ đồng bào vùng bão lũ lại được kêu gọi,...

Những hành động đẹp, cứu giúp người gặp khó khăn càng giúp cho con người ta vững lòng hơn để chiến đấu với sự khắc nghiệt của cuộc sống. 

"'Mẹ thiên nhiên' ơi, đừng khó tính với người dân miền Trung như thế nữa. Đau thương và mất mát bao năm qua đã nhiều lắm rồi.

Hãy để cho tôi nhìn thấy được cảnh cánh đồng muối bát ngát, cánh rừng xanh ngút ngàn, hay những chiếc thuyền ra khơi an toàn trở về với khoang cá đầy ắp đi...", đó là lời chia sẻ xúc động của Nguyễn Tân về những gì quê hương miền Trung của mình đang phải gánh chịu.

Theo Đặng Thanh - Sức khỏe cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X