Hotline 24/7
08983-08983

Lấy huyết khối - Kỹ thuật tiên tiến cứu sống bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não

Kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối trong điều trị đột quỵ nhồi máu não là phương pháp tiên tiến, được đánh giá hiệu quả trong việc chữa trị và cứu sống bệnh nhân đột quỵ hiện đang áp dụng trên thế giới và tại Việt Nam.

Đây cũng là nội dung được trình bày trong báo cáo của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực cấp cứu can thiệp đột quỵ tại phiên đầu tiên của Hội thảo quốc tế và Đào tạo Y khoa liên tục CME, với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán điều trị đột quỵ - và xây dựng  mạng lưới cấp cứu can thiệp đột quỵ tại miền Tây” được tổ chức tại Cần Thơ, diễn ra vào ngày 4/11 vừa qua.

Xoay quanh về vấn đề đột quỵ nhồi máu não, các chuyên gia đầu ngành đã có những báo cáo chia sẻ kinh nghiệm về tình hình đột quỵ của các nước, đặc biệt từ Mỹ, Canada, Thái Lan và Việt Nam.
 
 
GS Blaise Baxter tham dự hội nghị với 2 bài báo cáo về tình hình đột quỵ tại Mỹ và cập nhật chỉ định và những tiến bộ trong kỹ thuật can thiệp tái thông điều trị đột quỵ não cấp
 
GS Blaise Baxter - đến từ Trung tâm Đột quỵ Erlenger - Tennessee (Mỹ ) trình bày tình hình đột quỵ tại Mỹ và kinh nghiệm cấp cứu can thiệp đột quỵ tại bệnh viện đột quỵ Erlanger - Tennnessee. Ông cũng là chuyên gia can thiệp đột quỵ hàng đầu, đã thực hiện nhiều nghiên cứu lâm sàng trên thế giới về phát triển kỹ thuật can thiệp thần kinh và có nhiều năm kinh nghiệm trong đào tạo hệ thống cấp cứu đột quỵ tại Mỹ của đại học Tennessee.

Ông cho rằng, kỹ thuật lấy huyết khối trong điều trị đột quỵ não được chứng minh rất tốt và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ chẩn đoán hình ảnh lâm sàng và bác sĩ can thiệp thần kinh. Có như vậy mới điều trị sớm nhất cho bệnh nhân đột quỵ được. Điều này đòi hỏi tinh thần làm việc tập thể và phối hợp nhịp nhàng giữa các y bác sĩ với nhau.

Bên cạnh đó, việc chẩn đoán sớm nguyên nhân đột quỵ được đánh giá là rất quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não. Bên cạnh trình độ chuyên môn cao của bác sĩ thì máy móc, thiết bị góp phần rất lớn trong việc chẩn đoán hình ảnh, giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến đột quỵ. Từ đó, bác sĩ có thể quyết định phương pháp điều trị phù hợp, tiết kiệm “thời gian vàng” cho bệnh nhân. Điều đó đồng nghĩa với việc tỷ lệ cứu sống bệnh nhân đột quỵ não sẽ cao hơn rất nhiều.
 
 
GS Karel Ter Brugge
 
Được mệnh danh là “cha đẻ” ngành can thiệp thần kinh thế giới, Tổng biên tập tạp chí Hội Can thiệp Thần kinh thế giới, Nguyên Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh thế giới - GS Karel Ter Brugge đã giới thiệu trong bài báo cáo của mình các ưu điểm và vai trò của máy MRI 3 Tesla. Đây được xem là “át chủ bài” trong chẩn đoán sớm nguyên nhân đột quỵ.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề cập đến các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị đột quỵ não, dựa theo tài liệu hướng dẫn mới nhất của Y học thế giới.

TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân Dân 115, Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đột quỵ TPHCM trình bày báo cáo: “Cập nhật điều trị rTPA trong đột quỵ nhồi máu não và nhu cầu can thiệp tái thông cấp cứu”.

TS.BS Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh rằng, trong khi cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ, tuyệt đối không được “lãng phí” thời gian của bệnh nhân, vì thời gian là “não”, do đó, tránh làm những xét nghiệm không cần thiết, thậm chí việc xét nghiệm chức năng gan thận có thể làm sau khi chụp CT để ưu tiên tái thông cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân.

Trong báo cáo của mình, ông cũng cho biết rằng, theo tài liệu hướng dẫn của thế giới, các bác sĩ nên lưu ý thời gian nào thì tiêu sợi huyết, thời gian nào lấy huyết khối, thời gian nào chụp cộng từ, chụp CT…
 
 
TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115
 
Còn với GS Sirintara PongPech - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh thế giới 2015 - 2017, vai trò của các bác sĩ can thiệp thần kinh trong đột quỵ - bệnh mạch máu não là rất quan trọng. Do đó, để cứu sống được nhiều bệnh nhân, hệ thống điều trị đột quỵ phải được đào tạo và mở rộng, phát triển hệ thống các bác sĩ đột quỵ trên toàn quốc mà không nên chỉ tập trung chú trọng vào một vài nơi. Điều này thực sự hữu ích, vì bệnh nhân cần được đưa đến trung tâm gần nhất mà vẫn đảm bảo cấp cứu can thiệp đột quỵ hiệu quả với đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao, trang thiết bị hiện đại…
 
 
GS Sirintara PongPech - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh thế giới 2015 - 2017
 
Theo các chuyên gia, Việt Nam sở hữu các bác sĩ can thiệp thần kinh, đột quỵ rất giỏi về chuyên môn. Một số trung tâm cấp cứu can thiệp cũng có đầy đủ các trang thiết bị, máy móc hiện đại không thua kém nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều trung tâm chưa thực hiện đúng quy trình nên hiệu quả can thiệp cấp cứu chưa thực sự tối ưu. Rõ ràng, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như các quốc gia khác trên thế giới.
 
 
 
 
Khách tham dự chăm chú lắng nghe các cập nhật kỹ thuật chẩn đoán và can thiệp về đột quỵ từ chuyên gia thần kinh đột quỵ trong nước và thế giới
 
Hội thảo lần này chính là cơ hội quý báu để các bác sĩ thần kinh - đột quỵ Việt Nam, đặc biệt là các bác sĩ trẻ học hỏi, cập nhật, lĩnh hội kiến thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cấp cứu can thiệp đột quỵ.
 

Hội thảo quốc tế và Đào tạo Y khoa liên tục CME với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán điều trị đột quỵ - và xây dựng mạng lưới cấp cứu can thiệp đột quỵ tại miền Tây” quy tụ nhiều chuyên gia gạo cội trong ngành đột quỵ - tim mạch trên thế giới và tại Việt Nam như GS Karel Ter Brugge - “cha đẻ” ngành can thiệp thần kinh thế giới, Tổng biên tập tạp chí Hội Can thiệp Thần kinh thế giới, Nguyên Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh thế giới; GS Sirintara PongPech - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh thế giới 2015 - 2017; GS.TS Phạm Minh Thông - người khai sinh ra ngành can thiệp thần kinh tại Việt Nam - Chủ tịch Hội Điện quang Y học hạt nhân Việt Nam, PGS.TS Phạm Ngọc Hoa - Chủ tịch Hội Chẩn đoán hình ảnh TPHCM; GS Blaise Baxter đến từ Trung tâm Đột quỵ Erlenger - Tennessee - Mỹ;  TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đột quỵ TPHCM, TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TPHCM…

Hội thảo do Hội Y học TPHCM, Chi Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Đại học Y dược Cần Thơ, Công ty TNHH Y tế Việt Cường và Công ty Siemens Healthineers Việt Nam đồng phối hợp tổ chức.


Đột quỵ là bệnh gây tử vong đứng thứ 3 trong số những nguyên nhân gây tử vong ở con người và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Trong đó, đột quỵ nhồi máu não là dạng thiếu máu cục bộ não. Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam có đến 65-85% các ca đột quỵ là do tắc mạch dẫn đến nhồi máu não. Tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 20%.

Đột quỵ nhồi máu não thường do nghẽn mạch, tắc mạch hoặc co thắt mạch máu não. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh hoặc để lại những hậu quả nặng nề cho bản thân người bệnh, là gánh nặng cho gia đình.

 


 
Phiên 2: Cập nhật các kỹ thuật mới điều trị đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não
 
* Nội dung các phiên tiếp theo sẽ được AloBacsi cập nhật. Mời bạn đọc đón xem.
 
Mỹ Thi - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X