Lipoprotein(a) - Tình trạng ác tính chưa có cách điều trị gây đau tim, đột quỵ
Tăng Lipoprotein(a) máu là yếu tố nguy cơ nguy hiểm gây xơ vữa động mạch có tính di truyền. Tuy nhiên, yếu tố này rất ít được quan tâm và hiện chưa có thuốc đặc trị hay phương pháp là giảm tình trạng tăng nồng độ Lipoprotein(a) trong máu. Vậy Lipoprotein(a) là gì? Làm cách nào để phòng tránh? Tất cả các thắc mắc về vấn đề này được TS.BS Trần Hòa - Phó Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trả lời trong bài viết sau.
1. Lipoprotein(a) là gì?
Xin hỏi BS, Lipoprotein (a) là gì, nắm giữ nhiệm vụ gì trong cơ thể ạ?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Lipoprotein(a) là vấn đề không quá mới, bởi nhiều người đã biết về vai trò và tình trạng của Lipoprotein(a) cách đây 60 năm (từ năm 1963). Có rất nhiều nghiên cứu và bằng chứng có thấy tăng Lipoprotein(a) là một yếu tố nguy cơ tim mạch độc lập và quan trọng.
2. Lipoprotein(a) cảnh báo gì về sức khỏe?
Nồng độ Lipoprotein(a) cho chúng ta biết những vấn đề gì về sức khỏe, thưa BS?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Khác với các yếu tố khác, Lipoprotein(a) tăng cao có liên quan đến các yếu tố di truyền và Gen. So với LDL cholesterol chỉ có nguy cơ về xơ vữa động mạch, còn Lipoprotein(a) tăng sẽ liên quan đến rất nhiều yếu tố và đặc biệt nghiêm trọng trên xơ vữa động mạch.
Lipoprotein(a) có các yếu tố viêm, tăng đông máu, chuyển hóa oxy, do có sự gắn kết của nồng độ Lipoprotein(a) trên các tế bào nội mạc và dưới nội mạc rất chặt. Từ đó, tạo ra xơ vữa và gây những mảng xơ vữa không ổn định, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, đặc biệt là cho những người trẻ.
Lipoprotein(a) được gọi là yếu tố nguy cơ độc lập, chỉ cần tăng nồng độ đã đủ gây ra các biến cố trên lâm sàng, độc lập với tăng huyết áp, đái tháo đường hay độc lập với việc tăng nồng độ LDL cholesterol trong máu.
3. Cứ 5 người có 1 người tăng nồng độ Lipoprotein
Kiểm tra nồng độ Lipoprotein(a) bằng xét nghiệm nào, thưa BS? Khi nào nên xét nghiệm kiểm tra nồng độ Lipoprotein(a)?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Hiện nay, có nhiều phương pháp xác định nồng độ Lipoprotein trong máu. Tuy nhiên, theo các Hiệp hội Xơ vữa động mạch châu Âu, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo, cần chuẩn hóa xét nghiệm nồng độ Lipoprotein trong máu bằng nồng độ nmol/l sẽ tốt hơn và đủ giá trị để phân tích.
Trên thế giới, tỷ lệ tăng nồng độ Lipoprotein trong máu tăng 20%. Theo đó, cứ khoảng 5 người sẽ có một người nồng độ Lipoprotein trong máu tăng cao. Gần như dân số nào cũng xuất hiện tình trạng này, tuy nhiên có sự khác biệt giữa các dân tộc.
Theo ghi nhận, những người da đen hay nhóm người tại khu vực Nam Á có tỷ lệ Lipoprotein trong máu tăng cao hơn những dân tộc khác. Cụ thể, tại châu Phi có tới 30% hay Nam Á 25%.
Tại Việt Nam, chưa có con số cụ thể, nhưng theo thống kê thế giới thì Việt Nam có thể có tỷ lệ 10%, tức khoảng 10 người sẽ có 1 người gặp vấn đề nồng độ Lipoprotein trong máu tăng cao.
4. Giảm Lipoprotein(a) bằng cách nào?
Hiện có cách nào để làm giảm Lipoprotein(a) không, thưa BS?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Mặc dù nồng độ Lipoprotein thuộc nhóm bệnh ác tính và gây các vấn đề tim mạch, nhưng đến nay vẫn chưa có phương pháp nào tác động để làm giảm nồng độ Lipoprotein trong máu hiệu quả. Ví dụ, cho bệnh nhân tập thể dục, ăn kiêng, hạn chế chất béo trong thành phần ăn cũng không thể tác động đến nồng độ Lipoprotein máu của người bệnh.
Những loại thuốc đang sử dụng cho bệnh nhân nhằm hạ LDL cholesterol hay hạ Triglycerid máu, chưa có hiệu quả trong việc điều trị hạ nồng độ Lipoprotein trong máu.
Hiện nay, một số loại thuốc đang trong quá trình nghiên cứu, hy vọng trong thời gian tới sẽ có những chế phẩm đặc biệt giúp bệnh nhân điều trị vấn đề tăng nồng độ Lipoprotein trong máu.
Ngoài ra, một khuyến cáo duy nhất của FDA Mỹ, giúp giảm nồng độ Lipoprotein trong máu là áp dụng phương pháp lọc máu để lấy được Lipoprotein(a) và LDL cholesterol máu cho bệnh nhân.
Đặc biệt, ở những bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch do xơ vữa tiến triển, kèm theo nồng độ Lipoprotein máu tăng cao và xác định đó là yếu tố có thể góp phần gây ra vấn đề bệnh lý tim mạch không ổn định, có thể chỉ định lọc máu để định kỳ lấy Lipoprotein máu ra.
5. Xét nghiệm nồng độ Lipoprotein (a) cần thiết ở nhóm người nào?
Theo BS, ai và từ độ tuổi nào nên xét nghiệm kiểm tra nồng độ Lipoprotein(a) ạ?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Theo khuyến cáo của Hội Xơ vữa động mạch châu Âu, cần tầm soát nồng độ Lipoprotein(a) cho nhóm người lớn tuổi, nếu phát hiện tăng nồng độ Lipoprotein(a), người đó có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch về sau do xơ vữa như: Nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim, hẹp van động mạch chủ do vôi hóa.
Bên cạnh đó nên ưu tiên xét nghiệp cho nhóm người mắc bệnh tim mạch sớm, những người có tăng cholesterol máu tính chất gia đình hoặc trong gia đình có người vô tình xét nghiệm kết quả nồng độ Lipoprotein(a) tăng cao thì những người còn lại trong gia đình phải đi tầm soát các yếu tố nguy cơ này.
6. Bảo vệ sức khỏe tim mạch trước Lipoprotein(a)
Thưa BS, trước sự nguy hiểm của Lipoprotein(a), mọi người cần làm gì để bảo vệ sức khỏe tim mạch ạ?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Tất cả mọi người cần quan tâm đến tình trạng tăng nồng độ Lipoprotein(a) trong máu, bởi vì vấn đề này giống với tăng huyết áp, đái tháo đường và cũng là yếu tố nguy cơ tim mạch gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt với người trẻ tuổi. Trên thế giới, ngay cả trong y khoa và các bác sĩ tim mạch chưa có sự quan tâm chính đáng đến nồng độ Lipoprotein(a).
Theo nghiên cứu tại Mỹ, chỉ 1% bệnh nhân có nguy cơ tim mạch do xơ vữa động mạch được thăm dò, xét nghiệm để tầm soát nồng độ Lipoprotein(a). Số liệu đó cho thấy có hơn 90% bệnh nhân không quan tâm đến vấn đề này, mọi người gần như bỏ quên Lipoprotein(a) trên bệnh nhân, đặc biệt là người trẻ. Vì vậy, mỗi người cần nhớ Lipoprotein(a) là yếu tố nguy cơ tim mạch rất quan trọng và nguy hiểm.
Tóm lại, ngoài các yếu tố tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì,… tăng nồng độ Lipoprotein(a) cũng là một trong những yếu tố nguy cơ tim mạch rất nguy hiểm gây hậu quả nghiêm trọng cho bệnh lý tim mạch đặc biệt ở người trẻ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình