Hotline 24/7
08983-08983

Mắc COVID-19 làm gia tăng nguy cơ đột quỵ gấp 3 lần

Cục máu đông hình thành sau COVID-19, do đâu? Những ai có nguy cơ đông máu, tắc mạch sau khi mắc COVID-19? Nguy cơ đột quỵ gia tăng bao nhiêu lần sau khi mắc COVID-19?... Tất cả những thắc mắc này đã được BS.CK2 Vũ Minh Đức giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Mối liên quan giữa COVID-19 và cục máu đông

Một vấn đề khiến nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 và sau khi khỏi bệnh lo lắng, đó là việc hình thành các cục máu đông. Trước tiên xin BS chỉ rõ hơn, COVID-19 và cục máu đông có mối liên quan như thế nào?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Chúng ta đã nghe nhiều về rối loạn đông máu trong một trường hợp F0 cũng như hậu COVID-19. SARS-CoV-2 là virus xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Tuy nhiên, trong cơ thể có những cơ quan đặc biệt, đó là niêm mạc đường hô hấp, nội mạc mạch máu và cơ tim là những nơi có thụ thể ACE2 để virus SARS-CoV-2 dùng “chìa khóa” để mở “ổ khóa” đi vào trong tế bào.

Như vậy, ngoài việc gây tổn thương đường hô hấp, phổi thì COVID-19 còn gây tác động đến mạch máu, đặc biệt là nội mạc mạch máu. Khi nội mạc mạch máu, nội mô mạch máu bị tổn thương, cơ thể nhanh chóng phát tín hiệu trong dòng máu, đưa tế bào máu - nhất là tiểu cầu sẽ bám tới và tích cực trám lại nơi bị tổn thương. Nhưng cũng chính động thái này đã hình thành nên cục máu đông, kích hoạt con đường đông máu, kêu gọi thrombin và những yếu tố đông máu, hình thành huyết khối gây tổn thương trong mạch máu.

Trong và sau nhiễm virus SARS-CoV-2 (hậu COVID-19), cục máu đông được hình thành với 3 cơ chế:

- Thứ nhất là cơ chế tổn thương nội mạc mạch máu.

- Thứ hai là bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nặng, phải nhập ICU (nằm bất động), dòng máu lưu chuyển chậm, tạo những cục máu đông ở chi, nhất là những người có suy van tĩnh mạch chi dưới.

- Thứ ba là đối với một số trường hợp tổn thương cơ tim có xảy ra tình trạng rối loạn nhịp tim và rung nhĩ (tâm nhĩ thường sẽ bóp theo một nhịp nghỉ, một nhịp thất, nhưng khi tâm nhĩ không bóp nhịp nhàng mà chuyển qua rung, được gọi là rung nhĩ). Máu nằm lưu trú trong buồng nhĩ như “vũng nước” trong ao hồ và có thể tạo thành cục máu đông.

Sau khi khỏi bệnh, làm cách nào để virus còn tác động đến việc hình thành cục máu đông?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Cục máu đông hình thành là do tổn thương nội mạc mạch máu, do rung nhĩ, cũng như do tình trạng ứ trệ không lưu chuyển, vận động trong quá trình nhiễm SARS-CoV-2. Như vậy, cục máu đông đã hình thành từ quá trình người F0 đang nhiễm bệnh. Cục máu đông sẽ lưu chuyển trong mạch máu và tùy theo kích thước lớn - nhỏ, gặp yếu tố thuận lợi như đường kính mạch máu thuận lợi sẽ gây ra tắc mạch và biểu hiện các triệu chứng.

2. Vì sao nguy cơ cục máu đông hậu COVID-19 nghiêm trọng hơn khi nhiễm virus khác?

Vì sao nguy cơ cục máu đông sau khi mắc COVID-19 lại nghiêm trọng hơn so với các bệnh nhiễm virus khác, chẳng hạn như cảm lạnh hay cúm mùa, thưa BS?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Đối với một số virus khác có thể gây ra những triệu chứng như sổ mũi, ho, rát họng, hắt hơi… và cơ chế của những virus thông thường không tấn công vào những thụ thể ACE2 như SARS-CoV-2. Virus SARS-CoV-2 có “chìa khóa” riêng để “mở khóa” đi vào căn nhà là những tế bào ở mạch máu và làm tổn thương mạch máu nên dễ tạo thành cục máu đông.

Hiện nay đã có con số thống kê hay tỷ lệ nào cho thấy mức độ ảnh hưởng khi nhiễm virus SARS-CoV-2 đến việc tác động hình thành cục máu đông?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Hiện tại đã có rất nhiều nghiên cứu. Trên một phân tích gộp của 86 nghiên cứu người ta nhận thấy rằng, tỷ lệ có huyết khối tĩnh mạch sau khi nhiễm SARS-CoV-2 là 14,1%.

3. Những ai có nguy cơ đông máu, tắc mạch sau khi mắc COVID-19?

Thông tin sau mắc COVID-19 làm gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông khiến nhiều người lo ngại.

- Những ai có nguy cơ đông máu, tắc mạch sau khi mắc COVID-19 ạ?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Những người có nguy cơ đông máu, tắc mạch sau khi mắc COVID-19, đó là:

- Người hút thuốc lá nhiều. Chất nicotin trong thuốc lá đã đủ làm tổn thương mạch máu tương tự như virus SARS-CoV-2 gây ra. Vì vậy, đây có thể là điều kiện thuận lợi để tạo ra cục máu đông.

- Người có bệnh nền đái tháo đường. Người bệnh kiểm soát đường huyết không tốt sẽ gây tổn thương nội mạc mạch máu - tình trạng này vốn dĩ gây ra do bệnh nền, sau đó cộng với SARS-CoV-2 có “chìa khóa” xâm nhập vào tế bào làm tổn thương nặng hơn nữa, dẫn đến cục máu đông càng dễ hình thành.

- Người bệnh có rối loạn nhịp, điển hình như rung nhĩ đã có sẵn yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông. Khi nhiễm thêm virus SARS-CoV-2 sẽ càng làm gia tăng nguy cơ này hơn nữa.

- Với những người tái nhiễm COVID-19 2 hoặc thậm chí là 3 lần liệu có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn? Khả năng gia tăng qua mỗi lần mắc COVID-19 sẽ thay đổi ra sao ạ?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Cơ chế hình thành cục máu đông theo định nghĩa tam giác Virchow, thứ nhất là tổn thương mạch máu, thứ hai là ứ trệ dòng lưu chuyển của mạch máu và thứ ba là hiện tượng tăng đông do đáp ứng miễn dịch trong cơ thể. Như vậy, nếu một người nhiễm SARS-CoV-2 lần 1 sẽ có hiện tượng đáp ứng miễn dịch với hệ số nhất định, khi nhiễm lần 2, lần 3 đáp ứng miễn dịch sẽ mạnh hơn và nhiều hơn, nguy cơ hình cục máu đông trong những lần tái nhiễm này sẽ cao hơn nhiễm lần thứ nhất.

4. Biến chứng của cục máu đông, tắc mạch khi không điều trị kịp thời?

Cục máu đông, tắc mạch nếu không kịp thời xử lý sẽ đưa đến những hậu quả gì, thưa BS?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Máu sẽ lưu chuyển trong cơ thể chúng ta giống như nước của dòng sông. Nếu chảy suôn sẻ thì sẽ mượt mà. Nhưng chỉ cần trên dòng sông đó có cục đá - biểu tượng cho những cục máu đông trong dòng máu thì có thể cản trở dòng chảy, nếu cục máu đông tắc ở mạch máu nào sẽ gây ra sự cố cho cơ thể ở cơ quan đó.

Trong đó, hai cơ quan gây lo lắng nhất là tim và não. Nếu cục máu đông tắc ở động mạch vành có thể gây ra nhồi máu cơ tim cấp. Nếu cục máu đông gây tắc ở não có thể dẫn đến đột quỵ do thuyên tắc mạch máu não. Nếu cục máu đông thuyên tắc ở phổi sẽ gây ra nhồi máu phổi, cũng dẫn đến cơn đau ngực, nguy kịch tương tự như nhồi máu cơ tim.

Đây là 3 nơi thường được đề cập đến. Tuy nhiên, cục máu đông không chừa bất kỳ một mạch máu nào trong cơ thể, nó còn có thể gây tắc ở tay, chân. Một người nhiễm SARS-CoV-2 không nhồi máu cơ tim, không thuyên tắc phổi, thuyên tắc não nhưng đột nhiên bị nhức chân, cẳng chân - bàn chân thấy rất lạnh, đó là do thuyên tắc cục máu đông ở mạch máu ngoại biên.

5. Nguy cơ đột quỵ gia tăng bao nhiêu lần sau khi mắc COVID-19?

Đặc biệt, đối với sức khỏe não bộ, cục máu đông gây tác động ra sao ạ? Nguy cơ đột quỵ gia tăng bao nhiêu lần sau khi mắc COVID-19?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Cục máu đông làm cản trở đường lưu thông. Não được nuôi dưỡng bởi “cây” mạch máu não, bao gồm rễ cây và có những nhánh - cành cung cấp oxy, dinh dưỡng cho não. Mỗi một khu vực, diện tích của não sẽ chịu trách nhiệm cho nhiều hoạt động từ ngôn ngữ, vận động…

Nếu có cục máu đông sẽ tắc ở một nhánh nào đó và thể hiện những dấu hiệu thần kinh khu trú. Ví dụ có người méo miệng; có người yếu tay, yếu chân; có người không nói được do tổn thương vùng ngôn ngữ. Nếu cục máu đông tắc ở mạch máu não mà không được can thiệp để tái thông lòng mạch máu thì vùng não đang bị tắc nghẽn mạch máu đó sẽ bị tổn thương.

Một nghiên cứu trên 86.000 bệnh nhân, người ta thấy rằng, bệnh nhân mắc COVID-19 nguy cơ đột quỵ tăng cao gấp 3 lần so với người bình thường.

- Và những nguy cơ này có thay đổi trên những người mắc bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch và người có rối loạn đông máu trước đó so với người khỏe mạnh mắc COVID-19?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Đối với người khỏe mạnh khi mắc COVID-19 có thể xảy ra rối loạn đông máu và gây ra cục máu đông nhưng xác suất này không quá cao, khoảng 14,1%. Tuy nhiên, trên những người bệnh nền đã có sẵn tổn thương mạch máu như người hút thuốc lá, bệnh nhân đái tháo đường, hoặc rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng huyết áp, rối loạn đông máu nguy cơ này càng cao hơn nữa.

BS.CK2 Vũ Minh Đức - chuyên gia tim mạch giàu kinh nghiệm và là GĐ Phòng khám Golden Care TPHCM

6. Cục máu đông làm thúc đẩy đột quỵ ở người bị cơn thiếu máu não thoáng qua?

Theo BS, sau COVID-19, cục máu đông liệu có thúc đẩy nguy cơ đột quỵ cao hơn trên những người có tiền sử bị cơn thiếu máu não thoáng qua?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) nghĩa là bạn có thể có cục máu đông gây tắc mạch máu não nhưng kích thước nhỏ.

Cơ thể chúng ta rất thông minh, khi xảy ra sự cố cục máu đông tắc nghẽn trong mạch máu sẽ huy động các chất chống đông. Nếu các chất chống đông trong cơ thể với liều lượng phù hợp có thể phá vỡ cục máu đông nhỏ, xem như chúng ta tái thông được mạch máu đã bị tắc. Vì vậy, tình trạng này được gọi là thoáng qua.

Tuy nhiên, khi xảy ra một cơn TIA, nghĩa là cơ thể có hiện tượng tăng đông (có thể liên quan đến bệnh lý huyết học hoặc những bệnh lý có yếu tố thuận lợi như tiểu đường, hút thuốc lá...). Một người từng xảy ra cơn TIA thì nguy cơ cục máu đông sẽ lớn hơn rất nhiều so với người bình thường nhiễm SARS-CoV-2.

Có dữ liệu nghiên cứu nào cho thấy điều này chưa ạ?

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Những nghiên cứu gộp đã cho thấy rằng, tỷ lệ xảy ra cục máu đông cao hơn rất nhiều đối với trường hợp đã có bệnh nền và có cơn TIA trước đó.

7. Không đau ngực dữ dội, khó thở nhưng phát hiện thuyên tắc phổi do cục máu đông

Thực tế quá trình thăm khám trong giai đoạn dịch bệnh, BS đã gặp ở tiếp nhận điều trị cho những bệnh nhân bị đột quỵ do cục máu đông hậu COVID-19 chưa ạ? Nếu được BS có thể chia sẻ về tình huống này để khán thính giả hiểu thêm về mối nguy này ạ.

BS.CK2 Vũ Minh Đức trả lời: Tôi có gặp một vài trường hợp. Trong đó, có những ca đã xảy ra sự cố cấp tính trước đó và đến khám hậu COVID-19. Một trường hợp tôi rất ấn tượng, bệnh nhân nhập viện vì thuyên tắc phổi. Tất cả chúng tôi, kể cả bác sĩ đều nghĩ, thuyên tắc phổi phải gây đau ngực dữ dội, khó thở, nhưng bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng choáng đột ngột, xây xẩm, loạng choạng, đã đi khám nhưng không tìm ra nguyên nhân.

Do test COVID-19 dương tính nên đã rà soát lại tất cả các yếu tố thì nhận thấy có biểu hiện tăng đông và làm CT ghi nhận cục máu đông tại phổi. Chúng tôi đã điều trị thuốc kháng đông, đến nay được gần 6 tháng để đảm bảo tình trạng thuyên tắc phổi cho bệnh nhân.

Cảm ơn Nhãn hàng Nattospes Platinum đã đồng hành cùng chương trình!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X